Ngày 27/4/2023, Ngân hàng Thế giới (WB) đã công bố báo cáo cập nhật về diễn biến và triển vọng thị trường giá cả trên toàn cầu.
Hình ảnh minh họa (Nguồn:Internet)
Theo đó, sau khi tăng tốc do chiến tranh tại Ukraina, giá cả hàng hóa thế giới bắt đầu xu hướng giảm do hoạt động kinh tế yếu ớt, kết hợp với mùa đông ấm áp và nỗ lực phân bổ lại các dòng chảy thương mại toàn cầu. Tính đến cuối quý I/2023, giá cả hàng hóa thế giới giảm 14% so với đầu năm, và giảm gần 30% so với mức đỉnh tháng 6/2022. Trong những tháng còn lại trong năm 2023, mặt bằng giá cả được dự báo sẽ không thay đổi đáng kể, nhưng vẫn cao hơn mức giá trước đại dịch, tiếp tục tác động tiêu cực đến an ninh lương thực.
Diễn biến giá cả gần đây
Trong sáu tháng qua, giá cả các mặt hàng hóa giảm nhanh, sau khi nhiều mặt hàng tăng giá kỷ lục lên đỉnh điểm vào tháng 6/2022. Theo đánh giá của WB, chỉ số giá cả hàng hóa đã giảm 32%, mức giảm sâu nhất kể từ khi đại dịch Covid-9 bùng phát. Đến tháng 3/2023, giá bột mỳ và khí đốt giảm khá sâu so với đỉnh điểm ghi nhận vào tháng 5 và tháng 8/2022. Tuy nhiên, giá cả các nhóm hàng hóa chủ chốt với 4/5 mặt hàng vẫn cao hơn mức giá trung bình trong giai đoạn 2015-2019. Trong năm 2022, giá phân bón đã lập kỷ lục lịch sử, giá thực phẩm cũng tăng cao nhất trong những thập kỷ qua, chỉ đứng sau mức giá ghi nhận trong giai đoạn thiếu hụt ngũ cốc 1975-1977.
Trong quý I/2023, giá năng lượng giảm 20% so với cuối năm 2022. Sau khi lập đỉnh vào tháng 6/2022, giá dầu Brent giảm 35%, nhưng vẫn chao đảo mạnh trong tháng 3/2023. Tại châu Âu, mùa đông dễ chịu nhờ nhập khẩu khí hóa lỏng tăng cao cùng với các nỗ lực nâng cao hiệu quả và bảo toàn năng lượng đã góp phần hạ nhiệt giá khí đốt tự nhiên tới 80% so với đỉnh điểm ghi nhận vào tháng 8/2022. Xuất khẩu tăng cao và nỗ lực định hướng lại các tuyến thương mại là những yếu tố tác động điều chỉnh tại các thị trường than đá và khí tự nhiên nhằm giảm thiểu rủi ro bắt nguồn từ cuộc chiến Nga - Ukraina. Sau khi tấn công Ukraina, CHLB Nga đã chuyển hướng xuất khẩu khí đốt từ châu Âu sang Trung Quốc, Ấn Độ và những nước đang phát triển và mới nổi khác. Mặc dù phụ thuộc vào khí đốt tự nhiên để làm nguyên liệu đầu vào, nhưng giá phân bón cũng giảm sâu.
Tính đến cuối tháng 3/2023, giá cả các mặt hàng nông nghiệp nhìn chung không thay đổi trong 6 tháng qua, giảm 14% so với đỉnh điểm tháng 4/2022. Nỗ lực mở lại các tuyến thương mại qua Biển Đen đã giúp Ukraina xuất khẩu ngũ cốc ra thị trường thế giới, đồng thời vụ mùa bội thu tại những nước sản xuất ngũ cốc khác và giá năng lượng giảm là những yếu tố gây tác động giảm giá cả các mặt hàng nông nghiệp. Trong quý I/2023, giá ngũ cốc giảm 5%, trong khi phần lớn các loại thực phẩm khác đều tăng giá nhẹ. Trong ngắn hạn, giá cả các mặt hàng thực phẩm tiếp tục đứng ở mức cao hơn so với trong thời kỳ khủng hoảng thực phẩm 2007-2008. Giá thực phẩm leo thang đang ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh lương thực và đời sống, nhất là đối với người nghèo tại nhiều nước đang phát triển. So với cùng kỳ năm trước, giá thực phẩm tháng 02/2023 tăng trung bình 20% tại 146 quốc gia, mức lạm phát cao nhất trong hai thập kỷ qua. Trong số này, 90% số nước thu nhập thấp và trung bình đối mặt với lạm phát giá thực phẩm trên 5%.
Trong quý I/2023, chỉ số giá kim loại và khoáng sản tăng 10%. Riêng trong tháng 01/2023, kỳ vọng về khả năng nhu cầu sẽ tăng nhanh sau khi Trung Quốc chấm dứt chiến lược zero Covid đã đẩy giá kim loại tăng tốc, nhưng chỉ diễn ra trong thời gian chóng vánh, nguyên nhân là do quốc gia này tiêu thụ gần một nửa nhu cầu kim loại toàn cầu. Trong tháng 3/2023, giá kim loại đã quay đầu giảm do nhu cầu yếu ớt trên toàn cầu. Trong quý I/2023, chỉ số giá kim loại quý tăng 9%, do USD xuống giá, nhu cầu mua vào tăng cao nhằm bảo toàn tài sản sau các sự cố ngân hàng tại Mỹ và châu Âu, nhu cầu về bạc và platium phục vụ sản xuất công nghiệp tăng cao.
