Chủ nhật, 19/01/2025
   

Hoạt động của các TCTD hội viên phía Nam từ 22 - 26/4/2024

Tổng hợp thông tin về tình hình hoạt động của các tổ chức tín dụng (TCTD) hội viên Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, khu vực phía Nam, từ 22 - 26/4/2024, cho thấy các ngân hàng tiếp tục công bố các tài liệu, kế hoạch kinh doanh, tăng vốn điều lệ, kiện toàn nhân sự,…, với mục tiêu đặt tăng trưởng, lợi nhuận tích cực hơn năm trước. Đồng thời, tiếp tục triển khai các gói tín dụng ưu đãi và triển thêm các các tiện ích mở rộng hệ sinh nâng tầm trải nghiệm của khách hàng.
Tổng hợp hoạt động của các TCTD hội viên phía Nam tuần từ 22 - 26/4/2024
Tổng hợp hoạt động của các TCTD hội viên phía Nam tuần từ 22 - 26/4/2024

Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB)

- Theo Báo cáo tài chính Quý 1/2024 vừa được công bố, ACB vẫn tiếp tục là ngân hàng thuộc top đầu nhóm ngân hàng tư nhân, có mức tăng trưởng quy mô vượt xa bình quân toàn ngành trong bối cảnh nhiều thách thức.

Cuối Q1, tín dụng của ACB đạt 506 nghìn tỷ, huy động đạt gần 493 nghìn tỷ. So với đầu năm, mức tăng trưởng lần lượt của tín dụng và huy động là 3,8% và 2,1%, cao hơn mức tăng trưởng của ngành. Trong đó, tỷ lệ CASA ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng với 23,7%.

Trong Q1, thu nhập lãi thuần của ACB tăng 8% so với cùng kỳ, đạt gần 6.722 tỷ đồng. Lãi từ dịch vụ tăng 19%, thu được 745 tỷ đồng. Thu nhập từ kinh doanh chứng khoán của ACB trong quý này tiếp tục đột biến, thu được khoản lãi hơn 196 tỷ đồng, gấp 4 lần cùng kỳ. Hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư cũng lãi hơn 204 tỷ đồng trong khi cùng kỳ báo lỗ.

Trong Q1, ACB tăng cường trích lập dự phòng rủi ro tín dụng khi dành ra đến 512 tỷ đồng, gấp 2 lần cùng kỳ. Kết quả, Ngân hàng lãi trước thuế hơn 4.892 tỷ đồng, giảm 5% so cùng kỳ, thực hiện được 22% kế hoạch năm 2024 (22.000 tỷ đồng). ACB cho biết, lợi nhuận quý đầu năm giảm nhẹ so với cùng kỳ do cùng kỳ năm 2023 có khoản thu nhập bất thường và tăng trích lập dự phòng nợ vay.

Tính đến cuối Q1, tổng tài sản của ACB xấp xỉ đầu năm ở mức 727.297 tỷ đồng. Cho vay khách hàng tăng 4% lên 506.112 tỷ đồng; tiền gửi khách hàng tăng 2% lên 492.804 tỷ đồng. Tỷ lệ CASA ghi nhận mức 23,7%. Tỷ lệ ROE đạt 23,4%, ACB tiếp tục dẫn đầu thị trường về mức độ hiệu quả.

Nếu không tính đến 5.478 tỷ đồng cho vay giao dịch ký quỹ của ACBS, tính đến 31/03/2024, tổng nợ xấu của ACB là 7.348 tỷ đồng, tăng 25% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu/dư nợ tăng nhẹ từ mức 1,22% đầu năm lên 1,47%.

- Ngân hàng TMCP Á Châu vừa có thông báo về việc chấm dứt hoạt động ACB - Phòng Giao dịch Kim Đồng, nâng cấp thành ACB - Chi nhánh Kim Đồng tại địa chỉ Tầng 1, tầng 2 Trung tâm thương mại chợ Trương Định, Số 461 Đường Trương Định, Phường Tân Mai, Quận Hoàng Mai, Hà Nội, hiệu lực từ ngày 09/5/2024.

Ngân hàng TMCP Bản Việt (BVBank)

- Ngày 19/4/2024, Ngân hàng TMCP Bản Việt đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2024. Các tờ trình về kế hoạch kinh doanh, tăng vốn và tiếp tục kế hoạch chuyển sàn đều được ĐHĐCĐ thông qua.

BVBank đặt mục tiêu năm 2024 đạt 200 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 179% so với kết quả 2023. Ngân hàng đặt mục tiêu đến cuối năm 2024 đạt tổng tài sản 100.000 tỷ đồng, tăng 14% so với đầu năm. Huy động dự kiến đạt 74.086 tỷ đồng, tăng 10%; dư nợ tín dụng đạt 65.937 tỷ đồng, tăng 14%. Tỷ lệ nợ xấu kiếm soát dưới 3%. Số lượng đơn vị kinh doanh tăng lên 126 đơn vị, tăng 9%.

ĐHĐCĐ 2024 đã thông qua phương án tăng vốn điều lệ lên thêm gần 890 tỷ đồng trong năm 2024. Cụ thể, Ngân hàng dự kiến phát hành gần 69 triệu cổ phiếu ra công chúng cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 8:1 (cổ đông sở hữu 8 cp được nhận 1 quyền mua cổ phần, 8 quyền mua được 1 cp phát hành thêm), tương ứng gần 690 tỷ đồng theo mệnh giá. Đồng thời, Ngân hàng cũng dự kiến phát hành 20 triệu cp cho người lao động (ESOP), giá chào bán 10.000 đồng/cp, tương ứng 200 tỷ đồng. Số cổ phiếu này bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm. Nếu phát hành thành công, vốn điều lệ của BVBank sẽ tăng từ 5.518 tỷ đồng (sau khi hoàn thành phương án tăng vốn năm 2023) lên hơn 6.408 tỷ đồng. Thời gian thực hiện trong năm 2024 và Q1, Q2/2025.

Trước đó, ĐHĐCĐ 2023 đã thông qua việc chuyển giao dịch cổ phiếu BVB từ sàn UPCoM sang niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE). Tuy nhiên, do bối cảnh thị trường không thuận lợi nên BVBank vẫn chưa thực hiện việc chuyển sàn. Trong năm 2024, ĐHĐCĐ đã thông qua kế hoạch tiếp tục thực hiện chuyển sàn, thời gian cụ thể do HĐQT quyết định.

- Ngân hàng Bản Việt vừa công bố Báo cáo tài chính Q1/2024, với nhiều kết quả kinh doanh tích cực, bám sát kế hoạch đã được ĐHĐCD thông qua.

