Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) vừa cho biết, từ ngày 16/12, tất cả khách hàng cá nhân, doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn phục vụ mục đích tiêu dùng, phục hồi sản xuất kinh doanh, đặc biệt là dịp cuối năm và Tết Nguyên đán 2023, sẽ được cho vay với mức lãi suất giảm 1%/năm. Riêng đối với các khách hàng hiện hữu, có đóng góp cho Sacombank và có kế hoạch kinh doanh khả thi, mức lãi suất có thể được giảm thêm lên tới 1,5%/năm.
Như vậy, Sacombank đã trở thành ngân hàng thứ 17 trong hệ thống giảm lãi suất cho vay với khách hàng cá nhân và doanh nghiệp trong giai đoạn cuối năm. Trước đó, thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, Hiệp hội Ngân hàng (VNBA) đã vận động các ngân hàng hội viên tiết giảm chi phí để giảm thêm lãi suất cho vay với khách hàng, góp phần phục hồi kinh tế sau đại dịch.
Tính đến ngày 15/12, đã có 16 ngân hàng thương mại cam kết giảm lãi suất cho vay 0,5-3%/năm với các khách hàng, cá biệt có ngân hàng cam kết giảm lãi suất lên tới 3,5%/năm. Theo tính toán của VNBA, ước tính số tiền lãi giảm theo cam kết của các ngân hàng đợt này vào khoảng 3.500 tỷ đồng.
Được biết, Sacombank cũng nằm trong nhóm được NHNN điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi trong việc tăng cường đưa vốn tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên như xuất khẩu, nông nghiệp, doanh nghiệp vừa và nhỏ, công nghiệp hỗ trợ…
Tính đến hết tháng 11, Sacombank cho biết tình hình hoạt động kinh doanh của ngân hàng duy trì ổn định, quy mô và hiệu quả tăng trưởng tốt, tạo nguồn lực tài chính để trích lập dự phòng rủi ro và xử lý các tồn đọng thuộc Đề án tái cơ cấu.
Trong đó, tổng huy động vốn được cân đối phù hợp với nhu cầu sử dụng, đạt 504.675 tỷ đồng, tăng gần 8,7% so với đầu năm. Ở chiều ngược lại, dư nợ tín dụng đến cuối tháng 11 đạt 426.294 tỷ đồng, tăng 9,8% so với đầu năm. Trong đó, vốn chủ yếu được đưa vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh và lĩnh vực ưu tiên theo định hướng của NHNN.
Với các khoản vay bất động sản, Sacombank cho biết vẫn kiểm soát dòng tín dụng này, trong khi ngân hàng không phát sinh cho vay chứng khoán và đầu tư, kinh doanh trái phiếu doanh nghiệp.
Đến cuối tháng 11, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay của ngân hàng đã giảm từ 1,32% (cuối năm 2021) xuống mức 0,91%.
Ngoài ra, Sacombank cũng đã hoàn thành chỉ tiêu xử lý 21.576 tỷ đồng lãi dự thu còn tồn đọng thuộc Đề án tái cơ cấu, qua đó có thêm nguồn lực để phục vụ hoạt động cho vay. Dự kiến, đến năm 2023, Sacombank sẽ hoàn tất hoạt động tái cơ cấu, cán đích sớm 3 năm so với Đề án NHNN cho phép (năm 2025).