Thứ bảy, 15/02/2025
   

Các ngân hàng kiến nghị nhiều giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bứt phá

Theo đại diện các ngân hàng, năm 2025 sẽ là một năm đầy thách thức nhưng cũng mở ra nhiều cơ hội cho ngành Ngân hàng. Để tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức, tại Hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với các ngân hàng thương mại tổ chức sáng ngày 11/2, lãnh đạo các ngân hàng.
ngân hàng
Tổng giám đốc Agribank Phạm Toàn Vượng phát biểu tại Hội nghị

Tổng Giám đốc Agribank Phạm Toàn Vượng: Xem xét có cơ chế riêng tăng vốn cho các ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước

Năm 2025, với định hướng tín dụng ngành ngân hàng năm 2025 tăng khoảng 16%, Ngân hàng Nhà nước đã giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho Agribank tăng gần 13%, tương đương tăng trên 200.000 tỷ đồng. Nếu dư nợ hàng năm tăng thêm 200.000 tỷ đồng, Agribank cần bổ sung thêm 15.000-17.000 tỷ đồng vốn tự có. Do vậy, Agribank đề nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét có cơ chế riêng cho các ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước, trong đó xem xét cấp bổ sung vốn điều lệ từ lợi nhuận thực nộp hàng năm của Agribank, tối thiểu 10.000 tỷ đồng/năm. Cơ chế này bắt đầu từ năm 2025 để Agribank có điều kiện tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao, tập trung tăng trưởng tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, các dự án trọng điểm, dự án nhà ở xã hội, nhà cho người thu nhập thấp,... hướng tới mục tiêu tăng trưởng GDP dự kiến 2 con số giai đoạn 2026-2030.

Agribank hiện ngân hàng duy nhất trong nhóm big 4 chưa cổ phần hóa, nên tăng vốn điều lệ hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn ngân sách nhà nước. Trong khi đó, công tác cổ phần hoá của Agribank còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Lãnh đạo Agribank cũng đề nghị Chính phủ sớm ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 126 năm 2017, Nghị định 140 năm 2020 liên quan đến điều kiện thực hiện cổ phần hóa phù hợp với Luật đất đai năm 2024 và Nghị định 03 năm 2025 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2025) để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho Agribank có thể sớm tiến hành cổ phần hóa trong thời gian tới và cho phép kéo dài việc triển khai thực hiện kế hoạch cổ phần hóa Agribank theo Quyết định 1479 ngày 29/11/2022 của Thủ tướng Chính phủ.

Thời gian qua, mặc dù Agribank đã triển khai quyết liệt các giải pháp xử lý, thu hồi nợ xấu, tuy nhiên nợ xấu vẫn có xu hướng phát sinh tăng trong bối cảnh khó khăn chung của toàn ngành, đặc biệt do ảnh hưởng của cơn bão số 3, gây thiệt hại lớn về người và tài sản; Trong bối cảnh chỉ còn 01 năm thực hiện Phương án cơ cấu lại Agribank, việc thực hiện mục tiêu đưa tỷ lệ nợ xấu, nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu xuống dưới 3% gặp rất nhiều thách thức. Việc xử lý tài sản bảo đảm, thu hồi nợ xấu của ngành ngân hàng cũng như Agribank gặp nhiều vướng mắc, chưa được luật hóa đầy đủ. Agribank đề nghị Chính phủ, Quốc hội và các cấp có thẩm quyền có cơ chế, quy định phù hợp về xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu, hỗ trợ các TCTD có cơ sở pháp lý để xử lý triệt để nợ xấu.

Để triển khai có hiệu quả chương trình một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp vùng Đồng bằng Sông Cửu Long theo quy định tại Quyết định 1490/QĐ-TTg, Agribank đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính, các tỉnh khu vực Tây Nam Bộ cân đối nguồn lực để sớm triển khai đồng bộ cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi,… trong khu vực triển khai đề án; Các địa phương là đầu mối trong việc gắn kết các chủ thể tham gia liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

