Thứ năm, 07/11/2024
   

Tọa đàm Thực trạng giao dịch điện tử trong lĩnh vực ngân hàng hiện nay và đề xuất khuôn khổ pháp lý về giao dịch điện tử trong lĩnh vực ngân hàng

Ngày 15/12/2021, Hiệp hội Ngân hàng đã tổ chức Tọa đàm “Thực trạng giao dịch điện tử trong lĩnh vực ngân hàng hiện nay và đề xuất khuôn khổ pháp lý về giao dịch điện tử trong lĩnh vực ngân hàng”, theo hình thức trực tuyến với sự tham dự của đại diện cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức trực thuộc

Ngày 15/12/2021, Hiệp hội Ngân hàng đã tổ chức Tọa đàm “Thực trạng giao dịch điện tử trong lĩnh vực ngân hàng hiện nay và đề xuất khuôn khổ pháp lý về giao dịch điện tử trong lĩnh vực ngân hàng”, theo hình thức trực tuyến với sự tham dự của đại diện cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức trực thuộc và tổ chức hội viên của Hiệp hội.

Toa dam Thuc trang giao dich dien tu trong linh vuc ngan hang 2

Phát biểu khai mạc tọa đàm, ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng đánh giá, lĩnh vực Ngân hàng là một trong những lĩnh vực triển khai hoạt động điện tử và xây dựng khuôn khổ pháp lý cho hoạt động Ngân hàng điện tử sớm nhất thông qua các quy định về nghiệp vụ thẻ, ATM, dịch vụ Internetbaking và Mobibanking... Đến nay, khuôn khổ pháp lý cho hoạt động Ngân hàng điện tử được quy định tương đối đầy đủ và tổng thể, với nhiều văn bản pháp luật chuyên ngành ngân hàng quy định trực tiếp về họat động ngân hàng điện tử. Cùng với các quy định pháp luật chuyên ngành, hệ thống Pháp luật chung cũng đã có khuôn khổ pháp lý điều chỉnh giao dịch thông qua phương tiện điện tử như Bộ Luật Dân sự 2015, Luật Giao dịch điện tử 2005, Luật an ninh Mạng 2018, Luật Công nghệ thông tin 2006, Bộ luật tố tụng dân sự 2015 và rất nhiều các Nghị định, Thông tư hướng dẫn các Luật này. Tuy nhiên, trong quá trình thực thi quy định pháp luật về ngân hàng điện tử, nhiều TCTD phát sinh nhiều vướng mắc cần được báo cáo NHNN để có giải pháp tháo gỡ, tạo điều kiện cho sự thích ứng linh hoạt và phát triển của ngành Ngân hàng trong cuộc cách mạng 4.0.

Dưới sự chủ trì của - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng, tọa đàm đã nghe và thảo luận Báo cáo thực trạng, vướng mắc và kiến nghị sửa đổi các quy định pháp luật trong giao dịch ngân hàng điện tử do ông Nguyễn Thành Long, Phó Tổng Giám đốc VPBank, Chủ nhiệm CLB Pháp chế Ngân hàng thuộc Hiệp hội Ngân hàng trình bày; Các tham luận về Áp dụng quy định pháp luật về giao dịch điện tử hiện nay nhìn từ thực tiễn các ngân hàng thương mại, công ty tài chính do bà Nguyễn Thị Phương, Giám đốc Ban Pháp chế BIDV, Phó Chủ nhiệm CLB Pháp chế Ngân hàng; ông Nguyễn Văn Trình, Trưởng Phòng Pháp lý Sacombank, Phó Chủ nhiệm CLB Pháp chế Ngân hàng; bà Tôn Thị Hải Yến, Trưởng Phòng Pháp chế Công ty Tài chính CP Điện lực. Đại diện Nhóm công tác Ngân hàng nước ngoài đã tham luận về Giải pháp Ngân hàng cho Hệ sinh thái thương mại điện tử.

Theo Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế Ngân hàng, từ thực tiễn thực hiện quy định pháp luật về ngân hàng điện tử, hoạt động của các tổ chức tín dụng đã gặp một số vướng mắc cần được các cấp có thẩm quyền thao gỡ. Các vướng mắc tập trung ở những vấn đề liên quan đến (i) Định danh, xác thực khách hàng, xác thực giao dịch; (ii) Chữ ký điện tử, Giao dịch điện tử, dữ liệu điện tử; (iii) Về hoạt động nghiệp vụ Ngân hàng điện tử; (iv) Về trích lập và xử lý dự phòng rủi ro hoạt động công nghệ thông tin, ngân hàng điện tử; (v) Về khai thác, sử dụng dữ liệu và (vi) Về cơ chế chính sách để thích ứng linh hoạt, an toàn đối với hoạt động ngân hàng điện tử.

