Thứ năm, 19/12/2024
   

Tác động của các cuộc họp báo của Fed đến thị trường

Từ tháng 4/2011, Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ (Fed) Ben Bernanke bắt đầu tổ chức các cuộc họp báo vào ngày cuối cùng của một số cuộc họp của FOMC - như một phần của quá trình chuyển đổi dài hạn sang minh bạch. Kể từ đó, những cuộc họp báo này đã trở thành một phần rất được mong đợi trong các

Từ tháng 4/2011, Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ (Fed) Ben Bernanke bắt đầu tổ chức các cuộc họp báo vào ngày cuối cùng của một số cuộc họp của FOMC - như một phần của quá trình chuyển đổi dài hạn sang minh bạch. Kể từ đó, những cuộc họp báo này đã trở thành một phần rất được mong đợi trong các hoạt động truyền thông của Fed với công chúng.

Nghiên cứu mới đây cho thấy sự biến động của thị trường trong các cuộc họp báo của Chủ tịch Fed Jerome Powell kể từ khi đại dịch Covid bắt đầu đã cao hơn gấp ba lần so với những người tiền nhiệm của ông và chúng có xu hướng đảo chiều so với các phản ứng ban đầu của thị trường đối với các tuyên bố của Ủy ban. Các sự kiện gần đây cũng nêu bật mức độ ảnh hưởng bởi các cuộc họp báo của FOMC đến thị trường: trong 06 cuộc họp báo của FOMC trong năm 2022, S&P 500 đã tăng hoặc giảm trên 1% với giá trị tương ứng khoảng 300 tỷ USD.

Kết quả phân tích chỉ ra có hai sự khác biệt nổi bật giữa các cuộc họp báo hiện nay của Fed và các nhiệm kỳ trước. Đầu tiên, sự biến động của thị trường cao hơn trong các cuộc họp báo của FOMC so với những thời điểm khác. Điều này đã đúng kể từ năm 2011 và nhưng đặc biệt rõ rệt đối với các cuộc họp báo của Chủ tịch Powell, cho thấy các họp báo đóng vai trò quan trọng định hình kỳ vọng của thị trường gần đây. Thứ hai, trước đại dịch COVID-19, các họp báo có xu hướng củng cố tuyên bố của FOMC, và thị trường vận động cùng chiều trong suốt cuộc họp báo như phản ứng ban đầu trước các tuyên bố. Tuy nhiên, kể từ khi bắt đầu đại dịch, trong các họp báo, thị trường chứng khoán và trái phiếu có xu hướng vận động trái chiều so với phản ứng trước tuyên bố của FOMC. Sự đảo ngược này có liên kết một cách có hệ thống với ngôn ngữ được sử dụng trong các bài phát biểu của Chủ tịch Powell.

Thị trường biến động hơn trong các họp báo

Các biến động thị trường đã nhận ra có thể đóng vai trò là một chỉ báo cho việc công bố thông tin liên quan đến thị trường. Hình 1 biểu thị sự biến động của lợi nhuận S&P 500 vào những ngày họp báo do Chủ tịch Powell và người tiền nhiệm của ông, Janet Yellen đưa ra. Theo nghiên cứu trước đó, các tuyên bố của FOMC lúc 14h00 được đánh dấu bằng một sự biến động mạnh khi thị trường phản ứng với thông tin mới được đưa ra. Buổi họp báo bắt đầu lúc 14h30 đi cùng với một sự gia tăng biến động khác, đặc biệt là đối với các họp báo gần đây dưới thời Chủ tịch Powell.

Hình 1. Biến động thị trường trong ngày họp báo của FOMC

 tac dong cua cac cuoc hop bao cua fed den thi truong4

Ghi chú: Hình 1 cho thấy biến động trung bình của chỉ số S&P 500 (được đại diện bởi SPY ETF) trong khoảng thời gian 5 phút từ 13h30 - 14h00 vào những ngày họp báo của FOMC. Các đường nét đứt cho biết thời điểm FOMC đưa ra tuyên bố (14h00) và thời gian bắt đầu họp báo (14h30).

Hình 2 thể hiện sự gia tăng biến động của thị trường trong các cuộc họp báo của Fed được so sánh giữa các nhiệm kỳ của ba Chủ tịch Fed là Ben Bernanke, Janet Yellen và Jerome Powell. Trong đó, đo lường sự biến động của thị trường tại ba thời điểm khác nhau, gồm trong thời gian diễn ra họp báo, xung quanh thời điểm FOMC đưa ra tuyên bố và tại thời điểm một tuần trước họp báo. Phân tích cho thấy, mặc dù sự biến động của thị trường tăng cao trong các cuộc họp báo do cả ba chủ tịch tổ chức, nhưng điều này đặc biệt rõ rệt trong nhiệm kỳ của Chủ tịch Powell: sự biến động của thị trường trong các cuộc họp báo của ông lớn hơn ba lần so với thời Ben Bernake và Janet Yellen.

