Chủ nhật, 22/12/2024
   

Phát triển sản phẩm dịch vụ ngân hàng cho kinh tế xanh

Từ năm 2024, 5 mặt hàng của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường EU phải báo cáo phát thải khí nhà kính (sắt thép, xi măng, phân bón, nhôm, điện và hydro) nếu không sẽ phải chịu thuế carbon.

Theo thống kê của các tổ chức môi trường, Việt Nam có hơn 90% doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó chỉ có các công ty niêm yết mới phải cung cấp thông tin chiến lược và hiệu quả hoạt động ESG (môi trường, xã hội, quản trị) trong báo cáo thường niên. Hơn nữa, các thông tin này của doanh nghiệp đều ở mức cơ bản, không có sự xác tín của bên thứ ba, ngoại trừ một số công ty có chứng chỉ quốc tế, làm cho nhà đầu tư khó đánh giá được mức độ ESG của doanh nghiệp để cung cấp tài chính xanh... Thực tế này cho thấy, việc phát triển sản phẩm dịch vụ ngân hàng phục vụ cho kinh tế xanh là đòi hỏi tất yếu.

Những năm qua các TCTD cũng chú trọng hơn đến tín dụng xanh. Số liệu thống kê của NHNN Việt Nam cho hay, tính đến cuối tháng 6/2024, dư nợ tín dụng xanh và phát triển bền vững đạt khoảng hơn 680.000 tỷ đồng chiếm khoảng 5,4% tổng dư nợ tín dụng. Một số ngân hàng đã lấy "xanh" làm mục tiêu phát triển lâu dài. Đơn cử, theo chiến lược kinh doanh của BIDV giai đoạn 2021 - 2025 tầm nhìn đến 2030, BIDV xác định “phát triển bền vững” là mục tiêu xuyên suốt trong hoạt động ngân hàng. Ngân hàng này đã, đang triển khai nhiều chương trình tín dụng xanh với hơn 2.100 dự án/phương án thuộc lĩnh vực xanh, dư nợ đạt trên 74.000 tỷ đồng. Cuối tháng 7/2024, BIDV và Cơ quan Phát triển Pháp tại Việt Nam (AFD Việt Nam) đã ký kết Thỏa ước tín dụng Hạn mức tín dụng khí hậu trị giá 50 triệu EUR để tài trợ cho các dự án giảm thiểu, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững. Tại VietinBank dư nợ tín dụng xanh đến cuối tháng 6/20204 đạt 45.680 tỷ đồng, MB là khoảng 64 tỷ đồng, ACB 2.000 tỷ đồng… Hay như HSBC Việt Nam hiện đang tích cực phát triển nguồn vốn xanh, tín dụng xanh cho doanh nghiệp trong nước khi tham gia hỗ trợ thu xếp 7,75 tỷ USD từ khu vực tư nhân cho Thỏa thuận hợp tác chuyển dịch năng lượng công bằng (JETP) của Việt Nam.

Phát triển sản phẩm dịch vụ ngân hàng cho kinh tế xanh
Phát triển sản phẩm dịch vụ ngân hàng cho kinh tế xanh

Tín dụng xanh đã, đang phát triển theo yêu cầu tất yếu của mục tiêu phát triển bền vững, song theo bà Lâm Thúy Nga, Giám đốc toàn quốc Khối khách hàng doanh nghiệp lớn HSBC Việt Nam, hiện các ngân hàng vẫn đang phải dựa vào quy định nội bộ và mỗi ngân hàng phải tự giám sát liên tục để đảm bảo nguồn vốn xanh phát huy hiệu quả, đúng mục đích. Việc thiếu hụt những quy định cụ thể làm chậm triển khai những dự án bền vững, nhất là những dự án quy mô lớn vốn đòi hỏi phải tuân theo một quy trình tài chính phức tạp. HSBC phải dùng các tiêu chuẩn quốc tế và có sự điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế của thị trường.

Hầu hết các ngân hàng đều mong muốn các cơ quan liên quan sớm ban hành các quy định, quy chuẩn tín dụng xanh cho các ngân hàng mở rộng cho vay vào lĩnh vực này. Ông Từ Tiến Phát, Tổng giám đốc ACB cho biết, ngân hàng đang phải tự xây dựng bộ tiêu chuẩn cấp tín dụng xanh dựa trên các tiêu chuẩn quốc tế có tham khảo các văn bản pháp lý hiện có của Chính phủ, NHNN và các bộ, ngành liên quan. “Hiện mỗi ngân hàng áp dụng chuẩn khác nhau, nếu có một quy chuẩn thống nhất, tôi tin rằng sẽ thúc đẩy tín dụng xanh nhanh hơn”, ông Phát đề nghị. Ông Trần Minh Bình, Chủ tịch HĐQT VietinBank cho rằng, quy định về cho vay xanh hiện không có sự khác biệt so với các nghiệp vụ cho vay khác nên đề nghị NHNN xây dựng cơ chế, chính sách theo hướng xem xét hệ số rủi ro và cách tính an toàn vốn trong lĩnh vực xanh để hỗ trợ các TCTD tiết giảm chi phí, từ đó có thể giảm lãi suất cho vay các dự án xanh và phát triển bền vững.

Phát triển sản phẩm dịch vụ ngân hàng đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xanh đòi hỏi các TCTD phải có các sản phẩm huy động nguồn vốn xanh và định hướng tập trung vào cấp vốn tín dụng xanh dài hạn với lãi suất ưu đãi. Trong thời gian qua tín dụng xanh luôn có tốc độ tăng trưởng bình quân hơn 22%/năm - cao hơn mức tăng trưởng tín dụng chung của toàn Ngành. Hướng dẫn về 12 ngành xanh do NHNN ban hành từ năm 2017 nhưng chưa phải là danh mục phân loại xanh quốc gia. Hiện chưa có sự thống nhất về việc phân loại lĩnh vực xanh của các bộ, ngành khác. Do đó, chưa có thống kê đầy đủ nguồn lực tín dụng xanh của ngành Ngân hàng cho nền kinh tế. Vì vậy, các chuyên gia cho rằng, cần sớm có quy định chung về danh mục phân loại xanh quốc gia phù hợp với phân loại ngành kinh tế và thông lệ quốc tế. Từ đó, các TCTD có cơ sở để đánh giá cụ thể đối với từng khách hàng, doanh nghiệp trong quá trình thẩm định cho vay "xanh".

Tính lãi tiền gửi
VNĐ
%/year
month
Tính lãi tiền gửi

Tính toán khoản vay
VNĐ
%/year
month
Tính toán khoản vay