Những vướng mắc nêu trên, theo Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế Ngân hàng, có điểm xuất phát do các quy định pháp luật liên quan đã lỗi thời hoặc không theo kịp xu hướng phát triển của công nghệ thông tin trong lĩnh vực hoạt động ngân hàng. Vì thế việc sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện khuôn khổ pháp luật, tạo hành lang pháp lý để giao dịch điện tử trong lĩnh vực ngân hàng thông suốt, an toàn là yêu cầu cấp thiết trong thời kỳ chuyển đổi số, xây dựng ngân hàng số và hệ sinh thái ngân hàng số như hiện nay.

1. Về định danh khách hàng bằng phương thức điện tử (eKYC):

Mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã có hướng dẫn việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán song việc định danh khách hàng bằng phương thức điện tử chỉ áp dụng để định danh khách hàng trong hoạt động phòng chống rửa tiền và mở tài khoản thanh toán, chưa được áp dụng chung cho các hoạt động nghiệp vụ của TCTD.Các Thông tư của Ngân hàng Nhà nước quy định các hoạt động nghiệp vụ khác chưa quy định về việc định danh khách hàng, đặc biệt Thông tư 01/2021/TT-NHNN về phát hành giấy tờ của TCTD vẫn còn quy định phải phát hành “trực tiếp” tại địa điểm mạng lưới của TCTD. Ngân hàng Nhà nước chưa có quy định và cơ chế triển khai đối với việc Ngân hàng có thể định danh khách hàng dựa trên việc khai thác thông tin đã được định danh tại bên thứ 3 có các tiêu chuẩn tương đương như các ngân hàng đại lý, tổ chức tín dụng, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực tài chính (chứng khoán, bảo hiểm) hoặc việc khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia, dịch vụ công, Công ty viễn thông, điện, nước, các nguồn dữ liệu của các tổ chức khác ở Việt Nam, nước ngoài….

Kiến nghị: Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, xây dựng Thông tư về việc định danh KH khi ngân hàng thiết lập quan hệ và cung cấp tất cả các dịch vụ tới khách hàng, trong đó phạm vi bao gồm: KYC và eKYC khách hàng cá nhân, tổ chức; đồng thời hướng dẫn định danh khách hàng tham chiếu theo các thông tin khách hàng đã định danh tại bên thứ 3 với các tiêu chuẩn định danh khách hàng tương đương như TCTD.

2. Xác thực khách hàng và xác thực giao dịch

Quyết định 630/2017/QĐ-NHNN của Ngân hàng Nhà nước chỉ đề cập đến phạm vi giao dịch Chuyển tiền, thanh toán trong khi các giao dịch trên kênh điên tử của ngân hàng còn phát sinh nhiều loại khác như: Gửi tiền gửi có kỳ hạn, cho vay, ngoại hối,…, các giao dịch tài chính và phi tài chính khác nên chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn của các TCTD.Quy định tại Thông tư 35/2016/TT-NHNN (được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 35/2018/TT-NHNN) chỉ phù hợp đối với các trường hợp khách hàng truy cập internetbanking từ ứng dụng của ngân hàng, không phù hợp để đáp ứng các giao dịch thanh toán thương mại điện tử, thanh toán chi phí nhu cầu phát sinh thường xuyên của khách hàng như nhu cầu thanh toán điện, nước, điện thoại, thanh toán QRcode… trên các ứng dụng thương mại điện tử, ứng dụng của bên thứ ba do các ứng dụng này thường có phương pháp định danh khách hàng không cấu trúc phức tạp như quy định tại Điều 9 Thông tư 35. Khi thanh toán cho các loại giao dịch này khách hàng chỉ cần vào ứng dụng của bên cung cấp hàng hóa dịch vụ, đăng ký thanh toán bằng thẻ/tài khoản tại ngân hàng và được xác thực giao dịch thông qua OTP kết hợp với một yếu tố định danh như thẻ thông minh, thiết bị token, điện thoại di động… mà không cần phải truy cập dịch vụ internetbanking để xác thực khách hàng trước khi thực hiện giao dịch.