Đối với Đề án 1 triệu căn hộ Nhà ở xã hội của Chính phủ, để triển khai hiệu quả, các địa phương cần khẩn trương hoàn thành việc lập, sửa đổi, bổ sung Chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở, công khai, giới thiệu quỹ đất đầu tư nhà ở xã hội cho các doanh nghiệp để nghiên cứu, đề xuất đầu tư; cân đối bố trí ngân sách địa phương để khuyến khích, ưu đãi thêm để kêu gọi các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển nhà ở xã hội trên phạm vi địa bàn.

ngân hàng
Toàn cảnh Hội nghị

Chủ tịch HĐQT BIDV Phan Đức Tú: Cần tận dụng tối đa các nguồn lực

Thứ nhất, Đảng, Nhà nước và Chính phủ cần tiếp tục xây dựng các chủ trương và cách thức cải cách tổ chức bộ máy nhà nước, tinh gọn, hiệu quả, và tháo gỡ những điểm nghẽn để đạt được sự đồng bộ và hiệu quả trong các chiến lược phát triển. Từ đó, củng cố niềm tin của người dân và doanh nghiệp, khơi dậy khát vọng cống hiến và khai thác tối đa nguồn lực, tiềm năng của nền kinh tế.

Thứ hai, Chính phủ và các bộ, ngành cần sớm có các quyết sách, chương trình và giải pháp cụ thể nhằm nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế và gia tăng đóng góp từ các lĩnh vực quan trọng. Đặc biệt, Việt Nam hiện là nền kinh tế có độ mở lớn, phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu và đầu tư nước ngoài, chủ yếu từ một số đối tác lớn. Vì vậy, cần xây dựng chiến lược để gia tăng tính tự chủ, tự cường và khả năng chống chịu của nền kinh tế, đồng thời xây dựng các kịch bản ứng phó với các biện pháp cấm vận kinh tế, bảo hộ thương mại và chiến tranh thương mại, đặc biệt là từ các quốc gia lớn như Mỹ. Các giải pháp phòng ngừa và ứng phó là yếu tố quan trọng trong việc duy trì sự ổn định của nền kinh tế vĩ mô, đặc biệt khi Việt Nam đã trở thành quốc gia có thặng dư thương mại lớn thứ ba với Hoa Kỳ, chỉ sau Trung Quốc và Mexico.

Thứ ba, Chính phủ và các bộ, ngành sớm ban hành các quy định phân loại phát triển các dự án xanh, với mục tiêu xây dựng sự tương đồng giữa các tiêu chí xanh của Việt Nam và các tiêu chuẩn quốc tế.

Thứ tư, xác định rõ các lĩnh vực và ngành nghề ưu tiên, đồng thời xây dựng các tiêu chuẩn đánh giá cụ thể để tạo điều kiện thuận lợi cho các ngân hàng cho vay và các doanh nghiệp trong việc xây dựng chiến lược phát triển, đặc biệt là thu hút các dự án xanh.

Thứ năm, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành nghiên cứu thành lập quỹ đầu tư vào các hoạt động gây quỹ và xây dựng chính sách hỗ trợ đầu tư vào các doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp công nghiệp công nghệ số. Trong đó có cơ chế tài trợ, chia sẻ lợi nhuận và xử lý rủi ro phù hợp. Nếu Chính phủ cho phép, các ngân hàng có thể tham gia góp vốn vào các quỹ này thay vì chỉ cho vay thương mại như hiện nay. Với các quy định cho vay hiện tại của các ngân hàng thương mại, việc đầu tư vào các doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp công nghiệp công nghệ số và các doanh nghiệp thử nghiệm công nghệ cao có độ rủi ro lớn sẽ gặp khó khăn. Nếu áp dụng cơ chế chia sẻ rủi ro, ngân hàng có thể sẵn sàng tham gia đầu tư.

Thứ sáu, cần thiết phải xây dựng cơ chế thúc đẩy việc phát triển cơ sở dữ liệu, thông tin về dân cư và cơ chế chia sẻ dữ liệu này, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các ngân hàng trong việc cho vay, đáp ứng nhu cầu sống của người dân.

Thứ bảy, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành hoàn thiện khung pháp lý, phát triển các cơ chế thử nghiệm sandbox, và các cơ chế hợp tác công nghệ ngân hàng. Điều này sẽ tạo điều kiện cho các ngân hàng đẩy mạnh cho vay thông qua các phương tiện điện tử và nền tảng số, giúp cung ứng tín dụng nhanh chóng cho nền kinh tế, đồng thời giảm thiểu chi phí giữa bên vay và bên cho vay.

