Thứ ba, 06/05/2025
   

Dấu ấn ngành Ngân hàng trên hành trình xây dựng và phát triển đất nước

Có thể nói trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, giải phóng miền Nam và thống nhất đất nước, chúng ta tự hào về “con đường tiền tệ” với chiến lược và phương pháp thực hiện thông minh, sáng tạo và sự dũng cảm, mưu trí, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ của những cán bộ, chiến sĩ ngành Ngân hàng, đã góp phần đảm bảo đáp ứng yêu cầu về tài chính, tiền tệ phục vụ cho cuộc chiến, đóng góp vào sự thắng lợi lịch sử của dân tộc.
Dấu ấn ngành Ngân hàng trên hành trình xây dựng và phát triển đất nước
Ngành Ngân hàng khẳng định vai trò là một trong những nguồn lực quan trọng đóng góp vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước

Kết quả đó làm dày thêm truyền thống Ngành, là niềm tự hào và trở thành động lực to lớn để ngành Ngân hàng tiếp tục nỗ lực thực hiện nhiệm vụ chính trị, chung tay góp sức trong công cuộc đổi mới và phát triển kinh tế - xã hội đất nước; đặc biệt là công tác điều hành chính sách tiền tệ và những đổi mới mang tính đột phá trong quản lý và tổ chức hoạt động của hệ thống ngân hàng những năm gần đây nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới của nền kinh tế.

Thứ nhất, đổi mới mô hình quản lý từ ngân hàng một cấp sang ngân hàng hai cấp, tách bạch chức năng kinh doanh và chức năng quản lý nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới và phát triển nền kinh tế thị trường nhiều thành phần theo định hướng xã hội chủ nghĩa của đất nước. Theo đó, điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cũng từng bước thay đổi, sử dụng các công cụ chính sách để điều tiết thị trường, tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện để các TCTD đưa vốn vào sản xuất kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế đất nước; Đồng thời mở rộng và phát triển các định chế tài chính hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng theo hướng đa dạng về hình thức sở hữu và loại hình hoạt động (NHTM nhà nước, NHTMCP, ngân hàng có vốn góp nước ngoài, Ngân hàng Hợp tác xã, Công ty tài chính, cho thuê tài chính, Quỹ tín dụng nhân dân…) đảm bảo sự phù hợp với cơ cấu kinh tế nhiều thành phần, tạo động lực phát triển. Đây là những kết quả ấn tượng, nổi bật trong giai đoạn đổi mới, phản ánh chủ trương trúng, đúng và khoa học. Thay đổi này trong điều hành và quản lý của NHNN đã phát huy tối đa các nguồn lực cho sự phát triển của ngành Ngân hàng, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế đất nước.

Thứ hai, cơ chế chính sách về tiền tệ, tín dụng của ngân hàng tạo điều kiện hội nhập, cạnh tranh và phát triển. Khi nền kinh tế đất nước chính thức tham gia hội nhập quốc tế, giai đoạn này mở ra nhiều cơ hội phát triển, song cũng nhiều khó khăn, thách thức. Để thích ứng, chính sách tiền tệ, tín dụng, tỷ giá của NHNN cũng đã có những bước đổi mới để đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế trong bối cảnh mở cửa, đặt ra yêu cầu điều hành linh hoạt, vừa phải đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, vừa đảm bảo thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Qua từng thời kỳ, mỗi giai đoạn phát triển, chính sách tiền tệ luôn được NHNN điều hành chủ động, linh hoạt, thận trọng và hiệu quả, góp phần quan trọng ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Trong đó, chính sách tỷ giá, thị trường ngoại hối, lãi suất và tín dụng đã tạo động lực cho hoạt động kinh tế đối ngoại, xuất nhập khẩu tăng trưởng và phát triển, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế trong suốt thời gian qua; Đồng thời góp phần quan trọng vào xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, thu hút hiệu quả các nguồn vốn (trong nước và nước ngoài) cho phát triển kinh tế đất nước.