Kiến nghị: Ngân hàng Nhà nước mở rộng phạm vi áp dụng của Quyết định 630, cho phép áp dụng các giải pháp xác thực đối với các giao dịch Ngân hàng điện tử, bao gồm giao dịch thanh toán, chuyển tiền, giao dịch tài chính giá trị tương đương và giao dịch phi tài chính. Sửa đổi Thông tư 35 cho phép các TCTD được áp dụng giải pháp xác thực khách hàng thông qua bên thứ ba cung cấp dịch vụ và/hoặc chỉ cần áp dụng một yếu tố xác thực khách hàng (yếu tố Người dùng có như thẻ thông minh, thiết bị token, điện thoại di động) đối với các giao dịch thương mại điện tử, thanh toán phí dịch vụ thường xuyên và các khoản thanh toán giá trị thấp, tương đương giao dịch loại A, B quy định tại Quyết định 630.

3. Chữ ký điện tử

Yêu cầu chữ ký điện tử không rõ ràng, mang tính định tính dẫn đến các bên khó xác định được như thế nào thì một dấu hiệu dạng từ, chữ, số, ký hiệu, âm thanh hoặc các hình thức khác bằng phương tiện điện tử đáp ứng là chữ ký điện tử đúng quy định và có giá trị pháp lý. Luật Giao dịch điện tử quy định về chữ ký điện tử với các yêu cầu phải được “kiểm chứng”, trong khi pháp luật hiện hành không yêu cầu đối với chữ ký tươi trên văn bản giấy. Việc yêu cầu chữ ký điện tử phải “gắn liền và kết hợp logic với thông điệp dữ liệu”; được xem là đảm bảo an toàn khi đáp ứng bốn điều kiện như Điều 22 Luật giao dịch điện tử buộc các bên tham gia giao dịch, bên thứ ba (kể cả cơ quan nhà nước, cơ quan tài phán…) phải xác định được việc chữ ký điện tử có đáp ứng yêu cầu này không trước khi xem xét đến nội dung giao dịch.

Việc quy định các điều kiện để xác định chữ ký điện tử “được xem là an toàn” dẫn đến suy luận các chữ ký điện tử khác không xác định được hoặc không có đủ các yếu tố quy định tại Khoản 1 Điều 22 Luật Giao dịch điện tử là không an toàn, làm ảnh hưởng đến giá trị pháp lý, giá trị chứng cứ của các giao dịch điện tử trong quan hệ giữa các bên hoặc khi xác định chứng cứ theo quy định tại Điều 93 và Điều 95 Bộ Luật tố tụng dân sự. Điều 8 Nghị định130/2018/NĐ-CP công nhận giá trị của chữ ký số khi chữ ký số đó được bảo đảm an toàn theo quy định tại Điều 9 Nghị định này. Điều 9 có đặt ra 3 điều kiện để một chữ ký số được coi là an toàn, trong đó có một điều kiện là khóa bí mật chỉ thuộc sự kiểm soát của người ký tại thời điểm ký. Với quy định này, trường hợp nếu khóa bí mật không thuộc kiểm soát của người ký tại thời điểm ký vì bất kỳ lý do nào đó thì tính hợp pháp của giao dịch sẽ không được công nhận.

Kiến nghị: Ngân hàng Nhà nước trình Chính phủ sửa đổi Nghị định 35/2007/NĐ-CP theo hướng bỏ quy định yêu cầu các bên tham gia giao dịch phải có “chữ ký điện tử” theo quy định pháp luật giao dịch điện tử; Kiến nghị Chính phủ sửa đổi Điều 9 Nghị định 130/2018/NĐ-CP, theo đó bỏ quy định điều kiện để một chữ ký số được coi là an toàn.

Ngân hàng Nhà nước kiến nghị Cơ quan soạn thảo Luật Giao dịch điện tử sửa đổi quy định về “chữ ký điện tử” theo hướng (i) bất kỳ dạng từ, chữ, số, ký hiệu, âm thanh hoặc các hình thức khác bằng phương tiện điện tử của các bên tham gia giao dịch thể hiện sự chấp thuận đối với giao dịch đó là “chữ ký điện tử” có giá trị pháp lý. (ii) Bỏ quy định “chữ ký điện tử được xem là đảm bảo an toàn; (iii) Bổ sung quy định đối với chữ ký số, chữ ký đáp ứng được các yếu tố như quy định tại Điều 22 Luật Giao dịch điện tử có giá trị tương đương với văn bản công chứng, chứng thực, có giá trị là những tình tiết, sự kiện không phải chứng minh theo Điều 92 Bộ Luật tố tụng dân sự.

