Những năm gần đây, nền kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng với thế giới. Hệ thống ngân hàng đang đẩy mạnh tái cơ cấu, nâng cao năng lực quản trị, đảm bảo các chỉ số tài chính an toàn, lành mạnh. Trong bối cảnh đó, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền luôn là ưu tiên hàng đầu của Đảng, Chính phủ. Và bảo hiểm tiền gửi chính là một trong những công cụ thực hiện mục tiêu đó.
Hội nhập đã đem đến cho Việt Nam những cơ hội mới, phát huy những tiềm năng sẵn có, gia tăng tốc độ và chất lượng tăng trưởng. Nhưng đồng thời, nền kinh tế quốc gia cũng trở nên nhạy cảm hơn trước các tác động từ bên ngoài cũng như bên trong. Hành động điều chỉnh chính sách tiền tệ hay biến động địa chính trị từ các quốc gia khác có thể kích hoạt nhiều phản ứng dây chuyền, ảnh hưởng tới tâm lý thị trường và cả tâm lý người tiêu dùng tài chính, trong đó có người gửi tiền. Đồng thời, trên nền tảng công nghệ thông tin và mạng xã hội phát triển rất nhanh, mọi thông tin được cập nhật từng giây, từng phút và lan truyền rộng rãi, những thông tin tiêu cực - dù là thông tin xác thực hay không xác thực - đều có thể đem lại sự bất an, thậm chí là hoảng loạn trong công chúng, dẫn tới những hành động vội vã, thiếu cẩn trọng.
Với lịch sử hình thành gần 100 năm nay, bảo hiểm tiền gửi (BHTG) được xác lập như một hệ thống bảo vệ người gửi tiền khỏi những tổn thất về tiền gửi được bảo hiểm của họ trong trường hợp tổ chức nhận tiền gửi không thể hoàn thành các nghĩa vụ trả nợ theo cam kết. Có thể coi BHTG là một cam kết công khai của tổ chức BHTG về việc sẽ hoàn trả một phần hoặc toàn bộ tiền gửi được bảo hiểm (bao gồm cả gốc và lãi) cho người gửi tiền khi tổ chức tham gia BHTG được cơ quan chức năng xác định là mất khả năng thanh toán hoặc chấm dứt hoạt động.
Như vậy, mục tiêu chung của chính sách BHTG trước hết là bảo vệ người gửi tiền, đối tượng có những hạn chế nhất định trong việc tiếp cận thông tin về điều hành và tình hình hoạt động của các tổ chức nhận tiền gửi. Đồng thời, chính sách này tăng cường niềm tin công chúng, tạo cơ chế chính thức để xử lý các tổ chức nhận tiền gửi gặp sự cố và tham gia quá trình xử lý khủng hoảng tài chính, qua đó góp phần ổn định hệ thống các TCTD. Chính sách BHTG còn hướng tới các mục tiêu khác như góp phần xây dựng một thị trường có tính cạnh tranh và bình đẳng cho các tổ chức nhận tiền gửi có quy mô và trình độ phát triển khác nhau; giúp tạo điều kiện quy định rõ trách nhiệm và quyền lợi của người gửi tiền, tổ chức nhận tiền gửi, chính phủ; giảm chi phí xử lý đổ vỡ ngân hàng và giảm thiểu gánh nặng tài chính cho người đóng thuế trong trường hợp có ngân hàng đổ vỡ…
Đối với người gửi tiền, tổ chức BHTG cung cấp cơ chế bảo vệ trực tiếp thông qua chi trả tiền bảo hiểm trong trường hợp tổ chức tín dụng nhận tiền gửi được xác định là mất khả năng chi trả hoặc phá sản. Đây là chức năng cơ bản nhất đối với mọi mô hình BHTG trên thế giới nhằm giảm thiệt hại của người gửi tiền khi xảy ra đổ vỡ. Tại Việt Nam, tổ chức BHTG không chỉ có chức năng chi trả mà còn thực hiện kiểm tra, giám sát, hỗ trợ phục hồi và tham gia kiểm soát đặc biệt đối với các tổ chức tín dụng tham gia BHTG. Đây đều là các công cụ nhằm thúc đẩy các tổ chức tín dụng phải hoạt động an toàn, lành mạnh, đúng pháp luật, tránh nguy cơ đổ vỡ, qua đó bảo vệ người gửi tiền một cách gián tiếp khỏi các thiệt hại có thể xảy ra.
