Thứ bảy, 23/11/2024
   

Ngân hàng Nhà nước ban hành Kế hoạch cải cách hành chính năm 2023

Ngày 30/12/2022, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có Quyết định số 2220/QĐ-NHNN về việc Ban hành Kế hoạch công tác cải cách hành chính năm 2023.

Ngày 30/12/2022, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có Quyết định số 2220/QĐ-NHNN về việc Ban hành Kế hoạch công tác cải cách hành chính năm 2023.

Theo Nghị quyết 76/NQ-CP của Chính phủ, về cải cách mạnh mẽ quy định, thủ tục hành chính, nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trong các lĩnh vực hoạt động ngân hàng thuận lợi, lành mạnh. Đồng thời, hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành dựa trên dữ liệu, ứng dụng hiệu quả công nghệ số và tạo đột phá trong cải cách hành chính.

Theo đó, việc cải cách hành chính năm 2023 của Ngân hàng Nhà nước, có 6 mục tiêu cụ thể gồm: (i) Tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện khung khổ pháp lý, cơ chế, chính sách về tiền tệ, hoạt động ngân hàng, bảo đảm thị trường tiền tệ, ngân hàng hoạt động an toàn, lành mạnh, thông suốt, bền vững, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, công bằng cho các tổ chức tín dụng; (ii) Thực hiện quyết liệt công tác cải cách thủ tục hành chính cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao niềm tin của người dân, doanh nghiệp vào cơ chế, chính sách và các lĩnh vực hoạt động ngân hàng. Đẩy mạnh rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh, tăng cường phân cấp và tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính không phụ thuộc địa giới hành chính; (iii) Hoàn thành việc đổi mới thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong hoạt động giải quyết thủ tục hành chính tại Ngân hàng Nhà nước đáp ứng yêu cầu số hóa hồ sơ và tin học hóa toàn bộ quy trình giải quyết thủ tục hành chính trong nội bộ Ngân hàng Nhà nước; nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu thành phần hồ sơ thủ tục hành chính; (iv) Tăng cường đổi mới, cải tiến phương thức làm việc nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước và sắp xếp, tinh gọn hệ thống tổ chức cơ quan hành chính nhà nước các cấp theo quy định. Đẩy mạnh phân cấp quản lý nhà nước; tăng cường rà soát, sắp xếp các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước đảm bảo nâng cao hiệu quả hoạt động; (v) Đẩy mạnh triển khai chuyển đổi số ngành Ngân hàng đáp ứng các định hướng xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, hình thành các mô hình hoạt động ngân hàng dựa trên dữ liệu và công nghệ số, tạo điều kiện phát triển ngân hàng số, tăng cường kết nối, chia sẻ hạ tầng, dữ liệu với các ngành, lĩnh vực khác để mở rộng, phát triển hệ sinh thái số; (vi) Tiếp tục hoàn thiện cơ chế quản lý, văn bản quy định về quản lý đầu tư xây dựng, quản lý tài chính, tài sản; thực hiện cơ chế khoán kinh phí hoạt động thường xuyên; nâng cao vai trò, trách nhiệm của các đơn vị trong tổ chức chi tiêu, mua sắm, đầu tư xây dựng công trình nhằm đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả.

Với các nội dung, nhiệm vụ cụ thể như sau:

Một là, về cải cách thể chế: Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách pháp luật về tiền tệ và hoạt động ngân hàng trên cơ sở tuân thủ đầy đủ các quy luật của kinh tế thị trường, phù hợp với thông lệ quốc tế và đáp ứng yêu cầu hội nhập; Nâng cao chất lượng công tác xây dựng pháp luật, tăng cường kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật, kịp thời phát hiện và xử lý các quy định chồng chéo, mâu thuẫn, trái pháp luật, hết hiệu lực hoặc không còn phù hợp; Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và số hóa trong công tác phổ biến, giáp dục pháp luật của Ngân hàng Nhà nước, nâng cao chất lượng, hiệu quả thực thi pháp luật.

Hai là, về cải cách thủ tục hành chính: Kiểm soát chặt chẽ các quy định thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý của Ngân hàng Nhà nước liên quan đến người dân, doanh nghiệp, bảo đảm thủ tục hành chính mới ban hành phải đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện; Tập trung xây dựng, ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật để thực thi phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh đã được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định 1361/QĐ-TTg ngày 08/11/2022. Tổ chức triển khai đảm bảo mục tiêu Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025 theo định hướng chỉ đạo của Chính phủ; Tiếp tục thực hiện cơ chế một cửa trong hoạt động giải quyết thủ tục hành chính tại Ngân hàng Nhà nước theo Quyết định số 468/QĐ-TTg ngày 27/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ và Nghị định số 107/2021/NĐ-CP ngày 6/12/2021 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung Nghị định số 61/2018/NĐ-CP; Triển khai Kế hoạch rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính nội bộ tại Ngân hàng Nhà nước giai đoạn 2022-2025; Thường xuyên nghiên cứu, đề xuất giải pháp tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính thông qua tăng cường đối thoại, điều tra xã hội học lấy ý kiến người dân, doanh nghiệp.

