Đây là thông tin được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng đã đưa ra trong hội nghị trực tuyến về truyền thông chính sách với chủ đề “Nhận thức - Hành động - Nguồn lực”, do Chính phủ tổ chức vào chiều ngày 24/11/2022. Ông Phạm Minh Chính - Ủy viên Bộ Chính trị - Thủ tướng Chính phủ dự và chủ trì hội nghị.
Tại hội nghị, các bộ, ngành, địa phương tập trung thảo luận làm rõ nội hàm công tác truyền thông chính sách; thống nhất về phương thức và chia sẻ kinh nghiệm trong truyền thông chính sách; nêu lên những khó khăn, vướng mắc và đề xuất các kiến nghị, giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng phát biểu tại Hội nghị
Trình bày tham luận về vai trò, trách nhiệm và định hướng truyền thông chính sách trong lĩnh tiền tệ - ngân hàng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết đặc điểm thông tin liên quan đến lĩnh vực ngân hàng, hoạt động ngân hàng là lĩnh vực chuyên sâu, có tính đặc thù riêng và gắn với yếu tố niềm tin công chúng. So với các lĩnh vực khác, thông tin tiền tệ, ngân hàng có tính nhạy cảm, lan truyền cao, phạm vi ảnh hưởng lớn.
Truyền thông được coi là một trong các trụ công cụ của hoạt động NHNN và là kênh truyền dẫn hiệu quả chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng. Ban lãnh đạo NHNN luôn nhận thức công tác truyền thông là công tác trọng tâm trong điều hành.
Các NHTW trên thế giới đều coi truyền thông là một hoạt động hỗ trợ quan trọng cho việc điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng.
Nhận thức về tầm quan trọng của công tác truyền thông, Ban lãnh đạo NHNN xác định truyền thông là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, được triển khai đồng bộ trên toàn hệ thống (từ các Vụ cục chức năng NHNN, Chi nhánh và các tổ chức tín dụng).
Trong công tác xây dựng, ban hành và thực thi chính sách, NHNN luôn coi truyền thông là nhiệm vụ quan trọng. Truyền thông tham gia từ khâu xây dựng, triển khai, phản hồi chính sách.
Trong tổ chức thực hiện công tác truyền thông, NHNN luôn luôn hướng tới mục tiêu là các chính sách của ngành được triển khai truyền thông đến mọi tầng lớp Nhân dân, nâng cao niềm tin Nhân dân với các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước, việc điều hành của NHNN liên quan đến lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng. Bên cạnh đó, NHNN chú trọng truyền thông các chính sách liên quan trực tiếp đến việc sử dụng dịch vụ ngân hàng của người dân để bảo vệ người tiêu dùng sử dụng dịch vụ tài chính.
Nội dung truyền thông của NHNN luôn chú trọng đến các chính sách mới, các chính sách tác động trực tiếp đến người sử dụng dịch vụ ngân hàng như chính sách tỷ giá, tín dụng, lãi suất, tiết kiệm, vay vốn, thanh toán...
NHNN luôn triển khai đa dạng các hình thức truyền thông, tùy từng đối tượng công chúng và mục tiêu chính sách, NHNN lựa chọn các hình thức truyền thông khác nhau.
Đặc biệt, NHNN đã phối hợp với nhiều cơ quan truyền thông báo chí để triển khai các chương trình truyền thông chính sách điển hình như phối hợp với VTV hoặc các trường học triển khai nhiều Chương trình giáo dục tài chính hiệu quả. thực hiện Chương trình “Tiền khéo- Tiền khôn”, “Tay hòm chìa khóa”, “ Đồng tiền thông thái” bằng hình thức đơn giản, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện, được dư luận đánh giá cao về tính sáng tạo và thu hút công chúng.
Trong quá trình thực hiện công tác truyền thông, NNHN luôn chủ động phối hợp với các cơ quan truyền thông báo chí. Trong thời gian qua, NHNN đã nhận được sự ủng hỗ, phối hợp hỗ trợ rất tích cực của Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin truyền thông, các Bộ ngành liên quan và các cơ quan báo chí trên toàn quốc. Đây là nhân tố quan trọng để các chủ trương chính sách của NHNN đến với công chúng để tạo đồng thuận dư luận về điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng.
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh vai trò của công tác truyền thông chính sách là phần quan trọng trong hoạt động truyền thông của Đảng, Nhà nước và Chính phủ. Truyền thông chính sách là trách nhiệm của các cơ quan hành chính, báo chí với mục tiêu cao nhất là làm sao để mọi chủ trương, chính sách đến được với đông đảo người dân, thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát và dân thụ hưởng"; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, xây dựng và củng cố niềm tin của Nhân dân với cơ quan nhà nước.
Thủ tướng Chính phủ lưu ý, trong công tác truyền thông phải có phương pháp, cách làm phù hợp với tình hình, bối cảnh từng cơ quan, đơn vị; chú trọng đổi mới, sáng tạo trong cách thức thực hiện để chuyển tải được thông tin đến với người dân một cách dễ hiểu, dễ làm; gắn truyền thông chính sách với bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; tăng cường thông tin chính thống; phản bác, ngăn chặn thông tin xấu độc để nâng cao nhận thức, tạo chuyển biến trong hành động; ưu tiên đầu tư các nguồn lực, hoàn thiện thể chế, xây dựng chương trình kế hoạch cụ thể, thống nhất trong tổ chức thực hiện truyền thông chính sách. Thủ tướng Chính phủ đề nghị, trong thời gian tới, công tác truyền thông phải phân tích rõ thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức của đất nước; đẩy mạnh truyền thông chính sách trên các phương tiện, không gian truyền thông mới; tích cực quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam với thế giới...