Thứ tư, 26/06/2024
   

Quảng Nam đẩy mạnh kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp

Để tăng khả năng hấp thụ vốn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, NHNN chi nhánh Quảng Nam tiếp tục yêu cầu các TCTD tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, đúng, trúng mục tiêu, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của nền kinh tế, nhất là hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng…
Đồng hành cùng doanh nghiệp
Quảng Nam đẩy mạnh kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp
Hệ thống ngân hàng trên địa bàn Quảng Nam luôn đồng hành với các doanh nghiệp, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương…

Từ đầu năm 2024 đến nay, bám sát chủ trương của Chính phủ, NHNN và UBND tỉnh, ngành Ngân hàng trên địa bàn Quảng Nam đã triển khai các giải pháp góp phần cải thiện kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế phục hồi và phát triển.

Ông Phạm Trọng, Giám đốc NHNN chi nhánh Quảng Nam cho biết, hệ thống ngân hàng trên địa bàn luôn đồng hành với các doanh nghiệp, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương…

Cụ thể, NHNN chi nhánh tỉnh đã tăng cường chỉ đạo các chi nhánh NHTM trên địa bàn đẩy mạnh thực hiện chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp; triển khai thực hiện nhiều chương trình tín dụng ưu đãi cho doanh nghiệp với lãi suất ưu đãi, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn vay ngân hàng để phát triển sản xuất, giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc trong quan hệ tín dụng giữa hai bên.

Giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh tham gia Tổ công tác đặc biệt về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn do UBND tỉnh thành lập. Thực hiện vai trò là thành viên các Ban chỉ đạo của tỉnh, Giám đốc chi nhánh chủ động thực hiện công tác tham mưu, tham gia các ý kiến, kiến nghị đối với cấp uỷ, chính quyền địa phương trong triển khai các chương trình tín dụng tại các cuộc họp Ban chỉ đạo, các cuộc họp thường kỳ của UBND tỉnh; đồng thời thực hiện phối hợp với các sở ngành có liên quan tham gia ý kiến liên quan đối với hoạt động của ngành Ngân hàng trên địa bàn.

Đặc biệt, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh và kiến nghị của Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Quảng Nam về hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trên địa bàn, NHNN chi nhánh tỉnh đã có báo cáo giải đáp chi tiết các nội dung kiến nghị của Hiệp Hội doanh nghiệp tỉnh về 2 vấn đề chính gồm: Giải pháp tháo gỡ khó khăn trong việc tiếp cận vốn tín dụng, nâng hạn mức vay vốn, lãi suất vay, tái cấu trúc nợ cho nhóm doanh nghiệp bất động sản; Vướng mắc tài sản thế chấp của doanh nghiệp không đáp ứng được điều kiện vay vốn của doanh nghiệp tại các TCTD.

Trong khi đó, về phía các TCTD trên địa bàn cũng tập trung đẩy mạnh việc triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi, chính sách tín dụng về hỗ trợ khách hàng phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh; tiếp tục rà soát, cải tiến quy trình cho vay, thủ tục vay vốn, nâng cao khả năng thẩm định để rút ngắn thời gian giải quyết cho vay, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn vay.

Các TCTD trên địa bàn thường xuyên đổi mới, cung cấp nhiều sản phẩm, dịch vụ tiện ích như dịch vụ ngân hàng điện tử, dịch vụ thẻ, dịch vụ chuyển tiền… Thực hiện công khai các thủ tục, mẫu biểu đối với các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng trên trang điện tử của các TCTD, nâng cao chất lượng dịch vụ đáp ứng tốt nhu cầu của khách hàng.

Các TCTD cho vay mới theo các gói lãi suất ưu đãi mà ngân hàng hiện đang triển khai, tái cấp và nâng hạn mức cho các doanh nghiệp đang giao dịch hiện hữu. Ngoài ra, một số TCTD triển khai thêm nhiều gói tín dụng ưu đãi phù hợp với từng đối tượng doanh nghiệp (ưu đãi lãi suất cho vay, điều kiện tiếp cận vốn vay,..); kết hợp với việc đổi mới quy trình cho vay, đơn giản hóa thủ tục vay vốn, nâng cao khả năng thẩm định để rút ngắn thời gian giải quyết cho vay, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn khôi phục và phát triển sản xuất kinh doanh.

Theo đại diện Vietcombank Quảng Nam, ngoài việc giảm lãi suất để hỗ trợ trực tiếp cho khách hàng, đơn vị còn cắt giảm thủ tục hành chính, hỗ trợ khách hàng lập hồ sơ online, dễ tiếp cận tín dụng... Trong khi đó tại BIDV Quảng Nam, chi nhánh cũng tích cực triển khai chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp; đồng thời, chủ động trao đổi, đối thoại với khách hàng vay vốn nhằm nắm bắt, kịp thời xử lý, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc...

