Thứ tư, 04/12/2024
   

Tiếp tục Góp ý hoàn thiện khuôn khổ pháp luật về hoạt động Bao thanh toán tại Việt Nam

Ngày 12/4/2024, tại Hà Nội, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam phối hợp cùng Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) tổ chức Hội thảo “Góp ý hoàn thiện khuôn khổ pháp luật về hoạt động Bao thanh toán tại Việt Nam”, hội thảo diễn ra trong hai ngày 11-12/4/2024.
Ông Peter Brinsley, Giám đốc và Người sáng lập Point Forward (Chuyên gia tư vấn IFC) 

Tiếp tục các nội dung ngày thứ nhất thảo luận về Bao thanh toán (BTT), ở ngày 02, ông Peter Brinsley, Giám đốc và Người sáng lập Point Forward (Chuyên gia tư vấn IFC) chia sẻ về Bao thanh toán: Những vấn đề liên quan tới lừa đảo có thể xảy ra và các biện pháp ngăn ngừa loại trừ; Chiến lược xử lý khi xuất hiện khả năng không trả nợ của khách hàng; Quy định pháp luật cần có về Bao Thanh toán và đề xuất xây dựng khuôn khổ pháp lý về Bao Thanh toán.

Ngoài ra, ông cũng đưa ra một số khuyến nghị về Bao thanh toán tại Việt Nam như sau: Có quy định đạt được tất cả các mặt tích cực và không có tiêu cực; Có các quy tắc và yêu cầu rõ ràng, đơn giản; Nâng cao vị thế của bao thanh toán và tạo niềm tin cho thị trường, nhà cung cấp và người sử dụng; Cố gắng khuyến khích chủ nghĩa thương mại và đổi mới; Cân bằng nhu cầu của đơn vị tài trợ và cơ quan quản lý.

Phiên thảo luận tại hội thảo
Đại diện điều hành phiên thảo luận tại hội thảo

Tại hội thảo, các chuyên gia đến từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, đại diện Nhóm công tác nước ngoài đã có phiên thảo luận lắng nghe những góp ý và  giải đáp các thắc mắc của các TCTD về Bao thanh toán tại Việt Nam.

Góp ý thông tư về BTT, bà Đinh Linh Chi - Giám đốc Tuân thủ, Ngân hàng TNHH một thành viên United Overseas Bank Việt Nam (Đại diện Nhóm công tác nước ngoài) đề xuất kiến nghị về các vấn đề: Bao thanh toán bên mua; Bao thanh toán không có cam kết hoàn trả của bên bán (Đề xuất NHNN có quy định cụ thể về cơ chế quản lý và vận hành sản phẩm này từ các khía cạnh: Thẩm định tín dụng; Nhận biết khách hàng (KYC); Thỏa thuận ký kết với bên bán/bên mua; Quản lý rủi ro tín dụng-báo cáo dư nợ cấp tín dụng, giới hạn cấp tín dụng, phân loại nợ, trích lập dự phòng); Phân loại nợ, trích lập dự phòng; Đơn giản hóa thẩm định tín dụng (đề xuất không thu thập thông tin về phương án sử dụng vốn phù hợp với thông lệ quốc tế); Ngôn ngữ: Kiến nghị: Cho phép sử dụng ngôn ngữ Tiếng Việt hoặc tiếng nước ngoài trong Hợp đồng BTT. Trong trường hợp có yêu cầu cơ quan có thẩm quyền, đơn vị BTT có thể dịch sang Tiếng Việt; Chi nhánh ngân hàng nước ngoài BTT cho khách hàng không cư trú; Bao thanh toán bằng phương tiện điện tử.

Bên cạnh đó, đại diện của các Ngân hàng như Vietcombank, Vietinbank, VPBank, MSB… đã đưa ra những góp ý cụ thể khác dưới góc nhìn của ngân hàng trong nước về hoạt động BTT: Bao thanh toán miễn truy đòi có phải hình thức cấp tín dụng, khi đó hạch toán như thế nào; Vấn đề giảm thiểu cấp tín dụng bao thanh toán; bao thanh toán bốn bên, trong đó được áp dụng đi theo tập quán quốc tế, hình thức này có thể mở ra cho hình thức nội địa; Giá trị khoản thu bao thanh toán, điều chỉnh quy định về nội dung của Hợp đồng BTT, cụ thể khoản phải thu chỉ cần được bảo đảm từ phía bên bán rằng không sử dụng cho một Hợp đồng mua bán nào khác; quy định cụ thể hơn về cấp tín dụng, về hạn mức, thẩm định và xác thực khách hàng lần đầu tiếp cận TCTD cũng như khách hàng lâu năm; Khoản phải thu; Thẩm định (đặc biệt trong trường hợp có giao dịch đối ứng)…

Ông Jingchang Lai - Chuyên gia trưởng, Trưởng nhóm Phát triển Cơ sở Hạ tầng Tài chính Châu Á và Thái Bình Dương, Nhóm tư vấn các định chế tài chính, IFC cũng đưa ra một số quan điểm khác để góp ý Dự thảo Thông tư sắp ban hành của Ngân hàng Nhà nước. Đối với khoản phải thu, ông cho cần rằng thận trọng để đảm bảo khoản thu có thật. Cần đánh giá tổng thể xem dữ liệu lịch sử khoản tiền được thu hồi như thế nào, tài khoản cần phải được giám sát.  Đối với việc phân loại khoản vay, cần phân loại trích lập dự phòng rủi ro phù hợp, do đặc thù khoản nợ trong BTT có tỷ lệ vỡ nợ thấp nên dễ dàng kiểm soát những khoản BTT hơn khoản vay thông thường. Về kế hoạch sử dụng vốn, cần có yêu cầu hoạt động tài trợ vốn không được sử dụng để mua các công ty khác và đầu tư các lĩnh vực khác.

Kết thúc hội thảo, đại diện Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho rằng những góp ý của các TCTD là quan trọng trong việc hoàn thiện Dự thảo Thông tư ban hành về hoạt động Bao thanh toán tại Việt Nam. Song song đó, rất cần sự thống nhất đồng bộ giữa các cơ quan ban ngành có liên quan cũng như các Vụ, Cục khác của Ngân hàng Nhà nước để việc ban hành và triển khai Thông tư được thống nhất thông suốt và thuận lợi trong hệ thống tổ chức tín dụng. 

Tính lãi tiền gửi
VNĐ
%/year
month
Tính lãi tiền gửi

Tính toán khoản vay
VNĐ
%/year
month
Tính toán khoản vay