Thứ bảy, 29/06/2024
   

Dự Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi: Bổ sung sự tham gia của tổ chức bảo hiểm tiền gửi vào quy trình can thiệp sớm

Theo chương trình kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV đang diễn ra, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước sẽ trình Quốc hội dự án Luật Các Tổ chức tín dụng sửa đổi vào ngày 5/6. Cùng ngày, Quốc hội sẽ thảo luận tổ dự án Luật này trước khi cho ý kiến tại Hội trường vào ngày 10/6.

Theo chương trình kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV đang diễn ra, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước sẽ trình Quốc hội dự án Luật Các Tổ chức tín dụng sửa đổi vào ngày 5/6. Cùng ngày, Quốc hội sẽ thảo luận tổ dự án Luật này trước khi cho ý kiến tại Hội trường vào ngày 10/6.

Được biết, Luật Các Tổ chức tín dụng sửa đổi là một trong số ít dự án Luật (cùng với Luật Đất đai, Nhà ở) mà phiên thảo luận tại Hội trường được truyền hình trực tiếp trên Truyền hình của Quốc hội, cho thấy mức độ quan tâm của các nhà lập pháp cũng như cử tri. Một trong những điểm đáng chú ý, dự thảo lần này “làm mới” quy trình can thiệp sớm đối với tổ chức tín dụng, trong đó bổ sung sự tham gia của tổ chức bảo hiểm tiền gửi.

“Làm mới” quy trình can thiệp sớm

Can thiệp sớm là việc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khắc phục tình trạng quy định tại Chương VIII - Can thiệp sớm tổ chức tín dụng - của dự thảo Luật Các Tổ chức tín dụng sửa đổi.

Trong báo cáo tổng kết thi hành Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng năm 2017, Ngân hàng Nhà nước cho biết, Luật Các Tổ chức tín dụng sửa đổi năm 2017 đã quy định về việc áp dụng can thiệp sớm đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài trong một số trường hợp nhưng chưa được đặt vào kiểm soát đặc biệt (Điều 130a). Theo đó, kể từ ngày nhận được văn bản áp dụng can thiệp sớm của Ngân hàng Nhà nước, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải báo cáo Ngân hàng Nhà nước thực trạng, nguyên nhân, phương án khắc phục tình trạng và tổ chức triển khai thực hiện phương án khắc phục tối đa là 01 năm, trong đó bao gồm một hoặc một số biện pháp như: Thu hẹp nội dung, phạm vi hoạt động, hạn chế các giao dịch lớn; Tăng vốn điều lệ, vốn được cấp; tăng cường nắm giữ tài sản có tính thanh khoản cao; bán, chuyển nhượng tài sản và thực hiện các giải pháp khác để đáp ứng yêu cầu bảo đảm an toàn trong hoạt động ngân hàng; Hạn chế chi trả cổ tức, phân phối lợi nhuận; Cắt giảm chi phí hoạt động, chi phí quản lý; hạn chế trả thù lao, lương, thưởng đối với người quản lý, người điều hành; Tăng cường quản trị rủi ro; tổ chức lại bộ máy quản lý, cắt giảm nhân sự và các biện pháp khác theo quy định.

Tuy nhiên, chưa có quy định về biện pháp hỗ trợ cần thiết trong trường hợp can thiệp sớm đối với tổ chức tín dụng. Do đó, để thực hiện được cơ chế can thiệp sớm, theo Ngân hàng Nhà nước, cần bổ sung biện pháp hỗ trợ tổ chức tín dụng khắc phục các tồn tại, yếu kém dẫn đến việc áp dụng can thiệp sớm.

Khắc phục điều này, dự thảo Luật Các Tổ chức tín dụng sửa đổi xây dựng mới quy trình can thiệp sớm, bổ sung thẩm quyền của Ngân hàng Nhà nước tại giai đoạn can thiệp sớm, quy định một số biện pháp hiện nay đang áp dụng tại giai đoạn kiểm soát đặc biệt lên giai đoạn can thiệp sớm cho phép xử lý từ sớm, từ xa khi tình trạng yếu kém của tổ chức tín dụng chưa đến mức nghiêm trọng.