Khả năng hấp thụ vốn còn yếu

Tại Quảng Nam, phần lớn các doanh nghiệp kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp là các khách hàng truyền thống, tình hình tài chính lành mạnh, khả năng trả nợ tốt, dự án khả thi. Doanh nghiệp tham gia chương trình được hưởng lãi suất ưu đãi theo các chương trình tín dụng của NHTM.

Tuy nhiên, trên thực tế nhu cầu và sức hấp thụ vốn của kinh tế Quảng Nam trong thời gian qua còn ở mức thấp. Nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp hoặc ngừng hoạt động do sức ép chi phí đầu vào tăng, thiếu đơn hàng. Doanh nghiệp vừa và nhỏ, các hợp tác xã có nhu cầu vay vốn nhưng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn, nhất là năng lực hạn chế, thiếu phương án kinh doanh khả thi… Trong khi, để có thể tiếp cận tốt nguồn tín dụng của ngân hàng, doanh nghiệp phải đáp ứng các điều kiện cho vay như, có dự án tốt, kế hoạch kinh doanh cụ thể, phương án thu hồi vốn rõ ràng.

rên thực tế nhu cầu và sức hấp thụ vốn của kinh tế Quảng Nam trong thời gian qua còn ở mức thấp.
Trên thực tế nhu cầu và sức hấp thụ vốn của kinh tế Quảng Nam trong thời gian qua còn ở mức thấp.

Bởi vậy, trong 5 tháng đầu năm 2024, do năng lực nội tại của các doanh nghiệp chưa phục hồi, khó khăn về thị trường đã tạo ra áp lực lớn trong việc duy trì sản xuất. Đến nay, dư nợ cho vay Chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp đạt 8.689 tỷ đồng, chiếm 8,01% dư nợ cho vay tại địa bàn, giảm 1,18% so với đầu năm. Doanh số cho vay lũy kế từ đầu năm đạt 1.545 tỷ đồng, trong đó, dư nợ cho vay mới chiếm 99,98% dư nợ chương trình. Tổng số khách hàng còn dư nợ là 986 doanh nghiệp (cho vay mới: 982 doanh nghiệp và cơ cấu lại thời hạn trả nợ: 4 doanh nghiệp).

Thời gian gần đây, kinh tế Quảng Nam đã bắt đầu có những khởi sắc hơn. Theo đánh giá của ông Lê Quý Đạt, Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Quảng Nam, sản xuất của một số ngành chủ lực như sản xuất ô tô, dệt may, trang phục tăng khá, dịch vụ diễn ra sôi động. Dự báo tăng trưởng sẽ phục hồi rõ nét hơn khi lượng khách du lịch tăng mạnh. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản ổn định, hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế.

Cụ thể, sản xuất công nghiệp tháng 4/2024 trên địa bàn Quảng Nam đã có dấu hiệu khởi sắc hơn. Ngành dệt may, sản xuất trang phục đã có thêm đơn hàng mới. Ước tính chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 4% so tháng trước và tăng 15,8% so cùng kỳ năm trước. Một số ngành trọng điểm tăng nhiều so với cùng kỳ năm trước, như dệt may (tăng 47,3%), sản xuất trang phục (tăng 26,7%), chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa (tăng 2,5%), đặc biệt sản phẩm ô tô sản xuất, lắp ráp đã đạt 22,9 nghìn chiếc (tăng 12,3%)...

Kinh tế khởi sắc, lạc quan với tình hình tín dụng ở địa phương trong thời gian tới, cũng theo ông Phạm Trọng, thanh khoản dồi dào, nhiều dư địa phát triển là thuận lợi trong triển khai tín dụng Quảng Nam quý II/2024. Để tăng khả năng hấp thụ vốn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, NHNN chi nhánh Quảng Nam tiếp tục yêu cầu các TCTD tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, đúng, trúng mục tiêu, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của nền kinh tế, nhất là hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng…

Trong nhiều năm qua, tại Quảng Nam cũng như nhiều địa phương khác trong cả nước chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp đã khẳng định là kênh “tiếp vốn” quan trọng, hiệu quả giúp các doanh nghiệp được tiếp cận vốn vay ưu đãi của ngân hàng với lãi suất hợp lý để vượt qua khó khăn, ổn định và phát triển sản xuất. Chương trình này cũng đã nâng cao tính chủ động và trách nhiệm chia sẻ khó khăn với khách hàng của các NHTM; mở rộng đầu tư tín dụng an toàn, hiệu quả.

Tính lãi tiền gửi
VNĐ
%/year
month
Tính lãi tiền gửi

Tính toán khoản vay
VNĐ
%/year
month
Tính toán khoản vay