Thứ năm, 22/05/2025
   

AI sẽ giúp ngân hàng thực thi hiệu quả chiến lược ESG

Trao đổi tại Tọa đàm với chủ đề: “Thực hành Báo cáo Phát triển bền vững trong lĩnh vực ngân hàng với giải pháp AI” do Thời báo Ngân hàng phối hợp với Hiệp hội Kế toán Công chứng Anh quốc (ACCA) tổ chức sáng nay (21/5), các diễn giả cùng chung quan điểm không chỉ hỗ trợ số hóa, trí tuệ nhân tạo (AI) đang trở thành công cụ cốt lõi, “trợ thủ” giúp ngân hàng thực thi hiệu quả chiến lược ESG.
Nhiều ngân hàng đã có báo cáo phát triển bền vững

Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà nhấn mạnh, trong kỷ nguyên công nghệ số, đặc biệt là AI, ngành Ngân hàng với vai trò là huyết mạch của nền kinh tế đứng trước yêu cầu cấp thiết phải đổi mới để phát triển bền vững hơn, minh bạch hơn và thân thiện hơn với môi trường, xã hội. Theo Phó Thống đốc, phát triển bền vững đã vượt ra khỏi phạm vi một xu hướng, trở thành một phần cốt lõi trong chiến lược phát triển của ngành tài chính - ngân hàng. Trong đó, việc xây dựng và công bố Báo cáo Phát triển bền vững là công cụ quan trọng để các tổ chức tài chính thể hiện cam kết, minh bạch hóa hoạt động, đồng thời khẳng định vai trò tiên phong trong quá trình hướng tới một nền kinh tế xanh và toàn diện.

Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà phát biểu tại Tọa đàm
Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà phát biểu tại Tọa đàm

Thực hiện định hướng của Chính phủ tại Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng đến năm 2025, tầm nhìn 2030, NHNN đã chủ động triển khai nhiều chính sách và kế hoạch hành động để thúc đẩy phát triển bền vững. Phó Thống đốc cho biết, NHNN đã ban hành Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững (Quyết định số 1731/QĐ-NHNN), cũng như kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và đề án triển khai kết quả Hội nghị COP26 (Quyết định số 1408/QĐ-NHNN).

Trong đó, NHNN giao nhiệm vụ cho các NHTM lồng ghép, đưa các nhiệm vụ, giải pháp, chỉ tiêu phát triển bền vững vào chiến lược, chương trình, kế hoạch kinh doanh, quy trình nghiệp vụ; đồng thời khuyến khích các TCTD xây dựng và công bố Báo cáo Phát triển bền vững, công bố các cam kết “xanh” của tổ chức mình.

Ngoài ra, thông qua Đề án phát triển ngân hàng xanh, NHNN đẩy mạnh đào tạo, nâng cao nhận thức về tín dụng xanh và định kỳ tổ chức hội thảo, tọa đàm để phổ biến kinh nghiệm, tiêu chuẩn ESG. Các hoạt động như hợp tác với ACCA, GIZ tổ chức tọa đàm và đào tạo chuyên sâu cho thấy cam kết rõ ràng của NHNN trong việc hướng dẫn và hỗ trợ các tổ chức tín dụng thực hành báo cáo phát triển bền vững theo chuẩn mực quốc tế.

Các diễn giả trao đổi tại phiên thảo luận
Các diễn giả trao đổi tại phiên thảo luận

Những bước đi như trên đang tạo ra chuyển biến đáng kể. Năm 2024 ghi nhận số lượng tổ chức lập Báo cáo Phát triển bền vững riêng biệt đạt kỷ lục với 33 đơn vị. Gần như toàn bộ các tổ chức tín dụng đã tích hợp nội dung phát triển bền vững vào Báo cáo thường niên theo quy định tại Thông tư 96/2020/TT-BTC. Đáng chú ý, đã có khoảng 13-15 NHTM công bố Báo cáo Phát triển bền vững độc lập và xu hướng này tiếp tục tăng mạnh trong năm 2024 và những tháng đầu năm 2025, với thêm 6 NHTM công bố báo cáo.