Hình 2. Biến động thị trường 1 tuần trước họp báo, tuyên bố của FOMC và trong họp báo

 tac dong cua cac cuoc hop bao cua fed den thi truong3

Ghi chú: Hình 2 thể hiện trung bình bình phương biến động chỉ số S&P 500 (được đại diện bởi SPY ETF) trong các cuộc họp báo do Chủ tịch Powell, Yellen và Bernanke chủ trì. Biến động được đo lường từ phút trước khi cuộc họp báo bắt đầu đến phút kết thúc. Để so sánh, trung bình bình phương biến động thị trường được so sánh trong 3 thời điểm khác nhau: 1 tuần trước họp báo, 30 phút khi các thông điệp được công bố và trong thời gian họp báo. Các cuộc họp khẩn cấp và đột xuất được loại trừ, gồm: họp báo đột xuất ngày 4/3/2014 dưới thời Chủ tịch Yellen và các cuộc họp báo khẩn cấp liên quan đến COVID-19 do Chủ tịch Powell chủ trì vào ngày 03 và 15/3/2020.

Một giải thích cho sự biến động mạnh của thị trường trong các họp báo của Powell là môi trường vĩ mô biến động hơn so với giai đoạn những người tiền nhiệm; bao gồm các phản ứng chính sách với đại dịch và sự bùng phát trở lại sau đó của lạm phát. Tuy nhiên, không có khác biệt đáng kể về mức độ biến động của thị trường giữa các nhiệm kỳ trong thời gian trước họp báo 1 tuần. Điều này cho thấy biến động cao trong các cuộc họp báo của Chủ tịch Powell không làm gia tăng biến động cơ bản của thị trường.

Ngoài ra, không có sự khác biệt đáng kể tại thời điểm sau khi FOMC đưa ra các tuyên bố. Điều đó cũng cho thấy biến động cao trong các cuộc họp báo của Chủ tịch Powell không phải là kết quả của một chính sách lãi suất bất ngờ hơn.

Các đo lường khác cũng chỉ ra biến động của thị trường tăng cao trước các họp báo của Chủ tịch Powell kể từ khi bắt đầu COVID-19, với sự khác biệt nhỏ về mức độ biến động khi FOMC đưa ra tuyên bố hoặc các tin tức khác liên quan đến Fed.

Phản ứng đảo chiều của thị trường

Khi FOMC bắt đầu tổ chức các cuộc họp báo vào năm 2011, mục đích của nó nhằm “tăng cường tính minh bạch và kịp thời trong việc truyền thông chính sách tiền tệ của Fed”. Trên thực tế, điều này có nghĩa là họp báo sẽ bám sát theo các tuyên bố của FOMC với rất ít thông tin phát sinh. Như một nhà bình luận đã nói sau hội nghị đầu tiên của Chủ tịch Bernanke vào năm 2011 là: “Về cơ bản, ông Bernanke không phạm sai lầm nào, bổ sung rất ít (thông tin) vào những gì chúng ta biết, nhưng đã cho thấy, ít nhất là với công chúng, rằng ông ấy hiểu mối quan tâm của họ”.

Dưới thời Chủ tịch Bernanke và Yellen, các cuộc họp báo của Fed thường tái khẳng định thông điệp được đưa ra trong tuyên bố của FOMC. Hình 3 cho thấy các thị trường có xu hướng vận động cùng chiều trong cuộc họp báo như các phản ứng ban đầu sau khi FOMC đưa ra các thông báo. Mặc dù điều này đúng với các họp báo của Chủ tịch Powell trước khi đại dịch Covid xảy ra, nhưng các cuộc họp gần đây đã khác với khuôn mẫu. Kể từ tháng 3/2020, thị trường có xu hướng chuyển động theo hướng ngược lại trong các họp báo của Chủ tịch Powell so với các phản ứng ban đầu khi FOMC đưa ra các thông báo.

Hình 3. Tương quan giữa phản ứng của thị trường với thông điệp của FOMC và trong các họp báo

tac dong cua cac cuoc hop bao cua fed den thi truong2

Ghi chú: Hình 3 minh họa mối tương quan giữa biến động của S&P 500 với các thông điệp của FOMC và trong họp báo của các chủ tịch Fed. Một mối tương quan tích cực có nghĩa là S&P 500 tại thời điểm thông điệp được công bố có xu hướng vận động cùng chiều với những biến động tại thời điểm họp báo.

Một giải thích cho những vận động trái chiều này đó là thị trường có thể đã phản ứng thái quá với các tuyên bố gần đây của FOMC khi “dựa vào đó để hiểu rõ hơn”. Sự phản ứng thái quá cũng là một đặc điểm phổ biến của thị trường tài chính và sẽ có xu hướng tạo ra đảo chiều khi kỳ vọng chính xác.