Kết thúc 3 tháng đầu năm, BVBank ghi nhận quy mô tổng tài sản đạt gần 84.000 tỷ đồng, tăng 7% so với Q1/2023 nhờ đóng góp lớn từ phân khúc khách hàng cá nhân. Tổng dư nợ tín dụng đạt gần 66.500 tỷ đồng, tăng 10% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, động lực tăng trưởng chính đến từ cho vay cá nhân và tổ chức kinh tế, với dư nợ cho vay đạt hơn 57.000 tỷ đồng, tăng 6,7% so cùng kỳ. Do sức hấp thụ vốn của nền kinh tế thấp so với cuối năm 2023, dư nợ cho vay giảm nhẹ 1,2%, trong đó dư nợ cho vay giảm vào tháng 1 và nhanh chóng tăng trở lại trong 2 tháng cuối quý.

Quý 1/2024, mặt bằng lãi suất cho vay của BVBank giảm liên tục. Điển hình, ngay từ đầu năm, ngân hàng đã triển khai gói vay ưu đãi lãi suất chỉ từ 5%/năm với đa dạng mục đích vay dành cho tệp khách hàng cá nhân.

Ở chiều thanh khoản, tổng huy động tăng trưởng 6,4% so cùng kỳ, đảm bảo đủ nguồn lực cung ứng nguồn vốn cần thiết ra thị trường, chuẩn bị sẵn sàng khi nhu cầu vay vốn phục hồi mặc dù Ngân hàng liên tục điều chỉnh giảm lãi suất huy động. Huy động từ tổ chức kinh tế và dân cư chiếm gần 90% cơ cấu tổng tài sản nợ, ghi nhận tăng trưởng 9% so cùng kỳ, đạt gần 67.700 tỷ đồng.

BVBank ghi dấu ấn trong Q1 với tổng thu nhập đạt trên 530 tỷ đồng, tăng mạnh 48% so cùng kỳ. Thu nhập từ hoạt động kinh doanh cốt lõi tăng 65% so cùng kỳ, đạt 472 tỷ đồng. Trong cơ cấu tổng thu nhập, lãi từ hoạt động kinh doanh ngoại hối tăng 76% do doanh số mua bán ngoại tệ trong Q1/2024 tăng 1,5 lần so cùng kỳ. Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ giảm nhẹ do tác động phần nào của bảo hiểm liên kết.

Chi phí hoạt động trong 3 tháng đầu năm tăng 21%, lên mức 357 tỷ đồng do ngân hàng đang trong quá trình đầu tư mạnh mẽ vào phát triển mạng lưới, chuyển đổi thương hiệu và đẩy mạnh chuyển đổi số. Trong 3 tháng đầu năm, thương hiệu BVBank đã hiện diện tại 4 điểm giao dịch mới, nâng tổng số điểm kinh doanh trên toàn hệ thống lên 120 đơn vị và có mặt tại 33 tỉnh thành trên cả nước. BVBank tiếp tục gia tăng trải nghiệm khách hàng qua nhiều tiện ích mới trên ngân hàng số Digimi và Digibiz, bám sát mục tiêu phát triển mô hình bán lẻ đã đề ra.

Trong 3 tháng đầu năm, BVBank hoàn thành 35% kế hoạch lợi nhuận năm, ghi nhận lãi trước thuế đạt 69 tỷ đồng.

Ngân hàng TMCP Kiên Long (KienlongBank)

Sáng ngày 26/4/2024, Ngân hàng TMCP Kiên Long tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2024.

Báo cáo tại Đại hội, ông Trần Ngọc Minh - Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc KienlongBank cho biết Ngân hàng đặt mục tiêu thận trọng với tổng tài sản đạt 90.000 tỷ đồng. Tăng trưởng tín dụng được kỳ vọng đạt 60.000 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt 800 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu duy trì ở mức cho phép dưới 3%.

Trả lời cổ đông về lợi nhuận ấn tượng trong một số năm trở lại đây, Chủ tịch HĐQT KienlongBank - Bà Trần Thị Thu Hằng cho biết đó là nỗ lực chung của cả tập thể Ban Lãnh đạo, CBNV, CTV qua nhiều thời kỳ. Sự nỗ lực đó đã giúp xây dựng một nền móng vững chắc, tạo đà cho sự phát triển vượt bậc của KienlongBank trong một vài năm trở lại đây. Tuy nhiên, với tiềm lực và định hướng hiện tại, KienlongBank vẫn luôn xác định mọi thứ mới chỉ ở giai đoạn bắt đầu. Ngân hàng cũng luôn chú trọng đến việc hoạt động kinh doanh hiệu quả trên tinh thần thượng tôn pháp luật.

Về định hướng phát triển tín dụng và quản trị rủi ro, đại diện Ban Kiểm soát cho biết KienlongBank sẽ đảm bảo việc tăng trưởng tín dụng phù hợp với các yêu cầu về thanh khoản theo quy định. Năm 2024, KienlongBank sẽ hướng đến việc hoàn thiện áp dụng chuẩn Basel III cũng như các thông lệ quốc tế vào quản trị rủi ro.

Ngoài ra, Ngân hàng sẽ tiếp tục tập trung phát triển các sản phẩm tín dụng phù hợp với từng loại hình, nhu cầu sản xuất kinh doanh, đồng thời hướng dòng vốn tín dụng dựa trên các danh mục phân loại Xanh; cho vay đáp ứng nhu cầu nhà ở của người dân, các dự án nhà ở xã hội, nhà ở dành cho công nhân; cho vay lĩnh vực lâm, thuỷ sản… đồng thời kiểm soát chặt chẽ hoạt động cấp tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao.

Đối với kinh doanh dịch vụ, năm 2024 sẽ tiếp tục là năm KienlongBank đẩy mạnh triển khai các giải pháp thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt. Năm 2023, KienlongBank đã ra mắt một số sản phẩm số hướng về chủ trương TTKDTM trên nền tảng ứng dụng KienlongBank Plus và Web, trong đó nổi bật là sản phẩm MyShop và thiết bị phần cứng Paybox. Mục tiêu trong năm 2024 KienlongBank sẽ tiếp tục phát triển và đưa các sản phẩm này thành sản phẩm số tiêu biểu, hàng đầu trên thị trường, mở rộng tệp khách hàng...

Để hiện thực hoá kết quả này, tại Đại hội, cổ đông KienlongBank nhất trí thông qua việc bầu bổ sung thành viên HĐQT, BKS nhiệm kỳ 2023 - 2027 nhằm tập trung tăng cường năng lực giám sát, quản trị, kiện toàn bộ máy nâng cao hơn nữa kết quả đáp ứng các thông lệ về quản trị theo các chuẩn mực hoạt động ngân hàng về ESG, tiền đề triển khai các giai đoạn nâng cao hơn. Việc kiện toàn cơ cấu quản trị cũng giúp ngân hàng đẩy nhanh mục tiêu trở thành một ngân hàng số hiện đại, toàn diện vào năm 2025 cũng như sớm đáp ứng yêu cầu của Luật TCTD 2024 sắp có hiệu lực.

Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDBank)

Sáng ngày 26/4/2024, Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 theo hình thức trực tuyến. Đại hội năm nay khá đặc biệt khi địa điểm tổ chức là một nơi hoàn toàn mới - Galaxy Innovation Hub vừa mới khánh thành do HDBank là chủ đầu tư tại khu công nghệ cao TP.HCM.

