Hoạt động chủ lực trên địa bàn nông nghiệp, nông thôn, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) đã và đang nỗ lực không mệt mỏi đưa dịch vụ tài chính ngân hàng đến với từng thôn xã, từng gia đình ở địa bàn nông thôn, hiện thực hóa Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia.
Mang dịch vụ ngân hàng đến từng nhà
Quyết tâm cùng ngành ngân hàng hiện thực hóa Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và thúc đẩy thanh toán điện tử trong khu vực dịch vụ công, Agribank chú trọng nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính ngân hàng cho người dân thông qua việc không ngừng sáng tạo trong cung ứng sản phẩm dịch vụ ngân hàng tiện ích, kênh phân phối. Đến nay, Agribank là ngân hàng đi đầu trong hiện đại hóa kênh thanh toán nông thôn bằng việc đầu tư gần 2.530 thiết bị POS được lắp đặt mới, phát triển trên 200 sản phẩm dịch vụ tiện ích ngân hàng. Nhằm đẩy mạnh chủ trương thanh toán không dùng tiền mặt của Chính Phủ, Agribank đã triển khai Đề án phát triển dịch vụ thẻ tại thị trường nông nghiệp, nông thôn từ tháng 9/2019. Với lợi thế về chính sách hỗ trợ ưu đãi, thủ tục đơn giản, linh hoạt, đến nay, hạn mức thấu chi đã cấp trên 1.756 tỷ đồng với 266.853 thẻ. Sáng kiến thẻ thấu chi của Agribank đã được bà con hưởng ứng nhiệt tình và các cấp chính quyền địa phương khen ngợi. Nhờ có thẻ thấu chi Agribank mà tình trạng tín dụng đen giảm mạnh, tình trạng mất an ninh trật tự trên các địa phương vì vậy cũng giảm hẳn.
Thẻ thấu chi không phải là sáng kiến duy nhất của Agribank nhằm phủ sóng tín dụng tới địa bàn vùng sâu, vùng xa, giúp mọi người dân đều có cơ hội. Từ năm 2017, được sự phê duyệt của Ngân hàng Nhà nước, Agribank đã triển khai Điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng để mở rộng tín dụng, cung cấp dịch vụ ngân hàng cho các hộ sản xuất, cá nhân ở khu vực nông thôn vùng sâu, vùng xa tạo điều kiện thuận lợi cho hộ sản xuất, cá nhân trong quá trình vay vốn, góp phần phát triển sản xuất hàng hóa, đẩy lùi nạn tín dụng đen, xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập và đời sống của người dân. Điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng giúp bà con vùng sâu, vùng xa tiếp cận được các dịch vụ ngân hàng, giảm chi phí và thời gian đi lại. Đến nay, Điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng của Agribank đã thực hiện hơn 15.000 phiên giao dịch, phục vụ hơn 1,4 triệu lượt khách hàng tại địa bàn 454 xã trên cả nước, giải ngân 5.679 tỷ đồng, thu nợ 6.208 tỷ đồng, huy động tiết kiệm 3.416 tỷ đồng và cung cấp các sản phẩm dịch vụ tiện ích khác.
Có thể nói, với Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia tại khu vực nông thôn, Agribank đang giữ vai trò chủ lực. Sở hữu mạng lưới lớn nhất hệ thống với trên 2.300 chi nhánh, nay có thêm sự bổ trợ của công nghệ, Agribank có tham vọng phủ sóng rộng hơn dịch vụ tài chính của mình đến tận tay người dùng vùng sâu, vùng xa. Bằng những chương trình cụ thể, Agribank đang nỗ lực mang dịch vụ ngân hàng đến gần hơn với khách hàng, góp phần tạo nên thành công của ngành nông nghiệp, làm thay đổi đời sống nông dân, thay đổi diện mạo nông nghiệp, góp phần tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế đất nước, tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn vay và sử dụng dịch vụ ngân hàng.
Bám sát địa bàn nông thôn, thấu hiểu nỗi khó khăn vất vả cũng như nhu cầu của người dân, Đề án thẻ thấu chi cũng như sáng kiến Điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng của Agribank đã thực sự mang dịch vụ ngân hàng đến tận từng gia đình. Đây cũng là những chương trình rất thiết thực để hiện thực hóa chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 theo Quyết định số 149/QĐ-TTg ngày 22/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ. Ý nghĩa nhân văn to lớn của các sáng kiến này đã giúp Đề án điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng và Đề án đẩy mạnh phát triển dịch vụ thẻ tại thị trường nông nghiệp, nông thôn của Agribank đạt giải Ba và giải khuyến khích tại Cuộc thi sáng kiến vì cộng đồng năm 2020. Giải thưởng này là sự công nhận tâm huyết, sự nỗ lực vì người dân ở địa bàn nông thôn dành cho Agribank. Không chỉ góp phần thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện của Chính phủ, nỗ lực đưa dịch vụ ngân hàng của Agribank đã thể hiện được tinh thần trách nhiệm, ý nghĩa nhân văn cao cả "không ai bị bỏ lại phía sau, mang lại cơ hội tiếp cận dịch vụ tín dụng, tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho tất cả người dân".