Thứ tám, Chính phủ, các bộ ngành và NHNN cần có giải pháp nâng cao năng lực tài chính, tín dụng; tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng giảm lãi suất và duy trì mức lãi suất thấp; cho phép ngân hàng các NHTM Nhà nước giữ lại lợi nhuận hàng năm tăng vốn; đồng thời xây dựng cơ chế tái cấp vốn cho các lĩnh vực ưu tiên và các chương trình tín dụng quan trọng mà các tổ chức tín dụng đang triển khai. Trong giai đoạn tới, Việt Nam cần tận dụng tối đa các nguồn lực, đặc biệt là cơ chế tài chính để phục vụ mục tiêu tăng trưởng kinh tế ở mức cao. Vì vậy, tôi đề nghị Chính phủ, các bộ ngành và các tổ chức tín dụng cần có các giải pháp tập trung việc đầu tư an toàn, hiệu quả, tăng cường năng lực quản lý rủi ro, tránh hiện tượng bong bóng tài chính có thể xảy ra.

Chủ tịch HĐQT Vietcombank Nguyễn Thanh Tùng: Tháo gỡ triệt để các khó khăn, vướng mắc về pháp lý cho các dự án bất động sản

Để thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ hơn nữa và kiến tạo nền tảng vững chắc cho đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình, Vietcombank kiến nghị trong thời gian tới chủ trương của Chính phủ sẽ giao cho các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước sẽ triển khai các dự án lớn. Các khách hàng này về cơ bản đã chạm mức giới hạn tối đa cho vay với khách hàng liên quan đến các tổ chức đó rồi, do vậy để thuận tiện trong thời gian tới, cần thiết xem xét nghiên cứu, sửa đổi các quyết định liên quan đến trình tự đề nghị chấp thuận mức cấp tín dụng tối đa vượt giới hạn của các tổ chức tín dụng.

Trên cơ sở khuôn khổ pháp lý đã có những hoàn thiện đáng kể trong năm 2024 (như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản đã được Quốc hội thông qua…), cũng như quy hoạch của 6 vùng kinh tế - xã hội và đại đa số các tỉnh đã được phê duyệt, ngân hàng kiến nghị Chính phủ và các cơ quan liên quan ban hành các văn bản hướng dẫn để thi hành nhằm nhanh chóng tháo gỡ triệt để các khó khăn, vướng mắc về pháp lý cho các dự án bất động sản, giải phóng nguồn cung cho thị trường, đặc biệt ở các phân khúc tiềm năng, tạo ra dư địa cho tăng trưởng tín dụng mới cho cả khách hàng bán buôn và bán lẻ.

Chính phủ nhanh chóng phân định các đầu mối với chức năng, nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng tại các bộ ngành sau khi sắp xếp, tinh giản theo tinh thần Nghị quyết 18 nhằm tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp khi liên hệ công tác, hạn chế khả năng xảy ra tình trạng ùn tắc công việc do chậm xác định được bộ phận/đầu mối xử lý.

Vietcombank kiến nghị xem xét sớm thể chế hóa đầy đủ các chủ trương và chính sách đã nêu tại Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khoa học – công nghệ và chuyển đổi số. Đây cũng là lĩnh vực các ngân hàng rất quan tâm nhằm đáp ứng yêu cầu cạnh tranh và nhu cầu của khách hàng trong thời gian tới; Chính phủ sớm trình Quốc hội phê duyệt áp dụng các biện pháp, giải pháp hỗ trợ theo tinh thần của Luật các TCTD 2024 cho TCTD nhận chuyển giao bắt buộc và TCTD được chuyển giao bắt buộc, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình tái cơ cấu, giúp lành mạnh hóa hệ thống tài chính ngân hàng, tạo dư địa và nguồn lực hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

ngân hàng
Chủ tịch HĐQT TPBank Đỗ Minh Phú cam kết ngân hàng triển khai chính sách tăng trưởng tín dụng hiệu quả, bền vững

