Thứ sáu, 03/01/2025
   

Phát biểu của Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng tại Hội thảo “Tương lai fintech trong mối quan hệ hợp tác với ngân hàng và các xu thế công nghệ mới”

Sáng 12/10/2022, TS Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) đã có bài phát biểu quan trọng khai mạc Hội thảo “Tương lai fintech trong mối quan hệ hợp tác với ngân hàng và các xu thế công nghệ mới”.

Sáng 12/10/2022, TS Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) đã có bài phát biểu quan trọng khai mạc Hội thảo “Tương lai fintech trong mối quan hệ hợp tác với ngân hàng và các xu thế công nghệ mới”.

Khai mạc diễn đàn cấp cao về chuyển đổi số ngân hàng

Hội thảo nằm trong khuôn khổ Diễn đàn cấp cao về Chuyển đổi số Ngân hàng với chủ đề “Ngành Ngân hàng chủ động và tiên phong tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư” do Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) và Tập đoàn IEC (IEC Group) phối hợp tổ chức dưới sự chủ trì của Ban Kinh tế Trung ương và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Trang tin điện tử VNBA trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu.

=====

TTK Nguyen Quoc Hung3

TS Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) phát biểu tại Hội thảo “Tương lai fintech trong mối quan hệ hợp tác với ngân hàng và các xu thế công nghệ mới” sáng 12/10/2022. Ảnh: BTC

Kính thưa quý vị đại biểu,

Trước hết, thay mặt cho Ban tổ chức, tôi xin nhiệt liệt chào mừng tất cả các quý vị đại biểu tham dự Hội thảo ngày hôm nay. Chúc các quí vị đại biểu sức khỏe, thành công, chúc Hội thảo của chúng ta thành công tốt đẹp.

Kính thưa quý vị đại biểu,

Công nghệ tài chính (Fintech) đã trở thành một hiện tượng, một xu thế phát triển nhận được nhiều sự quan tâm của các doanh nghiệp tài chính, các nhà đầu tư cũng như các cơ quan quản lý của nhiều quốc gia trên thế giới và Việt Nam cũng không ngoại lệ. Fintech đang ngày càng phát triển mạnh mẽ và có sức ảnh hưởng lớn trên toàn cầu, góp phần thay đổi bộ mặt của lĩnh vực tài chính trên thế giới. Với điều kiện hiện tại của Việt Nam cho thấy, trong bối cảnh hội nhập và phát triển, triển vọng phát triển Fintech tại Việt Nam rất lớn, giúp nâng cao hiệu quả hoạt động đổi mới sáng tạo, quản lý rủi ro, đặc biệt là an ninh thông tin và an ninh mạng cho cả ngành tài chính.

Lĩnh vực Fintech của Việt Nam trong những năm qua đã có những bước tiến đáng chú ý nhờ áp dụng mạnh mẽ các giao thức kỹ thuật số trong kinh doanh, sự bùng nổ của ngành thương mại điện tử và quyết tâm thúc đẩy thanh toán kỹ thuật số từ phía Chính phủ.

Theo bảng xếp hạng trung tâm Fintech toàn cầu năm 2021, điểm Fintech của Việt Nam xếp hạng 70 thế giới, trong đó thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội xếp lần lượt thứ 28 và 33 trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đây là thành quả đáng khích lệ với một thị trường Fintech non trẻ như Việt Nam, cho thấy Việt Nam đã có sự phát triển vượt bậc trong khoảng thời gian gần đây.

Xu hướng này sẽ còn được tiếp tục khi theo dự báo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), giá trị thanh toán qua thiết bị di động tại Việt Nam dự kiến tăng gần 4 lần, từ 16 tỷ USD vào năm 2016 lên đến 70,9 tỷ USD vào năm 2025.

Tại Việt Nam, những doanh nghiệp Fintech đầu tiên đã được NHNN cấp phép hoạt động từ năm 2008, song chỉ hoạt động chủ yếu ở lĩnh vực thanh toán, chuyển tiền. Tuy mới xuất hiện, nhưng các doanh nghiệp Fintech phát triển rất nhanh về số lượng và quy mô. Theo Vụ Thanh toán - Ngân hàng Nhà nước (NHNN), số lượng các doanh nghiệp Fintech tham gia cung ứng dịch vụ trên thị trường Việt Nam hiện nay đã tăng gần 4 lần, từ 40 doanh nghiệp tại thời điểm cuối năm 2016, đến cuối năm 2021 đã tăng lên hơn 150 doanh nghiệp, trải rộng trên nhiều lĩnh vực khác nhau, tuy nhiên, chiếm tỷ trọng lớn là ở mảng thanh toán (60,526% so với toàn bộ các lĩnh vực hoạt động của các doanh nghiệp Fintech), tiếp đến là hoạt động gọi vốn cộng đồng (chiếm 10,526%), Bitcoin/Blockchain (7,895%), POS/mPOS (5,263%), quản lý dữ liệu (5,263%), tài chính cá nhân (5,263%), cho vay tiền (2,632%) và so sánh giá trực tuyến (2,632%). Bên cạnh đó, tính đến ngày 16/11/2021, có 46 tổ chức phi ngân hàng đã được NHNN cấp phép để cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, bao gồm chuyển mạch tài chính, bù trừ điện tử, cổng thanh toán, hỗ trợ chuyển tiền kiều hối, hỗ trợ thu hộ/chi hộ, ví điện tử (NHNN, 2021).