Ngân hàng Nhà nước sửa đổi quy định tại các Thông tư liên quan quy định về “ký kết” “thỏa thuận, hợp đồng” thành “giao kết” thỏa thuận, hợp đồng (trừ trường hợp chứng từ kế toán phải có chữ ký của người lập, người duyệt chứng từ theo quy định pháp luật về Kế toán).

4. Về Áp dụng chữ ký số, chữ ký điện tử trên chứng từ điện tử là chứng từ kế toán trong hoạt động ngân hàng

Theo Quyết định 1789/2005/QĐ-NHNN về chế độ chứng từ kế toán ngân hàng thì trên chứng từ kế toán là chứng từ điện tử phải có chữ ký điện tử của người đại diện hợp pháp và kế toán trưởng hoặc người được uỷ quyền ký thay. Hiện nay nhu cầu ký chứng từ kế toán bằng phương tiện điện tử là rất lớn. Ngành thuế hiện đã cho phép các doanh nghiệp có thể dùng 01 chữ ký số cho việc kê khai và hạch toán chuyển khoản nộp thuế. Tuy nhiên, trên thực tế, các Doanh nghiệp thường chỉ có 1 chữ ký số của doanh nghiệp, do đó, việc yêu cầu phải có chữ ký điện tử của người đại diện hợp pháp, kế toán trưởng hoặc người được ủy quyền ký thay trên chứng từ kế toán ngân hàng (Ủy nhiệm chi, Ủy nhiệm thu, Lệnh chuyển tiền…) là gây khó khăn và vướng mắc cho Doanh nghiệp.

Kiến nghị: Để tạo thuận tiện cho doanh nghiệp trong giao dịch điện tử với ngân hàng, đề nghị Ngân hàng Nhà nước cho phép khách hàng chỉ cần ký 01 chữ ký số của doanh nghiệp trên các chứng từ kế toán trong hoạt động Ngân hàng để thực hiện các giao dịch Ngân hàng.

5. Thời điểm có hiệu lực của chứng từ điện tử

Việc quy định như tại Điều 14 Nghị định 35/2007/NĐ-CP không phù hợp với pháp luật chung về việc xác định hiệu lực của chứng từ điện tử nói chung, chứng từ kế toán điện tử nói riêng. Đồng thời, quy định này gây ra khó khăn trong cho TCTD tiếp nhận các chứng từ/giao dịch điện tử do: Thời điểm có hiệu lực của chứng sẽ xác định kể từ thời điểm (ngày) mà người có thẩm quyền hợp pháp của tổ chức ký trên chứng từ; hay kể từ thời điểm mà TCTD hoàn tất việc kiểm soát các điều kiện tại Điều 12?Việc kiểm soát như tại Điều 12 sẽ không khả thi và không đáp ứng nhu cầu Khách hàng, gây rủi ro và ảnh hướng tới hoạt động kinh doanh của TCTD.

Kiến nghị: Ngân hàng Nhà nước đề xuất Chính phủ sửa đổi Nghị định 35/2007/NĐ-CP chấm dứt quy định về “thời điểm có hiệu lực của chứng từ điện tử” và quy định rõ việc xác định thời điểm có hiệu lực của văn bản, dữ liệu điện tử, chứng từ điện tử được xác định theo quy định pháp luật chung.

6. Về Đăng ký, công chứng, chứng thực Hợp đồng điện tử:

Việc thiếu những quy định liên quan đến công chứng, chứng thực, đăng ký giao dịch bảo đảm đối với hợp đồng điện tử đã hạn chế các bên trong giao dịch bảo đảm lựa chọn hợp đồng điện tử để giao kết. Vô hình chung bỏ lỡ những lợi thế nhanh, gọn, tiện ích mà hợp đồng điện tử mang lại, mặc dù nhu cầu thực tế của các bên lại vô cùng lớn.