HDBank có 18.427 cổ đông, đại diện cho hơn 2,89 tỷ cổ phần có quyền biểu quyết, trong đó 246 cổ đông là tổ chức (122 cổ đông trong nước và 124 cổ đông nước ngoài). Tham dự Đại hội có các cổ đông đại diện cho hơn 2,477 tỷ cổ phần, tương đương 84,6% số cổ phần có quyền biểu quyết. Đại hội đủ tức số để tiến hành.

Năm 2023, mặc dù kinh tế thế giới và trong nước khó khăn nhưng HDBank tiếp tục khẳng định vị thế trên thị trường ngành ngân hàng với những thành tựu nổi bật của một số chỉ tiêu tài chính điển hình: Lợi nhuận trước thuế đạt 13.017 tỷ đồng, tăng 26,8% so với 2022; HDBank duy trì tỷ suất sinh lời nằm trong top các ngân hàng có tỷ suất sinh lời cao trong đó ROAE đạt 24,2% và nhiều năm liên tiếp đạt trên 20%; HDBank là một trong số ngân hàng tiên phong triển khai hoàn tất Basel III và duy trì tỷ lệ CAR theo Basel II cao với kết quả 12,6% (mức tối thiểu 8% theo quy định).

Tổng tài sản tại thời điểm cuối năm 2023 là 602.315 tỷ đồng, tăng 44,7% so với năm 2022 và vượt 15,8% kế hoạch. Tổng dư nợ tín dụng đạt 353.441 tỷ đồng, tăng 31,8% so với năm 2022. Tổng huy động đạt 536.641 tỷ đồng, tăng 46,5% so năm 2022. Tiền gửi khách hàng HDBank đạt 370.778 tỷ đồng, tăng 71,8%, khẳng định uy tín, thương hiệu của HDBank trên thị trường và niềm tin của khách hàng.

Về kế hoạch kinh doanh năm 2024, ông Thanh cho biết, Ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 15.852 tỷ đồng, tăng 21,8% so với thực hiện năm 2023. Tỷ lệ ROE đạt 24,6% và nợ xấu thấp 1,5%, trong nhóm tốt nhất toàn ngành. Đến cuối năm 2024, tổng tài sản của ngân hàng dự kiến vượt 700 nghìn tỷ đồng, tăng 16%. Tổng huy động dự kiến đạt trên 624 nghìn tỷ đồng, tăng 16%. Tổng dư nợ dự kiến vượt 438 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 31% so với năm 2023 và phù hợp với chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng được Ngân hàng Nhà nước giao.

Năm 2024, HDBank chủ trương đẩy mạnh cung cấp sản phẩm, dịch vụ trong các ngành, lĩnh vực là động lực của nền kinh tế như: nông nghiệp nông thôn, tín dụng xanh, sản xuất kinh doanh, năng lượng tái tạo, nông nghiệp nông thôn, các hoạt động cho vay dự án giảm tiêu hao năng lượng, giảm phát thải CO2, xử lý/tái chế rác bên cạnh phát huy vị thế dẫn đầu về tài trợ chuỗi.

Về phương án phân phối lợi nhuận, HDBank sẽ chia cổ tức năm 2023 là 30%, thay vì mức 25% tại tờ trình đã gửi tới cổ đông trước đó. Mức chi trả tiền mặt sẽ là 10% và cổ phiếu là 20% (mức cũ là 15% bằng cổ phiếu). Như vậy với mức chi trả cổ tức này, HDBank đang là ngân hàng dẫn đầu hệ thống về chia cổ tức cao cho cổ đông, ngoại trừ trường hợp đặc biệt của Techcombank chia thưởng tỷ lệ 100% sau 10 năm không chia cổ tức.

Song song với chi trả cổ tức, HDBank cũng trình cổ đông kế hoạch nâng vốn điều lệ thêm hơn 6.000 tỷ đồng lên trên 35.101 tỷ đồng.

Kết thúc Đại hội, theo kết quả bỏ phiếu trực tuyến, tất cả các tờ trình của HDBank đều được cổ đông thông qua với tỷ lệ nhất trí cao từ 88 - 99%.

Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB)

- Ngân hàng TMCP Phương Đông vừa công bố thông tin về việc ông Nguyễn Đình Tùng gửi đơn từ nhiệm vị trí Tổng Giám đốc.

Gia nhập vào OCB từ tháng 04/2012 và chính thức đảm nhận vị trí Tổng Giám Đốc từ tháng 8/2012, cùng với HĐQT, Ông Nguyễn Đình Tùng đã dẫn dắt và đưa OCB từ một ngân hàng nhỏ trở thành ngân hàng tư nhân trong nhóm hoạt động hiệu quả hàng đầu tại Việt Nam hiện nay.

Trong thư từ nhiệm gửi tới HĐQT, ông Nguyễn Đình Tùng bày tỏ sự trân trọng đối với HĐQT đã tin tưởng, cũng như sự gắn kết của toàn thể đội ngũ CBNV ngân hàng trên toàn hệ thống. Ông cũng cam kết sẽ tiếp tục đóng góp và đồng hành với OCB trong vai trò Thành viên HĐQT, để triển khai chiến lược phát triển bền vững, đẩy mạnh chuyển đổi số và phát triển mạng lưới đối tác lớn.

Ban lãnh đạo OCB cũng kỳ vọng với việc sắp xếp Ông Nguyễn Đình Tùng làm thành viên thường trực trong HĐQT, Ban điều hành được bổ sung nguồn lực mới trong thời gian tới, Ngân hàng sẽ đạt được những mục tiêu đề ra.

- Ngân hàng Phương Đông vừa công bố kết quả kinh doanh Q1/2024 với lợi nhuận trước thuế đạt 1.214 tỷ đồng, tăng 23% so cùng kỳ, ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ từ các mảng kinh doanh cốt lõi.

OCB có mức tăng trưởng tín dụng cao hơn rất nhiều so với toàn ngành (0,26%). Tính đến cuối Q1/2024, dư nợ thị trường 1 tăng trưởng tốt, lên 153.199 tỷ đồng, đạt 3,5%. Tại 31/03/2024, tổng tài sản đạt 236.980 tỷ đồng. Nguồn vốn huy động thị trường 1 ở mức 163.401 tỷ đồng.

Tổng thu thuần của OCB đạt 2.287 tỷ đồng, tăng 9,4% so cùng kỳ năm 2023, trong đó, đóng góp chính cho tăng trưởng đến từ thu nhập lãi thuần và hoạt động kinh doanh ngoại hối. Thu nhập lãi thuần đạt 1.901 tỷ đồng, tăng 8,6% so cùng kỳ, chiếm 83,12% tổng thu thuần nhờ các chính sách ưu đãi lãi suất, hỗ trợ khách hàng. Thu nhập ngoài lãi cũng tăng trưởng tốt với 13,8% lên 386 tỷ đồng. Riêng lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối đạt 118 tỷ đồng, gấp 2,4 lần cùng kỳ nhờ tận dụng cơ hội biến động mạnh của tỷ giá trong những tháng đầu năm. Tổng kết Q1, OCB ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 1.214 tỷ đồng, tăng 23% so cùng kỳ. Các chỉ số CAR, LDR đảm bảo ở mức an toàn. Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 3%. Chỉ số thanh khoản ổn định với bộ đệm tài sản thanh khoản đầy đủ.