Tuy nhiên, phân tích nội dung câu hỏi và trả lời trong các cuộc họp báo gần đây của Fed, các nhà nghiên cứu đã liên kết các phản ứng của thị trường với những ngôn ngữ được Chủ tịch Powell sử dụng. Thực tế, trong họp báo ngày 21/9/2022, thị trường chứng khoán Hoa Kỳ đã phản ứng rất tích cực với những ngôn ngữ được Chủ tịch sử dụng. Khi đó, thị trường tài chính tăng điểm và lợi tức trái phiếu kho bạc kỳ hạn hai năm giảm gần tám điểm cơ bản. Nhưng trong họp báo ngày 02/11/2022, Powell đã chuyển sang ngôn ngữ tiêu cực hơn rõ rệt và theo đó thị trường chứng khoán giảm gần 2%.

Những sự đảo chiều này của thị trường cho thấy các tuyên bố của FOMC không còn là “thông điệp cuối cùng” về định hướng lãi suất từ Fed. Hình 4 thể hiện đường đi của lợi tức trái phiếu kho bạc kỳ hạn hai năm trong những ngày họp báo của FOMC dưới thời Chủ tịch Yellen và Powell. Dưới nhiệm kỳ của Chủ tịch Yellen, thị trường trái phiếu đã phản ứng nhanh chóng với các thông điệp của FOMC và có xu hướng duy trì quanh mức đó sau họp báo. Tuy nhiên, dưới nhiệm kỳ của Chủ tịch Powell các phản ứng ban đầu của thị trường đối với các thông điệp của FOMC phần nào đảo chiều trong các họp báo.

Hình 4. Đường đi của lợi tức trái phiếu kho bạc kỳ hạn hai năm vào các ngày họp báo của FOMC

tac dong cua cac cuoc hop bao cua fed den thi truong

Lưu ý: Hình 4 cho thấy mức thay đổi trung bình của lợi tức Trái phiếu Kho bạc kỳ hạn hai năm so với thời điểm 13h50 vào ngày họp báo của FOMC. Các đường đứt nét cho biết thời gian công bố thông điệp của FOMC (14h00) và thời gian bắt đầu họp báo (14h30).

Kết luận

Những mô hình này cho thấy vai trò của cuộc họp báo của Fed đang thay đổi theo hướng ngày càng quan trọng hơn. Các họp báo không phải lúc nào cũng chỉ nhắc lại các thông điệp của FOMC. Những thay đổi này có thể có nguyên nhân từ sự phát triển của chiến lược truyền thông của Fed. Chủ tịch Powell đã tăng gấp đôi số cuộc họp báo được tổ chức mỗi năm so với những người tiền nhiệm của ông và các thông điệp của FOMC cũng đã thay đổi về độ dài, mức độ phức tạp cũng như đa dạng các quan điểm được chia sẻ theo thời gian. Ngoài ra, một khả năng nữa là các cuộc họp báo cho phép Chủ tịch Powell nhấn mạnh quan điểm của mình và áp đảo ý kiến của các thành viên ủy ban khác; hoặc để bắt đầu về các chủ đề không được đề cập trong các thông báo của FOMC mà thị trường thấy có ảnh hưởng.

Mặt khác, việc đề cập đến các nội dung ngoài thông điệp thống nhất trong tuyên bố của FOMC và làm gia tăng biến động của thị trường có thể khá bất thường với các mục tiêu truyền thông khác của Fed. Theo giải thích của Alan Blinder (1998), “Bằng cách làm cho thị trường dễ dự đoán hơn, ngân hàng trung ương khiến các phản ứng của thị trường với chính sách tiền tệ trở nên dễ dự đoán hơn đối với chính nó. Và điều đó giúp việc quản lý nền kinh tế tốt hơn”. Những biến động lớn trên thị trường chứng khoán và trái phiếu chắc chắn không phù hợp với mục tiêu làm tăng khả năng dự đoán cũng như giảm bớt sự mơ hồ. Quả thật, các bằng chứng ho thấy các họp báo gần đây của Fed đã không thành công trong việc giảm bớt sự không chắc chắn về hướng đi của lãi suất trong tương lai. Một khả năng cuối cùng có thể là mục tiêu của các cuộc họp báo của Fed không nhằm giảm thiểu biến động thị trường và Fed đã không còn quá lo ngại về các tác động tức thời từ các quyết định của mình đối với thị trường trái phiếu, và có thể điều chỉnh chính sách nhanh chóng hơn khi cần.

Theo SBV

Tính lãi tiền gửi
VNĐ
%/year
month
Tính lãi tiền gửi

Tính toán khoản vay
VNĐ
%/year
month
Tính toán khoản vay