Thứ hai, 18/11/2024
   

Thúc đẩy tín dụng cho doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ tại Việt Nam

Ngày 06/06, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp với Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tổ chức Hội thảo với chủ đề “Cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ: Thông lệ quốc tế và khung chính sách”.

Ngày 06/06, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp với Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tổ chức Hội thảo với chủ đề “Cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ: Thông lệ quốc tế và khung chính sách”.

Thuc day tin dung cho doanh nghiep do phu nu lam chu tai Viet Nam

Qang cảnh Hội thảo “Cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ: Thông lệ quốc tế và khung chính sách”

Hội thảo được tổ chức nhằm mục tiêu hỗ trợ ngân hàng nhà nước và hệ thống các ngân hàng xác định những thách thức, khó khăn trong tiếp cận tài chính của doanh nghiệp nữ, đánh giá khoảng trống trong cung cấp tín dụng và các sản phẩm tài chính khác cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa do nữ làm chủ, đề xuất những thay đổi để thúc đẩy, mở rộng tín dụng; đồng thời tăng cường nhận thức cho các bên về các chương trình, chính sách tín dụng và các hỗ trợ phổ biến tại các nước, qua đó, thúc đẩy tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ tại Việt Nam.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, bà Vũ Minh Châu - Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, ngân hàng nhà nước cho biết, cùng với sự phát triển và hội nhập của đất nước, được sự quan tâm của Nhà nước và Chính phủ, phụ nữ Việt nam ngày càng phát huy được nhiều tiềm năng, trí tuệ và có nhiều đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Phụ nữ Việt Nam đã và đang ngày càng chủ động, tự tin khẳng định bản lĩnh của mình trong cả việc lãnh đạo, quản lý, làm kinh tế và nghiên cứu.

Trong hoạt động kinh tế và các phong trào lao động sản xuất, đã có nhiều tấm gương phụ nữ tiêu biểu thể hiện được năng lực quản lý, bản lĩnh vượt trội của mình khi trở thành những người quản lý, những nữ chuyên gia kinh tế giỏi, trở thành những chủ doanh nghiệp thành đạt và được Nhà nước tặng thưởng các danh hiệu cao quý. Thực tế đã chứng minh, trong điều kiện kinh tế có những biến động khó lường, khu vực kinh doanh do phụ nữ làm chủ thường có khả năng bền vững hơn, không chỉ đóng góp phát triển kinh tế mà còn thực hiện tốt trách nhiệm xã hội.

Sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân đã góp phần trao quyền cho phụ nữ qua cơ hội việc làm và phát triển nghề nghiệp. Xu thế phụ nữ nắm vai trò lãnh đạo trong khu vực kinh tế tư nhân đang ngày càng phổ biến. Doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ có vai trò quan trọng đối với giải quyết việc làm, tạo thu nhập, nâng cao vị thế phụ nữ và thực hiện bình đẳng giới.

Tuy nhiên, bản thân các doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ gặp nhiều trở ngại trong quá trình hình thành và phát triển như quy mô còn nhỏ, sức cạnh tranh của doanh nghiệp còn thấp; năng lực quản trị doanh nghiệp và tiếp cận thông tin, công nghệ còn hạn chế, đặc biệt phụ nữ làm chủ còn gặp nhiều áp lực do phải cân bằng giữa công việc và cuộc sống gia đình và những định kiến giới trong gia đình và kinh doanh. Những trở ngại đó khiến cho doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ chưa khai thác hết tiềm năng phát triển. Bên cạnh đó, môi trường kinh doanh không thuận lợi trong 02 năm (2020 - 2021) đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, gây ra nhiều tác động tiêu cực lên nền kinh tế, doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ càng phải gánh chịu nhiều tác động và tổn thất hơn.

Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế cho biết, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, ngành Ngân hàng luôn xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa là một trong 5 lĩnh vực ưu tiên đầu tư tín dụng. Đồng hành cùng doanh nghiệp nhỏ và vừa, bao gồm doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế chịu ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch COVID-19, thời gian qua, ngân hàng nhà nước đã phối hợp với các ngân hàng trong hệ thống tích cực triển khai thực hiện nhiều giải pháp, chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong việc tiếp cận nguồn vốn như chính sách ưu đãi về lãi suất, tín dụng, chủ động tiếp cận, đưa ra nhiều chương trình, sản phẩm ưu tiên hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng, doanh nghiệp bị ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 theo Thông tư 01, Thông tư 03 của ngân hàng nhà nước và chương trình hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị định 31 của Chính phủ; Bên cạnh đó, nỗ lực đẩy mạnh Chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp để giải quyết khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp. Nhờ đó, vốn tín dụng ngân hàng đầu tư cho khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ đều tăng trưởng qua các năm.

Để hỗ trợ kịp thời cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ có khó khăn về tài chính trong giai đoạn COVID-19, ADB đã triển khai Dự án giảm thiểu tác động của COVID-19 đến các doanh nghiệp nhỏ và vừa với tổng giá trị 5 triệu USD từ tháng 04/2021 với cơ quan chủ quản là ngân hàng nhà nước và 05 ngân hàng tham gia thực hiện (BIDV, ACB, SHB, TPBank và VPBank). Đồng hành với các doanh nghiệp và các ngân hàng, ngân hàng nhà nước cũng phối hợp với ADB triển khai các nghiên cứu, đánh giá nhằm tìm hiểu và nắm bắt các khó khăn, trở ngại với doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ trong hoạt động kinh doanh.

Chia sẻ tại Hội thảo, bà Chu Hồng Minh - Chuyên gia tài chính cao cấp của ADB đánh giá, cùng với những nỗ lực chung về bình đẳng giới, Việt Nam đã từng bước có những chính sách và giải pháp nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp nữ, doanh nghiệp nữ khởi nghiệp, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ. Thời gian qua, hệ thống ngân hàng đã coi đối tượng này là một trong những đối tượng ưu tiên thực hiện các hoạt động hỗ trợ và cấp tín dụng, nhất là trong thời gian dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp.

Đồng hành với những nỗ lực chung của Chính phủ Việt Nam, ngân hàng nhà nước và các NHTM, trong khuôn khổ dự án hỗ trợ kỹ thuật về thúc đẩy bình đẳng giới ở Châu Á - Thái Bình Dương và Chương trình Tăng tốc phát triển mạnh mẽ doanh nghiệp của phụ nữ ở Đông Nam Á và Thái Bình Dương (WAVES) với sự tài trợ của Quỹ Sáng kiến Tài chính dành cho nữ doanh nhân (We-Fi), ADB đã xây dựng một cấu phần riêng về tiếp cận tài chính; cùng với đó các hoạt động hỗ trợ về khung chính sách, nâng cao năng lực trực tiếp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ. Đại diện ADB mong muốn và hy vọng rằng, những nỗ lực này sẽ góp phần tăng cường khả năng tiếp cận của doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ, đóng góp vào việc thực hiện thành công Chiến lược Tài chính toàn diện ở Việt Nam.

Trao đổi về thông lệ và thực tiễn thúc đẩy cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa do nữ làm chủ trong phiên I của Hội thảo, ông Reuben Jessop - Chuyên gia tư vấn tài chính quốc tế đã có phần trình bày về thi hành chính sách và triển khai cho vay dành cho nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa do nữ làm chủ. Trong đó, ông nêu lên một số ví dụ về các chương trình cho vay được thiết kế riêng cho doanh nhân nữ của Ngân hàng Franco-Lao (BFL) và IFC, “Chương trình Vốn” của Bank of America và Quỹ Tony Burch… Chuyên gia Reuben Jessop cũng đưa ra các khuyến nghị đối với ngân hàng nhà nước và các nhà hoạch định chính sách như thúc đẩy hoạt động cho vay đối với các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ như một biện pháp phòng ngừa tích cực nhằm bảo vệ các ngân hàng trước tình trạng suy giảm danh mục cho vay; cải thiện các cơ chế bảo lãnh tín dụng và dịch vụ tư vấn để hoạt động hiệu quả hơn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa; xây dựng kiến thức và chuyên môn cho các tổ chức tài chính tập trung vào các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ. Bên cạnh đó, các tổ chức tài chính cần theo dõi dữ liệu phân tách theo giới tính; xây dựng chiến lược dành riêng cho doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ; phát triển các sản phẩm và dịch vụ phù hợp cho các doanh nghiệp này.