Kiến nghị: Ngân hàng Nhà nước đề nghị Bộ Tư Pháp nghiên cứu, ban hành quy định về công chứng, chứng thực, đăng ký giao dịch bảo đảm với các Hợp đồng điện tử.

7. Về giải quyết tranh chấp Hợp đồng điện tử

Các văn bản dưới luật (Nghị định, Thông tư…) và văn bản của Tòa án nhân dân Tối cao chưa có hướng dẫn cũng như thực tiễn xét xử chưa có áp dụng liên quan đến hình thức giao dịch điện tử ở dạng “thông điệp dữ liệu”. Do đó, rất rủi ro cho TCTD khi Tòa án các cấp khi xét xử sẽ tuyên vô hiệu hợp đồng, giao dịch do không đáp ứng về mặt hình thức đối với các giao dịch tín dụng có sử dụng giao dịch điện tử, chữ ký điện tử của TCTD. Vì vậy, cần có văn bản pháp luật quy định, hướng dẫn đảm bảo cơ sở pháp lý rõ ràng, vững chắc về tính hiệu lực của giao dịch điện tử, thông tin dữ liệu khi các TCTD áp dụng giao dịch điện tử, chữ ký điện tử, chữ ký số trong hoạt động cấp tín dụng.Quy định pháp luật, Tòa án nhân dân Tối cao chưa có hướng dẫn chi tiết liên quan chứng cứ khi giao dịch điện tử, chữ ký điện tử, chữ ký số.Ngoài ra, theo quy định tại Điều 95 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định về hình thức chứng cứ cung cấp cho Tòa Án phải được thể hiện dưới hình thức: bản chính/bản sao có công chứng chứng thực hợp pháp. Vậy trong trường hợp tài liệu là dữ liệu điện tử (Hợp đồng điện tử, giao dịch điện tử) thì việc cung cấp bản sao như quy định sẽ được thực hiện như thế nào? Hiện tại pháp luật chưa có cơ chế hướng dẫn về nội dung này nên sẽ gây khó khăn khi áp dụng và phát sinh trong thực tiễn.

Kiến nghị: Ngân hàng Nhà nướcđề nghị Tòa án nhân dân Tối cao, cơ quan liên ngành có văn bản hướng dẫn thực hiện và có quy định liên ngành để đảm bảo cách hiểu thống nhất, đặc biệt là các cơ quan tiến hành tố tụng để đảm bảo giao dịch điện tử, chữ ký điện tử, chữ ký số có giá trị chứng cứ.

8. Nghiệp vụ cấp tín dụng

Hiện nay, nhu cầu cung cấp dịch vụ tín dụng trên kênh số đối với các khoản vay tiêu chuẩn, có mục đích tiêu dùng là rất lớn, giúp khách hàng tiếp cận kênh tín dụng ngân hàng một cách thuận tiện, dễ dàng, giúp đẩy lùi tệ nạn “tín dụng đen”. Tuy nhiên, quy định hiện hành chưa đáp ứng được nhu cầu của các khách hàng và TCTD do các vướng mắc về (i) chữ ký điện tử như đề cập ở trên; (ii) việc thẩm định, phê duyệt tự động các khoản vay tiêu chuẩn này.

Kiến nghị: Ngân hàng Nhà nước sửa đổi, bổ sung Thông tư 39, Thông tư 13/2018/TT-NHNN quy định về cấp tín dụng bằng phương thức điện tử, trong đó:Cho phép TCTD được sử dụng hệ thống công nghệ và xây dựng các tiêu chuẩn để hệ thống thẩm định, phê duyệt, giám sát sau đối với các khoản vay tiêu chuẩn, có giá trị nhỏ.Hồ sơ chứng minh mục đích sử dụng vốn: Hồ sơ chứng minh mục đích sử dụng vốn có thể do KH kê khai trên phương tiện điện tử, không yêu cầu các TCTD thu thập chứng từ chứng minh khác. Không áp dụng quy định “Quyết định cho vay phải có chữ ký của người có thẩm quyền” đối với các khoản vay được thẩm định, phê duyệt tự động bằng công cụ điện tử. Việc phân định trách nhiệm giữa các khâu được xác định bởi cá nhân, bộ phận thực hiện xây dựng, phê duyệt tiêu chuẩn và người quản trị hệ thống Công nghệ thông tin.