Cùng với đó, hoạt động tín dụng xanh cũng đạt kết quả tích cực. Đến cuối quý I/2025, đã có 58 tổ chức tín dụng phát sinh dư nợ tín dụng xanh với tổng giá trị trên 704.244 tỷ đồng, tăng 3,57% so với cuối năm 2024, chiếm 4,3% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. Dư nợ chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (chiếm hơn 37%) và nông nghiệp xanh (trên 29%). Tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng xanh trong giai đoạn 2017-2024 đạt bình quân 21,2%/năm, cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng tín dụng chung.

Tuy nhiên, ông Trần Anh Quý - Trưởng phòng Tín dụng chính sách, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN cũng đã chỉ ra những khó khăn của các TCTD Việt Nam khi thực hành Báo cáo Phát triển bền vững trong lĩnh vực ngân hàng với giải pháp AI như: Chi phí đầu tư, thuê tư vấn xây dựng báo cáo còn cao; thiếu khung pháp lý để xây dựng danh mục đầu tư xanh, phát triển bền vững của các NHTM...

Đồng thời, ông Quý cũng đã gợi ý 5 định hướng và giải pháp nhằm thúc đẩy báo cáo phát triển bền vững tại các ngân hàng Việt Nam. Đó là sớm ban hành danh mục phân loại xanh quốc gia; tiếp tục thúc đẩy hợp tác quốc tế, tiếp cận, tiếp nhận các hỗ trợ kỹ thuật, hỗ trợ nguồn vốn phù hợp; tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động trao đổi kinh nghiệm, đào tạo; nâng cao chất lượng tư vấn, xây dựng Báo cáo phát triển bền vững cho doanh nghiệp và TCTD. Đồng thời TCTD chủ động nghiên cứu, tìm kiếm tư vấn xây dựng khuôn khổ quản trị hướng tới phát triển bền vững; bố trí nguồn lực để đầu tư cho thực hành ESG, công bố Báo cáo phát triển bền vững.

AI sẽ là “trợ thủ” đắc lực

Phát biểu tại Tọa đàm, ông Tô Quốc Hưng - Giám đốc Quốc gia ACCA Việt Nam cũng cho biết, trong lĩnh vực ngân hàng và tài chính đầu tư trên thế giới, báo cáo phát triển bền vững không còn chỉ là một tài liệu minh bạch hoá thông tin. Đó còn là tiêu chuẩn đầu tư chung, giúp đem tới thông tin đa chiều hơn, nhìn xa hơn về các rủi ro và cơ hội của các doanh nghiệp giúp cho việc đầu tư tài chính được hoàn thiện hơn. Tuy nhiên, trên thế giới hiện nay cũng đang tồn tại hơn 600 tiêu chuẩn phát triển bền vững. Thực tiễn triển khai cho thấy rằng một số ngân hàng xây dựng báo cáo căn cứ vào bộ chuẩn mực nhất định nhưng lại không được công nhận ở khu vực. Điều này đưa ra một nhu cầu để các tổ chức tại Việt Nam triển khai đồng bộ với các tiêu chuẩn toàn cầu và được công nhân rộng rãi. Tương tự như vậy, công nghệ, phương thức triển khai làm thay đổi bản chất của báo cáo phát triển bền vững quan trọng không kém việc chọn đúng khung báo cáo quốc tế đang được sử dụng rộng rãi. Các công nghệ triển khai cũng nên được áp dụng với các nước, cụ thể là ứng dụng AI vào trong chuyển đổi xanh và triển khai báo cáo phát triển bền vững.

Bà Nguyễn Thị Thanh Bình, Phó Tổng Biên tập Thời báo Ngân hàng phát biểu kết luận Tọa đàm
Bà Nguyễn Thị Thanh Bình, Phó Tổng Biên tập Thời báo Ngân hàng phát biểu kết luận Tọa đàm

Chung quan điểm, TS. Lê Hùng Cường - Phó Tổng Giám đốc FPT Digital, Tập đoàn FPT nhấn mạnh, AI là chìa khoá giúp doanh nghiệp tháo gỡ thách thức dữ liệu ESG, đơn giản hoá hoạt động lập báo cáo. Từ đó khai thông nguồn vốn xanh từ các tổ chức tài chính, ngân hàng.

