Thứ tư, 11/12/2024
   

“Xanh hóa” tín dụng lĩnh vực xuất khẩu

Các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa gần đây quan tâm nhiều hơn đến các khoản vay xanh để hoàn thiện một chuỗi sản phẩm vào các thị trường EU và các quốc gia yêu cầu sản phẩm xanh.

Một số doanh nghiệp xuất khẩu ở phía Nam cho biết, các quốc gia trong khối EU gia hạn định đến năm 2026 hàng hóa họ nhập khẩu phải đáp ứng các tiêu chí xanh của nội khối. Trong trường hợp không đủ chuẩn xanh sẽ bị áp dụng một mức thuế cao hơn, làm cho hàng hóa Việt Nam mất tính cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu quốc tế.

Thời gian qua, các doanh nghiệp xuất khẩu quy mô lớn đều sử dụng các sản phẩm, dịch vụ, tín dụng của ngân hàng và đã có những doanh nghiệp tiếp cận dịch vụ tín dụng xanh. Đơn cử như HSBC Việt Nam và CTCP Vĩnh Hoàn vừa ký kết một thỏa thuận tín dụng thương mại xanh để giúp nhà xuất khẩu thủy sản hàng đầu Việt Nam bổ sung vốn lưu động cho chuỗi sản xuất thủy sản bền vững. Ngân hàng này đã áp dụng các tiêu chuẩn của Bộ nguyên tắc Tín dụng Xanh quốc tế do Hiệp hội thị trường cho vay và Hiệp hội thị trường cho vay châu Á - Thái Bình Dương ban hành.

Bà Nguyễn Ngô Vi Tâm, Tổng giám đốc Vĩnh Hoàn cho biết, doanh nghiệp theo đuổi mô hình kinh tế tuần hoàn trong sản xuất nuôi trồng thủy sản nhiều năm qua giúp tối ưu hóa chuỗi giá trị, giảm thiểu chất thải và tạo ra giá trị từ các phụ phẩm. Ngoài ra công ty cũng đạt các chứng nhận quốc tế của Hội đồng quản lý Nuôi trồng Thủy sản (ASC CoC) và Thực hành Nuôi trồng Thủy sản Tốt nhất (BAP). Đó là những yếu tố chính giúp công ty thành công nhận được khoản vay thương mại xanh này.

“Xanh hóa” tín dụng lĩnh vực xuất khẩu
“Xanh hóa” tín dụng lĩnh vực xuất khẩu

Lĩnh vực xuất khẩu là một trong 5 nhóm ngành ưu tiên tạo động lực tăng trưởng của nền kinh tế. Trong cơ chế chính sách tiền tệ hiện nay, doanh nghiệp xuất khẩu được vay vốn ngắn hạn bằng VND với lãi suất không quá 4%/năm. Doanh nghiệp xuất khẩu có nhiều lựa chọn về vốn, như chính sách đáp ứng nhu cầu ngoại tệ hợp pháp cho doanh nghiệp đủ điều kiện mua ngoại tệ hoặc vay ngoại tệ để thanh toán.

Riêng TP. Hồ Chí Minh, 10 tháng đầu năm 2024, dư nợ cho vay xuất khẩu bằng VND với lãi suất ưu đãi đạt 105.305 tỷ đồng, chiếm 6,21% tổng dư nợ cho vay 5 nhóm ngành lĩnh vực ưu tiên trên địa bàn. Lãi suất cho vay ngắn hạn dành cho doanh nghiệp xuất khẩu cũng được ưu đãi ở mức không quá 4%/năm. Cũng thời gian này, tổng dư nợ tín dụng ngoại tệ trên địa bàn đạt hơn 130.500 tỷ đồng (quy đổi) chiếm 3,4% tổng dư nợ tín dụng trên đia bàn. Bên cạnh đó, các ngân hàng thương mại đang đáp ứng tốt nhất nhu cầu về dịch vụ cho doanh nghiệp trong hoạt động thanh toán, chuyển tiền và các dịch vụ khác có liên quan đến xuất khẩu.

Về nguồn vốn xanh, hiện nay các tổ chức tín dụng chủ yếu khai thác từ các tổ chức tài chính quốc tế cho vay với lãi suất thấp để cho vay lại đối với các dự án xanh ở trong nước. Doanh nghiệp thực hiện sản xuất kinh doanh trong giai đoạn đầu chi phí có thể cao, tuy nhiên về lâu dài sẽ đảm bảo phát triển bền vững và NHNN Việt Nam cũng đang khuyến khích các tổ chức tín dụng cho vay xanh.

Ông Trần Việt Anh, Chủ tịch Công ty Nam Thái Sơn - Chủ tịch Hội doanh nghiệp TP. Thủ Đức (TP. Hồ Chí Minh) đề nghị, trong các chương trình Kết nối ngân hàng - doanh nghiệp thời gian tới, ngành Ngân hàng xem xét đưa thêm mảng tín dụng xanh vào để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển bền vững.

Tính lãi tiền gửi
VNĐ
%/year
month
Tính lãi tiền gửi

Tính toán khoản vay
VNĐ
%/year
month
Tính toán khoản vay