Thứ ba, 15/07/2025
   

Thúc đẩy tín dụng xanh tại Việt Nam: Đồng bộ khung pháp lý và ưu đãi mạnh mẽ

Ngày 15/7/2025, Ủy ban Chính sách thuộc Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) đã tổ chức Tọa đàm “Hoàn thiện khung pháp lý tạo thuận lợi cho hoạt động của các TCTD liên quan đến Tài chính xanh”. Sự kiện quy tụ các chuyên gia và đại diện cơ quan quản lý nhằm thảo luận về các giải pháp thúc đẩy tín dụng xanh phát triển tương xứng với tiềm năng tại Việt Nam.

Buổi tọa đàm diễn ra trong bối cảnh ngành Ngân hàng đang tích cực thực hiện đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước theo Nghị quyết 66-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết 140/NQ-CP của Chính phủ.

Tham dự tọa đàm có TS. Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA); ông Trần Phương, Chủ nhiệm Ủy ban Chính sách, Phó Tổng Giám đốc BIDV; ông Phạm Đức Tuấn – Thành viên Ủy ban Chính sách, Thành viên HĐTV Agribank; bà Phạm Thị Thanh Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN); ông Mai Thanh Dung, Phó Viện trưởng Viện chiến lược, chính sách nông nghiệp và môi trường (Bộ Nông nghiệp và Môi trường); ông Lê Thanh Tùng, Chủ nhiệm Ủy ban Rủi ro, Thành viên HĐQT Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) cùng đại diện Vụ Chính sách tiền tệ; Thanh tra Ngân hàng Nhà nước; Cơ quan phát triển Pháp (Afd); Nhóm Công tác Ngân hàng VBF; Cty Kiểm toán E & Y và các tổ chức hội viên Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam.

tín dụng xanh
TS. Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA)

Phát biểu tại tọa đàm, TS. Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VNBA, nhấn mạnh sự quan tâm của Chính phủ Việt Nam đối với tăng trưởng xanh, thể hiện qua Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 và Quyết định số 21/2025/QĐ-TTg về tiêu chí môi trường, xác nhận dự án đầu tư xanh. Ông Hùng khẳng định ngành Ngân hàng là một trong những đơn vị đi đầu trong việc thực hiện mục tiêu này, với việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố Sổ tay hướng dẫn hệ thống quản lý rủi ro môi trường – xã hội (ESMS).

Mặc dù đạt nhiều kết quả tích cực trong 10 năm qua, với việc các TCTD chủ động xanh hóa hoạt động nội bộ và đầu tư vào tài chính xanh, TS. Nguyễn Quốc Hùng chỉ rõ thách thức lớn nhất hiện nay là khuôn khổ pháp lý chưa thực sự đồng bộ và hoàn thiện. Ông đưa ra ba vấn đề chính:

Thứ nhất, huy động vốn lớn cho mục tiêu Net Zero: Theo Ngân hàng Thế giới, Việt Nam cần 368 tỷ USD (tương đương 6,8% GDP/năm) đến năm 2050 để đạt phát thải ròng bằng 0, đòi hỏi cơ chế thu hút vốn trong và ngoài nước.

Thứ hai, thị trường tín dụng xanh chưa tương xứng tiềm năng: Tốc độ tăng trưởng tín dụng xanh đạt 20%/năm, cao hơn mức tăng trưởng tín dụng toàn ngành. Tuy nhiên, đến 31/3/2025, dư nợ tín dụng xanh chỉ đạt 704.200 tỷ đồng (chiếm 4,3% tổng dư nợ toàn nền kinh tế), tập trung chủ yếu vào năng lượng tái tạo/sạch (37%) và nông nghiệp sạch/xanh (29%). Trái phiếu xanh phát hành khiêm tốn chỉ 1,16 tỷ USD trong 5 năm, so với nhu cầu 20 tỷ USD/năm.

Thứ ba, thiếu cơ chế khai thác dữ liệu môi trường: Dữ liệu là tài sản chiến lược, cần chính sách để khai thác tối đa cho chuyển đổi xanh.

TS. Hùng kỳ vọng tọa đàm sẽ làm rõ những cản trở từ khung pháp lý chưa hoàn thiện và đề xuất các kiến nghị cụ thể cho Chính phủ, cơ quan quản lý để tín dụng xanh phát triển tương xứng, góp phần vào mục tiêu tăng trưởng xanh bền vững.

tín dụng xanh
Ông Trần Phương, Chủ nhiệm Ủy ban Chính sách, Phó Tổng Giám đốc BIDV

