Ngân hàng Techcombank ghi nhận 44,4% khách hàng mới gia nhập qua các kênh số hóa và 42,9% thông qua các đối tác trong hệ sinh thái. Số lượng giao dịch của khách hàng cá nhân qua các kênh ngân hàng điện tử tăng lên 577,6 triệu trong quý III; tăng 15,6% so với quý trước và 49,4% so với cùng kỳ năm trước. Tổng giá trị giao dịch đạt gần 2,4 triệu tỷ đồng.
Tiền gửi của khách hàng đạt 409.000 tỷ đồng, tăng 14,1% so với đầu năm và 7,1% so với quý trước. Tổng tài sản đạt 781.3000 tỷ đồng vào ngày 30/9, vượt 11,8% so với đầu năm. Tính riêng ngân hàng, tín dụng tăng trưởng 11,4% so với đầu năm, đạt ngưỡng 495.400 tỷ đồng.
Trong quý III, lợi nhuận trước thuế 5.843 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của Ngân hàng Techcombank đạt 17.115 tỷ đồng. Phí bảo hiểm phục hồi với doanh thu khai thác mới (APE) tăng 32,1% so với quý trước. Vào tháng 9, ngân hàng giành lại vị trí số một toàn ngành về APE. Kết quả này là nhờ chiến lược bán hàng dựa trên nhu cầu của khách hàng, nâng cao năng lực dịch vụ và tích cực phát triển sản phẩm kỹ thuật số mới.
Tổng giám đốc Ngân hàng Techcombank, ông Jens Lottner cho biết số dư tiền gửi không kỳ hạn (CASA) tăng trưởng hai quý liên tiếp. Tốc độ tăng trưởng tín dụng và tăng trưởng tiền gửi cao hơn mức tăng toàn ngành trong 9 tháng. Với kết quả đạt được trong quý III, ngân hàng tin tưởng sẽ đạt mục tiêu lợi nhuận và chất lượng tài sản đã đề ra cho cả năm.
Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) của ngân hàng Techcombank ở mức 15,0% vào ngày 30/9, cao hơn so với mức yêu cầu tối thiểu 8% của Trụ cột I Basel II. Chất lượng tài sản nằm trong tầm kiểm soát.
Tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng Techcombank duy trì ở 1,4%, thuộc nhóm thấp của toàn ngành và trong mức được dự báo. Tính chung nợ vay và trái phiếu doanh nghiệp, tỷ lệ này ở mức 1,3%. Sự gia tăng này chủ yếu đến từ nợ xấu của khách hàng bán lẻ và doanh nghiệp SME, trong khi nợ xấu của các doanh nghiệp lớn vẫn ở mức 0%. Chi phí tín dụng ổn định ở mức 0,7% trước hoàn nhập và 0,5% sau hoàn nhập, phản ánh giá trị lớn của tài sản đảm bảo.
Trên cơ sở hợp nhất, các khoản cho vay bán lẻ đã dừng đà giảm theo quý, nhờ tăng trưởng ở mảng thẻ tín dụng. Mặc dù nhu cầu vay mua nhà sơ cấp cho thấy dấu hiệu phục hồi, thị trường vẫn tương đối trầm lắng so với mức trước năm 2022. Tín dụng doanh nghiệp (bao gồm cho vay và trái phiếu cho các khách hàng SME và doanh nghiệp lớn) tăng 5,1% so với quý trước và 33,7% so với đầu năm. Điều này phản ánh nhu cầu tín dụng từ những khách hàng doanh nghiệp sẵn sàng vay và đầu tư đón đầu sự phục hồi của nền kinh tế và thị trường.