Thực tế cho thấy, nền kinh tế Việt Nam đã và đang đối mặt với nhiều cú sốc từ bên ngoài như các cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, đại dịch Covid-19 hay những diễn biến khó lường từ thị trường tài chính và kinh tế thế giới những năm gần đây… Những yếu tố này đã tác động rất lớn đến kinh tế đất nước, đặc biệt là thị trường tài chính tiền tệ trong nước, đồng thời tạo ra áp lực lớn, thách thức khó khăn đối với mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô của Chính phủ. Song, với sự phản ứng chính sách kịp thời, linh hoạt, NHNN đã điều hành hiệu quả các công cụ chính sách tiền tệ, qua đó góp phần quan trọng vào việc ổn định kinh tế vĩ mô, giữ vững giá trị tiền đồng và thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế. Đây là những kết quả nổi bật, mang đậm dấu ấn điều hành chính sách tiền tệ của NHTW trong giai đoạn nền kinh tế hội nhập và phát triển.

Thứ ba, hành lang pháp lý liên quan tới lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng không ngừng được hoàn thiện, từ pháp lệnh đến luật, các nghị định, thông tư… đã tạo nền tảng pháp lý thuận lợi và là động lực quan trọng để thúc đẩy sự phát triển thị trường tiền tệ, hoạt động ngân hàng với những dấu ấn về sự phát triển vượt bậc của các TCTD và dịch vụ ngân hàng.

Những năm qua, quy mô hoạt động của hệ thống TCTD tăng trưởng mạnh. Mạng lưới chi nhánh, phòng giao dịch của các TCTD phủ khắp các tỉnh, thành phố, thậm chí đến tận các đơn vị hành chính cấp xã, phường đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn và dịch vụ ngân hàng cho người dân và doanh nghiệp. Quy mô vốn, tổng tài sản, huy động và cho vay đều tăng trưởng mạnh mẽ, an toàn và hiệu quả. Các dịch vụ ngân hàng ngày càng đa dạng, phong phú, tiện ích. Đặc biệt, với việc kịp thời, tích cực đổi mới, ứng dụng công nghệ hiện đại, các TCTD đã triển khai hiệu quả hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng, phát triển mạnh dịch vụ ngân hàng số, tạo bước đột phá trong hoạt động thanh toán, thay đổi căn bản phương thức giao dịch tài chính, thúc đẩy và mở rộng thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế, đẩy nhanh quá trình tuần hoàn và luân chuyển vốn trong nền kinh tế; nâng cao hiệu quả sử dụng vốn của doanh nghiệp, người dân và toàn bộ nền kinh tế, qua đó góp phần thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Nhìn lại hành trình đổi mới của đất nước nói chung và ngành Ngân hàng nói riêng, nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và gần 40 năm Đổi mới, chúng ta càng thêm tự hào về truyền thống vẻ vang của Ngành - truyền thống yêu nước, đổi mới, sáng tạo và linh hoạt trong quản lý, điều hành. Với những chủ trương đúng đắn và sự điều hành hiệu quả của chính sách tiền tệ, ngành Ngân hàng đã khẳng định vai trò là một trong những nguồn lực quan trọng đóng góp vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Đó cũng là những bài học kinh nghiệm quý báu, vừa là thành quả của quá trình đổi mới, vừa khẳng định đóng góp hiệu quả, thiết thực của ngành Ngân hàng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đồng thời cũng là những trải nghiệm trong quá trình ứng phó, xử lý hiệu quả các tồn tại và thách thức đặt ra từ nền kinh tế hội nhập cũng như khủng hoảng tài chính, lạm phát, đại dịch toàn cầu, biến động thị trường tài chính và các sự cố phát sinh trong quá trình phát triển của một số TCTD.

Tất cả những kết quả đó đều in đậm dấu ấn của chính sách tiền tệ, tín dụng. Việc vận dụng linh hoạt, hiệu quả các công cụ điều hành góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Những thành quả này cũng là niềm tự hào và động lực để mỗi cán bộ, công chức ngành Ngân hàng tiếp tục phát huy truyền thống, chung tay xây dựng ngành Ngân hàng ngày càng phát triển mạnh mẽ; tiếp tục khẳng định vai trò trụ cột của hệ thống ngân hàng đối với nền kinh tế. Đồng thời đóng góp tích cực xây dựng và phát triển trung tâm tài chính quốc tế tại TP. Hồ Chí Minh, tạo động lực mới cho tăng trưởng, phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Tính lãi tiền gửi
VNĐ
%/year
month
Tính lãi tiền gửi

Tính toán khoản vay
VNĐ
%/year
month
Tính toán khoản vay