Chủ nhật, 22/12/2024
   

Hoạt động của các hội viên phía Nam từ ngày 22/7 đến ngày 26/7/2024

Trong tuần qua, từ ngày 22/7/2024 đến ngày 26/7/2024 các Tổ chức hội viên (TCHV) Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã có nhiều hoạt động nổi bật như: Công bố báo báo cáo tài chính; Tích cực xúc tiến các hoạt động giao thương, kết nối doanh nghiệp; Chuyển đổi một số dịch vụ thông báo SMS; Tăng cường các hoạt động an sinh xã hội; Nhiều sản phẩm của các TCHV đã được vinh danh và nhận giải thưởng.
Hoạt động của các hội viên phía Nam từ ngày 22/7 đến ngày 26/7/2024
Hoạt động của các hội viên phía Nam từ ngày 22/7 đến ngày 26/7/2024
Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB)

Ngân hàng TMCP Á Châu vừa công bố Báo cáo tài chính hợp nhất Quý 2/2024.

Riêng Q2/2024, thu nhập lãi thuần của ACB đạt 7.112 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ. Các nguồn thu ngoài lãi tăng trưởng như lãi từ dịch vụ (+9%), lãi từ kinh doanh ngoại hối (+30%), lãi từ hoạt động khác (+90%). Riêng hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư và chứng khoán kinh doanh báo lỗ, trong khi cùng kỳ có lãi. Ngân hàng giảm chi phí dự phòng rủi ro tín dụng 17%, trích hơn 588 tỷ đồng, theo đó, lợi nhuận trước thuế đạt hơn 5.598 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, ACB đạt 11.590 tỷ đồng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh, tăng 6% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, Ngân hàng tăng trích dự phòng rủi ro 14% lên 1.100 tỷ đồng, do đó lợi nhuận trước thuế còn gần 10.491 tỷ đồng, tăng 5% so cùng kỳ, thực hiện 48% kế hoạch cả năm 2024 (22.000 tỷ đồng) sau nửa đầu năm. Tỷ lệ ROE tiếp tục duy trì ở mức 23,4%.

Tính đến 30/6/2024, tổng tài sản Ngân hàng mở rộng 7% so với đầu năm, lên 769.678 tỷ đồng. Trong đó, tiền gửi tại NHNN giảm 15% (còn 15.724 tỷ đồng), tiền gửi và cho vay TCTD khác giảm 8% (còn 105.419 tỷ đồng).

Đáng chú ý, cho vay khách hàng đạt kết quả tích cực khi tăng đến 13% so với đầu năm, đạt 550.172 tỷ đồng. ACB cho biết Ngân hàng đi đúng hướng theo mục tiêu cân bằng tăng trưởng tín dụng ở cả hai phân khúc cá nhân và doanh nghiệp, cả hai phân khúc này đều tăng trên 12% so đầu năm. Trong khi đó, tiền gửi khách hàng tăng 6% so đầu năm, đạt 511.696 tỷ đồng. Tỷ lệ CASA đạt 22%.

Nếu không tính đến 7.500 tỷ đồng cho vay giao dịch ký quỹ của ACBS, tính đến 30/6/2024, tổng nợ xấu của ACB là 8.123 tỷ đồng, tăng 38% so đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu/dư nợ tăng từ mức 1,22% đầu năm lên 1,5%. ACB cho biết mức tăng này chủ yếu theo tình hình chung của thị trường và bị tác động bởi nhóm nợ kéo theo CIC. Tỷ lệ LDR là 82,2%, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn chiếm 17,6%.

Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB)

Tuần này, Ngân hàng TMCP Sài Gòn tiếp tục thông báo về việc chấm dứt hoạt động 03 Phòng Giao dịch tại TP.HCM và các tỉnh thành khác:

Tại TP.HCM: Phòng giao dịch Nam Sài Gòn - Chi nhánh 20/10 (từ ngày 25/7/2024).

Tại các tỉnh thành khác: Phòng giao dịch Mũi Né - Chi nhánh Bình Thuận (từ ngày 26/7/2024); Phòng giao dịch Trà Ôn - Chi nhánh Vĩnh Long (từ ngày 24/7/2024).

Như vậy, tính từ tháng 6/2023 đến nay, SCB đã giải thể hoạt động 97 PGD tại các tỉnh thành, riêng tại TP.HCM là 54 PGD, tại các tỉnh thành khác là 43 PGD.

Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương (Saigonbank)

Nhằm xúc tiến các hoạt động giao thương, kết nối giữa Hội Doanh Nhân Trẻ các Tỉnh thành và các hiệp hội ngành hàng, sáng ngày 19/7/2024 tại Trung tâm triển lãm WTC, TP. Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, Hội Doanh nhân trẻ Bình Dương tổ chức Triển lãm Giao thương Doanh nhân trẻ Bình Dương quy mô hơn 200 gian hàng với các ngành nghề khác nhau.

Tham gia Triển lãm, Saigonbank giới thiệu đến khách hàng những sản phẩm số của Ngân hàng thông qua ứng dụng Saigonbank Smart Banking, Saigonbank Pay tạo ra trải nghiệm liền mạch cho người sử dụng trên tất cả các thiết bị, ứng dụng với những tính năng vượt trội…

Trong khuôn khổ triển lãm, Saigonbank cung cấp các gói dịch vụ tài chính với nhiều chương trình ưu đãi, giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn với các chính sách ưu đãi, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank)

Bắt đầu từ ngày 01/8/2024, Sacombank chuyển đổi một số dịch vụ, thông báo SMS sang Sacombank Pay đối với khách hàng cá nhân, chủ yếu là các dịch vụ đóng/mở khóa thẻ, đăng ký trả góp 0% và các thông báo như gia hạn thẻ, thông báo giao dịch bị lỗi, quà tặng điện tử... Theo đó, khách hàng có thể thao tác, xem thông báo miễn phí ngay trên Sacombank Pay.

Đối với các dịch vụ, thông báo vẫn duy trì SMS, mức phí áp dụng từ ngày 01/8/2024 là 15.000 đồng/tháng khi số lượng tin nhắn khách hàng nhận được từ 1-30 tin nhắn; trường hợp khách hàng nhận trên 30 tin nhắn/tháng mức phí là 700 đồng/tin nhắn.

Sacombank quyết định ngừng một số dịch vụ, thông báo SMS chuyển sang thao tác trên Sacombank Pay nhằm giúp khách hàng tiết kiệm chi phí tin nhắn SMS, tăng tính bảo mật và cá nhân hóa trải nghiệm hoàn toàn.

Cũng từ ngày 01/8/2024, Sacombank sẽ điều chỉnh phí rút tiền mặt ATM/CDM/STM/POS tại Việt Nam. Cụ thể, mức phí mới áp dụng cho khách hàng khi rút tiền mặt bằng thẻ như sau: 4% số tiền giao dịch (tối thiểu 60.000 đồng) đối với thẻ tín dụng quốc tế Sacombank, 1.000 đồng đối với thẻ thanh toán quốc tế Sacombank, 2% số tiền giao dịch (tối thiểu 50.000 đồng) đối với thẻ ngân hàng khác phát hành ngoài lãnh thổ Việt Nam.

Ngoài ra, Sacombank tiếp tục tặng thêm lãi suất cho khách hàng gửi tiết kiệm có kỳ hạn trực tuyến trên Sacombank Pay, với lãi suất cao hơn tại quầy từ 0,2 - 0,7%/năm. Trước đó, mức tặng mà Sacombank áp dụng là 0,2% - 0,4%/năm.

So với gửi tại quầy, lãi suất Sacombank tặng thêm cho khách hàng gửi tiết kiệm có kỳ hạn trực tuyến là 0,7%/năm đối với kỳ hạn 1 tháng; 0,6%/năm đối với kỳ hạn 2 tháng; 0,5%/năm đối với kỳ hạn 3 tháng; từ 0,2 - 0,4%/năm đối với các kỳ hạn 6 tháng, 9 tháng, 12 tháng và 15 tháng trở lên. Mức lãi suất cao nhất Sacombank đang áp dụng là 5,4%/năm.

Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (Vietbank) 

Đại hội đồng cổ đông Vietbank đã thống nhất định hướng kinh doanh và kế hoạch tăng trưởng 2024 “thận trọng và thực tế” thông qua 2 bộ kế hoạch mục tiêu (KHCS và KHPĐ). Định hướng phù hợp, phản ánh đúng tình hình thị trường cùng nỗ lực của hệ thống, Báo cáo Tài chính hợp nhất bán niên 2024 của Vietbank ghi nhận 3/5 mục tiêu tài chính hoàn thành vượt thời hạn.

Báo cáo Tài chính Bán niên hợp nhất của Vietbank ghi nhận 3 mục tiêu tăng trưởng huy động, dư nợ, tổng giá trị tài sản hoàn thành trên 90% kế hoạch phấn đấu chỉ sau nửa năm tài chính. Trong đó, tăng trưởng dư nợ đạt 10% cao hơn mức bình quân toàn ngành 6% (tính đến 28/6/2024).