Dự báo trong thời gian tới
Sau khi tăng 45% trong năm 2022, giá cả hàng hóa được kỳ vọng sẽ giảm 21% trong năm nay và tiếp tục đi ngang trong năm 2024. Sau khi giảm sâu trong quý I/2023, giá năng lượng dự báo sẽ ổn định trong những tháng còn lại trong năm nay, trước khi nhích nhẹ trong năm 2024, khi áp lực về nguồn cung sẽ tác động tiêu cực đến các thị trường. Trái lại, giá cả các mặt hàng phi năng lượng sẽ giảm khoảng 10% trong năm nay và giảm 3% trong năm 2024, do nhu cầu trên toàn cầu được dự báo sẽ tăng thấp hơn so với dự báo đưa ra vào tháng 10/2022.
Giá năng lượng được kỳ vọng sẽ giảm sâu với mức giảm khoảng 26% trong năm nay, sau đó có thể nhích nhẹ không quá 0,1% trong năm 2024. Trong năm 2023, giá dầu thô Brent trung bình được kỳ vọng sẽ ở mức 84 USD/thùng. Nhu cầu yếu ớt trên toàn cầu đã khiến mặt hàng năng lượng giảm 15% so với mức giá trung bình trong năm 2022, và dự báo sẽ ổn định ở mức giá này cho tới cuối năm 2024. Tại châu Âu, giá khí đốt tự nhiên lao dốc mạnh, với mức sụt giảm có thể lên đến 53% trong năm nay, nhưng vẫn cao gấp 3 lần so với mức giá trung bình trong giai đoạn 2015-2019. Ngoài ra, châu Âu vẫn đối mặt với khó khăn trong việc đảm bảo nguồn cung vào mùa đông tới đây, và phải cạnh tranh trong việc nhập khẩu khí hóa lỏng từ châu Á.
Giá than được dự báo sẽ giảm 42% trong năm nay và giảm 23% trong năm sau. Trong đó, tiêu thụ than tăng cao tại Trung Quốc sẽ bù đắp nhu cầu yếu ớt tại những nơi khác trên thế giới, khi nhiêu nước chuyển dịch sang khí đốt tự nhiên. Mặc dù giá giảm, nhưng sản lượng than và xuất khẩu từ các nước xuất khẩu chủ chốt (Australia và Indonesia) được dự báo vẫn sẽ tiếp tục tăng. Cùng với xu hướng giảm giá than và khí tự nhiên, giá phân bón được kỳ vọng giảm 37% trong năm nay, nhưng vẫn đứng ở mức cao như trong thời kỳ khủng hoảng thực phẩm 2007-2008.
Dự báo giá cả hàng hóa (tính theo USD: 2010=100)
Nguồn: WB tháng 4/2023
(1) Tăng/giảm so với năm trước;
(2) Tăng/giảm so với dự báo tháng 10/2022;
(3) Không tính giá kim loại quý;
(4) Bao gồm giá than (Australia), dầu thô Brent, khí tự nhiên (châu Âu, Mỹ, Nhật Bản);
(5) Bao gồm giá kim loại cơ bản và quặng sắt;
(6) Bao gồm giá nhôm, đồng, chì, kền, thiếc, kẽm;
(7) Kim loại quý không thuộc nhóm hàng hóa phi năng lượng.
Giá cả các mặt hàng nông nghiệp được dự báo sẽ giảm 7% trong năm 2023, sau đó tiếp tục giảm thêm trong năm 2024. Trong đó, giá thực phẩm được kỳ vọng sẽ giảm 8% trong năm 2023 và giảm 3% trong năm 2024, với giả thiết là xuất khẩu ngũ cốc và hạt có dầu từ các nước xung quanh Biển Đen tiếp tục ổn định. Tuy nhiên, trên thực tế, giá thực phẩm trong năm 2023 chỉ đứng sau mức giá trong năm 1975. Trong năm nay, trên 349 triệu người sẽ đối mặt với khó khăn về thực phẩm (gấp hai lần so với trong năm 2020). Nguyên nhân là do giá phân bón và thực phẩm tăng cao, biến đổi khí hậu, xung đột vũ trang và các cú sốc kinh tế. Giá cả các mặt hàng nguyên liệu thô sẽ giảm khoảng 6% trong năm nay, phản ánh hoạt động công nghiệp yếu ớt trên toàn cầu, nhưng sẽ tăng 2% trong năm 2024, khi nhu cầu tại Trung Quốc tăng trở lại.
Giá kim loại và khoáng sản được kỳ vọng sẽ giảm 8% trong năm nay, sau đó tiếp tục giảm thêm 3% trong năm 2024. Nhu cầu về những mặt hàng này trong ngành công nghiệp vẫn yếu ớt, trong khi kinh tế Trung Quốc phục hồi nhưng vẫn dựa vào sản xuất hàng hóa. Giá kim loại quý được kỳ vọng tăng 6% trong năm nay, khi nhu cầu mua vào để bản toàn tài sản tăng cao trong bối cảnh bất ổn kinh tế tăng cao trên toàn cầu, lo ngại về lạm phát và rối loạn tài chính trong quý I/2023.
Tuy nhiên, rủi ro giá cả tăng tốc trở lại vẫn có thể xảy ra, nếu các chuỗi cung ứng năng lượng và kim loại bị rối loạn (một phần do các biện pháp hạn chế thương mại), căng thẳng địa chính trị leo thang, hoạt động công nghiệp tại Trung Quốc phục hồi nhanh hơn kỳ vọng, và các hiện tượng thời tiết cực đoan.
Theo SBV