9. Nghiệp vụ phát hành giấy tờ có giá

TCTD không thể phát hành giấy tờ có giá cho khách hàng thông qua phương thức điện tử, đặc biệt khách hàng hiện hữu đã được TCTD eKYC hoặc KYC khi mở tài khoản, sử dụng dịch vụ khác của TCTD.

Kiến nghị: Ngân hàng Nhà nước trình Chính phủ sửa Nghị định 35/2007/NĐ-CP và TT 01/2021/NĐ-CP cho phép các TCTD phát hành GTCG bằng phương thức điện tử.

10. Mở và sử dụng tài khoản thanh toán cho người nước ngoài là người cư trú, người không cư trú và sử dụng tài khoản liên quan đến quy định ngoại hối

Trường hợp Người nước ngoài đã được một định chế tài chính nước ngoài định danh hoặc đã được TCTD định danh trực tiếp trước đó vẫn phải thực hiện phương thức KYC trực tiếp mà không thể mở thêm tài khoản bằng phương thức điện tử, gây khó khăn cho khách hàng. Do có liên quan tới kiểm tra mục đích giao dịch nên với quy định hiện tại thì chỉ phù hợp với giao dịch offline, không phù hợp với giao dịch online (vì giao dịch chuyển tiền nội địa online là realtime, không thể hold lại rồi kiểm tra mục đích từng giao dịch chuyển khoản VND được).

Kiến nghị: Ngân hàng Nhà nướcnghiên cứu, sửa đổi Khoản 5 Điều 14 a theo hướng: khách hàng cá nhân là người nước ngoài được mở tài khoản bằng phương thức điện tử nếu ngân hàng đã thực hiện biện pháp định danh trực tiếp hoặc được bên thứ ba định danh đáp ứng các yêu cầu tại Thông tư. Ngân hàng Nhà nước bổ sung quy định tại Thông tư 16 cho phép TCTD được chấp nhận các thông tin, tài liệu chứng minh mục đích giao dịch gửi bằng phương thức điện tử và được kiểm tra sau đối với khách hàng trên cơ sở đánh giá mức độ rủi ro, hạn mức giá trị giao dịch, uy tín của khách hàng và dừng giao dịch ngay khi phát hiện khách hàng vi phạm quy định.

11. Quy định về máy giao dịch tự động

Các văn bản của Ngân hàng Nhà nước mới chỉ quy định ATM phục vụ cho giao dịch thẻ, không có quy định phạm vi, nội dung hoạt động của máy giao dịch tự động ATM cho các dịch vụ khác của TCTD, dẫn đến phát sinh vướng mắc pháp lý cho TCTD khi triển khai các sản phẩm, dịch vụ được phép trên máy giao dịch tự động (như việc gửi/rút/nộp tiền mặt trên tài khoản thanh toán mà khách hàng không có nhu cầu phát hành thẻ và các dịch vụ ngân hàng khác. Thông lệ trên thế giới, máy giao dịch tự động có thể phục vụ khách hàng tương đương như một kiot bán hàng và có chức năng tư vấn khách hàng. Do vậy, với khung pháp lý hiện nay chưa đáp ứng nhu cầu của TCTD và khách hàng triển khai, sử dụng sản phẩm dịch vụ tự động trên máy giao dịch tự động.

Kiến nghị: Ngân hàng Nhà nướcsửa đổi, bổ sung Thông tư 36 theo hướng quy định các TCTD được cung cấp sản phẩm, dịch vụ không hạn chế trên các Máy giao dịch tự động, trừ trường hợp pháp luật quy định khách hàng phải đến trực tiếp địa điểm mạng lưới.

12. Về quy định bản sao điện tử

Khoản 4 Điều 12 Thông tư 23/2014/TT-NHNN và các văn bản sửa đổi, bổ sung có quy định thành phần hồ sơ mở tài khoản, phát hành thẻ có “bản sao điện tử”. Tuy nhiên, trên thực tế, pháp luật lại chưa có quy định về bản sao điện tử áp dụng đối với hoạt động ngân hàng. Theo đó, các ngân hàng khá lúng túng và không thống nhất khi triển khai chấp nhận hình thức bản sao điện tử.

Kiến nghị: Ngân hàng Nhà nước bổ sung Thông tư 23 và các quy định liên quan, theo đó quy định cụ thể về hình thức bản sao điện tử, theo đó bao gồm các bản chụp từ phương tiện điện tử (điện thoại/máy tính bảng hoặc ATM có gắn camera) của bản gốc/bản, chính/bản sao chứng thực được khách hàng xác thực bởi chữ ký số/chữ ký điện tử/mã xác thực/mã pin của khách hàng nhằm phù hợp với thực tế giao dịch.

