Theo báo cáo công bố ngày 24/10 của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho biết, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong quý 3/2022 đã tăng 3,9% so với cùng kỳ năm 2021.
Mức tăng này cho thấy sự khởi sắc so với tốc độ tăng 0,4% ghi nhận vào quý 2. Con số trên cũng cao hơn mức dự báo 3,4% của các nhà phân tích thuộc hãng tin Reuters. Số liệu mới nhất giúp nâng tăng trưởng cả năm lên 3%. Mục tiêu của Bắc Kinh năm nay là 5,5%.
Tuy nhiên, bất chấp sự phục hồi, nền kinh tế Trung Quốc đang phải đối mặt với những thách thức trên nhiều mặt, cả ở trong và ngoài nước. Chiến lược Zero COVID-19 và căng thẳng trong lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc đã làm trầm trọng thêm áp lực bên ngoài đến từ cuộc khủng hoảng Ukraine và suy thoái toàn cầu do xu hướng tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát nóng.
Các chính sách kiểm soát đại dịch, đặc biệt trong quý 2, đã gây sức ép lên hoạt động của doanh nghiệp tại đây. Nhiều ngân hàng đầu tư đã hạ dự báo GDP Trung Quốc xuống quanh 3% năm nay.
Theo kết quả từ một cuộc thăm dò của Reuters, tăng trưởng của Trung Quốc được dự báo sẽ chậm lại còn 3,2% vào năm 2022, thấp hơn nhiều so với mục tiêu chính thức là khoảng 5,5%. Nếu thành sự thật, đó sẽ đánh dấu một trong những năm tồi tệ nhất trong gần nửa thế kỷ qua của kinh tế Trung Quốc.
Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đã đưa ra hơn 50 biện pháp hỗ trợ kinh tế kể từ cuối tháng 5 nhằm thúc đẩy nền kinh tế. Thậm chí, giới chức Trung Quốc đã hạ thấp tầm quan trọng của việc đạt được mục tiêu tăng trưởng đã được đặt ra vào tháng 3 để bớt áp lực cho nền kinh tế.
Các số liệu công bố sáng nay cho thấy bức tranh trái chiều về nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Doanh số bán lẻ tháng 9 tăng 2,5% so với cùng kỳ năm 2021. Con số này thấp hơn mức 5,4% của tháng 8 và thấp hơn so với kỳ vọng 3,3%.
Tỷ lệ thất nghiệp tại thành thị tăng lên 5,5%. Riêng với nhóm người trẻ, độ tuổi 16 - 24, con số này là 17,9%.
Trong khi đó, sản lượng công nghiệp tăng 6,3%, vượt xa dự báo là 4,5%. Đầu tư vào tài sản cố định tăng 5,9% trong 9 tháng đầu năm, tương đương dự báo.