Thứ tư, 11/09/2024
   

TS. Nguyễn Quốc Hùng: “Bùng nợ” khiến các công ty tài chính gặp rất nhiều khó khăn, nợ xấu tăng cao

Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, các công ty tài chính đã chấp hành nghiêm túc chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước tổ chức triển khai cho vay tiêu dùng đối với những đối tượng dưới chuẩn và từng bước đẩy lùi tín dụng đen. Tuy nhiên, tình trạng khách hàng cố tình không trả nợ nhưng chưa có chế tài xử lý, đang ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh và hoạt động kinh doanh của các công ty tài chính được Ngân hàng Nhà nước cấp phép.
TS. Nguyễn Quốc Hùng: “Bùng nợ” khiến các công ty tài chính gặp rất nhiều khó khăn, nợ xấu tăng cao
TS. Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam phát biểu tại hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo “Gỡ khó cho vay tiêu dùng đẩy lùi tín dụng đen”, tổ chức ngày 31/10, TS. Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, thực hiện Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 25/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” và Quyết định 149/QĐ-TTg ngày 22/1/2020 của Thủ tướng Chính phủ về chiến lược tài chính toàn diện quốc gia, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành nhiều cơ chế chính sách phù hợp nhằm tạo điều kiện cho khách hàng và người dân tiếp cận vốn tín dụng.

Đồng thời, chỉ đạo các NHTM, công ty tài chính tiêu dùng do Ngân hàng Nhà nước cấp phép, các công ty tài chính vi mô, các quỹ tín dụng… cải cách thủ tục hành chính, mở rộng mạng lưới, đặc biệt là khu vực vùng sâu, vùng xa và các sản phẩm dịch vụ tài chính số để người dân dễ dàng tiếp cận vốn vay, nhất là lĩnh vực cho vay phục vụ đời sống và tiêu dùng cá nhân… nhằm hạn chế tín dụng đen và phổ cập tài chính toàn diện quốc gia.

Vì vậy, dù tình hình kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn, cùng với diễn biến khó lường kinh tế toàn cầu, song đến ngày31/8/2023, dư nợ cho vay tiêu dùng phục vụ đời sống toàn hệ thống đạt khoảng 2.671.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 21% tổng dư nợ nền kinh tế, tăng 0,35% so với ngày 31/12/2023, tỷ lệ nợ xấu chiếm khoảng 4%.

Trong đó, dư nợ cho vay phục vụ nhu cầu tiêu dùng đời sống của 16 công ty tài chính do Ngân hàng Nhà nước cấp phép và hoạt động theo Luật Các tổ chức tín dụng là trên 135.000 tỷ đồng (chiếm khoảng hơn 5% dư nợ cho cho vay phục vụ đời sống). Tuy nhiên, nợ xấu của các công ty tài chính đến nay đã lên đến 8 - 10%, cá biệt có công ty nợ xấu lên đến 20%, nhiều công ty lâm vào tình trạng khó khăn, thậm chí thua lỗ do phải trích dự phòng rủi ro nợ xấu tăng cao.

“Có thể nói trong bối cảnh kinh tế khó khăn, các công ty tài chính đã chấp hành nghiêm túc chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước tổ chức triển khai cho vay tiêu dùng đối với những đối tượng dưới chuẩn để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng tối thiểu của người lao động có thu nhập thấp nhằm hạn chế và từng bước đẩy lùi tín dụng đen”, TS. Nguyễn Quốc Hùng chia sẻ và cho biết: “Song đến nay hầu như các công ty tài chính đều gặp rất nhiều khó khăn do nợ xấu ngày càng tăng cao, ngoài những yếu tố khách quan với khó khăn chung còn có những yếu tố chủ quan và rất nguy hiểm mà chưa có chế tài xử lý,đó là khách hàng cố tình không trả nợ, người trước khuyên người sau không trả nợ, thậm chí cán bộ công ty đến đòi nợ hoặc nhắc nợ thì chống đối, tố cáo, vu khống cán bộ là dùng biện pháp manh động để đòi nợ đến chính quyền các cấp”.

Ngoài ra, một số đối tượng lợi dụng việc cơ quan quản lý trấn áp tội phạm tín dụng đen và cố tình quy kết các công ty tài chính tiêu dùng do Ngân hàng Nhà nước cấp phép là tổ chức tín dụng đen nên không trả nợ và thành lập hội bùng nợ trên Zalo, Facebook, trên nền tảng số… nhưng không hề bị xử lý.

Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng cho biết, thực trạng đó dẫn đến nợ xấu của các công ty tài chính tiêu dùng tăng cao, cán bộ thu hồi nợ nghỉ việc, các công ty tài chính không thể tiếp tục mở rộng cho vay được, thực tế dự nợ không tăng mà còn giảm so với năm 2022 (giảm trên 60.000 tỷ đồng). Người dân có thu nhập thấp, có hoàn cảnh khó khăn không thể tiếp cận được vốn vay từ công ty tài chính tiêu dùng… “Hệ quả là tín dụng đen bắt đầu trỗi dậy, mặc dù các cơ quan quản lý nhà nước tích cực triệt phá nhiều ổ nhóm tín dụng đen, song diễn biến còn rất phức tạp dưới nhiều hình thức tinh vi nhất là trên môi trường mạng”, TS. Nguyễn Quốc Hùng nhấn mạnh.

Với thực tế hiện nay, các công ty tài chính tiêu dùng đang hoang mang không biết thu nợ như thế nào?. Thái độ của cơ quan quản lý nhà nước xử lý với những người cố tình trây ỳ không trả nợ ra sao?. Liệu có sự phân biệt giữa công ty tài chính tiêu dùng do Ngân hàng Nhà nước cấp phép với các công ty tài chính không phải do Ngân hàng Nhà nước cấp phép?. Khả năng chống chịu ra sao nếu người vay không trả nợ ngày càng cao?…

Từ thực tế trên, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng kỳ vọng các bài tham luận, các ý kiến phát biểu của các đại biểu tại hội thảo sẽ tìm ra các giải pháp hữu hiệu để tháo gỡ khó khăn, đồng thời kiến nghị với các cấp có thẩm quyền hỗ trợ tạo điều kiện cho các công ty tài chính tiêu dùng phát triển lành mạnh, bền vững.

Tính lãi tiền gửi
VNĐ
%/year
month
Tính lãi tiền gửi

Tính toán khoản vay
VNĐ
%/year
month
Tính toán khoản vay