Trong quá trình thanh tra, giám sát đối với các tổ chức tín dụng, căn cứ kết quả giám sát, thanh tra, tùy theo mức độ, vấn đề gặp phải của từng tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước sẽ áp dụng các biện pháp phù hợp như khuyến nghị, cảnh báo, giám sát tăng cường, can thiệp sớm, kiểm soát đặc biệt.

Như vậy, can thiệp sớm chỉ là một trong các biện pháp áp dụng đối với tổ chức tín dụng có những dấu hiệu cụ thể với những hạn chế, hỗ trợ phù hợp với tình trạng của từng tổ chức tín dụng. Cụ thể:

Trong quá trình giám sát tổ chức tín dụng, căn cứ kết quả giám sát Ngân hàng Nhà nước có thể đưa ra các khuyến nghị, cảnh báo đối với tổ chức tín dụng. Tổ chức tín dụng có trách nhiệm báo cáo, giải trình, xây dựng kế hoạch khắc phục gửi Ngân hàng Nhà nước và tổ chức triển khai thực hiện.

Sau khi thực hiện kế hoạch khắc phục, tổ chức tín dụng tiếp tục tiềm ẩn rủi ro, có nguy cơ vi phạm pháp luật về tiền tệ và ngân hàng, hoặc dựa trên kết quả xếp hạng, tổ chức tín dụng sẽ bị xem xét áp dụng giám sát tăng cường.

Trong trường hợp tổ chức tín dụng có các biểu hiện như không duy trì được tỷ lệ khả năng chi trả, không duy trì được tỷ lệ an toàn vốn, có nguy cơ mất khả năng chi trả, nguy cơ mất khả năng thanh toán…với mức độ nghiêm trọng hơn thì Ngân hàng Nhà nước sẽ áp dụng quy định về can thiệp sớm, kiểm soát đặc biệt quy định tại dự thảo Luật.

Khi tổ chức tín dụng đặt vào can thiệp sớm, tùy theo tình trạng của tổ chức tín dụng, tổ chức tín dụng sẽ phải xây dựng: phương án khắc phục, phương án hỗ trợ trước kiểm soát đặc biệt, phương án sáp nhập, hợp nhất, phương án giải thể. Tại giai đoạn can thiệp sớm, biện pháp ưu tiên đầu tiên được áp dụng là tổ chức tín dụng tự xây dựng phương án khắc phục các yếu kém, trong đó, tổ chức tín dụng, chủ sở hữu, cổ đông của tổ chức tín dụng phải tăng cường trách nhiệm, nghĩa vụ của mình như: phải tăng vốn điều lệ, vốn được cấp; tăng cường nắm giữ tài sản có tính thanh khoản cao; bán, chuyển nhượng tài sản và thực hiện các giải pháp khác để đáp ứng yêu cầu bảo đảm an toàn trong hoạt động ngân hàng; Cắt giảm chi phí hoạt động, chi phí quản lý; cắt giảm thù lao, lương, thưởng đối với người quản lý, người điều hành; hạn chế hoặc không chia cổ tức, chuyển nhượng cổ phần, chuyển nhượng tài sản; nâng cao năng lực quản trị, điều hành, tăng cường quản trị rủi ro; tổ chức lại bộ máy quản trị, điều hành… Đây là các biện pháp xử lý gắn liền với quyền lợi, trách nhiệm của cổ đông, người quản lý, người điều hành của tổ chức tín dụng.

Bên cạnh đó, tổ chức tín dụng còn có thể bị xem xét áp dụng các biện pháp hạn chế mạnh hơn như hạn chế hoạt động kinh doanh không hiệu quả, đình chỉ, tạm đình chỉ một hoặc một số hoạt động ngân hàng, hoạt động kinh doanh khác, hạn chế thẩm quyền quyết định trong hoạt động kinh doanh của người quản lý, người điều hành; đình chỉ người quản lý, người điều hành có hành vi vi phạm quy định pháp luật… Tùy theo tình trạng tổ chức tín dụng cũng như kết quả thực hiện phương án mà tổ chức tín dụng sẽ bị áp dụng các hạn chế theo mức độ tăng dần, bao gồm việc đặt vào kiểm soát đặc biệt và áp dụng biện pháp chuyển giao bắt buộc, phá sản nếu không khắc phục được các vấn đề của tổ chức tín dụng, dẫn đến nguy cơ gây mất an toàn hệ thống.