13. Quy định về trích lập và xử lý dự phòng rủi ro hoạt động công nghệ thông tin, ngân hàng điện tử

Việc phát sinh rủi ro hoạt động đối với việc cung cấp các dịch vụ ngân hàng điện tử và rủi ro hệ thống công nghệ thông tin phát sinh khá thường xuyên do đặc thủ của phương thức cung cấp, sử dụng dịch vụ Ngân hàng trực tuyến, thông qua phương tiện điện tử. Thực tế này đòi hỏi các TCTD cần thực hiện quản lý rủi ro và trích dự phòng để xử lý khi có tổn thất. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước chưa ban hành Thông tư về việc phân loại, trích lập dự phòng và xử lý rủi ro hoạt động nói chung và rủi ro hoạt động trong việc cung cấp sản phẩm dịch vụ điện tử, lỗi hệ thống công nghệ thông tin, hạ tầng… dẫn đến các TCTD không có cơ sở trích lập, xử lý dự phòng.

Kiến nghị: Ngân hàng Nhà nước khẩn trương xây dựng thông tư và thống nhất với Bộ Tài chính để ban hành Thông tư trong đó cho phép các TCTD được trích lập và xử lý rủi ro hoạt động từ chi phí trước thuế để các TCTD có cơ sở thực hiện.

14. Quy định về khai thác, sử dụng dữ liệu quốc gia cho hoạt động của các TCTD

Mặc dù đã có văn bản luật và Nghị định, tuy nhiên, đến nay các Bộ ngành (Bộ Công An, Bộ Kế hoạch và Đầu tư) chưa có quy định cụ thể hướng dẫn việc các khai thác, phương thức khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia của các TCTD. Thực trạng này dẫn đến các TCTD hiện nay đang xây dựng hệ thống dữ liệu riêng cho từng TCTD mà không thể tiếp cận, khai thác hệ thống dữ liệu chung của quốc gia, không đảm bảo tính an toàn, minh bạch, không kịp thời phát hiện các trường hợp gian lận, lừa đảo qua hệ thống ngân hàng, gây tốn kém, lãng phí nguồn lực xã hội.

Kiến nghị: Ngân hàng Nhà nước đề nghị Bộ Công An, Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn việc các TCTD được khai thác, sử dụng dữ liệu quốc gia về công dân, doanh nghiệp thông qua cổng kết nối trực tiếp với các TCTD.Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, đề xuất bổ sung quy định Luật các TCTD về việc cung cấp, chia sẻ dữ liệu quốc gia về công dân, doanh nghiệp và các hệ thống dữ liệu quốc gia khác (đất đai, tài sản, thuế…) để góp phần minh bạch, lành mạnh hóa nền kinh tế.

15. Về cơ chế chính sách để thích ứng linh hoạt, an toàn đối với hoạt động ngân hàng điện tử

Thực tiễn nhu cầu cung cấp sản phẩm dịch vụ ngân hàng điện tử luôn luôn thay đổi, biến động để thích ứng nhu cầu khách hàng trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0 trong khi khuôn khổ pháp lý là cố định. Do đó để ngành Ngân hàng thích ứng nhanh với sự thay đổi trong thời đại mới, cần có cơ chế cho phép một cách nhanh chóng về việc thí điểm dịch vụ bằng nhiều hình thức, nhiều kênh để có thể phục vụ nhu cầu đa số người dân. Thông lệ quốc tế, để đáp ứng nhu cầu phát triển sản phẩm dịch vụ ngân hàng số, nhiều nước phát triển trên thế giới đã xây dựng cơ chế cho phép thử nghiệm, thí điểm đối với các sản phẩm, dịch vụ, yêu cẩu phát triển mới vượt ra ngoài khuôn khổ pháp luật hiện tại trên cơ sở kiểm soát rủi ro và hạn mức giao dịch.

