Thứ tư, 22/01/2025
   

Giải pháp phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam

Ủy ban Chính sách thuộc Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam phối hợp cùng Ngân hàng Standard Chartered tổ chức Tọa đàm “Ngân hàng xanh – Kinh nghiệm quốc tế và giải pháp cho các tổ chức tín dụng Việt Nam”.

Ngày 04/10, tại Hà Nội, Ủy ban Chính sách thuộc Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam phối hợp cùng Ngân hàng Standard Chartered tổ chức Tọa đàm “Ngân hàng xanh – Kinh nghiệm quốc tế và giải pháp cho các tổ chức tín dụng Việt Nam”.

Tọa đàm nhằm trao đổi kiến thức, kinh nghiệm giữa các Tổ chức tín dụng (TCTD) và tiếp thu những kinh nghiệm quốc tế từ ngân hàng Standard Chartered – Ngân hàng đi đầu trên thế giới về ngân hàng xanh.

Tham dự tọa đàm có TS Nguyễn Quốc Hùng – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam; ông Trần Phương - Chủ nhiệm Ủy ban chính sách Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng BIDV; bà Liesel D'Souza – Quản lý cấp cao rủi ro khí hậu khu vực Châu Á; ông Trần Việt An – Giám đốc quản lý rủi ro tín dụng cấp cao ngân hàng Standard Chartered.

TS Nguyễn Quốc Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký hiệp hội Ngân hàng Việt Nam
TS Nguyễn Quốc Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký hiệp hội Ngân hàng Việt Nam

Hành lang pháp lý cho ngân hàng xanh đang dần hoàn thiện

Phát biểu tại buổi tọa đàm, TS Nguyễn Quốc Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết xanh hóa nền kinh tế đang là xu hướng hiện nay và là vấn đề đang được đặc biệt quan tâm trong các chương trình nghị sự quốc tế nhằm hạn chế các tác động tiêu cực từ tăng trưởng kinh tế đến môi trường và xã hội.

Tín dụng xanh, ngân hàng xanh đóng vai trò quan trọng trong việc cập nhật thông tin, triển khai các chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030 và tầm nhìn 2050. Từ đó, tạo nguồn lực cho các doanh nghiệp đầu tư dự án, cơ sở hạ tầng nhằm bảo vệ môi trường, giảm thiểu phát thải.

Trong thời gian vừa qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã quan tâm, ban hành nhiều chính sách, văn bản quy định về tín dụng phù hợp với mục tiêu bảo vệ môi trường như: Chỉ thị số 03/CT-NHNN ngày 24/03/2015 về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng; Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đến năm 2020 theo Quyết định số 1552/QĐ-NHNN ngày 6/8/2015; Rà soát, bổ sung nội dung về tín dụng – ngân hàng xanh vào Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng tại Quyết định số 986/QĐ-TTg ngày 8/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 1604/QĐ-NHNN ngày 7/8/2018 ban hành Đề án phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam; Thông tư số 17/2022/TT-NHNN ngày 23/12/2022 hướng dẫn thực hiện quản lý rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

“Có thể nói, hành lang pháp lý tại Việt Nam đang dần hoàn thiện để tạo điều kiện cho tín dụng xanh xanh, ngân hàng xanh phát triển”, TS Nguyễn Quốc Hùng nói. Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Quốc Hùng, mặc dù tăng trưởng xanh, ngân hàng xanh đang có những tín hiệu tích cực nhưng sự phát triển của lĩnh vực này ở Việt Nam được chưa được khai thác hết tiềm năng. Không những vậy, sự phát triển của ngân hàng xanh trong các tổ chức tín dụng tại Việt Nam còn gặp nhiều thách thức như cần kiến thức, kinh nghiệm của các cán bộ ngân hàng để thực hiện hiện công tác thẩm định và phê duyệt cấp tín dụng liên quan đề các vấn đề xã hội, tiếp đó cần một nguồn nhân lực lớn để triển khai…

TS Nguyễn Quốc Hùng hy vọng tọa đàm “Ngân hàng xanh – Kinh nghiệm Quốc tế và Giải pháp cho các TCTD Việt Nam” sẽ giúp các tổ chức tín dụng, hội viên có góc nhìn rõ hơn, nâng cao hiểu biết, tiếp thu kinh nghiệm và cập nhật thông tin bổ ích cho tổ chức của mình.