Năm 2024, OCB đặt mục tiêu tăng vốn điều lệ thêm 4.168 tỷ đồng lên 24.717 tỷ đồng, chia cổ tức 20% bằng cổ phiếu, mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 6.885 tỷ đồng, tăng 66% so với kết quả năm 2023.

Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB)

Ngân hàng TMCP Quốc Tế Việt Nam công bố kết quả kinh doanh Q1/2024 với kết quả tích cực, bảng tổng kết tài sản vững mạnh và hiệu quả hoạt động duy trì trong top đầu ngành. Lợi nhuận trước thuế đạt hơn 2.500 tỷ đồng, trong đó tổng thu nhập hoạt động đạt 5.320 tỷ đồng, tăng trưởng 8% so cùng kỳ. Thu nhập ngoài lãi chiếm tới gần 25% doanh thu, với sự đóng góp tích cực của các mảng thẻ tín dụng, ngoại hối và các khoản thu từ nợ đã xử lý rủi ro.

Ngân hàng duy trì biên lãi ròng (NIM) hiệu quả ở mức 4,5% trong bối cảnh cả lãi suất huy động và lãi suất vay đều giảm mạnh. Chi phí hoạt động được kiểm soát tốt giúp hệ số chi phí hoạt động trên doanh thu (CIR) tiếp tục duy trì khoảng 30%, nằm trong top đầu ngân hàng bán lẻ có hiệu quả quản trị chi phí tốt nhất. Nhờ đó, lợi nhuận trước dự phòng của ngân hàng đạt hơn 3.440 tỷ đồng, tăng hơn 2% so cùng kỳ.

Với bối cảnh thị trường chung, tỷ lệ nợ xấu của VIB tăng từ 2,2% lên xấp xỉ 2,4%. Tuy nhiên, Ngân hàng đã chủ động gia tăng bộ đệm dự phòng với mức trích lập dự phòng rủi ro lên tới gần 950 tỷ trong Q1, tăng hơn 40% so cùng kỳ. ROE tiếp tục ở mức 24%, duy trì hiệu quả sinh lời top đầu ngành.

Tổng tài sản VIB đạt 414.000 tỷ đồng vào cuối tháng 3/2024, tăng 1% so đầu năm. Về tăng trưởng tín dụng, VIB tăng 1% so với đầu năm. Tỷ trọng dư nợ bán lẻ chiếm đến 85% tổng danh mục cho vay. Trong đó, trên 90% khoản vay có tài sản đảm bảo chủ yếu là nhà ở, đất ở với đầy đủ pháp lý và có tính thanh khoản tốt. VIB cũng có số dư đầu tư trái phiếu doanh nghiệp ở nhóm thấp nhất ngành, chỉ chiếm 0,2% tổng dư nợ tín dụng.

Tính đến hết tháng 3/2024, nguồn vốn huy động đạt hơn 360.000 tỷ đồng, bao gồm tiền gửi khách hàng, giấy tờ có giá, huy động từ các định chế quốc tế như IFC, ADB. Trong đó, với việc đã giải ngân thành công khoản vay 100 triệu USD từ IFC và khoản vay hợp vốn lớn nhất ngành ngân hàng trong năm 2023 lên tới 280 triệu USD từ đối tác UOB và 12 định chế tài chính hàng đầu thế giới, tổng huy động quốc tế hiện nay của VIB lên tới hơn 1,1 tỷ đô la cùng hạn mức tín dụng từ các tổ chức này lên tới hơn 2,5 tỷ đô.

VIB giảm chi phí huy động lên tới hơn 2% so cùng kỳ, từ đó tạo thêm dư địa giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ khách hàng và kích cầu tín dụng. Cuối năm 2023, VIB nhận được kết quả do NHNN xếp hạng ở nhóm cao nhất ngành nhờ hiệu quả kinh doanh cao, an toàn về cả mặt định lượng và định tính. Do đó, VIB cũng thuộc nhóm ngân hàng được cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng cho năm 2024 thuộc nhóm cao nhất ngành là 16%.

Các chỉ số an toàn ở mức tối ưu, trong đó LDR đạt 71,89% (quy định dưới 85%), hệ số nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn 25,31% (quy định dưới 30%), hệ số an toàn vốn (CAR Basel II) ở mức 11,8% (quy định trên 8%) và hệ số nguồn vốn ổn định ròng theo Basel III (NSFR) khoảng 116% (quy định tối thiểu là 100%).

Trong tháng 4/2024, ĐHĐCĐ VIB đã thông qua kế hoạch chi trả cổ tức ở mức 29,5% bao gồm 12,5% cổ tức tiền mặt và 17% bằng cổ phiếu. Đầu tháng 1/2024, Ngân hàng đã hoàn tất phân phối 6% cổ tức tiền mặt. Hiện VIB đang trong giai đoạn triển khai chi trả 6,5% cổ tức tiền mặt và 17% cổ phiếu thưởng cho cổ đông cùng 11 triệu cổ phiếu thưởng cho cán bộ nhân viên (ESOP).

Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB)

Ngân hàng TMCP Sài Gòn tuần này tiếp tục thông báo về việc chấm dứt hoạt động và giải thể 01 Phòng Giao dịch tại 87 đường Ngô Quyền, TP. Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk: Phòng giao dịch Nguyễn Tất Thành - Chi nhánh Đắk Lắk, từ ngày 22/4/2024.

Như vậy, từ tháng 6/2023 đến nay, SCB đã giải thể hoạt động 60 PGD tại các tỉnh thành, riêng tại TP.HCM là 36 PGD.

Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương (Saigonbank)

Sáng ngày 25/4/2024, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương tổ chức ĐHĐCĐ thường niên nhằm thông qua kế hoạch kinh doanh và phân phối lợi nhuận.

Năm 2024, Saigonbank đề ra mục tiêu hoàn thiện phê duyệt Phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025. Đồng thời, Ngân hàng sẽ triển khai các giải pháp để thu hồi các khoản nợ tồn đọng nhằm tăng thu nhập, kiểm soát nợ xấu nội bảng, nợ xấu đã bán cho VAMC và nợ đã thực hiện các biện pháp phân loại nợ theo quy định.

