Ngày 07/12/2022, tại trụ sở Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà đã có buổi tiếp và làm việc với bà Katrin Ochsenbein - Giám đốc Chương trình quốc gia, Cục kinh tế liên bang Thuỵ Sỹ (SECO).
Quang cảnh buổi tiếp (ảnh SBV)
Tham dự buổi tiếp có ông Werner Gruber, Trưởng Văn phòng SECO tại Việt Nam và ông Zafer Mustafaoglu, Giám đốc Khối Tài chính, cạnh tranh và đổi mới khu vực Đông Á - Thái Bình Dương của Ngân hàng Thế giới (WB).
Tại buổi tiếp, Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà bày tỏ vui mừng chào đón bà Katrin Ochsenbein có chuyến công tác tới Việt Nam và làm việc với NHNN. NHNN đánh giá cao sự hợp tác, nguồn lực hỗ trợ quý báu dành cho Việt Nam nói chung và NHNN nói riêng của SECO trong thời gian qua, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đã trở thành quốc gia thu nhập trung bình, đã tốt nghiệp hầu hết các nguồn vốn ODA của các tổ chức, định chế tài chính lớn như WB, ADB… phải tiếp cận các nguồn vốn với điều kiện vay gần tiếp cận vốn vay thương mại và hạn chế tiếp nhận các khoản tài trợ không hoàn lại.
NHNN cũng đánh giá cao sự hỗ trợ của các đối tác truyền thống, lâu dài của SECO như WB, IFC, ADB… thông qua các nguồn lực SECO đã hỗ trợ hiệu quả cho các chương trình, dự án của NHNN mà tiêu biểu là Dự án “Tăng cường sự phát triển và lành mành khu vực ngân hàng Việt Nam” triển khai từ năm 2018. Đây là một dự án quan trọng của ngành với kỳ vọng hỗ trợ NHNN thực hiện hiệu quả, thực chất Đề án Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020 và giai đoạn tiếp theo, xử lý những tồn tại, hạn chế về cơ cấu trong hệ thống ngân hàng, hướng đến đáp ứng những chuẩn mực quốc tế, góp phần ổn định kinh tế - tài chính vĩ mô.
Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà phát biểu tại buổi tiếp (ảnh SBV)
Về phía SECO, bà Katrin Ochsenbein nhấn mạnh NHNN là một trong các đối tác quan trọng trong quan hệ hợp tác của SECO với Việt Nam, đồng thời chia sẻ về các hỗ trợ của SECO tài trợ/ dự kiến tài trợ cho NHNN thông qua các đối tác truyền thống của SECO (WB, IFC, ADB…), bao gồm Dự án “Tăng cường phát triển và lành mạnh khu vực ngân hàng Việt Nam”, Chương trình Đào tạo Cán bộ quản lý Ngân hàng cấp cao, Hỗ trợ xây dựng khuôn khổ pháp lý về tiêu chuẩn môi trường và xã hội trong hoạt động đầu tư, cấp tín dụng của các tổ chức tín dụng Việt Nam, Hỗ trợ số hóa ngành ngân hàng và quản lý Fintech. Đây là các hỗ trợ quan trọng cho ngành Ngân hàng nói chung và NHNN nói riêng. Trong thời gian tới, SECO sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác và phối hợp chặt chẽ với NHNN để triển khai các hỗ trợ nêu trên.
Bà Katrin Ochsenbein - Giám đốc Chương trình quốc gia, Cục kinh tế liên bang Thuỵ Sỹ (SECO), phát biểu tại buổi tiếp (ảnh SBV)
Tại buổi họp, đại diện SECO, WB và NHNN cũng đã dành thời gian trao đổi về định hướng và khả năng gia hạn Dự án “Tăng cường sự phát triển và lành mạnh khu vực ngân hàng Việt Nam” do SECO tài trợ ủy thác qua WB trong thời gian tới. Đây là Dự án quan trọng và có ý nghĩa đối với NHNN Việt Nam và ngành Ngân hàng. Về chủ trương, SECO và WB ủng hộ việc gia hạn Dự án và sẽ phối hợp với NHNN xác định các ưu tiên, điều chỉnh cụ thể để đảm bảo Dự án tiếp tục triển khai hiệu quả, đạt được mục tiêu đề ra trong thời gian gia hạn. Trên cơ sở nội dung tại cuộc họp, Phó Thống đốc chỉ đạo Ban QLDA và các đơn vị thụ hưởng nghiên cứu, tiếp thu để thống nhất kế hoạch triển khai thực hiện trong thời gian gia hạn, phù hợp với yêu cầu của các bên và mục tiêu Dự án.
Trong thời gian tới, Phó Thống đốc bày tỏ mong muốn SECO và WB tiếp tục hỗ trợ NHNN trong quá trình triển khai các nội dung quan trọng, trong đó bao gồm cải cách khuôn khổ pháp lý và quy định quản lý ngành ngân hàng, tái cơ cấu hệ thống ngân hàng và hệ thống các tổ chức tín dụng, xử lý nợ xấu, số hóa ngành Ngân hàng, tín dụng xanh, ngân hàng xanh… Phó Thống đốc cũng chia sẻ trong thời gian tới, NHNN dự kiến phê duyệt và triển khai Đề án đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nguồn của NHNN giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030 nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ có năng lực, tiềm năng phát triển lên các vị trí lãnh đạo của NHNN. NHNN mong muốn nhận sự hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế về nội dung này.
Theo SBV