Bổ sung sự tham gia của DIV

Luật Các Tổ chức tín dụng 2017 hiện chưa có quy định về việc cho phép Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (DIV), Ngân hàng Hợp tác xã tham gia vào việc áp dụng biện pháp can thiệp sớm đối với quỹ tín dụng nhân dân yếu kém. Cùng với đó, Luật các Tổ chức tín dụng chưa có quy định cụ thể về việc cử cán bộ cấp xã biệt phái sang giữ chức vụ Chủ tịch, Giám đốc quỹ tín dụng nhân dân được kiểm soát đặc biệt. Đồng thời, việc một số đơn vị (như DIV, ngân hàng thương mại do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ…) cử nhân sự để Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố chỉ định chức danh Chủ tịch, Giám đốc của quỹ tín dụng nhân dân được kiểm soát đặc biệt cũng gặp khó khăn về mặt pháp lý. Chưa kể, theo quy định tại Điều 22 Luật bảo hiểm tiền gửi và Điều 155 Luật các tổ chức tín dụng, khoản 5 Điều 146a Luật các tổ chức tín dụng sửa đổi, bổ sung thì DIV không thể chi trả đối với quỹ tín dụng nhân dân mà phương án phá sản chưa được phê duyệt. Điều này, theo cơ quan soạn thảo dự Luật Các Tổ chức tín dụng sửa đổi, gây khó khăn cho quá trình xử lý để ổn định tâm lý người gửi tiền.

Chính vì vậy, trong các biện pháp hỗ trợ tại giai đoạn can thiệp sớm, trên cơ sở các biện pháp hỗ trợ trong giai đoạn kiểm soát đặc biệt, dự thảo Luật bổ sung các biện pháp hỗ trợ từ tổ chức tín dụng hỗ trợ, đồng thời có sự tham gia của DIV, Ngân hàng hợp tác xã Việt Nam. Đây đều là các nguồn lực được huy động từ nội tại hệ thống tổ chức tín dụng, nâng cao trách nhiệm của các tổ chức tín dụng đối với việc duy trì và đảm bảo an toàn hệ thống, đồng thời giảm áp lực, chi phí cho cơ quan quản lý trong quá trình xử lý tổ chức tín dụng yếu kém.

Cụ thể, đối với sự tham gia vào quy trình can thiệp sớm của DIV, để kịp thời bảo vệ quyền lợi người gửi tiền, đảm bảo an toàn hệ thống tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước có văn bản áp dụng can thiệp sớm tối thiểu bao gồm nội dung: Tình trạng, lý do tổ chức tín dụng cần sự hỗ trợ của DIV. Tùy theo thực trạng, tính chất, mức độ rủi ro của tình trạng cần can thiệp sớm của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, DIV có thể tham gia một hoặc một số các biện pháp can thiệp sớm sau đây: phối hợp xây dựng phương án chi trả tiền gửi; cho vay đặc biệt để hỗ trợ thanh khoản khi tổ chức tín dụng có nguy cơ mất khả năng chi trả hoặc lâm vào tình trạng mất khả năng chi trả, đe dọa sự ổn định của hệ thống; và để hỗ trợ thực hiện phương án khắc phục, phương án hỗ trợ trước kiểm soát đặc biệt, phương án chuyển giao bắt buộc…

Có thể nói, với việc bổ sung sự tham gia của tổ chức bảo hiểm tiền gửi vào quy trình can thiệp sớm cho thấy vai trò của tổ chức bảo hiểm tiền gửi trong bảo đảm an toàn hệ thống cũng như tham gia vào quá trình tái cơ cấu các tổ chức tín dụng ngày càng được đề cao. Để tận dụng được tối đa nguồn lực của tổ chức bảo hiểm tiền gửi, cần sớm sửa Luật bảo hiểm tiền gửi. Có ý kiến cho rằng, cần sửa Luật bảo hiểm tiền gửi đồng thời với Luật Các tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, đến thời điểm này, Luật bảo hiểm tiền gửi vẫn chưa nằm trong danh sách các dự án Luật được sửa đổi bổ sung tại Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2023 và 2024 của Quốc hội.

Theo DIV

Tính lãi tiền gửi
VNĐ
%/year
month
Tính lãi tiền gửi

Tính toán khoản vay
VNĐ
%/year
month
Tính toán khoản vay