Mục tiêu kiểm soát nợ xấu (NPL) theo TT11/NHNN hoàn thành ở mức 2,4% (mục tiêu < 2,5%). Bên cạnh đó, tỉ lệ NPL trên tổng dư nợ cũng được kiểm soát ổn định so với kết quả ghi nhận đầu năm. Sử dụng hiệu quả các biện pháp kiểm soát nợ và chất lượng tín dụng giúp tỉ lệ nợ xấu của Vietbank đạt mức kỳ vọng, đồng thời Ngân hàng cũng nhận thêm 139,819 tỷ đồng từ việc được hoàn trích lập dự phòng. Tỉ lệ an toàn hoạt động (CAR) hơn 11% - cao hơn quy định của NHNN và vượt trung bình toàn ngành.

Lợi nhuận trước thuế của Vietbank đạt 410,541 tỷ đồng, đạt 43% kế hoạch. Tốc độ tăng trưởng trong 6 tháng vừa qua đạt 11,3%, trong đó Quý 2 góp phần lớn vào hiệu quả bán niên với mức tăng trưởng so với cùng kỳ đạt 96,5%. Chi phí hoạt động tăng cao là một trong những yếu tố ảnh hưởng tới kết quả lợi nhuận của Ngân hàng. Trong đó, chi phí nhân viên chiếm 65% tổng tỷ trọng tăng thêm - trái với xu hướng cắt, giảm nhân sự và chi phí nhân sự.

Dự kiến Quý 4/2024, Ngân hàng sẽ chuyển đổi và sử dụng hệ thống quản lý nhân sự điện tử “one - stop - shop” từ điều hành, quản lý, cung cấp dịch vụ nhân sự trên toàn hệ thống đến quản lý hoạt động tuyển dụng thông qua liên kết tự động với website tuyển dụng Vietbank (dự kiến ra mắt Q3/2024). Dự án không những củng cố biện pháp bảo đảm an toàn, bảo mật thông tin, mà còn giảm tải quy trình và thao tác thủ công, từ đó nâng cao hiệu suất lao động.

Trong công tác đào tạo, HĐQT Vietbank cũng vừa ban hành Nghị quyết thông qua việc đầu tư Trụ sở Trung tâm Đào tạo (kết hợp điểm giao dịch) tại TP.HCM.

Công ty Tài chính TNHH VPBank SMBC (VPB FC/ FE Credit)

Vừa qua, tại Hội thảo khoa học “Phát triển lành mạnh tín dụng tiêu dùng, đẩy lùi tín dụng đen” do Viện Chiến lược Ngân hàng trực thuộc NHNN tổ chức tại Hà Nội,  đại diện FE Credit đã có những chia sẻ chân tình và thực tế về hiện trạng khó khăn, thách thức và giải pháp thu hồi nợ hiện nay.

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Thống đốc NHNN Đoàn Thái Sơn khẳng định tín dụng tiêu dùng đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Việc đẩy mạnh cho vay tiêu dùng còn được xem là một giải pháp quan trọng góp phần hạn chế việc tiếp cận “tín dụng đen”, giúp giảm thiểu các hệ lụy và góp phần đảm bảo an ninh trật tự xã hội. Tuy nhiên, Phó Thống đốc cũng thẳng thắn nhìn nhận, hoạt động tín dụng tiêu dùng ở Việt Nam vẫn còn những hạn chế và gặp nhiều thách thức. Từ năm 2020 đến nay, thị trường tài chính tiêu dùng đối mặt với những tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19 và sự suy giảm tổng cầu.

Đặc biệt, gần đây, xuất hiện tình trạng tội phạm lợi dụng môi trường mạng xã hội, tổ chức nhiều hội nhóm truyền bá, hướng dẫn nhau cách không phải trả nợ cho công ty TCTD; các công ty mạo danh, lừa đảo… đã làm ảnh hưởng tới hoạt động tín dụng tiêu dùng của các TCTD nói riêng và sự phát triển ổn định, lành mạnh của thị trường tín dụng tiêu dùng nói chung. Năm 2023 và những tháng đầu năm 2024, tín dụng tiêu dùng gặp nhiều khó khăn trong việc tăng trưởng tín dụng tiêu dùng và tỷ lệ nợ xấu trong tín dụng tiêu dùng toàn hệ thống có xu hướng gia tăng.

