Từ khi Luật Bảo hiểm tiền gửi được Quốc hội thông qua và chính thức có hiệu lực, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (DIV) đã thực thi đồng bộ, hiệu quả nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về bảo hiểm tiền gửi được quy định trong Luật.
Xác định rằng, nâng cao nhận thức công chúng cũng là góp phần bảo vệ quyền lợi người gửi tiền, đảm bảo an toàn hoạt động hệ thống các TCTD, DIV đã đa dạng hóa hình thức, kênh truyền thông chính sách, trong đó có tuyên truyền qua báo chí, qua ấn phẩm, trên hệ thống bưu điện Việt Nam cũng như qua tổ chức sự kiện tuyên truyền…
Nhu cầu thông tin của người gửi tiền rất lớn
Theo khảo sát gần đây của DIV, phần lớn người gửi tiền biết tới thông tin chính sách bảo hiểm tiền gửi qua nơi gửi tiền (59%), 35% thông qua bạn bè, người thân, 25% thông qua truyền hình, phát thanh, 19% qua báo chí, mạng xã hội và chỉ hơn 13% qua các sự kiện tuyên truyền chính sách bảo hiểm tiền gửi tại địa phương.
Có thể thấy, các tổ chức nhận tiền gửi và sự tư vấn của cán bộ làm việc tại đây cũng như việc niêm yết Chứng nhận tham gia bảo hiểm tiền gửi là kênh truyền thông chiếm tỷ trọng lớn nhất, tiếp đó là qua các mối quan hệ xã hội như bạn bè, gia đình. Truyền hình, phát thanh cũng là những kênh truyền thông khá hiệu quả trong việc phổ biến kiến thức về chính sách bảo hiểm tiền gửi đến người gửi tiền. Đối với các kênh truyền thông còn lại, mạng xã hội là loại hình mà DIV chưa sử dụng để tuyên truyền chính sách bảo hiểm tiền gửi nhưng lại có tỷ trọng tương đương với loại hình Báo chí. Đây là một kênh truyền thông đáng lưu ý, cần nghiên cứu xem xét tính khả thi để thực hiện.
Tuy nhiên, chiến lược tiếp cận với từng nhóm đối tượng người gửi tiền cần được DIV xác định rõ. Về lứa tuổi, đối với kênh truyền thông có tỷ lệ tiếp cận lớn nhất là Thông tin từ nơi gửi tiền, có đến gần 50% số người trả lời nằm trong độ tuổi từ 25-39 tuổi và 35% số người nằm trong độ tuổi 40-60 tuổi. Người gửi tiền dưới 24 tuổi tiếp cận qua kênh này chỉ chiếm chưa đến 5% và trên 60 tuổi chỉ khoảng 11%. Như vậy, có thể nhận định rằng người gửi tiền trong độ tuổi lao động có xu hướng tìm hiểu thông tin về chính sách bảo hiểm tiền gửi qua nguồn tổ chức tín dụng nơi họ gửi tiền là chủ yếu. Đối với phương án Mạng xã hội, có đến hơn 40% số người lựa chọn nằm trong nhóm tuổi 25-39, hơn 30% trong độ tuổi 40-60 và 63% sống tại thành thị. Có thể thấy rằng nếu khai thác truyền thông qua mạng xã hội, đối tượng công chúng mục tiêu chính sẽ là người trong độ tuổi lao động tại thành thị.
Cũng theo khảo sát,người gửi tiền cho biết họ muốn được tiếp cận thông tin qua các kênh theo thứ tự như sau: truyền hình (50,5%), mạng xã hội (43,9%), các ứng dụng trên điện thoại di động (36,9%), báo điện tử (34,9%), website DIV (34,2%), sự kiện truyền thông do DIV tổ chức (31,9%), phát thanh (19,6%), báo giấy (13,9%), loa phát thanh tại nơi cư trú (13,2%), tờ rơi (10%). Trong số này, có 2 kênh hiện DIV chưa khai thác đó là mạng xã hội và ứng dụng trên điện thoại di động. Đây là những kênh phù hợp với sự phát triển bùng nổ của công nghệ và số hóa nói chung, và sự phát triển số hóa của ngành ngân hàng nói riêng trong thời đại cách mạnh 4.0. Việc sử dụng các kênh truyền thông trên là phù hợp với xu thế phát triển của xã hội và nhu cầu của người gửi tiền hiện nay. Đây là cơ sở để DIV nghiên cứu sâu hơn khi sử dụng các kênh truyền thông này trong tuyên truyền chính sách bảo hiểm tiền gửi.
