Thứ ba, 15/10/2024
   

Hiệp hội Ngân hàng góp ý Dự thảo Luật Đấu giá tài sản (sửa đổi)

Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam vừa có văn bản gửi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Liên đoàn Thương mại Công nghiệp Việt Nam góp ý về dự thảo Luật Đấu giá tài sản (sửa đổi) và góp ý Luật Đấu giá tài sản 2016.

Theo Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, hiện nay Bộ Tư pháp đang xây dựng dự thảo Luật Đấu giá tài sản (sửa đổi). Qua quá trình theo dõi và ý kiến phản ánh của tổ chức hội viên, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã tổng hợp và có một số ý kiến cụ thể đối với dự thảo Luật Đấu giá tài sản (sửa đổi) như sau:

Cụ thể, Khoản 1, Điều 1, dự thảo Luật Đấu giá tài sản (sửa đổi) quy định: “1. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 4 như sau: 1. Tài sản mà pháp luật quy định phải xử lý bằng hình thức đấu giá, bao gồm:…d) Tài sản bảo đảm theo quy định của pháp luật về giao dịch bảo đảm”.

Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho rằng, quy định như trên có thể được hiểu tất cả các tài sản được liệt kê tại khoản 1 Điều 4 khi bán đều phải được thực hiện thông qua đấu giá và chịu sự điều chỉnh của Luật này. Thực tế hiện nay có rất nhiều tài sản được nhận làm tài sản bảo đảm không cần thiết phải qua thủ tục đấu giá khi xử lý như tiền, giấy tờ có giá…

Bên cạnh đó, ngoài biện pháp đấu giá thì tổ chức tín dụng (TCTD) có thể thỏa thuận với Bên bảo đảm nhiều biện pháp xử lý khác như TCTD nhận chính tài sản bảo đảm hoặc bán/chuyển nhượng cho bên khác… Do đó, nếu hiểu theo cách bắt buộc chung này là không hợp lý. Đề nghị Ban soạn thảo xem xét điều chỉnh lại Khoản 1 Điều 4 Luật đấu giá tài sản như sau: “1. Trường hợp pháp luật chuyên ngành về các lĩnh vực sau đây có quy định tài sản phải được bán bằng hình thức đấu giá, thì áp dụng Luật này khi bán tài sản đó, cụ thể:…”.

Dự thảo Luật đã bỏ đi nội dung quy định về đấu giá đối với “Tài sản nhà nước theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước” và “Tài sản cố định của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp” (Điểm a và Điểm h Khoản 1 Điều 4 Luật Đấu giá tài sản 2016).

Tuy nhiên, theo quy định tại Nghị định số 91/2015/NĐ-CP ngày 13/10/2015 của Chính phủ về đầu tư vốn Nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp, hai loại tài sản này thuộc loại tài sản phải theo quy trình đấu giá. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo xem xét quy định thống nhất.

Điểm c Khoản 2 Điều 1 dự thảo Luật quy định: “2. Sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 5 như sau:…c) Bổ sung khoản 14 như sau: “14. Ngày làm việc để tính thời hạn thực hiện trình tự, thủ tục đấu giá quy định tại Luật này là các ngày từ thứ hai đến thứ sáu.”.”

Để làm rõ cách tính “ngày làm việc” sẽ không bao gồm ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết (cho dù thuộc các ngày từ thứ hai đến thứ sáu), đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ một “ngày làm việc” được hiểu là bất kỳ ngày nào trừ ngày thứ bảy, chủ nhật và ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết theo quy định của pháp luật Việt Nam và ngày mà (các) Tổ chức đấu giá được phép hoặc bắt buộc phải đóng cửa theo quy định của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đề nghị Ban soạn thảo bổ sung như sau: “14. Ngày làm việc để tính thời hạn thực hiện trình tự, thủ tục đấu giá quy định tại Luật này là các ngày từ thứ hai đến thứ sáu, không tính các ngày nghỉ lễ, tết theo quy định của pháp luật.”

Điểm b Khoản 12 Điều 1 dự thảo Luật quy định: “12. Sửa đổi, bổ sung một số điểm, khoản của Điều 34 như sau:b) Bổ sung điểm k vào khoản 2 như sau: “k) Bước giá trong trường hợp có bước giá; giá trả hợp lệ, giá trả không hợp lệ trong trường hợp đấu giá trực tiếp bằng lời nói tại cuộc đấu giá hoặc đấu giá bằng hình thức trực tuyến; phiếu trả giá hợp lệ, phiếu trả giá không hợp lệ trong trường hợp đấu giá bằng bỏ phiếu trực tiếp tại cuộc đấu giá hoặc đấu giá bằng bỏ phiếu gián tiếp;”.

Dự thảo đã bổ sung định nghĩa về “bước giá” và quy định Quy chế cuộc đấu giá phải có nội dung “Bước giá trong trường hợp có bước giá”. Tuy nhiên, hiện nay dự thảo mới chỉ đưa ra khái niệm bước giá mà chưa đưa ra bước giá cụ thể nên việc quy định bước giá của các doanh nghiệp đấu giá áp dụng trên thực tế rất khác nhau, mỗi đơn vị quy định một kiểu, có nơi quy định bước giá là một mức cố định (5 triệu/lần trả, 10 triệu/lần trả…), có nơi quy định mức trả tối thiểu, có nơi quy định mức trả tối đa, có nơi quy định một khoản giá trả (tối thiểu… tối đa).

Do đó, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đề nghị Ban soạn thảo quy định cụ thể hơn về bước giá (có thể mức cố định là 10 triệu/lần trả) để thống nhất giữa các doanh nghiệp đấu giá tài sản để hạn chế việc đưa ra mức giá không phù hợp với mỗi cuộc đấu giá…

Chi tiết góp ý của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam xem tại đây.

PLNV - VNBA News

Tính lãi tiền gửi
VNĐ
%/year
month
Tính lãi tiền gửi

Tính toán khoản vay
VNĐ
%/year
month
Tính toán khoản vay