Tại Hội thảo, bà Nguyễn Thị Hiền, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng, chia sẻ thêm một bộ phận người dân vẫn còn hạn chế và thiếu về kiến thức tài chính, e ngại và cho rằng mình không đủ khả năng vay tại các tổ chức tài chính chính thức đã trở thành “con mồi” cho các dịch vụ tín dụng đen ẩn mình dưới các hình thức cho vay qua app, tìm đến các đối tượng núp bóng các tổ chức tài chính tiêu dùng không được cấp phép.

Mặt khác, các TCTD gặp khó khăn trong việc thu hồi nợ do không liên lạc được với khách hàng, xác định nơi cư trú, nơi làm việc của khách hàng; xuất hiện tình trạng tội phạm mạng lợi dụng mạng xã hội, tổ chức nhiều hội nhóm kín, đăng tải các bài viết, video hướng dẫn cách “bùng nợ” khi vay qua ứng dụng của các ngân hàng, công ty tài chính khiến không ít khoản vay bị chuyển nhóm nợ xấu, nợ khó đòi.

Tại phiên thảo luận chung, bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt - Quyền Tổng Giám đốc FE Credit chia sẻ dù được cấp phép hoạt động và được quản lý bởi NHNN nhưng cũng như các TCTD khác, FE Credit đang đối mặt với một vấn đề nan giải là hoạt động “bùng nợ” có tổ chức từ khách hàng. Một bộ phận khách hàng đang cố tình đánh đồng hoạt động thu hồi nợ hợp pháp của các công ty tài chính chính thống là phạm pháp để né tránh việc thực hiện nghĩa vụ thanh toán.

Là công ty tài chính tiêu dùng hàng đầu thị trường, FE Credit luôn nỗ lực cung cấp kiến thức tài chính và đưa nguồn vốn vay chính thống tiếp cận những người dân có nhu cầu; đồng thời tuyên truyền, cảnh báo các thủ đoạn mạo danh tổ chức, công ty tài chính của các đối tượng trên không gian mạng để người dân tránh bị mất tiền hoặc sập bẫy “tín dụng đen”. Với các khách hàng gặp khó khăn thật sự hoặc biến cố đột xuất, FE Credit đã xây dựng các chính sách miễn hoặc giảm lãi vay, hỗ trợ khách hàng giãn thời gian thanh toán. FE Credit cũng thực hiện các chương trình khuyến khích khách hàng thanh toán đúng hạn hoặc thanh toán sớm để có cơ hội nhận được các giải thưởng giá trị và nhiều quyền lợi khác.

Đối với tình trạng khách hàng “bùng nợ” có tổ chức, FE Credit tiến hành phân luồng và xây dựng các giải pháp tiếp cận phù hợp như tích cực truyền thông về trách nhiệm và nghĩa vụ của người đi vay, các rủi ro pháp lý và hệ quả sẽ đối mặt nếu vi phạm nghĩa vụ thanh toán… thuyết phục khách hàng hiểu rõ việc từ chối trả nợ là hành vi phạm pháp và có thể ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của họ trong tương lai.

Khi khách hàng vẫn cố tình vi phạm nghĩa vụ và trách nhiệm thanh toán khoản vay trong thời gian dài, FE Credit lựa chọn kiên định triển khai các hoạt động thu hồi nợ pháp lý, khởi kiện theo đúng quy định pháp luật nhằm xây dựng một thị trường tín dụng tiêu dùng công bằng và lành mạnh hơn.

Công ty CP Dịch vụ Di động Trực tuyến (M_Service/ MoMo)

- Tỉnh Hậu Giang là một trong những tỉnh nghèo nhất ở Đồng bằng sông Cửu Long, tỉ lệ học sinh bỏ học cao, lên tới 25% trước khi tốt nghiệp cấp 3. Chi phí học tập đối với nhiều em học sinh nghèo hoặc những hoàn cảnh đặc biệt khó khăn là một thử thách lớn. Nhằm khuyến khích cũng như nâng cao tinh thần hiếu học của các em học sinh nghèo vượt khó, Heo Đất MoMo kết hợp cùng Trung tâm Ánh Dương kêu gọi cộng đồng Heo Đất MoMo cùng quyên góp 2.002.000 Heo Vàng. Số Heo Vàng đã được các nhà tài trợ quy đổi tương ứng với 400.400.000 đồng để trao tặng học bổng tiếp sức cho các em. Dự án đã trao tận tay các em học sinh 616 suất học bổng, đối với học sinh cấp 1 - cấp 2 mỗi suất trị giá 500.000 đồng và đối với học sinh cấp 3 mỗi suất trị giá 1.000.000 đồng.