Bên cạnh đó, DIV cũng tích cực sử dụng website của mình như một kênh thông tin hữu hiệu, bởi 60% người gửi tiền tham gia khảo sát cho biết họ có truy cập vào website www.div.gov.vn để tìm kiếm thông tin. Đối với câu hỏi về nội dung người gửi tiền muốn tìm hiểu từ website của DIV, hơn 15% người gửi tiền muốn biết thêm thông tin về hoạt động, chính sách mới về bảo hiểm tiền gửi, hơn 18% muốn biết thêm về chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng có liên quan tới người gửi tiền, 7,5% muốn biết thêm về chính sách mới về tài chính - ngân hàng và hơn 74% muốn biết thông tin về tất cả các phương án trên. Điều này cho thấy nhu cầu thông tin về bảo hiểm tiền gửi và tài chính - ngân hàng của người gửi tiền là rất lớn.
Trong thời gian qua, DIV đã tập trung khai thác, xây dựng, phổ biến các thông tin đa dạng, phong phú về cả bảo hiểm tiền gửi và tài chính - ngân hàng trên website của mình để đáp ứng nhu cầu của người gửi tiền. Đồng thời, DIV cũng tập trung vào hai loại thông tin quan trọng là thông tin về hoạt động, chính sách bảo hiểm tiền gửi mới và thông tin về chính sách tiền tệ, ngân hàng có liên quan tới người gửi tiền.
Đối với nhu cầu thông tin về chính sách bảo hiểm tiền gửi trên website của DIV, tỷ lệ lựa chọn đối với các phương án đối tượng được bảo hiểm, tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi, loại tiền gửi được bảo hiểm, hạn mức trả tiền bảo hiểm, thủ tục chi trả bảo hiểm và hoạt động của DIV đều trên 40%. Trong đó, tỷ lệ có nhu cầu thông tin cao nhất là thủ tục chi trả bảo hiểm (60%), hạn mức bảo hiểm (57%) và đối tượng được bảo hiểm (55%). Đây là những gợi ý về nội dung để DIV lưu ý trong quá trình tuyên truyền, phổ biến chính sách bảo hiểm tiền gửi.
Một số đề xuất nhằm nâng cao hiệu quả truyền thông chính sách
Để đáp ứng nhu cầu thông tin về bảo hiểm tiền gửi cũng như tài chính - ngân hàng ngày càng lớn của người gửi tiền, trên cơ sở kết quả khảo sát cũng như quá trình triển khai tuyên truyền thực tế, đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả truyền thông chính sách như sau:
Thứ nhất, nghiên cứu khai thác những kênh truyền thông mới thu hút sự quan tâm của người gửi tiền như ứng dụng trên điện thoại di động, mạng xã hội...; nâng cao chất lượng và đa dạng hóa các kênh truyền thông sẵn có được người gửi tiền quan tâm như website DIV, báo điện tử, truyền hình.
Trong thời gian qua, mặc dù DIV chưa triển khai tuyên truyền một cách chính thức trên mạng xã hội, tuy nhiên đã có tới 16,8% người gửi tiền biết tới tổ chức bảo hiểm tiền gửi thông qua kênh này. Khảo sát cũng đã chỉ ra rằng người gửi tiền có nhu cầu được tiếp cận thông tin về bảo hiểm tiền gửi thông qua các kênh chính như truyền hình, mạng xã hội, ứng dụng trên điện thoại di động, báo điện tử, website DIV và sự kiện truyền thông do DIV tổ chức.
Trong số các kênh truyền thông này, DIV hiện chưa sử dụng mạng xã hội và ứng dụng trên điện thoại thông minh. Do đó, DIV cần chủ động có biện pháp nhằm giám sát những thông tin trên mạng xã hội về chính sách bảo hiểm tiền gửi cũng như DIV, qua đó kịp thời nắm bắt những thông tin phản biện chính sách hay nguyện vọng của người gửi tiền để đưa ra tiếng nói chính thức nhằm gìn giữ niềm tin của người gửi tiền.
Thứ hai, bảo hiểm tiền gửi không tách rời hoạt động ngân hàng, nhưng bảo hiểm tiền gửi có đặc thù là hầu hết các nghiệp vụ không liên quan trực tiếp tới người gửi tiền, trừ nghiệp vụ chi trả. Do đó, để chính sách bảo hiểm tiền gửi đến với công chúng nói chung, người gửi tiền nói riêng cần có giải pháp để TCTD cùng "vào cuộc" trong hoạt động truyền thông về bảo hiểm tiền gửi.