Bên cạnh đó, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam còn được giao nhiệm vụ tuyên truyền chính sách, pháp luật về BHTG. Nâng cao nhận thức công chúng là một hợp phần thiết yếu trong tổng thể chính sách BHTG. Ông David Walker - Tổng thư ký Hiệp hội BHTG Quốc tế (IADI) chia sẻ, trong bộ Các nguyên tắc cơ bản phát triển hệ thống BHTG hiệu quả, các nguyên tắc liên quan đến người gửi tiền đều là những nguyên tắc có tầm quan trọng cao, và khi nhắc tới phát triển hệ thống BHTG hiệu quả, không thể không nhắc tới việc nâng cao nhận thức công chúng. Theo Tổng thư ký IADI, công chúng cần được tiếp cận thông tin về chính sách BHTG, hiểu về hoạt động của tổ chức BHTG và tổ chức ấy có thể bảo vệ họ như thế nào. Qua đó, khi xảy ra vấn đề hoặc trong khủng hoảng, công chúng có thể giữ được sự bình tĩnh cũng như giữ được niềm tin vào sự ổn định của hệ thống tài chính…
Ngân hàng là một ngành kinh doanh đặc biệt, để vận hành được một cách trơn tru, hiệu quả, cần một nền tảng niềm tin cao. Nhưng đồng thời, là một ngành kinh doanh, các tổ chức tín dụng cũng phải song hành cùng một mức độ rủi ro nhất định, dù được hạn chế ở mức thấp nhất có thể. Rủi ro không chỉ xuất phát từ bản thân hoạt động của tổ chức tín dụng, mà có thể xuất hiện khi niềm tin bị sứt mẻ, rạn vỡ, dẫn đến những tác động lan truyền. Khi cơ quan chức năng không có những phản ứng hợp lý, hậu quả có thể trở nên vô cùng nghiêm trọng, đẩy một tổ chức tín dụng đang hoạt động bình thường bước tới mép vực đổ vỡ.
Chính vì vậy, trong thời kỳ thông tin nhiễu loạn, thế giới có nhiều biến động, bên cạnh việc nâng cao các quy chuẩn, tiêu chuẩn an toàn hoạt động, chất lượng quản trị các tổ chức tín dụng, cần tiếp tục nâng cao vai trò của tổ chức BHTG cũng như tăng cường truyên truyền, nâng cao nhận thức công chúng về chính sách đặc thù này. Việc truyền thông chính sách BHTG cần được coi là ưu tiên hàng đầu, song không tách rời kết cấu chung của hệ thống truyền thông ngành ngân hàng. Có như vậy mới tạo ra được một nhận thức chung, cởi mở, đầy đủ thông tin về hoạt động ngân hàng, trong đó có BHTG. Nâng cao niềm tin của công chúng với hệ thống ngân hàng nói chung cũng chính là giảm thiểu rủi ro đối với tổ chức BHTG.
Có thể nói, việc xây dựng, gìn giữ và nâng cao niềm tin của người gửi tiền là một quá trình lâu dài, cần một chiến lược tổng thể, những mục tiêu rõ ràng đối với từng giai đoạn, tập trung vào một số nhóm đối tượng công chúng trọng tâm, đồng thời nâng cao nhận thức chung của xã hội. Việc thúc đẩy niềm tin công chúng vào hệ thống ngân hàng cần được thực hiện thường xuyên liên tục, bởi niềm tin cần được bồi đắp không ngừng.
Bên cạnh việc truyền thông chính sách BHTG, cần triển khai song song các chương trình phổ biến kiến thức tài chính cho công chúng, đặc biệt là các chương trình đem kiến thức, kỹ năng quản lý tài chính tới lứa tuổi học sinh, sinh viên. Một nền tài chính an toàn chỉ có thể được dựng xây từ một thị trường lành mạnh, minh bạch và người tiêu dùng tài chính có hiểu biết, sẵn sàng tham gia vào duy trì kỷ luật thị trường.
Cùng với quá trình này, chính sách BHTG cần không ngừng được hoàn thiện, bổ sung nhằm luôn bám sát những bước phát triển của hệ thống ngân hàng, thể hiện được tầm nhìn về triển vọng tương lai, qua đó đảm bảo phát huy tối đa hiệu quả. Trong quá trình sửa đổi, bổ sung Luật BHTG sắp tới, ông Vũ Văn Long - Phó Tổng giám đốc Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam cho biết sẽ hướng tới tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc do chưa được quy định cụ thể tại các văn bản pháp luật hiện hành, cũng như các quy định chưa đồng bộ giữa các Luật. Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam cũng sẵn sàng tiếp nhận những trách nhiệm lớn hơn nhằm tham gia sâu hơn vào quá trình tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, giữ vững an toàn, lành mạnh hoạt động ngân hàng, qua đó gìn giữ và nâng cao niềm tin của người gửi tiền.
Theo DIV