Sự kiện có sự tham dự của gần 250 đại biểu đại diện cho Hiệp hội Ngân hàng các nước ASEAN. Đoàn đại biểu Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam do TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký dẫn đầu tham dự cùng đại diện một số tổ chức hội viên Agribank, BIDV, VietinBank, ACB, OceanBank, VAMC.
Hội nghị có sự tham dự của Thống đốc bang Đông Nusa Tenggara, TS. Viktor Bungtilu Laiskodat, Chủ tịch Hiệp hội Ngân hàng ASEAN Daw Khin Saw Oo và phát biểu chào mừng của Tổng Thư ký ASEAN Dato Paduka Lim Jock Hoi, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Indonesia Perry Warjiyo, Chủ tịch Cơ quan Dịch vụ Tài chính Indonesia (OJK) Mahendra Siregar.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch Hiệp hội Ngân hàng ASEAN Daw Khin Saw Oo cho biết, các vấn đề được đề cập, thảo luận tại hội nghị lần này bao gồm triển vọng kinh tế sau đại dịch, biến đổi khí hậu, tình hình địa chính trị, những thay đổi trong khu vực ngân hàng liên quan đến số hóa và các khuôn khổ pháp lý, quy định nói chung và nói riêng tại khu vực ASEAN. "Đây là những vấn đề quan trọng, đúng thời điểm trong bối cảnh việc ứng dụng và áp dụng rất nhanh lối sống số trong đời sống hàng ngày của chúng ta, bao gồm sự kết nối thanh toán xuyên biên giới giúp thúc đẩy tài chính toàn diện cho những người chưa tiếp cận được với các dịch vụ ngân hàng", bà Daw Khin Saw Oo nhận định.
Các nghiên cứu đã cho thấy, ASEAN là khu vực có sự thâm nhập và sử dụng điện thoại di động thông minh nhanh nhất thế giới. "Vì vậy, tôi rất mong tất cả các thành viên của Hiệp hội Ngân hàng ASEAN tham dự hội nghị sẽ tận dụng cơ hội này để chia sẻ quan điểm, tham gia ý kiến nhằm củng cố và giúp định hình con đường chiến lược cho ngành ngân hàng - tài chính và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế khu vực", Chủ tịch Hiệp hội Ngân hàng ASEAN nêu đề nghị.
Nói về sáng kiến về một hệ thống thanh toán kết nối và tích hợp giữa các quốc gia trong khu vực ASEAN, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Indonesia Perry Warjiyo cho biết: “Ngân hàng Trung ương Indonesia hoan nghênh sáng kiến này. Chúng tôi đánh giá tích cực vì nếu có sự hội nhập và mỗi quốc gia được kết nối với nhau thì sẽ dễ dàng trong giao dịch ngân hàng" và đồng thời bày tỏ:"Nếu những trở ngại này được loại bỏ, sẽ có thể tăng khối lượng và giao dịch của hệ thống thanh toán trên quy mô ASEAN, điều này cuối cùng sẽ có tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế trong khu vực."
Chủ tịch OJK Mahendra Siregar cũng bày tỏ quan điểm tương tự. Theo ông Mahendra, OJK cũng ủng hộ một hệ thống tài chính bền vững, hệ thống tài chính kỹ thuật số và hội nhập tài chính trong khu vực ASEAN. Theo ông Mahendra, “sự kết nối không biên giới của các hệ thống thanh toán trong khu vực ASEAN có tiềm năng hỗ trợ phát triển kinh tế, không chỉ ở Indonesia mà còn trên toàn cầu”.
Ông Mahendra cho rằng, cần phải có một nhóm công tác thảo luận về cách có thể cùng nhau hiện thực hóa tầm nhìn lớn này. Vì lý do này, mỗi quốc gia cần rà soát và chuẩn bị các quy định cho phép kết nối không biên giới các hệ thống thanh toán trong khu vực ASEAN.
Trong khi đó, Chủ tịch Perbanas Kartika Wirjoatmodjo hoan nghênh các cam kết đã được thống nhất tại Hội nghị thường niên Hiệp hội Ngân hàng ASEAN vì sự bền vững kinh tế trong khu vực ASEAN. Tuy nhiên, việc thực hiện hiệp định này phải được điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện ở mỗi quốc gia bởi những thách thức mà mỗi quốc gia phải đối mặt sẽ rất khác nhau.
Kể từ năm 2022, 5/11 quốc gia ASEAN đã hợp tác trong lĩnh vực thanh toán, cho phép thực hiện các giao dịch thanh toán xuyên biên giới bằng đồng nội tệ, bao gồm Indonesia, Malaysia, Phillipines, Singapore và Thái Lan.
Với việc dân số ASEAN đã lên tới hơn 500 triệu người, ASEAN sẽ là trung tâm tăng trưởng với dân số đông và có thể trở thành một trong những trung tâm tăng trưởng toàn cầu trong tương lai. Việc thiết lập một hệ thống thanh toán xuyên biên giới hiệu quả là một sự thúc đẩy và tăng tốc kết nối thông qua đổi mới kỹ thuật số, có thể giúp tăng quy mô giao dịch xuyên biên giới, thúc đẩy giao thương ở cấp độ khu vực, tăng cường tính kết nối trong ASEAN.