Ngày 22/4, Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 của Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2023 với lợi nhuận trước thuế hợp nhất 22.000 tỷ đồng.
Quang cảnh Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 của Techcombank
Bên cạnh đó, Techcombank đặt mục tiêu tăng trưởng dư nợ tín dụng trong năm 2023 đạt 511.297 tỷ đồng, tăng trưởng 15% hoặc cao hơn tùy theo chỉ tiêu được Ngân hàng Nhà nước cấp với tỷ lệ nợ xấu nội bảng thấp hơn 1,5%; huy động vốn phù hợp với tăng trưởng tín dụng thực tế nhằm tối ưu hóa nguồn huy động.
Liên quan đến kế hoạch lợi nhuận năm 2023 giảm 14% so với năm 2022, theo ban lãnh đạo Techcombank nhận định nền kinh tế Việt Nam năm 2023 tăng trưởng 5 - 6,5%, với nhiều biến động cũng như khó khăn tiềm ẩn do cả yếu tố trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, ban lãnh đạo Techcombank tin rằng câu chuyện tăng trưởng với các xu hướng và triển vọng vĩ mô trung và dài hạn vẫn được duy trì. Các xu hướng như gia tăng đô thị hóa và gia đình hạt nhân, cùng tỷ lệ sở hữu nhà ở thấp là cơ sở cho tiềm năng của thị trường bất động sản. Ngoài ra, các xu hướng như gia tăng gia sản, sự xuất hiện ngày càng nhiều của tầng lớp trung lưu, chuyển đổi số trong ngành tài chính sẽ tăng tốc mạnh mẽ.
Năm 2022, vốn chủ sở hữu của Techcombank tăng thêm 21,9% lên 113.425 tỷ đồng, đứng thứ hai hệ thống ngân hàng, chỉ sau Vietcombank. Trong đó, tổng lợi nhuận chưa sử dụng của Techcombank đến cuối năm ngoái đạt hơn 64.400 tỷ đồng, cao nhất ngành ngân hàng. Ban lãnh đạo Techcombank cho rằng, “kho” dự trữ lợi nhuận này giúp Techcombank hoàn toàn chủ động trong các mục tiêu kinh doanh 2023 và các năm tiếp theo, và có thể tăng vốn điều lệ lên mức cao nhất nhì hệ thống nếu cần thiết.
Hơn nữa, Techcombank vẫn nằm trong nhóm ngân hàng duy trì được chất lượng tài sản với tỷ lệ nợ xấu tại ngày 31/12/2022 chỉ ở mức 0,7%. Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) hợp nhất của Techcombank cũng NHNN duy trì ở mức cao nhất hệ thống là 15,2%, tăng so với mức 15,0% cuối năm 2021. Kết quả này được góp phần bởi sự dịch chuyển cơ cấu tín dụng sang cho vay cá nhân với hệ số rủi ro thấp hơn (trung bình khoảng 73% trong năm 2022, so với mức 103% của tín dụng cho khách hàng doanh nghiệp lớn) và việc ngân hàng tiếp tục thực thi chính sách thận trọng không chia cổ tức bằng tiền mặt.
Tuy nhiên, ban lãnh đạo Techcombank nhận định, do môi trường lãi suất cao trên toàn cầu, thanh khoản hệ thống bớt dồi dào và tâm lý tiêu cực về thị trường bất động sản và trái phiếu đã góp phần khiến số dư CASA sụt giảm, do khách hàng có xu hướng giảm nắm giữ tiền mặt để đầu tư hay chi tiêu và tăng mở tài khoản tiết kiệm.
Năm 2023, Đại hội đồng cổ đông Techcombank đã thông qua phương án trích 32.676 tỷ đồng lợi nhuận chưa sử dụng cho quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ. Techcombank cũng trích thêm 1.791 tỷ đồng quỹ dự phòng tài chính và một phần nhỏ trích quỹ phúc lợi (38 tỷ đồng). Phần lợi nhuận còn lại được giữ lại nhằm phục vụ cho các hoạt động kinh doanh.
Đại hội đồng cổ đông Techcombank cũng thông qua kế hoạch phát hành hơn 5,27 triệu cổ phiếu cho người lao động (ESOP), tỷ lệ phát hành 0,1499%. Giá phát hành 10.000 đồng/cổ phiếu, dự kiến thu về hơn 52,7 tỷ đồng. Sau phát hành vốn điều lệ Techcombank tăng lên trên 35.225 tỷ đồng. Số tiền thu được sẽ được bổ sung vốn hoạt động cho ngân hàng.
(Nguồn: Techcombank)