Ông Trần Phương –Chủ nhiệm Ủy ban chính sách Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam
Ông Trần Phương – Chủ nhiệm Ủy ban chính sách Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam

Trao đổi tại buổi tọa đàm, bà Michele Wee – Tổng Giám đốc ngân hàng Standard Chartered chia sẻ, mục tiêu của Standard Chartered trở thành ngân hàng dẫn đầu ngành về phát triển bền vững và đặt ra các mục tiêu để đạt được lượng khí thải carbon ròng từ hoạt động được tài trợ bằng không vào năm 2050, bao gồm các mục tiêu tạm thời vào năm 2030 cho các lĩnh vực sử dụng nhiều carbon nhất.

Đồng thời, Standard Chartered cam kết huy động 300 tỷ USD trên toàn cầu cho tài chính xanh và chuyển đổi vào năm 2030, cùng với cam kết về tiền tệ gồm những mục tiêu cụ thể như dừng tài trợ cho các công ty đang mở rộng hoạt động kinh doanh than nhiệt ở cấp độ khách hàng cá nhân; Giảm 85% lượng phát thải từ khai thác than nhiệt được tài trợ tuyệt đối vào năm 2030; Cung cấp dịch vụ tài chính cho khách hàng phụ thuộc <5% vào doanh thu từ than nhiệt vào năm 2030; Mục tiêu giảm cường độ carbon dựa trên doanh thu lần lượt là 63% đối với điện, 33% đối với thép và khai thác mỏ, 30% đối với dầu khí vào năm 2030.

Bà Michele Wee cho biết, tính bền vững là mối ưu tiên chính của Standard Chartered. Standard Chartered cam kết về tính bền vững phù hợp với ưu tiên chiến lược của Việt Nam và Việt Nam là thị trường tăng trưởng trọng điểm trên thế giới và đối với Standard Chartered.

Bà Liesel D'Souza - Quản lý cấp cao rủi ro khí hậu khu vực Châu Á
Bà Liesel D'Souza - Quản lý cấp cao rủi ro khí hậu khu vực Châu Á

Giải pháp phát triển tín dụng xanh, ngân hàng xanh tại Việt Nam

Ông Trần Anh Quý – Trưởng phòng tín dụng chính sách, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, Việt Nam là một trong những quốc gia thường xuyên chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, tác động đến đời sống, sinh kế của người dân. Việc thúc đẩy tăng trưởng xanh hay quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh sẽ tạo ra tiềm năng to lớn để Việt Nam đạt được mục tiêu phát triển bền vững và giảm đói nghèo. Chính vì thế, thời gian qua, Việt Nam đã tích cực tham gia thực hiện các cam kết quốc tế về giảm phát thải khí nhà kính, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, như: cam kết thực hiện và thông qua Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững tại Hội nghị thượng đỉnh của Liên hợp quốc (2005); ký Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu (2006); và gần đây nhất, tại Hội nghị COP26, Việt Nam đã cam kết mạnh mẽ đưa mức phát thải ròng của Việt Nam về “0” vào giữa thế kỷ - năm 2050.

Trong bối cảnh đó, NHNN đã có những chính sách, quy định về hoạt động của các ngân hàng với các mục tiêu bảo vệ môi trường, giảm phát thải các-bon, hướng tới tăng trưởng xanh như hướng tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế theo chủ trương của Chính phủ, trong đó có hỗ trợ nền kinh tế chuyển sang mô hình tăng trưởng xanh, bền vững.

