Thứ ba, 17/09/2024
   

Doanh nghiệp ‘xếp hàng’ chờ vay vốn dưới áp lực lãi suất tăng cao

Sáng 31/8, Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM tổ chức hội nghị tiếp xúc, đối thoại doanh nghiệp thành phố năm 2022, đ/c Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM chủ trì hội nghị.

Sáng 31/8, Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM tổ chức hội nghị tiếp xúc, đối thoại doanh nghiệp thành phố năm 2022, đ/c Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM chủ trì hội nghị.

Chia sẻ tại Hội nghị tiếp xúc, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TPHCM (FFA) cho biết, nhu cầu vốn của doanh nghiệp trong ngành đang tăng lên để phục vụ cho việc tích trữ sớm nguyên vật liệu sản xuất.

Đặc biệt là giá nguyên vật liệu tăng cao trong thời gian qua, với mức tăng hơn 20%, khiến cho nhu cầu nguồn vốn của doanh nghiệp cũng phải tăng lên theo tương ứng, ước tăng khoảng 50-60% so với trước đây.

Là nhóm doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn giá thực phẩm cho thành phố, nhưng đại diện nhóm này phản ánh hiện nay chỉ còn mỗi gói hỗ trợ nguồn vốn là chưa tiếp cận được, trong khi các nhóm giải pháp khác như giảm thuế, VAT, xăng dầu,…đã tiếp cận được phần nào.

Với đặc thù hơn 97% doanh nghiệp vừa và nhỏ trong ngành, các doanh nghiệp phải đi vay ngân hàng, tự lo nguồn vốn, tự đi tìm tài sản thế chấp để được vay trong thời gian qua. “Nhưng ngay cả bỏ qua vấn đề tài sản thế chấp thì hiện nay các ngân hàng lại báo hết room”, bà Chi cho biết.

Phản hồi tại hội nghị, ông Võ Minh Tuấn, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM cho biết, các doanh nghiệp sẽ được tiếp cận nguồn vốn dễ dàng hơn khi các tổ chức tín dụng được cấp thêm hạn mức mới, với khoảng hơn 450.000 tỉ đồng được đưa ra thị trường.

Ngoài ra, ông Tuấn cũng cho biết thêm, các ngân hàng thương mại thẩm định dựa trên phương án của khách hàng. Khi chi phí tăng thì thì ngân hàng sẽ gia tăng mức cho vay thích hợp, đây là điều bình thường. Mặt khác, các ngân hàng cũng sẽ có phương án cho doanh nghiệp được vay một phần không cần tài sản đảm bảo.

“Cái này thuộc về quyền chủ động của ngân hàng, tính khả thi của phương án kinh doanh để ngân hàng và doanh nghiệp tìm được tiếng nói chung”, ông Tuấn nói.

Chia sẻ mới đây, ông Phạm Ngọc Hưng, Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TPHCM (HUBA) cho rằng hiện các doanh nghiệp chưa phản ánh nhiều về lãi suất cao, mà lại nhắc đến nhiều hơn về câu chuyện khả năng tiếp cận vốn. Theo đó, nhu cầu vốn đang tăng lên rất cao nhưng các doanh nghiệp ít có khả năng tiếp cận, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Không chỉ đối diện với việc khó vay hơn khi cung thấp hơn nhiều so với cầu, các doanh nghiệp cũng đối mặt với áp lực gia tăng lãi vay trong thời gian tới khi các loại lãi suất đang dần nhích lên.

Theo báo cáo cập nhật của Công ty chứng khoán Rồng Việt, trong tháng 8, các ngân hàng tiếp tục điều chỉnh tăng lãi suất huy động từ 0,1-0,3 điểm phần trăm, đặc biệt cuộc đua lãi suất huy động đã có sự tham gia của nhóm ngân hàng quốc doanh. Báo cáo của FiinGroup mới đây cũng cho hay lãi suất cho vay trên thực tế đã tăng, bình quân tăng 0,4 điểm phần trăm từ mức rất thấp trong quí 1/2022.