Theo ông Cường, thực tế, các dữ liệu ESG nằm rải rác ở các lĩnh vực trọng yếu khác nhau trong điều hành và quản trị của doanh nghiệp, do vậy cần được xác định và phân tách chính xác. Để làm được điều đó, AI là chìa khoá giúp doanh nghiệp tháo gỡ thách thức dữ liệu ESG, đơn giản hoá hoạt động lập báo cáo, từ đó khai thông nguồn vốn xanh từ các tổ chức tài chính, ngân hàng.

Đối với báo cáo ESG truyền thống tại các doanh nghiệp còn gặp nhiều bất cập do phân tán, tốn thời gian và thiếu phân tích theo thời gian thực. Dữ liệu ESG phân tán đến từ nhiều phòng ban và hệ thống khác nhau; thiếu chuẩn hóa theo khung quốc tế (GRI, ISSB). Quá trình lập báo cáo thủ công, mất thời gian và dễ sai sót.

Trong khi đó, hệ thống báo cáo và công bố thông tin ứng dụng AI giúp tự động thu thập và chuẩn hóa dữ liệu ESG từ nhiều nguồn AI tích hợp dữ liệu từ hệ thống ERP, IoT, báo cáo... Đối chiếu dữ liệu thực tế với tiêu chí GRI, ISSB để chuẩn hóa, đồng thời, tự động lập báo cáo và kiểm toán dữ liệu ESG nhằm kiểm tra tính đầy đủ, chính xác và minh bạch trước khi công bố.

Dưới góc độ của ngân hàng, bà Ngô Thúy Phượng, Phó Trưởng ban Chiến lược, Vietcombank cho biết, việc khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng chuẩn mực, thực hành báo cáo phát triển bền vững để tiếp cận nguồn vốn tốt hơn luôn được chú trọng. Về phía ngân hàng, Vietcombank cũng có định hướng ứng dụng AI trong công tác hỗ trợ doanh nghiệp giảm bớt gánh nặng về việc đáp ứng các chuẩn mực.

Đồng thời, ngân hàng cũng đã thực hiện công bố báo cáo phát triển bền vững, đây là tiêu chí quan trọng đánh giá tính minh bạch của một tổ chức thực hiện cải thiện các yếu tố phục vụ cho mục tiêu phát triển bền vững.

Phát biểu kết luận Tọa đàm, bà Nguyễn Thị Thanh Bình, Phó Tổng Biên tập Thời báo Ngân hàng cho biết, những nội dung được trình bày và thảo luận tại Tọa đàm đã cho thấy rõ tầm quan trọng và tính cấp thiết của việc xây dựng báo cáo phát triển bền vững trong lĩnh vực ngân hàng. Đây không chỉ là một yêu cầu tuân thủ mà còn là một chiến lược giúp nâng cao tính minh bạch, gia tăng niềm tin của nhà đầu tư, khách hàng và toàn xã hội. Đồng thời, tọa đàm cũng đưa ra những góc nhìn mới mẻ, cụ thể và thực tiễn về khả năng ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn trong quy trình xây dựng và công bố báo cáo phát triển bền vững, từ khâu thu thập, xử lý đến phân tích và đề xuất kiến nghị.

“Đây sẽ là những nền tảng vững chắc để ngành Ngân hàng Việt Nam hội nhập sâu hơn vào tiến trình phát triển bền vững toàn cầu”, Phó Tổng biên tập Thời báo Ngân hàng nhấn mạnh.

Tính lãi tiền gửi
VNĐ
%/year
month
Tính lãi tiền gửi

Tính toán khoản vay
VNĐ
%/year
month
Tính toán khoản vay