Saigonbank đề ra mục tiêu đến cuối năm 2024 đạt tổng tài sản 32.300 tỷ đồng, tăng 3% so với đầu năm. Vốn huy động và dư nợ cho vay đạt lần lượt 27.300 tỷ đồng và 23.000 tỷ đồng, tăng 3% và 12,87% so với đầu năm. Nợ xấu kiểm soát theo quy định dưới 3%. Lợi nhuận trước thuế năm 2024 đề ra là 368 tỷ đồng, tăng gần 11% so với kết quả 2023.

Năm 2023, Saigonbank thu được hơn 332 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế và gần 267 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Sau khi trích lập các quỹ và dự phòng, Saigonbank còn lại gần 227 tỷ đồng. HĐQT trình ĐHĐCĐ quyết định việc trích lập các quỹ khen thưởng, phúc lợi của người lao động, quỹ của người quản lý và dành nguồn tăng vốn điều lệ dưới hình thức phát hành cổ phiếu để chi trả cổ tức cho cổ đông.

Saigonbank dự kiến phát hành 30,8 triệu cp để trả cổ tức cho cổ đông với tỷ lệ 10% (sở hữu 100 cp được nhận 10 cp mới). Tổng giá trị phát hành là 308 tỷ đồng. Nguồn vốn thực hiện từ lợi nhuận sau thuế lũy kế còn lại qua các năm (từ 2016 trở về trước, năm 2017-2021) và lợi nhuận sau thuế năm 2022 sau khi trích các quỹ.

Cuối năm 2023, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản chấp thuận đề nghị tăng vốn điều lệ năm 2023 của Saigonbank, chấp thuận cho SaigonBank tăng vốn điều lệ tối đa thêm 308 tỷ đồng, dưới hình thức phát hành cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu được ĐHĐCĐ thông qua. Nếu phát hành thành công, vốn điều lệ của SGB sẽ tăng từ 3.080 tỷ đồng lên 3.388 tỷ đồng.

HĐQT cũng trình ĐHĐCĐ quỹ tiền lương, thù lao thực hiện của người quản lý năm 2023 là 10,38 tỷ đồng. Thù lao cho năm 2024 dự kiến giảm xuống còn 7,8 tỷ đồng.

Kết thúc Đại hội, tất cả tờ trình đều được thông qua.

Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank)

Sáng ngày 26/4/2024, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2024 nhằm thông qua kế hoạch kinh doanh, phương án phân phối lợi nhuận và bầu thêm 01 thành viên BKS.

Năm 2023, Sacombank đạt 9.595 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng hơn 51% so với năm trước và hoàn thành kế hoạch đặt ra. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng ở mức 2,1%, tăng 1,18% so với đầu năm, trong bối cảnh rủi ro tín dụng gia tăng và khả năng trả nợ của khách hàng suy giảm. Tuy nhiên, chất lượng tín dụng nhìn chung vẫn được kiểm soát khi tỷ lệ nợ xấu tổng thể giảm 0,16%.

Về công tác xử lý nợ xấu, năm 2023, Sacombank thu hồi xử lý 7.941 tỷ đồng nợ xấu và tài sản tồn đọng, trong đó 4.487 tỷ đồng là các khoản thuộc Đề án, kéo giảm tỷ trọng trong tổng tài sản xuống còn 3%. Trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ theo quy định, tổng số dư dự phòng đạt 25.099 tỷ đồng, tăng hơn 10%, trong đó dự phòng cho vay tăng 34%.

Năm 2024, dự báo các rủi ro tiềm ẩn từ yếu tố vĩ mô vẫn còn hiện hữu. Tuy nhiên, khi nội lực đã được tích lũy, ở điểm cuối của hành trình tái cơ cấu tại Sacombank đã rất cận kề, Sacombank sẽ tiếp tục tăng lực để khép lại trọn vẹn lộ trình tái cơ cấu thành công và bước vào giai đoạn phát triển mới với nhiều mục tiêu cao hơn. Sacombank đặt mục tiêu trọng tâm cho năm mới: (1) Gia tăng quy mô và hiệu quả tất cả các đơn vị trên toàn hệ thống, bảo đảm hệ thống hoạt động an toàn, hiệu quả; (2) Đột phá trong kinh doanh, xây dựng và hoàn thiện các điểm giao dịch số; (3) Tiếp tục công tác chuyển đổi số, gia tăng tiện ích sản phẩm dịch vụ mang đến trải nghiệm và bảo mật khách hàng; (4) Giảm tỷ lệ nợ xấu tổng thể dưới 3%, hoàn thành và chấm dứt Đề án tái cơ cấu sau sáp nhập; (5) Thực hiện các thủ tục chia cổ tức cho cổ đông từ nguồn lợi nhuận giữ lại nhằm tăng năng lực tài chính đưa Sacombank là 1 trong những ngân hàng bán lẻ hàng đầu.

Sacombank cho biết tự tin xử lý dứt điểm các vấn đề còn tồn đọng nhằm hoàn tất tái cơ cấu trước thời hạn, do đó đặt ra các mục tiêu tăng trưởng so với năm 2023. Tổng tài sản kế hoạch đến cuối năm 2024 đạt 724.100 tỷ đồng, tăng 10% so với đầu năm. Tổng nguồn vốn huy động đạt 636.600 tỷ đồng, tăng 10%. Tổng dư nợ tín dụng đạt 535.800 tỷ đồng, tăng 11% và sẽ điều chỉnh theo mục tiêu tăng trưởng huy động và cho vay phù hợp với hạn mức được NHNN phân bổ. Tỷ lệ nợ xấu dưới 2%. Lợi nhuận trước thuế đặt ra cho năm 2024 là 10.600 tỷ đồng, tăng 10% so với 2023.

Về phương án phân phối lợi nhuận, Sacombank có 7.469 tỷ đồng lợi nhuận sử dụng để phân phối. Sau khi trích lập các quỹ, Ngân hàng còn 5.716 tỷ đồng lợi nhuận hợp nhất sau thuế. Cộng với gần 12.671 tỷ đồng lợi nhuận giữ lại năm trước, Sacombank có 18.387 tỷ đồng lợi nhuận hợp nhất giữ lại lũy kế.

Trong năm 2023, mặc dù kết quả thực hiện chỉ tiêu lợi nhuận trước thế đạt 9.595 tỷ đồng, đạt 101% so với kế hoạch đề ra, tuy nhiên HĐQT thống nhất thực hành tiết kiệm, vì vậy thù lao thực chi cho HĐQT, BKS trong năm 2023 chỉ chiếm 0,71% lợi nhuận trước thuế hợp nhất của năm tài chính 2023, thấp hơn 0,29% so với mức trích đã được phê duyệt.

Năm 2024, HĐQT dự trình thù lao của HĐQT và BKS là 1% lợi nhuận trước thuế hợp nhất. ĐHĐCĐ lần này, Sacombank cũng dự trình bầu bổ sung thêm 1 thành viên BKS, nâng tổng số lượng thành viên BKS nhiệm kỳ 2022-2026 lên 5 thành viên.

Kết thúc Đại hội, tất cả tờ trình đều được thông qua.

Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (Vietbank)

Sáng ngày 26/4/2024, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2024 nhằm thông qua kế hoạch kinh doanh, tăng vốn điều lệ, chia cổ tức và tiếp tục niêm yết lên sàn HOSE.

Cụ thể, Vietbank dự kiến tiếp tục triển khai phương án tăng vốn thông qua chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu (đã được NHNN phê duyệt) với tổng số tiền tăng thêm là 1.003 tỷ đồng. Đến hiện tại, Ngân hàng đã hoàn tất chào bán hơn 100,3 triệu cp và đang thực hiện các thủ tục đề nghị NHNN chấp thuận sửa đổi giấy phép. Thời gian dự kiến hoàn thành trong Quý 2, 3/2024.

Trong năm 2024, Vietbank dự kiến phát hành gần 144,5 triệu cp để trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu, tương ứng tỷ lệ 25%. Tổng mệnh giá phát hành tương ứng gần 1.445 tỷ đồng. Nguồn vốn thực hiện từ lợi nhuận sau thuế lũy kế để lại đến 31/12/2023. Thời điểm thực hiện dự kiến trong Quý 3, 4/2024. Số vốn tăng thêm từ phát hành cổ phiếu để trả cổ tức 2024 dự kiến được sử dụng cho việc đầu tư tài sản, bổ sung nguồn vốn để phát triển, mở rộng mạng lưới hoạt động, bảo đảm tuân thủ các tỷ lệ an toàn trong hoạt động.

Vốn điều lệ hiên tại của Vietbank là 4.777 tỷ đồng, nếu hoàn tất thủ tục chỉnh sửa giấy phép vốn điều lệ và phát hành thành công cổ phiếu để trả cổ tức, vốn điều lệ Ngân hàng sẽ tăng lên mức gần 7.225 tỷ đồng. Dựa trên số vốn tăng thêm, Vietbank đề ra 2 kế hoạch kinh doanh cho năm 2024: Mục tiêu cơ sở và mục tiêu phấn đấu.

Với kế hoạch cơ sở, Ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 950 tỷ đồng, tăng 17% so với kết quả 2023. Ngân hàng đặt mục tiêu đến cuối 2024, tổng tài sản tăng 5% so với đầu năm lên mức 145.000 tỷ đồng. Huy động từ khách hàng (gồm giấy tờ có giá) tăng 8% lên 110.000 tỷ đồng. Tổng dư nợ cho vay tăng 11% lên mức 90.000 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 2,5%.

Ở kế hoạch phấn đấu, Vietbank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế tăng 29% lên mức 1.050 tỷ đồng. Huy động từ khách hàng và dư nợ tín dụng tăng trưởng lần lượt 14% và 18%, lên mức 118.000 tỷ đồng và 95.000 tỷ đồng.

Ngân hàng tiếp tục trình ĐHĐCĐ thường niên 2024 kế hoạch niêm yết trên sàn HOSE khi điều kiện thị trường thuận lợi.

Vietbank cho biết sẽ chuyển đổi mô hình từ lệ thuộc vào tín dụng sang kinh doanh đa dịch vụ. Ngân hàng sẽ đẩy mạnh xử lý nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng, hạn chế tối đa nợ xấu mới phát sinh nhằm kiểm soát tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ xấu đã bán cho VAMC và nợ xấu ở mức dưới 3% vào năm 2025. Đồng thời, Ngân hàng cũng phấn đầu tăng tỷ trọng thu nhập từ hoạt động dịch vụ phi tín dụng trong tổng thu nhập của Vietbank lên 12-16% vào cuối năm 2025; tăng tỷ trọng vốn tín dụng ngân hàng vào các ngành sản xuất và tiêu dùng ít carbon.

Ngày 8/4/2024, VBB đã thực hiện chào bán cổ phiếu để tăng vốn điều lệ. Ngày 16/04 đã nộp hồ sơ báo cáo kết quả phát hành và 19/04, UBCKNN đã xác nhận kết quả chào bán thành công hơn 93 triệu cp (đạt 93,18%). Sau khi thực hiện các thủ tục, VBB đã hoàn tất việc tăng vốn, vốn điều lệ sẽ đạt 5.711 tỷ đồng. Sau khi hoàn tất tăng vốn điều lệ, VBB đã đề xuất tờ trình tiếp tục chia cổ tức cổ phiếu 25%.

Kết thúc Đại hội, tất cả tờ trình đều được thông qua.

- Ngày 24/4/2024, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Vietbank nhận giải thưởng “Top 50 Doanh nghiệp tăng trưởng xuất sắc Việt Nam năm 2024” do Báo Vietnamnet và Tổ chức Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) bình chọn. Đây là lần thứ năm liên tiếp Vietbank nhận giải thưởng nhờ luôn duy trì hiệu quả hoạt động kinh doanh ổn định và bền vững trong suốt giai đoạn 2022 - 2023 và đã có nhiều đóng góp đáng kể cho cộng đồng, xã hội và ngân sách Nhà nước.

Trước đó, Mastercard đã trao tặng giải thưởng Excellence in Innovation cho Vietbank - là ngân hàng đầu tiên hoàn thành dự án thanh toán và phát hành thẻ Mastercard trong thời gian ngắn nhất tại thị trường Châu Á.

Ngân hàng TMCP Xuất Nhập khẩu Việt Nam (Eximbank)

Sáng ngày 26/4/2024, Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2024, dự kiến trình kế hoạch kinh doanh, chia cổ tức, tăng vốn, dời trụ sở chính và bầu bổ sung thành viên HĐQT. Ứng viên được công bố là ông Nguyễn Hồ Nam - Chủ tịch HĐQT Bamboo Capital.

Tại Đại hội, ĐHĐCĐ thông qua việc miễn nhiệm chức danh Thành viên HĐQT đối với bà Lê Thị Mai Loan. Trước đó, bà Loan xin từ chức vì lý do cá nhân vào ngày 31/01/2024. Bà Loan được bầu vào HĐQT tại ĐHĐCĐ bất thường của Eximbank ngày 14/02/2023.

Eximbank bầu bổ sung 01 thành viên HĐQT nhiệm kỳ VII (2020-2025) theo danh sách ứng viên được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận, đó là ông Nguyễn Hồ Nam - Chủ tịch CTCP Bamboo Capital. Ông Nam cũng đang đồng thời giữ chức vụ Chủ tịch tại CTCP Bamboo Energy, Thành viên HĐQT tại Quản lý quỹ Fides Việt Nam.

Năm 2023, Eximbank có 2.146 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Sau khi trích lập các quỹ, Eximbank còn 1.949 tỷ đồng lợi nhuận để lại lũy kế đến 31/12/2023. Sau khi trích quỹ khen thưởng và phúc lợi, Ngân hàng còn 1.740 tỷ đồng dùng để chia cổ tức cho cổ đông tỷ lệ 10%. Trong đó, chia bằng cổ phiếu tỷ lệ 7% (1.219 tỷ đồng) và 3% bằng tiền mặt (hơn 522 tỷ đồng). Sau khi chia cổ tức, Ngân hàng còn gần 59 tỷ đồng lợi nhuận để lại.