Doanh nghiep xep hang cho vay von 2

Ghi nhận cũng cho thấy nhiều ngân hàng đã tăng lãi suất lên đáng kể, trong đó phần lớn cũng tập trung vào kỳ hạn dài từ 12 tháng trở lên, cũng là cơ sở để điều chỉnh lãi suất cho vay, dẫn đến áp lực lo ngại về lãi suất cho vay đầu ra cũng sẽ tăng theo trong thời gian tới.

Trên thị trường liên ngân hàng, hiện sự điều hành của Ngân hàng Nhà nước vẫn được đánh giá là linh hoạt với nhiều động thái hút - mở cùng bán ngoại tệ liên tục. Tuy nhiên, lãi suất liên ngân hàng, cũng như các loại lãi suất trên thị trường mở đã có xu hướng tăng lên.

Chưa hết, áp lực tăng lãi suất trong trung hạn vẫn còn đó, khi nhiều tổ chức đưa ra dự báo lãi suất điều hành của Việt Nam sẽ điều chỉnh tăng trong quí 3 trở đi. Theo VDSC, các loại lãi suất trên thị trường đều đã tăng trừ lãi suất điều hành. Trong dự báo mới, VDSC cho rằng cơ quan quản lý có thể tăng khoảng 0,5 điểm phần trăm vào đầu năm sau.

Báo cáo kinh tế giữa tháng 8, ngân hàng HSBC cũng đưa ra nhận định tương tự. Trong bối cảnh Fed tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ, quí 3 sẽ là thời điểm bắt đầu chu kỳ thắt chặt của Ngân hàng Nhà nước, khối phân tích của HSBC dự báo.

Doanh nghiep xep hang cho vay von 3

Lãnh đạo các nhà băng đều đồng tình cho rằng lãi suất cho vay gần như chắc chắn đi cùng chiều tăng cùng lãi suất đầu vào của các nhà băng, dưới áp lực của chính sách tiền tệ thắt chặt trên thế giới và lạm phát hiện nay.

Tuy nhiên, phía ngược lại, theo nhóm nghiên cứu của Fiingroup, khả năng tăng mạnh lãi suất trong các tháng còn lại của năm 2022 là tương đối thấp nhờ áp lực lạm phát đang dịu đi và NHNN hiện vẫn định hướng giảm mặt bằng lãi suất cho vay để phục vụ mục tiêu hồi phục kinh tế sau dịch Covid-19.

Cho đến nay, lãnh đạo NHNN vẫn khẳng định sẽ tiếp tục điều hành theo hướng chủ động và linh hoạt, từ đó đảm bảo thanh khoản cho tổ chức tín dụng. Theo đó, NHNN sẽ tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất điều hành nhằm tạo điều kiện để tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn với chi phí thấp, là cơ sở để giảm lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Trưởng đại diện Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tại TPHCM, cho biết lãi suất là thỏa thuận giữa hai bên, căn cứ vào cung cầu vốn trên thị trường và mức tín nhiệm của khách hàng.

Trong bối cảnh lạm phát có xu hướng tăng và nhiều quốc gia thắt chặt chính sách tiền tệ, lãi suất cho vay ngắn hạn dao động từ 5-7%, trung dài hạn từ 7-10%/năm được cho là hợp lý và phù hợp với điều kiện Việt Nam hiện nay.

“Riêng địa bàn TPHCM thì các tổ chức tín dụng sẽ cố gắng giảm chi phí để giảm lãi suất cho vay, tạo điều kiện cho doanh nghiệp cho vay với lãi suất tốt nhất”, ông Minh chia sẻ tại buổi hội thảo về huy động vốn vào tuần trước.

Tính lãi tiền gửi
VNĐ
%/year
month
Tính lãi tiền gửi

Tính toán khoản vay
VNĐ
%/year
month
Tính toán khoản vay