Đánh giá về vai trò của Agribank trong việc thực hiện chủ trương không thanh toán tiền mặt tại địa bàn nông thôn, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng đã khẳng định: "Hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt của Agribank đã góp phần thay đổi nhận thức, thói quen của người dân, đặc biệt là người dân ở khu vực nông thôn trong hoạt động thanh toán, nâng cao kiến thức, kỹ năng sử dụng các sản phẩm, dịch vụ thanh toán hiện đại, giảm thiểu rủi ro trong thanh toán theo chủ trương của Chính phủ về Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia. Trong thanh toán lĩnh vực công, Agribank là một trong các ngân hàng đầu tiên triển khai công tác phối hợp thu với cơ quan Thuế, Hải quan, Kho bạc Nhà nước, phủ khắp đến các địa bàn xã, huyện trên cả nước. Với lợi thế về mạng lưới, ngân hàng tiếp tục đưa các sản phẩm dịch vụ tài chính - ngân hàng phủ khắp các vùng miền, đặc biệt là khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, tạo điều kiện thực hiện hiệu quả, thành công sản phẩm dịch vụ ngân hàng lưu động”.
Mở rộng cơ hội tiếp cận vốn, đẩy lùi tín dụng đen
Với mong muốn tiếp tục đẩy mạnh triển khai chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn đến người dân được nhanh chóng và thuận lợi, Agribank đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm cải tiến, tháo gỡ về thủ tục cho vay, đơn giản hóa thủ tục hồ sơ vay vốn, niêm yết công khai minh bạch chính sách tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận vốn vay, chủ động tiếp cận khách hàng, phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức hội (Hội Nông dân, Hội Phụ nữ…) để tuyên truyền, phổ biến chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn đến các khách hàng trên địa bàn. Đến nay, Agribank đã thực hiện cho vay trên 69.000 tổ vay vốn với trên 1,4 triệu tổ viên, dư nợ đạt 167.000 tỷ.
Thấu hiểu đặc thù của ngành sản xuất nông nghiệp, thu nhập mang tính mùa vụ cũng như nhu cầu vốn của người nông dân, Agribank không chỉ phục vụ vốn sản xuất mà còn đáp ứng nhu cầu vay tiêu dùng, phục vụ đời sống cho bà con. Agribank luôn chủ động dành một tỷ lệ vốn nhất định để đáp ứng nhu cầu vay phục vụ đời sống sinh hoạt khu vực nông nghiệp, nông thôn. Sau gần 2 năm triển khai Chương trình tín dụng tiêu dùng, doanh số cho vay đã vượt xa quy mô ban đầu (5.000 tỷ đồng), đạt gần 22.000 tỷ đồng với 230.000 hộ gia đình, cá nhân được bổ sung vốn phục vụ nhu cầu tạm thời, hợp pháp và cấp thiết. Dòng vốn tín dụng tiêu dùng của Agribank đã tạo điều kiện thuận lợi để người dân khu vực nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa có cơ hội tiếp cận với nguồn vốn và các dịch vụ tài chính ngân hàng. Đây là một trong những giải pháp có ý nghĩa rất quan trọng trong việc đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, tạo điều kiện thuận lợi để người dân khu vực nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa có cơ hội tiếp cận với nguồn vốn và các dịch vụ tài chính ngân hàng, góp phần đẩy lùi nạn tín dụng đen.
Trong thời gian tới, Agribank thực hiện tiến trình cổ phần hóa theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, song trong chiến lược phát triển, Agribank vẫn kiên định với mục tiêu nông nghiệp, nông dân, nông thôn là “địa bàn lõi", khách hàng cá nhân, doanh nghiệp vừa và nhỏ là phân khúc chính. Đây là cơ sở vững chắc để Agribank quyết tâm cùng Chính phủ, các ngành, các cấp, người dân và doanh nghiệp hiện thực hóa, triển khai hiệu quả Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia. Điều này có ý nghĩa hết sức to lớn, nhất là khi Việt Nam vẫn còn tỷ lệ lớn người dân vùng sâu, vùng xa chưa có tài khoản ngân hàng, chưa có điều kiện tiếp cận các dịch vụ tài chính.
Sở hữu mạng lưới lớn nhất hệ thống ngân hàng, phòng giao dịch rộng khắp đến tận các thôn, xã, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, là ngân hàng duy nhất có mặt tại 9/13 huyện đảo, ứng dụng công nghệ hiện đại vào hoạt động ngân hàng, Agribank đã và đang đưa dịch vụ tài chính đến tận tay người dân vùng sâu, vùng xa trên khắp mọi miền tổ quốc. Với sự nỗ lực hiện đại hóa hệ thống thanh toán nông thôn, Agribank đang thay đổi dần thói quen sử dụng tiền mặt của khách hàng và góp phần quan trọng vào tiến trình hiện thực hóa chiến lược tài chính quốc gia.