Hoạt động trên một địa bàn đô thị năng động, chỉ trên một tuyến đường chưa đầy 2 km đã có tới 10 tổ chức tín dụng “đóng quân", hơn ai hết, bà Lê Thị Thu Hà - Giám đốc QTDND Ngọc Sơn ở thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hóa thấu hiểu được giá trị của việc phát triển các dịch vụ ngân hàng điện tử, đặc biệt là ngân hàng số. Trong bối cảnh các tổ chức tín dụng đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ hiện đại và cạnh tranh lãi suất, nếu QTDND chỉ đơn thuần cung ứng các sản phẩm tín dụng truyền thống, câu chuyện duy trì hoạt động ổn định đã khó chưa nói đến phát triển. Bởi vậy, ngay khi Co-opBank chi nhánh Thanh Hóa triển khai dịch vụ ngân hàng điện tử, Quỹ đã nhanh chóng tham gia.
“Đặc biệt từ năm 2022, khi các dịch vụ của Co-opBank tung ra hàng loạt các sản phẩm thanh toán và ngân hàng số, Quỹ đã rất vui mừng và trông đợi. Bởi xu hướng thanh toán điện tử đang dần ăn sâu bén rễ vào đời sống, đa số người dân có nhu cầu thanh toán bằng điện thoại kể cả trả gốc, lãi vay. Việc triển khai các dịch vụ ngân hàng số, khiến Quỹ tăng thêm lợi thế cạnh tranh so với các tổ chức tín dụng trên địa bàn", bà Lê Thị Thu Hà - Giám đốc QTDND Ngọc Sơn cho biết.
Theo bà Hà, việc triển khai các sản phẩm ngân hàng điện tử, ngân hàng số đến QTDND không thể chỉ trông chờ từ một phía hỗ trợ của Co-opBank mà còn cả sự quyết tâm của QTDND. Như QTDND Ngọc Sơn, ngày đầu phối hợp với Co-opBank triển khai dịch vụ mở tài khoản ngân hàng để thanh toán và cài đặt app ngân hàng số của Co-opBank, Quỹ đã mạnh dạn tung các ra chương trình khuyến mãi hấp dẫn. Bởi đối với QTDND Ngọc Sơn thì “khi thành viên và khách hàng mở tài khoản tại Co-opBank, họ không chỉ sử dụng các dịch vụ của Co-opBank mà qua đây, Quỹ có thêm thành viên và khách hàng mới, đồng thời giữ chân các khách hàng cũ, từ đó mở rộng hoạt động của Quỹ. Đặc biệt, QTDND Ngọc Sơn đã cùng với cán bộ Co-opBank vào từng ngõ, gõ từng nhà để triển khai các dịch vụ, trước là cho các thành viên, sau là những người dân trên địa bàn. Từ đó, giúp Quỹ ngày càng khẳng định được thương hiệu, uy tín và vị thế của mình trên địa bàn.
Không chỉ hỗ trợ QTDND nâng cao năng lực cung ứng sản phẩm dịch vụ ngân hàng hiện đại đến thành viên và khách hàng, các sản phẩm dịch vụ của Co-opBank đã và đang hỗ trợ QTDND nâng cao năng lực quản trị và điều hành hoạt động kinh doanh. Như dịch vụ khởi tạo từ xa CFePCF đã tạo thuận lợi cho khách hàng trong việc dễ dàng tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ Ngân hàng số của Co-opBank thông qua hệ thống QTDND; qua đó tiết kiệm thời gian, giảm thiểu giấy tờ và số hóa toàn bộ hồ sơ khách hàng.
Đó chỉ là 1 trong số gần 1000 QTDND đang thụ hưởng các dịch vụ của Co-opBank. Đặc biệt, thời gian qua, Co-opBank đã liên tục đổi mới và nâng cao chất lượng dịch vụ ngân hàng số, giúp QTDND tiết kiệm được thời gian và chi phí, đồng thời bảo mật thông tin; giúp QTDND chủ động hơn trong việc thực hiện giao dịch mọi lúc mọi nơi.