Về phương án chia cổ tức bằng cổ phiếu, Eximbank dự kiến phát hành thêm 121,86 triệu cp, tỷ lệ 7% (sở hữu 100 cp sẽ nhận thêm tối đa 7 cp mới).

Nguồn vốn thực hiện từ lợi nhuận chưa phân phối lũy kế đến năm 2023 sau khi trích lập các quỹ. Nếu phát hành thành công, vốn điều lệ Eximbank sẽ tăng từ 17.470 tỷ đồng lên tối đa 18.688 tỷ đồng. Số vốn tăng thêm sẽ được sử dụng vào hoạt động kinh doanh nhằm đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ, xây dựng trụ sở làm việc, mở rộng mạng lưới hoạt động, đầu tư tài sản cố định. Thời gian thực hiện dự kiến trong năm 2024.

Với số vốn tăng thêm, năm 2024, Eximbank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 5.180 tỷ đồng, tăng đến 90% so với kết quả 2023. Dự kiến đến cuối năm 2024, tổng tài sản đạt 223.500 tỷ đồng, tăng 11% so với đầu năm. Huy động vốn và dư nợ tín dụng đạt lần lượt 175.000 tỷ đồng và 161.000 tỷ đồng, tăng 10,5% và 14,6%. Tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát ở mức 1,8%.

Eximbank cũng xin ý kiến cổ đông về việc thay đổi địa điểm trụ sở chính, hiện đặt ở Tòa nhà Vincom Center, số 7 Lê Thánh Tôn, Phường Bến Nghé, Quận 1, TP.HCM được Eximbank thuê để đặt trụ sở từ năm 2011 đến nay.

Lộ trình định hướng tiếp tục triển khai đầu tư xây dựng trụ sở chính tại khu đất số 7 Lê Thị Hồng Gấm, Quận 1, TPHCM vẫn là trọng tâm hàng đầu nhằm khai thác triệt để tiềm năng, giá trị của khu đất này. Hiện nay, dự án đang được triển khai xin ý kiến lãnh đạo Thành phố về công tác thực hiện điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu cho phù hợp với những thay đổi của Nhà nước về chính sách quy hoạch, xây dựng. Trong thời gian chờ triển khai xây dựng trụ sở chính tại số 7 Lê Thị Hồng Gấm, Eximbank cần thuê tòa nhà văn phòng khác để làm trụ sở.

Sau quá trình khảo sát, HĐQT thấy tòa nhà Văn phòng (Fideco Center) tại số 28 Phùng Khắc Khoan, Phường Đa Kao, Quận 1, TP.HCM đáp ứng được nhu cầu của Eximbank và dự kiến trình ĐHĐCĐ về việc chuyển trụ sở chính sang địa điểm này. Tuy nhiên, tờ trình phê duyệt thay đổi địa điểm đặt trụ sở chính của EIB có tỷ lệ không thông qua là 90,62% số cổ phần dự họp.

Như vậy, ĐHĐCĐ thông qua 13 nội dung và tờ trình, ngoại trừ tờ trình phê duyệt thay đổi địa điểm đặt trụ sở chính của EIB.

Công ty Tài chính TNHH VPBank SMBC (VPB FC/ FE Credit)

Sáng ngày 24/4, báo Tiền Phong phối hợp với UBND Tỉnh Bình Định tổ chức hội thảo “Thúc đẩy Kinh tế số khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên” nhằm nâng cao nhận thức về vai trò của kinh tế số, tạo diễn đàn chia sẻ những kinh nghiệm hay, những mô hình đã triển khai thành công, qua đó, thúc đẩy phát triển kinh tế số. FE Credit với vai trò là doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng tại Việt Nam đồng hành thực hiện chương trình này.

Là doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng tại Việt Nam, FE Credit đã đạt được nhiều thành tựu trong triển khai các dự án chuyển đổi số nhằm nâng cao trải nghiệm của khách hàng, giảm thiểu thời gian xét duyệt hồ sơ cấp tín dụng thông qua tối ưu hóa quy trình cho vay, bao gồm KYC, E-Sign để khách hàng có thể tiếp cận các gói vay dễ dàng nhất.

Ngoài việc đầu tư vào công nghệ, FE Credit còn đi đầu trong việc xây dựng hệ sinh thái kỹ thuật số xoay quanh hành vi tiêu dùng của khách hàng, phát triển các nền tảng mới kết nối các dịch vụ ngân hàng, cho vay, thanh toán và quản lý tài sản để giải quyết toàn diện nhu cầu tài chính của khách hàng.

Công ty CP Dịch vụ Di động Trực tuyến (M_Service/ MoMo)

Trong 5 ngày diễn ra Hội Sách (từ 17/4 đến 21/4/2024) tại Văn Miếu Quốc Tử Giám, Hà Nội, gian hàng trải nghiệm của MoMo đã đón chào hơn 10.000 lượt độc giả đi Hội Sách để tham gia nhiều hoạt động khác nhau như: chụp hình giao lưu với mascot MoMo, quyên góp cho tủ sách Tri Thức Việt Nam, tìm hiểu về các chương trình khuyến mãi và sản phẩm, dịch vụ có trên nền tảng MoMo.

Tại đây, MoMo là fintech duy nhất có gian hàng trải nghiệm. Đến với Hội Sách 2024, MoMo không chỉ là ứng dụng thanh toán để mua sách, mà còn là nền tảng để các nhà xuất bản và doanh nghiệp phát hành sách đến gần hơn với độc giả thông qua Trang Doanh Nghiệp (Business Page), và là nền tảng để những người yêu sách cùng kết nối với nhau qua cộng đồng “Mê Sách - Nghiện Review”. MoMo cũng khởi tạo Business Page “Ngày Sách 2024” dành riêng cho “Ngày Sách và Văn hóa đọc” năm nay, ghi nhận gần 30.000 lượt truy cập cho đến hiện tại.

Các gian hàng tại đây cho biết MoMo được nhiều độc giả chọn lựa vì có thể dùng cả ứng dụng ngân hàng để quét và thanh toán, nhận ưu đãi giảm 10.000đ cho hóa đơn từ 100.000đ. MoMo còn có gói quà với 4 thẻ quà có giá trị đến 1.065.000đ để đặt và thanh toán cafe của Highlands Coffee, The Coffee House, TocoToco, Bobapop. Trong những ngày diễn ra Hội Sách, hơn 1.400 thẻ quà đã được độc giả thu thập ngay tại gian hàng.