Kiến nghị: Ngân hàng Nhà nướcxem xét, áp dụng cơ chế chấp thuận thí điểm/thử nghiệm sản phẩm mới, dịch vụ mới trong phạm vi nhỏ, đã xác định trước nhu cầu thị trường, đối tác (sanbox) với biện pháp kiểm soát cụ thể tùy năng lực kinh doanh và sáng tạo của ngân hàng (Ví dụ thí điểm đại lý của ngân hàng - agent banking), đặc biệt là thu, chi tiền mặt; liên kết và cung cấp SP trên hệ thống của bên thứ 3.Cho phép các TCTD được cung cấp dịch vụ chữ ký điện tử, chứng thực chữ ký số cho chính khách hàng của mình khi đáp ứng đủ điều kiện về về tài chính, nhân sự, kỹ thuật được xin cấp phép cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số theo quy định pháp luật (Nghị định 130/2018/NĐ-CP) - có thể coi đây là dịch vụ có liên quan đến hoạt động ngân hàng theo Điều 107 Luật các TCTD.

16. Một số vấn đề khác

Việc chuyển đổi văn bản điện tử sang văn bản giấy: Đề nghị cần xem xét bổ sung quy định về hình thức nào của văn bản điện tử được coi là đáp ứng trong trường hợp bên thứ ba yêu cầu bản gốc, bản chính, bản công chứng/chứng thực,…

Việc lưu trữ hồ sơ, giao dịch điện tử cho các dịch vụ công, cung cấp chữ ký số chuyên dùng cho khách hàng:Để tạo điều kiện phát triển nhanh cho các giao dịch điện tử, đề nghị cơ quan chức năng xem xét quy định về việc cho phép các Tổ chức cung cấp chữ ký số chuyên dùng được phép cung cấp chữ ký số cho khách hàng để đảm bảo an toàn, mật cho các giao dịch điện tử. Ngân hàng Nhà nước có quy định, thông tư hướng dẫn về việc quy chuẩn thuật toán sử dụng để ký các giao dịch điện tử, quy chuẩn về chữ ký số thực hiện giao dịch, vì TCTD đã và đang hợp tác với rất nhiều đối tác để thực hiện giao dịch điện tử, gần như đối tác nào cũng đưa ra những tiêu chuẩn, thuật toán ký riêng biệt, dẫn tới khó khăn trong việc đánh giá tiêu chuẩn ký giao dịch nào là hợp lý. Ngoài ra do nhiều cách thức ký giao dịch và nhiều loại chữ ký số, các bên tham gia giao dịch điện tử cũng sẽ lãng phí nhiều nguồn lực trong phát triển và quản lý các phương thức thực hiện ký giao dịch với từng đối tác. 

Tham dự và trao đổi tại tọa đàm, đại diện lãnh đạo Vụ Pháp chế, Vụ Kinh tế tổng hợp Văn phòng Chính phủ, Vụ Pháp chế, Vụ Thanh toán, Cục Công nghệ thông tin của Ngân hàng Nhà nước đều nhất trí đánh giá cao sự vào cuộc kịp thời của Hiệp hội Ngân hàng, phản ảnh đầy đủ, chi tiết những vướng mắc của tổ chức tín dụng hội viên liên quan đến thực thi pháp luật về giao dịch điện tử; có những kiến nghị, đề xuất cụ thể, mạch lạc đối với từng điều khoản quy định trong luật cũng như các văn bản hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước. Các ý kiến cũng trao đổi thẳn thắng với các tổ chức tín dụng về quyền, nghĩa vụ thực hiện các quy định pháp luật, những gì pháp luật đã cho phép đều được làm, những nội dung pháp luật cho phép nhưng chưa có quy định cụ thể thì Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm hướng dẫn chi tiết, kịp thời tạo điều kiện cho hoạt động của các tổ chức tín dụng an toàn, hiệu quả. Với vai trò bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của các tổ chức hội viên, Hiệp hội Ngân hàng, các tổ chức tín dụng cần chủ động rà soát, tổng hợp những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, đóng góp xây dựng, hoàn thiện khuôn khổ pháp luật, không để khoảng trống pháp lý về giao dịch điện tử trong lĩnh vực ngân hàng khi tiến trình chuyển đổi số, xây dựng ngân hàng số, hệ sinh thái ngân hàng số đang phát triển nhanh chóng, hỗ trợ hiệu quả cho các giao dịch thương mại điện tử và nền kinh tế.

Tính lãi tiền gửi
VNĐ
%/year
month
Tính lãi tiền gửi

Tính toán khoản vay
VNĐ
%/year
month
Tính toán khoản vay