Các hoạt động hướng đến ngân hàng xanh đã được OCB đặt nền tảng từ rất sớm, chính sách quản lý rủi ro MT&XH với sự tư vấn của IFC được ban hành từ năm 2012, từ đó ngân hàng đã đưa nội dung này vào hoạt động thẩm định, xem xét trước khi cấp tín dụng cho khách hàng. Bên cạnh việc tích cực đẩy mạnh phát triển các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng số, hoạt động quản lý nội bộ của ngân hàng cũng được điều chỉnh theo hướng thân thiện hơn với môi trường thông qua việc sử dụng các thiết bị tiết kiệm năng lượng, ưu tiên trực tuyến, số hóa hầu hết các quy trình... nhằm giảm thiểu công việc liên quan đến giấy tờ, văn phòng phẩm và tiêu thụ năng lượng.
Tháng 4/2024, OCB và Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) chính thức ký kết thỏa thuận tư vấn chuyển đổi ngân hàng xanh và dịch vụ ngân hàng số bán lẻ và doanh nghiệp SME, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, hiệu quả cho ngân hàng, khách hàng, xã hội. Theo đó, IFC sẽ hỗ trợ OCB thực hiện hành trình chuyển đổi xanh, đồng thời tăng cường năng lực dịch vụ ngân hàng số dành cho các doanh nghiệp SME và bán lẻ. Điều này không chỉ thúc đẩy phát triển tài chính khí hậu mà còn mở ra cơ hội tiếp cận vốn cho nhóm doanh nghiệp SME, đặc biệt là doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ.
Sự hợp tác chiến lược giữa ngân hàng và IFC được xem như một sự khẳng định mạnh mẽ cam kết của OCB trong việc theo đuổi chiến lược phát triển bền vững một cách hiệu quả, xây dựng các mục tiêu chiến lược tổng thể dựa trên 3 trụ cột: môi trường, xã hội và quản trị (ESG) để điều chỉnh tất cả các sản phẩm OCB đưa ra thị trường, đồng thời nâng cao tiêu chuẩn trong quản trị, quản lý nội bộ trong ngân hàng.
Năm 2024 được nhận định là năm bản lề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu dài hạn của OCB. Từ nhận định đó, bên cạnh việc hoạch định những chiến lược kinh doanh cụ thể, OCB còn lên phương án thực hiện chiến lược phát triển bền vững, với tầm nhìn trở thành Ngân hàng xanh (Green Bank) tiên phong tại Việt Nam. Vì vậy, OCB đã xác định các mục tiêu dài hạn cho hành trình chuyển đổi này với sứ mệnh phát triển bền vững vì một tương lai xanh, tốt đẹp hơn, đại diện lãnh đạo OCB chia sẻ.
Với sự kiên định trong chiến lược trong việc theo đuổi chiến lược phát triển bền vững một cách hiệu quả, hướng đến mục tiêu trở thành ngân hàng xanh tiên phong tại Việt Nam, quy mô tín dụng xanh tại OCB đang trong xu hướng tăng dần và đạt tỷ trọng trung bình 8-10% trong tổng quy mô dư nợ tín dụng toàn hàng. Trong khi đó, đến 30/6/2023, dư nợ cấp tín dụng xanh tại Việt Nam đạt gần 528.300 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 4,2% tổng dư nợ toàn nền kinh tế.
Được biết, sau khi ký kết hợp tác với Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC), OCB sẽ không ngừng hoàn thiện các chương trình đào tạo về Green Academy dựa trên những tư vấn từ đội ngũ IFC, nhằm nâng cao văn hóa xanh và năng lực ngân hàng xanh trong việc thẩm định dự án và đánh giá rủi ro môi trường xã hội. Song song đó, thiết kế sản phẩm xanh, chương trình tín dụng xanh dành cho các phân khúc khách hàng tiềm năng, đồng thời với sự trợ lực từ các tổ chức định chế tài chính quốc tế như: IFC, DEG… OCB đã mở rộng danh mục cho vay đối với các dự án phát triển bền vững trong nhiều lĩnh vực xã hội và khí hậu đủ điều kiện. Các chính sách ưu đãi và sản phẩm tín dụng xanh cũng sẽ được OCB giới thiệu rộng rãi đến khách hàng và công bố thông tin trên các phương tiện truyền thông.
"Khi theo đuổi chiến lược phát triển bền vững, điều này sẽ giúp OCB dễ dàng tiếp cận các nguồn vốn quốc tế từ các tổ chức tài chính và nhà đầu tư quan tâm đến các dự án bền vững. Tuy nhiên, cũng sẽ đi kèm những thách thức như: chi phí đầu tư ban đầu cao, hoạt động đào tạo nhân viên, thay đổi quy trình và cơ cấu tổ chức để phù hợp với các tiêu chuẩn bền vững cũng phải được tổ chức thường xuyên, khung pháp lý và các tiêu chí xanh tại Việt Nam cũng cần thời gian để hoàn thiện… Tuy nhiên, OCB kiên định với mục tiêu đã đề ra. Việc nhận được Giải thưởng TOP 50 doanh nghiệp phát triển bền vững tiêu biểu 2024 hạng mục "Tinh thần lãnh đạo ESG" thực sự là động lực mạnh mẽ để chúng tôi không ngừng nỗ lực trên hành trình trở thành ngân hàng xanh tiên phong tại Việt Nam". Lãnh đạo OCB cho biết thêm.
TOP 50 doanh nghiệp phát triển bền vững là giải thưởng thường niên do tạp chí Nhịp Cầu Đầu Tư khởi xướng nhằm góp phần thúc đẩy xu hướng phát triển bền vững lan toả sâu rộng trong cộng đồng doanh nghiệp và xã hội Việt Nam đồng thời ghi nhận và tôn vinh các doanh nghiệp đã góp phần vào việc phát triển bền vững, thân thiện với môi trường và công bằng xã hội. Giải thưởng cũng góp phần nâng cao nhận thức, truyền cảm hứng về phát triển bền vững, bảo vệ môi trường cho cộng đồng.
Vừa qua, OCB cũng được vinh danh trong bảng xếp hạng, PRIVATE 100, đạt Top 11 Ngân hàng nộp ngân sách nhiều nhất năm 2023. Cụ thể, năm qua OCB đã nộp 1.101 tỷ đồng vào ngân sách Nhà nước (gồm thuế, phí).
OCB cũng là ngân hàng nhiều năm liên tiếp lọt TOP các doanh nghiệp đóng thuế cao. Theo đó, năm 2023, OCB giữ vị trí thứ 28 (tăng 2 hạng so với năm trước) về đóng thuế.
Đây là những hoạt động thể hiện một cách rõ nét nguyên tắc kinh doanh của OCB trong việc tuân thủ, các quy định của pháp luật Việt Nam, đặc biệt là các quy định về thuế, phí. Đó cũng chính là kim chỉ nam trong mọi hoạt động của ngân hàng vì mục tiêu tăng trưởng hiệu quả, ổn định, bền vững và minh bạch.