NHNN đã xây dựng định hướng phát triển ngân hàng xanh thông qua việc ban Đề án phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam đồng thời bổ sung, lồng ghép định hướng phát triển tín dụng xanh, ngân hàng xanh vào nội dung của Chiến lược phát triển ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Ông Trần Anh Quý – Trưởng phòng tín dụng chính sách, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
Ông Trần Anh Quý – Trưởng phòng tín dụng chính sách, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

Bên cạnh đó, ban hành Kế hoạch hành động của ngành ngân hàng thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đến năm 2030, Kế hoạch hành động của ngành ngân hàng thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững (Quyết định số 1408/QĐ-NHNN ngày 26/7/2023 và Quyết định số 1731/QĐ-NHNN ngày 31/8/2018, trong đó một trong những yêu cầu đặt ra đối các TCTD trong quá trình định hướng, xây dựng và triển khai chiến lược, kế hoạch kinh doanh của mình là cần lồng ghép, tích hợp các nhiệm vụ, giải pháp tăng trưởng xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu, các cơ chế, chính sách tín dụng, hoạt động ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước nhằm thúc đẩy tín dụng xanh, quản lý rủi ro môi trường và xã hội, hướng tới phát triển mô hình ngân hàng xanh.

Để cụ thể hóa các định hướng, mục tiêu phát triển tín dụng xanh, ngân hàng xanh, NHNN đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn hoạt động cho vay, cấp tín dụng, quản lý rủi ro về môi trường đảm bảo phù hợp với Luật bảo vệ môi trường. Đồng thời, NHNN chỉ đạo các TCTD triển khai các chương trình tín dụng xanh thuộc một số ngành, lĩnh vực như nông nghiệp xanh, lâm nghiệp, nhà ở và môi trường.

Bà Nguyễn Thị Thu Hà - Phó Trưởng Ban Chỉ đạo thường trực ESG (Trưởng Ban Định chế tài chính) - Ngân hàng Agribank
Bà Nguyễn Thị Thu Hà - Phó Trưởng Ban Chỉ đạo thường trực ESG -
Ngân hàng Agribank

Từ thực tiễn triển khai, bà Nguyễn Thị Thu Hà - Phó Trưởng Ban Chỉ đạo thường trực ESG - Ngân hàng Agribank đã có những chia sẻ về chiến lược phát triển ngân hàng xanh của Agribank.

Bà Hà cho biết, Agribank luôn quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh. Ngoài ra, Agribank còn tích cực xây dựng và hoàn thiện các văn bản định chế, quy định nội bộ, nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý phù hợp với mục tiêu tăng trưởng xanh. Tăng cường hợp tác quốc tế nhằm đẩy mạnh huy động nguồn lực cho tăng trưởng xanh. Hoàn thiện chính sách đẩy mạnh chuyển đổi số nhằm phát triển bền vững hoạt động ngân hàng. Thông tin, truyền thông về hoạt động của ngành ngân hàng góp phần thực hiện tăng trưởng xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu…

Bà Hà cũng mong muốn Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng như các cơ quan, ban ngành sớm xây dựng và ban hành bộ tiêu chí môi trường, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có nhiều chính sách thúc đẩy đối với các ngành nghề, lĩnh vực đáp ứng tiêu chí tín dụng xanh cũng như hỗ trợ các TCTD trong nước. Bên cạnh đó, đại diện Agribank cũng khuyến nghị các cơ quan quản lý cần nghiên cứu và ban hành Luật về năng lượng tái tạo.

Tại tọa đàm, ông Trần Phương –Chủ nhiệm Ủy ban chính sách Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các TCTD cũng như những chia sẻ kinh nghiệm từ ngân hàng Standard Chartered. Ông Phương mong muốn trong thời gian tới, Standard Chartered sẽ tiếp tục tham gia sâu hơn vào các chương trình của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Đồng thời, cũng mong rằng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục đồng hành, tạo điều kiện để các tổ chức lớn tham giam các chuyên đề, thảo luận và giúp đỡ các tổ chức tín dụng hội viên.

Quang cảnh tọa đàm “Ngân hàng xanh – Kinh nghiệm quốc tế và giải pháp cho các tổ chức tín dụng Việt Nam”.
Quang cảnh tọa đàm “Ngân hàng xanh – Kinh nghiệm quốc tế và giải pháp cho các tổ chức tín dụng Việt Nam”.

Ngọc Anh

Tính lãi tiền gửi
VNĐ
%/year
month
Tính lãi tiền gửi

Tính toán khoản vay
VNĐ
%/year
month
Tính toán khoản vay