
Hình ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Theo Công văn số 3893/NHNN-ATHT ngày 16/05/2025 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc tham gia ý kiến dự thảo Thông tư về hoạt động của công ty con, công ty liên kết của tổ chức tín dụng trong lĩnh vực quản lý nợ và khai thác tài sản.
Ngân hàng Nhà nước cho biết, do điều kiện kinh tế - xã hội thay đổi, các quy định pháp luật về hoạt động của công ty quản lý nợ và khai thác tài sản (công ty AMC) không còn phù hợp. Bởi trên thế giới, các công ty AMC được thành lập theo nhiều mô hình khác nhau nhằm xử lý nợ xấu và tái cấu trúc tài sản của ngân hàng thương mại. Các AMC của ngân hàng thương mại thường hoạt động với mục tiêu xử lý nợ xấu nội bộ, thay vì mua nợ từ ngân hàng khác.
Tại Hàn Quốc các ngân hàng lớn như KB Kookmin, Shinhan, Woori đều có công ty AMC riêng để xử lý nội bộ. Tại Trung Quốc có một hệ thống AMC phát triển mạnh như ICBC, CCB, BOC đều thành lập công ty AMC riêng để xử lý nợ xấu nội bộ…
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước đã xây dựng dự thảo Thông tư trên cơ sở kế thừa một số quy định vẫn còn phù hợp tại Quyết định số 1390/2001/QĐ-NHNN và có sửa đổi đề phù hợp Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 và một số quy định pháp luật hiện hành về ủy quyền, quy định về mua, bán nợ của tổ chức tín dụng…
Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước đã xây dựng dự thảo Thông tư có 04 Chương, với 14 Điều, gồm: Chương I về quy định chung, trong đó có 3 Điều (từ Điều 1 đến Điều 3) quy định các nội dung như sau: phạm vi điều chỉnh; đối tượng áp dụng; nguyên tắc hoạt động.
Chương II về hoạt động của công ty quản lý nợ và quyền, nghĩa vụ của công ty quản lý nợ, tổ chức tín dụng, trong đó có 8 Điều (từ Điều 4 đến Điều 11) quy định các nội dung như sau: hoạt động của công ty quản lý nợ; khoản nợ được xử lý trong hoạt động của công ty quản lý nợ; hoạt động quản lý nợ, khai thác tài sản theo ủy quyền của tổ chức tín dụng có công ty quản lý nợ; hoạt động mua, bán nợ; quy định nội bộ; quyền, nghĩa vụ của công ty quản lý nợ; quyền và nghĩa vụ của tổ chức tín dụng có công ty quản lý nợ; báo cáo.
Chương III về trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước, trong đó có 01 Điều (Điều 12); Chương IV về điều khoản thi hành, trong đó có 02 Điều (Điều 13, 14) quy định về hiệu lực thi hành và tổ chức thực hiện.
Chi tiết dự thảo Thông tư và bảng so sánh thuyết minh, quý hội viên xem tại đây. Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đề nghị quý tổ chức tín dụng hội viên tham gia ý kiến đối với dự thảo Thông tư này.
Văn bản tham gia ý kiến của quý Ngân hàng (bao gồm cả file word) xin gửi về Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam theo địa chỉ email: phamthivananh3110@gmail.com trước ngày 7/6/2025 để tổng hợp (Điện thoại: 0904.431.189 - Ms. Vân Anh).
VNBA rất mong nhận được sự quan tâm, hợp tác của quý tổ chức tín dung Hội viên.
PLNV