Thứ ba, 15/10/2024
   

Chuyển đổi số: “Mệnh lệnh” chiến lược

Việc ứng dụng công nghệ số đã giúp thay đổi diện mạo của ngân hàng, tạo ra nhiều giá trị mới như mang đến trải nghiệm cho khách hàng tốt hơn, giảm chi phí vận hành của ngân hàng, nhiều dịch vụ sáng tạo và an toàn bảo mật hơn.

Việc ứng dụng công nghệ số đã giúp thay đổi diện mạo của ngân hàng, tạo ra nhiều giá trị mới như mang đến trải nghiệm cho khách hàng tốt hơn, giảm chi phí vận hành của ngân hàng, nhiều dịch vụ sáng tạo và an toàn bảo mật hơn.
Diện mạo ngân hàng đã thay đổi

Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) bùng nổ đã làm thay đổi sâu sắc nhiều lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, đặc biệt là hoạt động ngân hàng. Các ngân hàng Việt đã sớm chủ động nhập cuộc và có bước tiến mạnh mẽ trong xu hướng tất yếu này.

Nếu như cách đây vài năm, các công nghệ mới trên thế giới như trí tuệ nhân tạo (AI), máy học (Machine Learning), công nghệ Blockchain, Big Data… mới chỉ lác đác được ứng dụng trong sản phẩm, dịch vụ của các ngân hàng thì hiện một số ngân hàng tiên phong chuyển đổi số đã bước vào giai đoạn mới là sáng tạo số. Ở giai đoạn này, cuộc đua ngân hàng số ngày càng khốc liệt, đòi hỏi các ngân hàng phải có bước tiến lớn. Đơn cử, ứng dụng ngân hàng di động nay đã được nâng cấp lên thành ứng dụng ngân hàng số với đầy đủ tính năng từ mở tài khoản, giao dịch tài chính, đầu tư đến các dịch vụ ngoài tài chính như mua sắm, giáo dục, y tế, giao thông… Dịch vụ ngân hàng đã len lỏi vào mọi ngóc ngách của đời sống, kết hợp với các lĩnh vực, ngành nghề để xây dựng hệ sinh thái thông minh, toàn diện.

Hiện một số dịch vụ ngân hàng gần như đã được số hóa 100%, cho phép khách hàng thực hiện tất cả các khâu trong quy trình sử dụng dịch vụ thanh toán từ mở tài khoản, chuyển tiền, thanh toán hóa đơn, đến mở (hoặc tất toán) sổ tiết kiệm, thanh toán thương mại điện tử (e-commerce)… Thực tế đã chứng minh, bất cứ TCTD nào nhận thức, triển khai sớm chuyển đổi số thì nay đã gặt hái được nhiều “trái ngọt.

Ông Trần Hoài Nam - Giám đốc Ngân hàng số TPBank vui mừng chia sẻ, nhờ việc nắm bắt thời cơ, sớm chuyển đổi số, những thành tựu chuyển đổi số có thể đong đếm của TPBank đó là tổng tài sản năm 2022 đạt 329.000 tỷ đồng, tăng 12% so với năm 2021; tổng số khách hàng cá nhân là 9 triệu khách hàng, tăng 39% so với năm 2021; riêng trong năm 2022 có 3,5 triệu khách hàng mới - trung bình mỗi ngày có khoảng 10.000 khách hàng mới.

Với OCB, lãnh đạo ngân hàng này cho biết, trong năm 2022, ứng dụng ngân hàng số OCB OMNI có số lượng người dùng tăng gấp 1,7 lần. Trong đó, khách hàng đăng ký mới tăng 200% so với năm 2021, tổng số lượng giao dịch tăng hơn 83%, qua đó đóng góp tích cực cho thu từ dịch vụ của ngân hàng này trong năm 2022 tăng 29% so với năm 2021.

Nhờ xây dựng thành công hệ sinh thái đa tầng và công nghệ số, ứng dụng VPBank NEO của VPBank cũng đã giúp thu hút thêm hơn 2 triệu khách hàng cho ngân hàng này trong năm 2022, tăng gấp đôi so với năm 2021, đạt 5,2 triệu khách hàng đăng ký sử dụng ứng dụng sau hơn 2 năm ra mắt. Số lượng giao dịch trên nền tảng VPBank NEO và VPBank NEOBiz đã đạt hơn 230 triệu giao dịch, tăng 86% so với 2021. “Trái ngọt” chuyển đổi số có thể đong đếm qua kết quả của ngân hàng này là năm 2022, thu từ phí tăng mạnh 64% so với năm 2021.
3749 20221011 LAN 3806

Theo đánh giá của TS. Nguyễn Quốc Hùng – Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, việc ứng dụng công nghệ số đã giúp thay đổi diện mạo của ngân hàng, tạo ra nhiều giá trị mới như mang đến trải nghiệm cho khách hàng tốt hơn, giảm chi phí vận hành của ngân hàng, nhiều dịch vụ sáng tạo và an toàn bảo mật hơn.

Ba trụ cột chuyển đổi số

Bên cạnh những kết quả tích cực, chúng ta cũng cần thẳng thắn nhìn nhận rằng, quá trình chuyển đổi số ngân hàng vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Chặng đường hiện thực hoá mục tiêu ngân hàng số đúng nghĩa còn gập ghềnh, chông gai. Nhất là trong bối cảnh hiện nay, hoạt động ngân hàng không chỉ dành riêng cho các nhà băng mà có sự tham gia mạnh mẽ của các công ty công nghệ tài chính, công ty công nghệ lớn và các nhà cung cấp dịch vụ phi tài chính khác. Những đối thủ cạnh tranh mới buộc các ngân hàng phải chuyển đổi, thích ứng nếu không muốn bị tụt hậu, thậm chí loại khỏi cuộc chơi.