- Nhân ngày nước thế giới 2023 với chủ đề “Nước cho sự phát triển bền vững”, Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD) - United Way Vietnam và các đối tác phát động dự án nước sạch bền vững cho người dân ở khu vực TP. HCM và Long An. Với mục đích khuyến khích mọi người cùng góp phần tham gia hành động để có thể tối ưu hóa nguồn nước, dự án hướng tới việc góp phần cung cấp nước sạch tới các vùng nông thôn và cải thiện các vấn đề sức khỏe do ô nhiễm môi trường ở Việt Nam thông qua việc giới thiệu thiết bị WaterScanner, bộ kiểm tra nước ColiQuant, và các chiến dịch truyền thông, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức cho người dân…

Để hiện thực hóa kế hoạch này, Momo đã kêu gọi thành công những tấm lòng nhân ái cùng quyên góp 5.250.000 Heo Vàng. Số Heo Vàng này đã được Nhà tài trợ quy đổi tương đương với 840.000.000 đồng. MSD United Way Vietnam tin tưởng rằng với sự quan tâm và chung tay của cộng đồng, sẽ ngày càng có nhiều người dân, đặc biệt là trẻ em sẽ được tiếp cận nguồn nước sạch hơn nữa.

Công ty Tài chính TNHH MTV Home Credit Việt Nam (Home Credit VN)

Tối 4/7, tại Trung tâm Hội nghị và Triển lãm Marina Bay Sands (Singapore), Thẻ tín dụng Home Credit Việt Nam được Giải thưởng Asian Banking & Finance 2024 vinh danh là “Sản phẩm Tài chính tiêu dùng của năm”. Sự kiện được tổ chức hàng năm bởi Asian Banking & Finance - Tạp chí tài chính hàng đầu được thành lập từ năm 2008, nhằm công nhận và tôn vinh các ngân hàng và tổ chức tài chính đã định hình lại ngành ngân hàng bán lẻ bằng những thành tựu nổi bật, sáng tạo đột phá và xuất sắc.

Sản phẩm thẻ tín dụng vừa đạt giải của Home Credit Việt Nam tạo thuận lợi cho khách hàng bởi quy trình đăng ký nhanh chóng và đơn giản chỉ với 5 bước cơ bản, phê duyệt trong vòng 5 phút và chỉ cần CCCD. Khách hàng cũng có thể theo dõi trạng thái giao thẻ ngay trên ứng dụng của Home Credit.

Home Credit Việt Nam gần đây đã cải tiến chương trình khách hàng thân thiết, mang đến ưu đãi hoàn tiền 10% cho các chi tiêu hàng ngày (đi siêu thị, ăn uống, mua sắm trên sàn thương mại điện tử…)​. Khách hàng có thể chuyển đổi các giao dịch chi tiêu lớn sang trả góp lãi suất 0% theo thời gian mong muốn. Đồng thời, Home Credit Việt Nam luôn ưu tiên tính minh bạch, cung cấp cho khách hàng lịch sử giao dịch theo thời gian thực để theo dõi chi tiêu kịp thời. Người dùng cũng có thể truy cập thông tin chi tiết của giao dịch, bao gồm mã danh mục người bán, để theo dõi điều kiện khuyến mãi sau này. Các thao tác khóa/mở khóa thẻ, bật/tắt thanh toán trực tuyến và quản lý hạn mức chi tiêu hàng ngày sẽ được thực hiện dễ dàng thông qua ứng dụng của Home Credit để tăng cường bảo mật và quản lý chi tiêu.

Home Credit Việt Nam còn dành nhiều ưu đãi hấp dẫn cho khách hàng mở thẻ tín dụng, bao gồm giảm tới 20% hóa đơn điện, nước, nạp tiền điện thoại di động, khuyến mãi khi đặt đồ ăn, gọi xe, mua sắm trực tuyến... Đáng chú ý, khách hàng sẽ được miễn phí quản lý thẻ hàng tháng nếu đáp ứng các tiêu chí chi tiêu.

Thẻ tín dụng Home Credit được thiết kế với những tính năng và ưu đãi vượt trội nhằm phục vụ nhu cầu thanh toán không tiền mặt của người Việt, đặc biệt là đối với những người mới lần đầu sử dụng thẻ tín dụng. Giải thưởng đã khẳng định vị thế của Home Credit như một hình mẫu về tài chính tiêu dùng, dẫn đầu cho vay có trách nhiệm trên thị trường Việt Nam.

                                                                                                    VPĐD TP.HCM

Tính lãi tiền gửi
VNĐ
%/year
month
Tính lãi tiền gửi

Tính toán khoản vay
VNĐ
%/year
month
Tính toán khoản vay