Thứ tư, 22/01/2025
   

Ông Ngô Chí Dũng: VPBank cơ cấu 'ngân hàng 0 đồng' nhằm tăng quy mô

Ở góc độ tài chính, theo Chủ tịch VPBank, không ngân hàng nào thiết tha tham gia cơ cấu ngân hàng 0 đồng, nhưng VPBank có những mục tiêu riêng để thực hiện.

Chia sẻ này được ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) chia sẻ trong phiên họp cổ đông sáng nay, trước câu hỏi về việc tham gia cơ cấu "nhà băng 0 đồng" - những ngân hàng trong diện kiểm soát đặc biệt, được Ngân hàng Nhà nước mua lại giá 0 đồng do âm vốn chủ sở hữu.

Thị trường có 4 tổ chức thuộc diện này, gồm Ngân hàng Đại Dương (OceanBank), Ngân hàng Xây Dựng (CBBank), Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu (GPBank) và Ngân hàng Đông Á (DongA Bank).

"Tại sao VPBank lại tham gia cơ cấu ngân hàng 0 đồng?", một cổ đông đặt câu hỏi. Theo Chủ tịch VPBank, về năng lực tài chính, quản trị, không phải nhà băng nào cũng được tham gia tái cơ cấu những ngân hàng 0 đồng. Đặc biệt khi những ngân hàng này đều đang ghi nhận lỗ lũy kế lớn, hoạt động liên tục thua lỗ.

"Đơn thuần ở góc độ tài chính, hầu hết ngân hàng không thiết tha tham gia tái cơ cấu", ông Dũng cho biết, nhưng thêm rằng, VPBank tham gia vì những mục tiêu khác.

X-100996-3503-1714368471.jpg
Lãnh đạo VPBank trong phiên họp thường niên tổ chức sáng 29/4. Ảnh: VPB

Theo ông, sự tham gia của cổ đông chiến lược SMBC giúp VPBank có nền tảng vốn lớn, đủ khả năng tham gia. Việc cơ cấu này không mang lại lợi ích tài chính nhưng giúp ngân hàng đẩy nhanh chiến lược mở rộng. Trong đó, việc tăng trưởng tín dụng ở quy mô cao hơn và khả năng được mở "room ngoại" trên 30% là lợi ích mà VPBank hướng tới.

"Các ngân hàng hiện chỉ được room ngoại ở mức 30%, nhưng VPBank có những nhà đầu tư có mong muốn nâng tỷ lệ lên. Với việc tham gia tái cơ cấu ngân hàng 0 đồng, ngân hàng có thể được mở room lên hơn 30% là điều kiện quan trọng để VPBank tăng quy mô, nâng vốn", ông Dũng nói. Ngoài ra, việc tham gia cơ cấu còn giúp hệ thống ngân hàng tốt hơn, được lãnh đạo VPBank đánh giá là sự đóng góp cần thiết.

Bên cạnh đó, VPBank cũng trình cổ đông tăng số lượng thành viên Hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2020 - 2025 từ 7 lên 9 thành viên, trong đó có một thành viên độc lập.
Hai nhân sự vừa được bầu thêm trong phiên họp hôm nay gồm ông Takeshi Kimoto (đại diện từ cổ đông chiến lược SMBC) và bà Phạm Thị Nhung - Phó tổng giám đốc thường trực kiêm Giám đốc Khối quản lý đối tác và Quan hệ đối ngoại.

tín dụng
Hai nhân sự mới của Hội đồng quản trị VPBank nhiệm kỳ 2020 - 2025 (đứng giữa cầm hoa) được bầu tại phiên họp thường niên ngày 29/4. Ảnh: VPB

Năm 2023, VPBank không đạt mục tiêu lợi nhuận đề ra. Nhà băng này ghi nhận lợi nhuận trước thuế riêng lẻ gần 14.000 tỷ đồng, 80% kế hoạch. Tuy nhiên, FE Credit lỗ gần 3.700 tỷ đồng khiến lợi nhuận hợp nhất giảm mạnh.

Theo Tổng giám đốc Nguyễn Đức Vinh, sự phục hồi yếu của nền kinh tế, ba cuộc khủng hoảng về thanh khoản, trái phiếu và thị trường bất động sản là yếu tố khách quan tác động tiêu cực lên kết quả hoạt động. Ngoài ra, FE Credit được đánh giá là một "điểm tối".

Công ty tài chính này gặp khó khăn trước tác động kép từ Covid-19 và tình trạng suy giảm sức tiêu dùng nền kinh tế. Giai đoạn Covid-19, hơn 60% khách hàng của FE Credit bị ảnh hưởng, nhiều người lao động không còn khả năng trả nợ dẫn đến tỷ lệ nợ xấu tăng cao. Hai năm gần đây, việc ngăn chặn cho vay bất hợp pháp, tín dụng đen ảnh hưởng tới công tác thu nợ một số công ty tài chính tiêu dùng. Như năm 2023, việc thu hồi nợ của FE Credit giảm tới 50%.

Dù vậy, từ quý IV năm trước, hoạt động của FE Credit có sự phục hồi. Theo CEO VPBank, tăng trưởng cho vay của công ty tài chính này đạt hơn 20% trong quý IV năm trước và tăng tiếp 20% trong quý I năm nay. Tỷ lệ nợ xấu cũng giảm về dưới 20%.

Đối với cho vay bất động sản, Chủ tịch VPBank Ngô Chí Dũng đánh giá mảng này "vẫn là lĩnh vực an toàn, nếu được kiểm soát, đánh giá đúng".

Tỷ trọng cho vay mảng bất động sản, xây dựng của VPBank hiện là hơn 19% tổng dư nợ. Với phân khúc cho vay người mua nhà, dư nợ khoảng 16%. "VPBank hiện là một trong những ngân hàng cho vay mua nhà lớn nhất thị trường, khoảng 90.000 tỷ đồng", CEO VPBank cho biết.

Năm nay, VPBank đặt kế hoạch tham vọng với mục tiêu lợi nhuận hợp nhất hơn gấp đôi năm trước, đạt hơn 23.000 tỷ đồng. Trong đó, lợi nhuận của của ngân hàng mẹ dự kiến hơn 20.700 tỷ đồng. FE Credit kỳ vọng đóng góp 1.200 tỷ, Chứng khoán VPBank (VPBankS) hơn 1.900 tỷ và Bảo hiểm OPES là 873 tỷ đồng.

CEO Nguyễn Đức Vinh cho biết ngân hàng sẽ đặt mục tiêu trọng tâm tăng trưởng ở phân khúc chiến lược là khách hàng cá nhân và SME, đồng thời tìm kiếm cơ hội phát triển trong phân khúc khách hàng FDI.

Tính lãi tiền gửi
VNĐ
%/year
month
Tính lãi tiền gửi

Tính toán khoản vay
VNĐ
%/year
month
Tính toán khoản vay