Trong 5 ngày tại Hội Sách, Momo còn thực hiện gây quỹ cho Tủ sách Tri Thức Việt Nam - dự án thiện nguyện mà MoMo và Tạp chí điện tử Tri Thức (Znews) đồng khởi xướng để xây dựng 10 tủ sách cho trẻ em khó khăn ở Đồng bằng sông Cửu Long. Sau 5 ngày triển khai tại Hội Sách, dự án đã gây quỹ được tổng cộng hơn 30.000.000đ, tương đương hơn 1.300 lượt quyên góp. Với mỗi lượt quyên góp tại gian hàng, MoMo tri ân độc giả một vòng quay may mắn 100% trúng 1.000 phần quà... Số tiền gây quỹ dự kiến sẽ tiếp tục tăng lên trong thời gian tới từ đóng góp trực tuyến của rất nhiều độc giả trên cả nước thông qua nền tảng MoMo.

Công ty CP Dịch vụ Trực tuyến Cộng đồng Việt (Payoo / VietUnion)

Payoo mới đây hợp tác cùng Hóme Cóordy triển khai chương trình hỗ trợ trả góp 0% lãi suất. Dịch vụ hỗ trợ thanh toán trả góp 0% lãi suất qua Payoo cho phép khách hàng được sở hữu các sản phẩm có tính ứng dụng cao của Hóme Cóordy mà không còn phải đắn đo suy nghĩ về chi phí. Khách hàng còn có thể lựa chọn kỳ hạn trả góp phù hợp với tài chính của bản thân với kỳ hạn linh hoạt từ 3-6 tháng.

Hóme Cóordy là thương hiệu riêng của Tập đoàn AEON, chuyên cung cấp các dòng sản phẩm trang trí nội thất và gia dụng cao cấp với chất lượng chuẩn Nhật, được thiết kế theo xu hướng “Minimalism” đặc trưng thường có của nội thất Nhật Bản, chỉ sử dụng các màu sắc cơ bản là trắng, xanh, xám cùng thiết kế tối giản thân thiện với môi trường.​ Hiện Hóme Cóordy phủ sóng tại thị trường Việt Nam với 4 dòng sản phẩm chính: đồ gia dụng nhà bếp, đồ gia dụng phòng khách, đồ gia dụng phòng ngủ và các mặt hàng gia dụng khác với mức giá hợp lý, phù hợp với mọi đối tượng khách hàng.

Bên cạnh Hóme Cóordy, Payoo còn hỗ trợ trả góp 0% lãi suất với một loạt các thương hiệu khác tại AEON như chăn ga gối nệm Everon, K-Bedding, máy lạnh thương hiệu Sharp, Daikin, Toshiba, Panasonic…

                                                                                                        VPĐD TP.HCM

  • Ngân hàng Nhà nước Việt Nam: Điển hình cải cách thể chế và thủ tục hành chính

    Ngân hàng Nhà nước Việt Nam: Điển hình cải cách thể chế và thủ tục hành chính

    Tại phiên họp thứ 9 Ban chỉ đạo cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ vừa qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) được đánh giá là một mô hình hay, điển hình về cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính (TTHC) trong năm 2024.

  • LPBank sẽ phát hành 4.000 tỷ đồng trái phiếu

    LPBank sẽ phát hành 4.000 tỷ đồng trái phiếu

    Ngân hàng TMCP Lộc Phát (LPBank) vừa công bố kế hoạch phát hành tổng cộng 4.000 tỷ đồng trái phiếu, được chia thành 2 đợt, với đợt 1 phát hành 3.000 tỷ đồng và đợt 2 phát hành 1.000 tỷ đồng, nhằm nâng cao năng lực tài chính, tăng cường nguồn vốn trung và dài hạn cung ứng vốn cho nền kinh tế, đồng thời gia tăng cơ hội đầu tư an toàn, sinh lời hiệu quả dành cho khách hàng.

  • NAPAS tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ 2025

    NAPAS tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ 2025

    Ngày 14/1, Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) đã tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ 2025. Hội nghị có sự tham dự của đại diện lãnh đạo một số đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), đại diện Văn phòng Chính phủ, Bộ Công an, Hiệp hội ngân hàng,…

  • Chủ tịch VPBank Ngô Chí Dũng nói về việc nhận chuyển giao GPBank

    Chủ tịch VPBank Ngô Chí Dũng nói về việc nhận chuyển giao GPBank

    Ông Ngô Chí Dũng chia sẻ tại sự kiện: Đây nhiệm vụ quan trọng và có rất nhiều thách thức, VPBank sẽ tập trung nguồn lực, nhân sự của cả hệ thống...

  • TPBank nhận khoản vay 220 triệu USD từ DFC và JICA

    TPBank nhận khoản vay 220 triệu USD từ DFC và JICA

    TPBank nhận khoản tín dụng với tổng giá trị 220 triệu USD từ hai tổ chức lớn DFC (Mỹ) và JICA (Nhật Bản), nhằm thúc đẩy tài chính cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, đặc biệt là các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ và các khách hàng có thu nhập thấp tại Việt Nam.

  • Nam A Bank giữ đà tăng trưởng ổn định, quản trị rủi ro hiệu quả

    Nam A Bank giữ đà tăng trưởng ổn định, quản trị rủi ro hiệu quả

    Kết thúc năm 2024, Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank) với kết quả kinh doanh đã ghi nhận tăng trưởng về quy mô hoạt động, chất lượng tài sản gia tăng, các chỉ số huy động và dư nợ tín dụng đều đạt hiệu quả tốt.

  • NCB chốt ngày họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025

    NCB chốt ngày họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025

    Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB, mã chứng khoán: NVB) vừa công bố về ngày đăng ký cuối cùng tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025.

  • Công bố Quyết định chuyển giao bắt buộc đối với GPBank và DongA Bank

    Công bố Quyết định chuyển giao bắt buộc đối với GPBank và DongA Bank

    Ngày 17/01/2025, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức Lễ công bố Quyết định chuyển giao bắt buộc Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Dầu khí Toàn cầu (GPBank) cho Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) và Ngân hàng Thương mại TNHH Đông Á (DongA Bank) cho Ngân hàng TMCP Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (HDBank).

  • Ngân hàng tăng “hút vốn” đầu năm

    Ngân hàng tăng “hút vốn” đầu năm

    Ngay từ đầu năm 2025, nhiều NHTM đã tăng lãi suất huy động tiền gửi, triển khai các chương trình ưu đãi để thu hút khách hàng gửi tiết kiệm. Từ đầu tháng 1/2025 đến nay, đã có ít nhất 7 ngân hàng tăng lãi suất huy động trong đó có Agribank, Bac A Bank, NCB, Eximbank, KienlongBank...

  • Chủ tịch Ngân hàng CB làm Phó Tổng giám đốc Vietcombank

    Chủ tịch Ngân hàng CB làm Phó Tổng giám đốc Vietcombank

    Ngân hàng Vietcombank vừa công bố quyết định bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Tuân - Chủ tịch Hội đồng thành viên Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Xây dựng Việt Nam (CB) - giữ chức vụ Phó Tổng Giám đốc Vietcombank.

Tính lãi tiền gửi
VNĐ
%/year
month
Tính lãi tiền gửi

Tính toán khoản vay
VNĐ
%/year
month
Tính toán khoản vay