Chủ tịch HĐQT TPBank Đỗ Minh Phú: Nâng cao năng lực khai thác dữ liệu, xây dựng mô hình chấm điểm tín dụng dân cư

Các ngân hàng đều đồng hành và sẵn sàng chia sẻ những khó khăn doanh nghiệp. Vì thế tôi tin rằng, với quyết tâm của Ngành ngân hàng, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, đồng thời nền kinh tế đã bước vào một giai đoạn hồi phục thì chắc chắn việc phấn đấu để chúng ta tăng tốc bứt và có thể tăng trưởng tín dụng 16% như đặt ra hoàn toàn khả thi. Nếu như tất cả toàn hệ thống bứt phá, tôi nghĩ chắc chắn là chúng ta sẽ thành công.

Để góp phần hiện thực hóa mục tiêu này, TPBank cam kết triển khai chính sách tăng trưởng tín dụng hiệu quả, bền vững, đảm bảo tăng trưởng tín dụng tối thiểu 16% room tín dụng được cấp và có thể vượt mức tăng trưởng năm 2024 nếu điều kiện thuận lợi.

Chúng tôi cũng có một số ý kiến đề xuất, kiến nghị. Tại thời điểm này có một số dự án BOT còn khó khăn, việc cho phép điều chỉnh tỷ lệ vốn công lên 70% thì chắc chắn sẽ giúp nhà đầu tư yên tâm hơn và ngân hàng yên tâm hơn trong việc đồng hành, qua đó đóng góp vào đột phá về hạ tầng và mục tiêu chung trong năm 2025 có 3 nghìn km đường cao tốc. Cùng với đó, đề xuất Ngân hàng Nhà nước sẽ xem xét đối với các ngân hàng có tham gia cấp tín dụng cho các dự án BOT thì cho phép phần vốn này không tính vào room tín dụng hàng năm.

Về sử dụng dữ liệu dân cư trong hoạt động tín dụng, trong năm nay TPBank sẽ tiếp tục khai thác dữ liệu dân cư theo Đề án 06 để mở rộng tài chính toàn diện, giúp người dân vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu vùng xa - những đối tượng chưa có lịch sử tín dụng - tiếp cận vốn chính thống. TPBank kiến nghị Bộ Công an nâng cao năng lực khai thác dữ liệu, xây dựng mô hình chấm điểm tín dụng dân cư, giúp ngân hàng đánh giá khách hàng chính xác, rút ngắn thời gian xét duyệt và kiểm soát rủi ro. Đồng thời, đề xuất kết nối dữ liệu dân cư với các cơ sở dữ liệu an sinh - xã hội khác (bảo hiểm xã hội, y tế, thuế,…) để tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại định danh và chấm điểm khả tín khách hàng tốt hơn, theo đó phát triển gói tín dụng đặc thù và thúc đẩy tín dụng an toàn. Việc ứng dụng dữ liệu dân cư sẽ giúp đẩy lùi tín dụng đen, mở rộng tín dụng chính thống và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế bền vững.

ngân hàng
TS. Nguyễn Thị Phương Thảo - Nhà sáng lập, Phó Chủ tịch Thường trực HDBank cho biết ngân hàng sẵn sàng nguồn vốn tài trợ cho các doanh nghiệp, ưu tiên lĩnh vực bán dẫn, công nghệ cao

TS. Nguyễn Thị Phương Thảo - Nhà sáng lập, Phó Chủ tịch Thường trực HDBank: Thúc đẩy phát triển thị trường vốn, giảm áp lực lên tín dụng ngân hàng

HDBank kiến nghị Chính phủ thúc đẩy phát triển thị trường vốn, giảm áp lực lên tín dụng ngân hàng, hỗ trợ tăng trưởng dài hạn. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước giữ ổn định lãi suất, hỗ trợ tín dụng nhà ở xã hội, phát triển tín dụng số hóa và điều hành tỷ giá linh hoạt để thúc đẩy xuất khẩu.

Ngân hàng mong tiếp tục nhận được sự hỗ trợ nhanh, kịp thời từ Chính phủ và gân hàng Nhà nước trong quá trình tái cấu trúc DongA Bank theo phương án chuyển giao bắt buộc, nhằm sớm phục hồi hoạt động, tăng cường tín dụng và dịch vụ ngân hàng cho doanh nghiệp, người dân.