Cụ thể, cần sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm tiền gửitheo hưởng bổ sung trách nhiệm, nghĩa vụ tham gia tuyên truyền của các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi, bởi đây cũng là đối tượng thụ hưởng chính sách. Đồng thời, nghiên cứu đề xuất các giải pháp phù hợp để các TCTD đồng hành với DIV trong truyền thông chính sách bảo hiểm tiền gửi bởi TCTDlà đầu mối trực tiếp giao dịch, tiếp xúc với người gửi tiền, có sự thuận lợi trong việc tuyên truyền chính sách bảo hiểm tiền gửi.
Khảo sát cũng cho thấy nhận biết về bảo hiểm tiền gửi được thực hiện hiệu quả nhất chính là tại nơi người gửi tiền tới giao dịch và gửi tiền với sự tư vấn của cán bộ tổ chức tín dụng cũng như Chứng nhận tham gia bảo hiểm tiền gửi của tổ chức tín dụng được niêm yết ở vị trí “bắt mắt”. Đây là môi trường đặc biệt, nơi hoạt động gửi tiền diễn ra, đồng thời gắn bó với tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi, do đó, tiếp cận tới nhận thức người gửi tiền tại quầy giao dịch của tổ chức tín dụng là con đường ngắn nhất, thiết thực nhất.
Trong 5 năm trở lại đây, BHTGVN đã đẩy mạnh việc tuyên truyền chính sách bảo hiểm tiền gửi tới lãnh đạo và cán bộ của các tổ chức tham gia BHTG, đặc biệt là QTDND. Có thể thấy rằng kết quả trên có một phần không nhỏ đóng góp từ các chương trình truyền thông ấy. Do đó, cần tiếp tục thúc đẩy việc tuyên truyền tới người gửi tiền thông qua các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi, cũng như thắt chặt quan hệ với các tổ chức này để một mặt đưa thông tin chính sách tới với người gửi tiền, mặt khác, qua các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi, thu thập, ghi nhận những phản hồi của người gửi tiền đối với chính sách bảo hiểm tiền gửi.
Thứ ba, bên cạnh các nội dung tuyên truyền về chính sách bảo hiểm tiền gửi, cần truyền thông về hoạt động, hình ảnh của DIV, bởi tổ chức bảo hiểm tiền gửi là cơ quan trực tiếp thực thi chính sách, tiếp xúc với người gửi tiền và có thể coi như một “đại sứ” của chính sách bảo hiểm tiền gửi.
Niềm tin vào chính sách bảo hiểm tiền gửi và hệ thống ngân hàng không thể vững chắc nếu người gửi tiền nói riêng và công chúng nói chung không biết và hiểu về tổ chức bảo hiểm tiền gửi. Mặt khác, cần đẩy mạnh truyền thông nội bộ để xây dựng hình ảnh cán bộ DIV không chỉ nắm vững chính sách, quy định, tinh thông nghiệp vụ mà còn có phương pháp, tác phong làm việc chuyên nghiệp, mỗi cán bộ DIV là một "đại sứ niềm tin" trong cách nhìn của người gửi tiền.
Thứ tư, kết quả khảo sát cho thấy người gửi tiền không chỉ có nhu cầu thông tin về chính sách bảo hiểm tiền gửi mà còn muốn được biết về hoạt động ngân hàng, các thông tin, diễn biến trong hệ thống ngân hàng. Đây cũng là mục tiêu lớn của Đề án phổ biến kiến thức tài chính, thúc đẩy tài chính toàn diện mà Chính phủ, ngành Ngân hàng đang triển khai mạnh mẽ. Chính sách bảo hiểm tiền gửi là một bộ phận không thể tách rời của chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng, và ngược lại, những diễn biến của hoạt động ngân hàng cũng có thể tác động tới người gửi tiền, dẫn tới tác động tới tổ chức bảo hiểm tiền gửi và chính sách bảo hiểm tiền gửi. Do đó, cần kịp thời thông tin tới người gửi tiền những quy định mới về chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng có liên quan tới người gửi tiền một cách chính thống.
Thứ năm, cần đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ, kỹ năng báo chí, truyền thông, kinh nghiệm truyền thôngchính sách, xử lý thông tin cho đội ngũ cán bộ truyền thông, đồng thời tổ chức song song với việc đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, xây dựng đội nhóm và tăng cường phối hợp về truyền thông đối với cán bộ các phòng, ban thuộc hệ thống DIV. Việc nâng cao năng lực cần được thực hiện trên cơ sở đánh giá nhu cầu, xác định điểm thiếu hụt, điểm yếu của cán bộ và của tổ chức để bổ sung, bồi đắp.
Song song với đào tạo kiến thức, kỹ năng, cần định kỳ tổ chức diễn tập ứng phó với các kịch bản truyền thông để bảo đảm kịp thời xử lý các tình huống truyền thông thực tế diễn ra trong hệ thống ngân hàng cũng như đối với DIV.