Sự trỗi dậy mạnh mẽ của các công ty Fintech trong thời gian qua chắc chắn là một thách thức đối với các ngân hàng truyền thống. Các ngân hàng có lịch sử và thương hiệu lâu năm, có mạng lưới hoạt động rộng lớn, lợi thế về lượng dữ liệu lớn của khách hàng, có đủ tài chính và kinh nghiệm hoạt động nhưng ngân hàng luôn có một độ trễ nhất định về mặt công nghệ so với các công ty Fintech. Do đó có những chiến lược của ngân hàng trong thời gian qua không thể hoàn thành nếu thiếu công nghệ tài chính.

Cập nhật xu hướng phát triển của thế giới, ngành Ngân hàng Việt Nam đã và đang tích cực chuyển đổi mô hình sang ngân hàng số. Và để triển khai được mô hình ngân hàng số, đòi hỏi phải có sự phối hợp cùng các công ty Fintech trong việc phát triển sản phẩm, dịch vụ ngân hàng.

Các công ty Fintech là động lực khiến các ngân hàng thương mại chuyển đổi số mạnh mẽ hơn nhằm đáp ứng các nhu cầu ngày càng đa dạng và khắt khe hơn của khách hàng, từ đó thu hút các khách hàng mới và tạo lợi thế cạnh tranh cho ngân hàng; Ngân hàng có thể tận dụng các công nghệ hỗ trợ của Fintech nhằm ứng dụng các công nghệ mới vào các dịch vụ tài chính; Sự hợp tác giữa công ty Fintech và ngân hàng có thể thúc đẩy quá trình cải tổ hệ thống ngân hàng: mở rộng tệp khách hàng và có thể chăm sóc khách hàng tốt hơn; phát triển đa dạng các sản phẩm - dịch vụ và nâng cao chất lượng dịch vụ ngân hàng tốt hơn, phù hợp hơn; giao dịch an toàn hơn với chi phí thấp hơn. khách hàng của các ngân hàng sẽ được thụ hưởng các công nghệ tiên tiến, tiết kiệm thời gian và chi phí giao dịch.

Tuy nhiên, sự xuất hiện của công ty Fintech có thể khiến hệ thống ngân hàng phải đối mặt với các rủi ro về thị phần, lợi nhuận; Sự tăng cường hoạt động Fintech dẫn tới gia tăng sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các bên tham gia thị trường (ngân hàng, công ty Fintech và các thành phần khác) và cơ sở hạ tầng của thị trường dẫn đến gia tăng rủi ro hoạt động; Sự xuất hiện của công ty Fintech có thể khiến hệ thống ngân hàng gặp phải rủi ro tín dụng thông qua dịch vụ cho vay ngang hàng.

Kính thưa quý vị đại biểu,

Trong số những kịch bản dự kiến về mô hình hoạt động ngân hàng trong quá trình chuyển đổi số không chỉ có sự hợp tác giữa ngân hàng và fintech mà còn có mô hình ngân hàng truyền thống tự hiện đại hóa, số hóa các dịch vụ hiện hành bằng cách ứng dụng các xu hướng công nghệ mới như Cloud Computing, Big Data, AI…

Như vậy tương lai của fintech trong xu hướng hợp tác với ngân hàng và các xu thế công nghệ mới sẽ như thế nào?

Tôi hi vọng rằng Hội thảo chuyên đề này sẽ là một cơ hội để các diễn giả, các đại biểu cùng trao đổi, thảo luận sôi nổi để tìm ra câu trả lời cho câu hỏi trên cũng như tìm ra các giải pháp nâng cao hiệu quả trong quan hệ hợp tác giữa Fintech và hệ thống ngân hàng tại Việt Nam, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt và nâng cao gắn kết giữa các hệ sinh thái dịch vụ của ngân hàng – Fintech.

Thay mặt Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, một lần nữa tôi xin chúc các quí vị đại biểu  sức khỏe, thành đạt. Chúc sự kiện thành công tốt đẹp.

Xin trân trọng cảm ơn!

TS Nguyễn Quốc Hùng

Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam

Tính lãi tiền gửi
VNĐ
%/year
month
Tính lãi tiền gửi

Tính toán khoản vay
VNĐ
%/year
month
Tính toán khoản vay