Vừa qua đoàn công tác HDBank cùng các đối tác đã gặp Tổng thống Donald Trump, khẳng định quan hệ đối tác chiến lược Việt - Mỹ. Hiện HDBank và các đối tác đang phối hợp thực hiện các hợp đồng 48 tỷ USD với các tập đoàn lớn của Mỹ và đang thương lượng tăng lên 64 tỷ USD, tạo ra 500.000 việc làm cho người Mỹ.

Để góp phần thúc đẩy Chương trình Chuyển đối số Quốc gia, HDBank đã thành lập và hỗ trợ hoạt động của quỹ đầu tư AI và Blockchain nhằm xây dựng các sản phẩm công nghệ “Make-in-Vietnam”; sẵn sàng nguồn vốn tài trợ cho các doanh nghiệp, ưu tiên lĩnh vực bán dẫn, công nghệ cao. Chúng ta đang đứng trước một thời khắc quyết định khi tăng trưởng trên 8% không phải là giấc mơ xa vời, mà là mục tiêu khả thi, nền tảng của giai đoạn phát triển bền vững tiếp theo với GDP tăng 2 con số, khi có hành động quyết liệt, và sự đồng lòng của cả hệ thống. Chính phủ đã tiên phong, doanh nghiệp phải đổi mới, ngân hàng phải đồng hành. Chúng ta sẽ bứt phá mạnh mẽ, không ngại thách thức.

Chủ tịch VIB Đặng Khắc Vỹ: Ngân hàng mong muốn hành lang pháp lý về xử lý nợ xấu sẽ được hoàn thiện

Trong năm 2024 VIB đã có tốc độ tăng trưởng tín dụng tốt và đạt mức cao trong hệ thống, chúng tôi tin tưởng và cam kết sẽ thực thi tăng trưởng tín dụng 2025 bằng con số của năm 2024 thông qua 5 giải pháp. Cụ thể, VIB tăng cường mở rộng các sản phẩm tín dụng và áp dụng chuyển đổi số; mở rộng phân khúc tín dụng thuộc các lĩnh vực trọng tâm của nền kinh tế như khách hàng cá nhân, sản xuất kinh doanh, sản xuất công nghiệp, tiêu dùng, xuất khẩu, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo… Đồng thời, ngân hàng sẽ chủ động linh hoạt cung cấp tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên. Cùng với xu thế chung của cuộc cách mạng công nghệ 4.0, VIB sẽ áp dụng chuyển đổi số trong hoạt động tín dụng, rút ngắn thời gian giao dịch, đánh giá tài sản bảo đảm, thời gian giải ngân vốn. Ngoài ra, theo đúng chủ trương của Chính phủ, gân hàng Nhà nước, ngân hàng tiếp tục nỗ lực tiết giảm chi phí hoạt động, nâng cao tỷ trọng thu nhập từ hoạt động dịch vụ trên tổng thu nhập nhằm thực hiện chủ trương ổn định lãi suất huy động và cho vay.

Tuy nhiên, để có thể hỗ trợ cho việc tăng trưởng tín dụng thời gian tới, ngân hàng mong muốn hành lang pháp lý về xử lý nợ xấu sẽ được hoàn thiện. Hiện việc xử lý tài sản đảm bảo để xử lý nợ xấu tiếp tục gặp khó khăn vướng mắc, khi Nghị quyết 42 không được luật hoá, gây rủi ro rất lớn cho ngành Ngân hàng. VIB cũng như các ngân hàng tin tưởng khi quyền hợp pháp của chủ nợ được đảm bảo, ngành Ngân hàng sẽ tăng được khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp người dân, chi phí tín dụng của người vay được tiết giảm, khách hàng tốt không bị ảnh hưởng bởi những khách hàng không hoặc chưa hiểu về nghĩa vụ trả nợ, không tuân thủ hợp đồng trả nợ. Về phía các TCTD sẽ mạnh dạn cho vay với lãi suất phù hợp.

Tính lãi tiền gửi
VNĐ
%/year
month
Tính lãi tiền gửi

Tính toán khoản vay
VNĐ
%/year
month
Tính toán khoản vay