Ông Nguyễn Cảnh Hùng - Giám đốc Khối Khách hàng Doanh nghiệp thì khuyến nghị các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ cần chủ động tiếp cận, tìm hiểu các thông tin về chính sách hỗ trợ phát triển, tham gia các mạng lưới hiệp hội/ hội/ câu lạc bộ doanh nhân nữ… Đại diện SeABank cũng cho rằng, cần đơn giản hóa thủ tục, hồ sơ để doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ được tiếp cận và hỗ trợ từ các chính sách của Chính phủ; nâng cao chất lượng dịch vụ hỗ trợ kinh doanh với đối tượng này tại các địa phương; vinh danh và ghi nhận đóng góp của các DN này để thúc đẩy phụ nữ tham gia phát triển kinh tế - xã hội…

Bên cạnh đó, bà Nguyễn Thị Kim Phượng - Phó Giám đốc Ban Khách hàng Doanh nghiệp, BIDV trao đổi thông tin về các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ tại BIDV, tiêu biểu là nền tảng số SMEasy. Về phía SHB, ông Các Toàn Luân - Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý và Thúc đẩy Kinh doanh chia sẻ về kinh nghiệm của SHB trong gia tăng hiệu quả hoạt động cho vay dành cho nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa do nữ làm chủ với những bài học về tăng cường hỗ trợ và tài trợ; đào tạo và phát triển kỹ năng; xây dựng mạng lưới và liên kết; khuyến khích sự đổi mới và sáng tạo; xây dựng lòng tin.

Chia sẻ về việc phát triển hệ thống thu thập dữ liệu tín dụng phân tách theo giới nhằm quản lý và giám sát việc cho vay dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa do nữ làm chủ trong phiên II của Hội thảo diễn ra vào buổi chiều cùng ngày, ông Reuben Jessop - Chuyên gia tư vấn tài chính quốc tế cho rằng, việc thu thập và sử dụng dữ liệu về giới là điều cần thiết để các nhà hoạch định chính sách hiểu được các rào cản chính đối với việc tiếp cận tài chính của phụ nữ, từ đó đưa ra các chính sách để giải quyết. Dữ liệu về giới tính rất cần thiết đối với các tổ chức tài chính để họ có thể xác định quy mô thị trường, hiểu các cơ hội của phân khúc, tăng mức độ tương tác của khách hàng và phục vụ nhiều phụ nữ hơn. Thúc đẩy việc sử dụng dữ liệu phân tách theo giới mang lại tác động thực sự cho phụ nữ, cộng đồng của họ và nền kinh tế quốc gia nhưng cần có thời gian và đầu tư.

Trong khi đó, bà Nguyễn Lan Hương - Phó Giám đốc Khối Khách hàng Doanh nghiệp, TPBank đã có phần đúc kết những kinh nghiệm của TPBank trong triển khai dữ liệu phân tách giới trong cho vay đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa do nữ làm chủ. Còn ông Đào Gia Hưng - Phó Giám đốc Khối Khách hàng Doanh nghiệp nhỏ và vừa, VPBank chia sẻ kinh nghiệm về chi phí và lợi ích của dữ liệu phân tách giới để thúc đẩy việc cho vay đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa do nữ làm chủ.

Trong khuôn khổ Hội thảo, các đại biểu cũng tham gia phiên thảo luận về những hạn chế và giải pháp đối với việc áp dụng thu thập dữ liệu tín dụng phân tách giới ở Việt Nam nhằm thúc đẩy hoạt động cho vay dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa do nữ làm chủ.

Theo SBV

Tính lãi tiền gửi
VNĐ
%/year
month
Tính lãi tiền gửi

Tính toán khoản vay
VNĐ
%/year
month
Tính toán khoản vay