Đây là hội nghị kết nối ngân hàng và doanh nghiệp đầu tiên được tổ chức trong năm 2024, do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh TP Hồ Chí Minh chủ trì, UBND huyện Củ Chi và Văn phòng Đại diện Agribank khu vực miền Nam phối hợp tổ chức.
Theo đó, khách hàng được hỗ trợ thuộc các nhóm đối tượng là tổ chức, cá nhân thuộc 5 nhóm, ngành, lĩnh vực kinh tế được vay vốn với lãi suất ngắn hạn bằng VND theo quy định của Ngân hàng Nhà nước; khách hàng thuộc lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, cho vay bằng ngoại tệ đối với các khách hàng xuất khẩu nông sản; khách hàng vay phát triển sản phẩm chủ lực, sản phẩm tiềm năng của TP Hồ Chí Minh; vay vốn phục vụ xây dựng nông thôn mới; vay vốn theo gói tín dụng ưu đãi đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa quy mô 10.000 tỷ đồng của Agribank…
Trong đó, các chi nhánh Agribank hỗ trợ khách hàng cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN, giảm lãi suất cho vay, tăng hạn mức tín dụng, cho vay lãi suất ưu đãi…
Tính từ đầu năm đến nay, các chi nhánh Agribank trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đã triển khai chương trình với 383 khách hàng, dư nợ trên 1.741 tỷ đồng, qua đó chủ động thực hiện kịp thời các giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn về vốn, phục hồi sản xuất kinh doanh theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước.
Được biết, ngay từ đầu năm 2024, Agribank đã triển khai nhiều giải pháp gia tăng khả năng tiếp cận vốn và thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, trong đó chủ động điều chỉnh giảm lãi suất cho vay, triển khai các chương trình tín dụng quy mô hơn 120.000 tỷ đồng với lãi suất cho vay thấp hơn từ 2,5 - 3% so với lãi suất thông thường để khuyến khích, hỗ trợ khách hàng.
Trong thời gian tới, Agribank sẽ chủ động cân đối để phấn đấu tiếp tục giảm lãi suất cho vay, cơ cấu lại nợ hỗ trợ khách hàng, nhất là các doanh nghiệp; cải tiến, đơn giản hóa thủ tục, quy trình cho vay để nâng cao khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng. Đồng thời, chủ động triển khai đồng bộ, linh hoạt nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng có hiệu quả gắn với kiểm soát, nâng cao chất lượng tín dụng, hướng dòng vốn tín dụng vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên, doanh nghiệp phục vụ cho các động lực tăng trưởng của nền kinh tế.