Ứng dụng ngân hàng số Co-opBank Mobile Banking đến nay đã đăng ký dịch vụ cho hơn 110 nghìn khách hàng là cán bộ nhân viên, thành viên của QTDND, đáp ứng các nhu cầu cơ bản của khách hàng như: chuyển tiền nội bộ, chuyển tiền nhanh 247, thanh toán hóa đơn, đặt vé, thanh toán QR, VNPay taxi… tích hợp thêm dịch vụ nâng cao như chuyển tiền nhanh bằng mã VietQR, gửi tiết kiệm trực tuyến, rút gốc một phần, trả nợ vay, chuyển tiền theo lô, chuyển tiền định kỳ, đặt và quản lý tài khoản Alias, chia sẻ OTP biến động số dư, thanh toán hóa đơn tự động…
Ngoài ra, Co-opBank đã và đang phát triển các dịch vụ ngân hàng điện tử trên hệ thống Cf-eBank cho vay theo hạn mức thấu chi trên thẻ ghi nợ đối với thành viên của QTDND tham gia hệ thống thẻ. Đồng thời cung cấp dịch vụ thấu chi cho hoạt động thanh toán đối với các QTDND tham gia hệ thống CF-eBank.
Có thể nói, công tác chuyển đổi số giúp gia tăng tiện ích trên kênh chuyển tiền điện tử CF-eBank, nâng cao vị thế cạnh tranh của các QTDND thành viên, thu hút thêm nhiều QTDND tham gia vào mạng lưới chuyển tiền. Trong 6 tháng đầu năm 2024, Co-opBank đã kết nạp 73 QTDND, nâng tổng số điểm giao dịch của Co-opBank lên 997 điểm bao gồm 32 Chi nhánh, 66 Phòng giao dịch và 899 QTDND; trong 6 tháng đầu năm 2024, đã có 554 QTDND thành viên thực hiện Mở/Tất toán/Rút tiền gửi online trên hệ thống với 10.964 món mở tiền gửi đạt doanh số 15.494 tỷ đồng...
Nhìn về tương lai, Co-opBank đang đặt mục tiêu tiếp tục mở rộng và phát triển các sản phẩm ngân hàng số nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dùng. Sắp tới, Co-opBank sẽ tập trung vào việc phát triển hệ thống CRM (quản lý quan hệ khách hàng) nhằm cung cấp trải nghiệm tốt hơn cho khách hàng, đồng thời tối ưu hóa quy trình quản lý thông tin và dịch vụ.
Co-opBank cũng sẽ tiếp tục triển khai và mở rộng mạng lưới thanh toán không dùng tiền mặt, đặc biệt là kết nối chuyển giao dịch vụ ngân hàng điện tử tới các QTDND đủ điều kiện. Ứng dụng ngân hàng số Co-opBank Mobile Banking cũng sẽ được cập nhật và bổ sung thêm các tính năng mới để mang lại nhiều tiện ích hơn cho người dùng. Việc chuyển tiền nhanh, thanh toán hóa đơn tự động, đặt vé máy bay hay taxi thông qua QR code chỉ là một số ví dụ tiêu biểu về cách các dịch vụ này đang giúp thay đổi thói quen tiêu dùng và giao dịch tài chính của người dân.
Quá trình chuyển đổi số của Co-opBank và các QTDND không chỉ giúp cải thiện trải nghiệm khách hàng mà còn mở ra nhiều cơ hội mới cho sự phát triển của hệ thống tài chính cộng đồng. Với sự hỗ trợ của Co-opBank, các QTDND đang dần thay đổi cách thức hoạt động từ việc cung cấp các sản phẩm tín dụng truyền thống sang việc tích hợp các giải pháp tài chính hiện đại. Điều này không chỉ tạo điều kiện cho sự phát triển của QTDND mà còn đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế của đất nước. Với sự hỗ trợ đắc lực từ Co-opBank, quá trình chuyển đổi số sẽ tiếp tục là chìa khóa quan trọng giúp các QTDND nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững trong thời đại mới.