Ông Trần Phương, Chủ nhiệm Ủy ban Chính sách, Phó Tổng Giám đốc BIDV, nhấn mạnh vai trò quan trọng của các TCTD trong việc định hướng dòng vốn vào các lĩnh vực xanh. Ông dẫn số liệu NHNN cho thấy, đến 31/3/2025, 58 TCTD có dư nợ tín dụng xanh đạt trên 704.244 tỷ đồng, tăng 3,57% so với cuối năm 2024, chiếm 4,3% tổng dư nợ toàn nền kinh tế.
Ông Phương khẳng định các ngân hàng thương mại đã nghiêm túc triển khai kế hoạch hành động theo Quyết định 1604 của NHNN, thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, Thông tư 17/2022/TT-NHNN về quản lý rủi ro môi trường, và Sổ tay ESMS. Các TCTD đã xây dựng chiến lược và chính sách xanh hóa hoạt động, hạn chế tín dụng ngành phát thải cao, ưu đãi lãi suất cho tín dụng xanh, xây dựng khung tài chính bền vững theo chuẩn quốc tế. Bên cạnh đó, đẩy mạnh huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu ESG (BIDV, Vietcombank cũng như một số TCTD khác đã rất tích cực triển khai) và tăng trưởng dư nợ tín dụng xanh. Các TCTD đã tăng cường hợp tác quốc tế nhằm huy động vốn ưu đãi từ các định chế tài chính quốc tế như ADB, AFD. Bên cạnh đó là việc nâng cao năng lực quản trị, hoàn thiện quy trình nội bộ, học hỏi mô hình quản lý rủi ro tín dụng xanh, và thành lập Ban Quản lý dự án Chiến lược phát triển bền vững và ESG.

Bà Phạm Thị Thanh Tùng – Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN)

Tại tọa đàm, bà Phạm Thị Thanh Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN), cho biết thời gian qua, NHNN đã nỗ lực trong việc tạo điều kiện cho tín dụng xanh, thông qua điều hành chính sách tín dụng hợp lý, hướng vốn vào các lĩnh vực ưu tiên, tăng trưởng xanh, cùng với đó là định hướng phát triển "tín dụng xanh", "ngân hàng xanh" trong các chiến lược ngành ngân hàng và đề án ngân hàng xanh. NHNN cũng đã ban hành Thông tư 17/2022/TT-NHNN, sửa đổi Nghị định 156/2025/NĐ-CP (nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn), phối hợp ban hành Quyết định 21/2025/QĐ-TTg (tiêu chí dự án xanh), và trình Chính phủ chính sách hỗ trợ lãi suất 2%/năm cho dự án xanh (Nghị quyết 139/NQ-CP).

Bà Nguyễn Thị Thu Hà - Giám đốc Trường đào tạo cán bộ - Phó Trưởng ban chỉ đạo ESG Agribank phát biểu tham luận

Bên cạnh đó, NHNN cũng tăng cường chỉ đạo TCTD tập trung nguồn lực, thống kê 12 lĩnh vực xanh, xây dựng tài liệu hướng dẫn ESG, và triển khai các chương trình tín dụng xanh, đặc biệt là Chương trình cho vay lúa gạo chất cao và phát thải thấp vùng ĐBSCL theo Quyết định 1490/QĐ-TTg. Đồng thời tham gia diễn đàn quốc tế nhằm học hỏi kinh nghiệm, huy động nguồn lực, nâng cao năng lực.

Kết quả, đến cuối tháng 3/2025, dư nợ tín dụng xanh đạt trên 704.244 tỷ đồng, tăng 3,57% so với cuối năm 2024, chiếm 4,3% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. Tốc độ tăng trưởng bình quân đạt hơn 21,2%/năm giai đoạn 2017-2024, cao hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế. Dư nợ được đánh giá rủi ro môi trường và xã hội đạt 3,62 triệu tỷ đồng.

tín dụng xanh
Quang cảnh tọa đàm

Tuy nhiên, bà Tùng cũng chỉ ra những khó khăn hiện nay đó là thể chế, chính sách chưa hoàn thiện; khó khăn huy động vốn dài hạn (ảnh hưởng kinh tế-chính trị, lãi suất USD cao, rủi ro tỷ giá); chi phí đầu tư quản trị và nâng cao năng lực; nhận thức chưa đồng đều của doanh nghiệp; và thiếu thông tin môi trường dễ tiếp cận.

Trong thời gian tới, NHNN sẽ tập trung nghiên cứu hướng dẫn TCTD cho vay dự án xanh theo Quyết định 21/2025/QĐ-TTg. Phối hợp xây dựng chính sách hỗ trợ lãi suất 2%/năm cho doanh nghiệp tư nhân, hộ kinh doanh thực hiện dự án xanh theo Nghị quyết 139/NQ-CP. Tìm kiếm nguồn tài trợ, hỗ trợ kỹ thuật để nâng cao năng lực cán bộ ngân hàng về tài chính xanh. Đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức về tăng trưởng xanh.

Tuy nhiên, để khơi thông nguồn vốn tín dụng xanh, cần sự phối hợp từ các Bộ, ngành trong việc xây dựng lộ trình đồng bộ chính sách hỗ trợ (thuế, phí, vốn, kỹ thuật, thị trường, quy hoạch) cho các ngành xanh; Phát triển thị trường trái phiếu xanh và thị trường carbon nội địa; Đề xuất cơ chế hỗ trợ TCTD tiếp cận nguồn vốn dài hạn, ưu đãi quốc tế để cung cấp tín dụng xanh.

Tọa đàm đã lắng nghe nhiều tham luận sâu sắc từ các TCTD như Agribank, BIDV, HDBank, Standard Chartered Bank, cùng các phiên thảo luận bàn tròn về "Rào cản pháp lý trong triển khai tài chính xanh và các đề xuất, kiến nghị", với nhiều giải pháp thiết thực cho tín dụng xanh Việt Nam.

M.H

Tính lãi tiền gửi
VNĐ
%/year
month
Tính lãi tiền gửi

Tính toán khoản vay
VNĐ
%/year
month
Tính toán khoản vay