Thứ tư, 22/01/2025
   

Tìm giải pháp tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng FTA

Sáng 06/03/2024, tại trụ sở Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA), Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng đã tiếp đoàn cán bộ của Bộ Công thương do ông Ngô Chung Khanh - Phó Vụ trưởng, Vụ Chính sách thương mại đa biên, dẫn đầu nhằm tham vấn, trao đổi về giải pháp tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng Hiệp định Thương mại tự do (FTA).
TS. Nguyễn Quốc Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA)

Tại buổi tiếp, ông Ngô Chung Khanh - Phó Vụ trưởng, Vụ Chính sách thương mại đa biên cho biết, Việt Nam đã ký kết và hiện đang thực hiện rất nhiều Hiệp định FTA thế hệ mới. Đây là động lực giúp cho nền kinh tế phục hồi nhanh chóng, vươn mình trở thành điểm đến lý tưởng đối với các nhà đầu tư nước ngoài trong thời kỳ đại dịch.

Tuy nhiên, qua 4 năm thực hiện, năm 2022, Bộ Công thương đã có đánh báo cáo Chính phủ. Qua đánh giá, các doanh nghiệp tại Việt Nam có tỷ trọng xuất khẩu chiếm thị phần trước và sau khi ký hiệp định FTA vẫn không thay đổi.

Đơn cử như trước khi có Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu - EU (EVFTA) thì tỷ trọng tổng kinh ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường EU chiếm khoảng 24%. Sau khi Việt Nam ký hiệp định EVFTA thì tỷ trọng xuất nhập khẩu của Việt Nam vào thị trường EU gần như không thay đổi, thậm chí là còn giảm đi.

gói tín dụng hỗ trợ
Ông Ngô Chung Khanh - Phó Vụ trưởng, Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công thương

Điển hình là các FTA thế hệ mới như: Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA)... Trong đó, tỷ trọng xuất nhập khẩu của Việt Nam trước khi ký và sau khi ký cũng không thay đổi về bản chất, với thị phần các doanh nghiệp Việt Nam chiếm rất thấp chỉ từ một vài phần trăm.

Mặc dù, hàng năm Bộ Công thương cũng đã tổ chức khoảng từ 360-370 hội nghị, tọa đàm, tập huấn lớn về FTA cho các doanh nghiệp trong nước, với cường độ trung bình mỗi ngày diễn ra một hội nghị. Tuy nhiên, các lãnh đạo trong doanh nghiệp nếu có tham gia lại không có điều kiện để trực tiếp trao đổi về vấn đề thiết thực.

Vì vậy, Bộ Công thương tổ chức tọa đàm mời trực tiếp các doanh nghiệp trong 5 ngành chiến lược tham dự, cụ thể như các ngành: thủy sản, da giầy, dệt may, cà phê, quế. Qua đó, có điều kiện để Bộ Công thương lắng nghe trực tiếp ý kiến của doanh nghiệp…

Thời gian qua, trong rất nhiều vấn đề còn bất cập nhưng từ các hộ nông dân trồng cà phê hay trồng quế hoặc nuôi trồng thủy sản đến các doanh nghiệp đều đánh giá gặp khó khăn lớn nhất về tín dụng. Bởi nhu cầu của họ là nguồn vốn để đẩy mạnh nuôi, trồng và phát triển sản xuất,…

Do vậy, đại diện Bộ Công thương mong muốn xây dựng một gói tín dụng hỗ trợ các doanh nghiệp tận dụng các hiệp định FTA. Trong đó, xây dựng hệ sinh thái kết nối theo chuỗi giá trị liên kết 4 nhà (nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp, nhà nông). Với đề xuất thí điểm trong 5 ngành là thủy sản, da giầy, dệt may, cà phê, quế. Sau khi tạo được mô hình thành công thì nhân rộng ra các ngành khác. 

gói tín dụng
Quang cảnh buổi tiếp và làm việc

TS. Nguyễn Quốc Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) cho rằng, đây là một ý tưởng hay nhưng nên được triển khai đồng bộ cho vay theo chuỗi liên kết 4 nhà (đứng đầu là Bộ Công thương, nhà khoa học, nông dân, doanh nghiệp). Hiện nhiều tổ chức quốc tế (như IFC...) cũng muốn tham gia nhưng tiến độ còn quá chậm.

Theo ông Hùng, Bộ Công thương cần xây dựng được hệ sinh thái với quy trình liên kết chặt chẽ, đảm bảo từ nguồn giống, nuôi trồng, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo hình thức hợp đồng giữa doanh nghiệp và nông hộ. Đặc biệt, là Bộ Công thương với vai trò đảm bảo doanh nghiệp đủ điều kiện xuất khẩu theo FTA để tham gia.

TS Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, nông nghiệp là lĩnh vực ưu tiên. Vì vậy, nguồn vốn sẽ được ưu tiên cho lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu nông nghiệp. Đồng thời, đề nghị Bộ Công thương cần chọn mẫu thí điểm. Đơn cử như chọn nông nghiệp như cà phê, cần chọn vùng, chọn hộ nông dân, chọn doanh nghiệp đủ tiêu chuẩn tham gia,… để làm thí điểm trước với nguồn vốn từ quỹ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Tiếp thu ý kiến đóng góp qua trao đổi, ông Ngô Chung Khanh cho rằng, những ý kiến của TS Nguyễn Quốc Hùng có tầm chiến lược, góp phần vào việc sắp xếp xây dựng lại từng khâu khép kín trong chuỗi liên kết khi xây dựng gói tín dụng hỗ trợ các doanh nghiệp tận dụng các hiệp định FTA.

T.Đ
Tính lãi tiền gửi
VNĐ
%/year
month
Tính lãi tiền gửi

Tính toán khoản vay
VNĐ
%/year
month
Tính toán khoản vay