Ba là, về cải cách tổ chức bộ máy: Nghiên cứu, ban hành quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng và danh sách các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Ngân hàng Nhà nước; Nghiên cứu, ban hành hướng dẫn định mức số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực Ngân hàng được giao quản lý.

Bốn là, về cải cách chế độ công vụ: Tiếp tục hoàn thiện, ban hành các quy định, hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước liên quan đến công tác cán bộ; tổ chức triển khai công tác cán bộ đảm bảo đúng quy định hiện hành; Xây dựng và hoàn thiện hệ thống thể chế thống nhất, đồng bộ cho hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, mục tiêu phát triển và yêu cầu hội nhập quốc tế của Ngân hàng Nhà nước; hệ thống chính sách khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức Ngân hàng Nhà nước tham gia học tập, giảng dạy để không ngừng nâng cao trình độ và năng lực thực hiện nhiệm vụ, công vụ được giao; Hoàn thiện các quy định về tăng cường ký luật, kỷ cương hành chính trong hoạt động công vụ; về phân cấp trong quản lý cán bộ, công chức, viên chức, đảm bảo quy định thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong công tác cán bộ và quản lý cán bộ.

Năm là, về cải cách tài chính công: Tiếp tục thực hiện cơ chế khoán kinh phí hoạt động thường xuyên, nâng cao vai trò, trách nhiệm của thủ trưởng đơn vị trong việc tổ chức chi tiêu, mua sắm, đầu tư xây dựng công trình đảm bảo tiết kiệm kinh phí để bổ sung thu nhập cho cán bộ, công chức. Cụ thể hóa các quy định của Nhà nước về chế độ tài chính của Ngân hàng Nhà nước để đổi mới cơ chế quản lý, phân bổ ngân sách nhà nước phù hợp với đặc thù hoạt động của Ngân hàng Nhà nước; Tiếp tục ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại trong công tác quản lý tài chính, tài sản và đầu tư xây dựng cơ bản nhằm cắt giảm các thủ tục hành chính có liên quan, rút ngắn thời gian tổng hợp, lập kế hoạch về mua sắm tài sản, đầu tư xây dựng cơ bản và lập phương án khoán kinh phí của Ngân hàng Nhà nước; Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và hướng dẫn các đơn vị Ngân hàng Nhà nước, thực hiện tốt công tác kế toán, quản lý tài chính, tài sản và đầu tư xây dựng; Hoàn thiện cơ chế tài chính, quản lý tài chính, giám sát, đánh giá chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp thuộc Ngân hàng Nhà nước.

Sáu là, về xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số: Đẩy mạnh triển khai Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số theo kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, hình thành mô hình tổ chức, cách thức vận hành dựa trên dữ liệu và công nghệ số, tạo ra môi trường làm việc và công cụ chỉ đạo điều hành, xử lý công việc, tổ chức họp, hội nghị trên môi trường số; tạo điều kiện phát triển các mô hình ngân hàng số, tăng cường tích hợp, kết nối hạ tầng, hệ thống với các ngành, lĩnh vực khác để mở rộng, phát triển hệ sinh thái số; Tiếp tục thực hiện tích hợp, kết nối Cổng dịch vụ công, Hệ thống thông tin một cửa điện tử với các hệ thống liên quan theo yêu cầu của Chính phủ và phục vụ yêu cầu giải quyết thủ tục hành chính của Ngân hàng Nhà nước; từng bước số hóa, điện tử hóa quy trình tiếp nhận, xử lý và trả kết quả hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính của Ngân hàng Nhà nước tại Bộ phận một cửa; Tiếp tục điện tử hóa các báo cáo định kỳ của Ngân hàng Nhà nước trên Hệ thống thông tin báo cáo của Ngân hàng Nhà nước đáp ứng quy định tại Nghị định số 09/2019/NĐ-CP của Chính phủ; từng bước tự động hóa công tác báo cáo, thống kê phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của Ngân hàng Nhà nước; kết nối, cung cấp đầy đủ các chỉ tiêu, số liệu báo cáo với Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ, Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước chủ động xác định kế hoạch CCHC năm 2023 trong kế hoạch, chương trình công tác của đơn vị.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Tính lãi tiền gửi
VNĐ
%/year
month
Tính lãi tiền gửi

Tính toán khoản vay
VNĐ
%/year
month
Tính toán khoản vay