Tuy nhiên theo các chuyên gia, một chiến lược chuyển đổi số hiệu quả, đúng trọng tâm, không lãng phí nguồn lực, tránh tình trạng “trăm hoa đua nở” là mục tiêu mà các ngân hàng cần hướng tới. Chia sẻ chiến lược chuyển đổi số tại ngân hàng của mình, ông Trần Hoài Nam - Giám đốc Ngân hàng số TPBank cho biết, ba trụ cột giúp chuyển đổi số toàn diện đó là quy trình, con người và công nghệ. Trong đó, công nghệ là “chất xúc tác” quan trọng để chuyển đổi số toàn diện, cần ứng dụng “đúng” và ”đủ” nền tảng công nghệ mới; đầu tư và tối ưu hạ tầng; chuyển đổi số một cách có lộ trình và theo trải nghiệm khách hàng, mục tiêu kinh doanh, tự chủ trong xây dựng và quản trị phát triển các công nghệ lõi. Ngoài ra, thay đổi tư duy con người là chìa khoá của chuyển đổi số thành công. “Định hướng chuyển đổi số – sáng tạo số cần đến từ cấp lãnh đạo cao nhất và lan tỏa cho toàn bộ nhân viên. Chuyển đổi số không phải nhiệm vụ của khối công nghệ mà từng cá nhân trong ngân hàng đều là các mắt xích quan trọng trong công cuộc chuyển đổi số”, ông Nam chia sẻ quan điểm.

Là người có kinh nghiệm lâu năm trong ngành Ngân hàng, TS. Phạm Xuân Hoè gợi ý, các ngân hàng nên xem xét tìm các cổ đông chiến lược nước ngoài, mạnh về vốn, tiềm lực công nghệ cao, năng lực quản trị hiện đại đối với phát triển ngân hàng số để tận dụng kinh nghiệm lợi thế của đối tác này vượt lên trong cuộc đua chuyển đổi số, phát triển ngân hàng số. Với các NHTMCP quy mô nhỏ nhưng mỏng về tiềm lực vốn thì nên chủ động tiến hành hợp nhất, sáp nhập với nhau để cấu trúc lại về thị trường, khách hàng. Đồng thời có điều kiện gọi thêm vốn đầu tư cho công nghệ nhằm thúc đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số.

Ngoài ra, các nhà băng cũng cần thành lập nhóm nghiên cứu chuyên biệt về ứng dụng công nghệ 4.0 trong sáng tạo và phát triển sản phẩm dịch vụ mới hướng tới khách hàng, thực sự lấy khách hàng làm trung tâm; từng bước cá thể hóa sản phẩm theo nhu cầu, sở thích của khách hàng và tiến hành chiến lược maketing tới từng khách hàng qua các kênh mạng xã hội nhằm tận dụng lợi ích tối đa của công nghệ số. Chủ động kết nối với các đối tác, khách hàng lớn tạo lập và dẫn dắt hệ sinh thái cung ứng dịch vụ tài chính gắn liền với hàng hóa, dịch vụ giải trí, du lịch, khách sạn, mua sắm hàng hóa… trọn gói “all in one”.

Nhóm nghiên cứu đến từ Vụ Thanh toán (NHNN) nhận thấy, hiện đang có rất nhiều cơ hội để các nhà băng Việt đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số. Đơn cử như về mặt công nghệ, tự động hóa quy trình bằng rô-bốt (RPA) giúp các TCTD Việt Nam có tiềm năng nâng cao lợi nhuận, hiệu quả hoạt động hay sự nổi lên và ứng dụng các công nghệ mới như mạng Internet di động thế hệ mới (5G/6G), điện toán đám mây, phân tích dữ liệu lớn, Internet kết nối vạn vật…

Xu hướng chuyển đổi số của các ngành, lĩnh vực có liên quan như thương mại điện tử, dịch vụ tiện ích cũng ngày càng phát triển mạnh, tích hợp sâu rộng hơn đối với ngành Ngân hàng, giúp phát triển các hệ sinh thái ngân hàng và các mô hình kinh doanh đổi mới sáng tạo, mang lại nhiều sản phẩm, dịch vụ tiện lợi, chi phí thấp hơn cho khách hàng.

Lãnh đạo Vụ Thanh toán cho biết, để hỗ trợ các TCTD tận dụng tốt cơ hội này, NHNN tiếp tục nghiên cứu, rà soát, sửa đổi hành lang pháp lý, quy định để cho phép ứng dụng các công nghệ số như điện toán đám mây, dữ liệu lớn, chuỗi khối, trí tuệ nhân tạo, máy học... trong hoạt động ngân hàng. Đồng thời, trên cơ sở các nghị định quy định về định danh và xác thực điện tử, nghị định quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân... của Chính phủ, NHNN sẽ tiếp tục hướng dẫn áp dụng để đảm bảo tạo thuận lợi và thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa chuyển đổi số trong ngành Ngân hàng.

Nguồn: thoibaonganhang.vn

Tính lãi tiền gửi
VNĐ
%/year
month
Tính lãi tiền gửi

Tính toán khoản vay
VNĐ
%/year
month
Tính toán khoản vay