Thứ tư, 22/01/2025
   

Chuẩn hóa và hạn chế rủi ro trong soạn hợp đồng của TCTD

Ngày 25/5/2024, tại Hà Nội, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) đã khai giảng khóa học (theo hình thức trực tuyến) về “Khung Hợp đồng tín dụng, Hợp đồng bảo đảm tiền vay theo quy định của Bộ luật Dân sự”, nhằm trang bị những kiến thức, kỹ năng cần thiết cho các cán bộ ngân hàng để từng bước chuẩn hóa và hạn chế rủi ro liên quan đến soạn hợp đồng của các TCTD.
hạn chế rủi ro
Ông Nguyễn Thanh Sơn, Giám đốc Trung tâm Đào tạo Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam

Phát biểu khai giảng khóa học, ông Nguyễn Thanh Sơn, Giám đốc Trung tâm Đào tạo VNBA đã thay mặt Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, chào mừng và trân trọng cảm ơn các học viên đã dành thời gian tham dự chương trình đào tạo này.

Theo ông Sơn, Bộ luật Dân sự năm 2015 và được thể hiện trong các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành khác, trong đó, hoạt động cấp tín dụng, hợp đồng tín dụng hay hợp đồng bảo đảm tiền vay thường được các tổ chức tín dụng soạn thảo sẵn theo mẫu để áp dụng nhiều lần cho nhiều khách hàng vay vốn tại các tổ chức tín dụng. Từ đó, phát sinh vấn đề về tính cân bằng quyền lợi của các điều khoản tại các hợp đồng này đối với các khách hàng vay vốn khác nhau.

Mặt khác, hợp đồng là sự tự do thỏa thuận giữa các bên nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc pháp luật không có sự can thiệp, đặc biệt là đối với các trường hợp hợp đồng tín dụng theo mẫu.

Theo pháp luật hiện hành có các quy định về hợp đồng mẫu tại Điều 405 Bộ luật Dân sự năm 2015, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 đối với trường hợp vay tiêu dùng của khách hàng vay theo hợp đồng tín dụng theo mẫu hoặc các văn bản hướng dẫn của Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010, như: Thông tư số 39/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng; Thông tư số 14/2017/TT-NHNN quy định về phương pháp tính lãi trong hoạt động nhận tiền gửi, cấp tín dụng giữa tổ chức tín dụng với khách hàng; Thông tư  số 18/2019/TT-NHNN về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 43/2016/TT-NHNN quy định cho vay tiêu dùng của công ty tài chính.

Hiện một số văn bản quy phạm pháp luật trên đã và đang trong quá trình sửa đổi để phù hợp với thực tiễn. Trong đó, được sửa đổi theo hướng thiết lập khung pháp lý cơ bản để bảo vệ quyền lợi của bên vay trong hợp đồng tín dụng theo mẫu. Vì vậy, tổ chức tín dụng cần lưu ý trong quá trình soạn thảo, thương lượng hợp đồng với bên vay để hạn chế rủi ro có thể phát sinh trong quá trình soạn thảo hợp đồng tín dụng, hợp đồng bảo đảm tiền vay, nhằm từng bước nghiên cứu đi đến thống nhất một mẫu chung, quy chuẩn về hợp đồng tín dụng.

Theo đó, nhằm góp phần nâng cao kiến thức và kỹ năng cần thiết cho các cán bộ của các tổ chức tín dụng hội viên để từng bước chuẩn hóa và hạn chế rủi ro liên quan đến hợp đồng tín dụng, hợp đồng bảo đảm tiền vay cho các Tổ chức hội viên,  VNBA đã chính thức khai giảng khóa học theo hình thức trực tuyến về “Khung Hợp đồng tín dụng, Hợp đồng bảo đảm tiền vay theo quy định của Bộ Luật dân sự”.

Ông Nguyễn Hồng Hải - Cục trưởng Cục Đăng ký Quốc gia Giao dịch bảo đảm, Bộ Tư pháp
Ông Nguyễn Hồng Hải - Cục trưởng Cục Đăng ký Quốc gia Giao dịch bảo đảm, Bộ Tư pháp

Chia sẻ tại buổi đào tạo, ông Nguyễn Hồng Hải - Cục trưởng Cục Đăng ký Quốc gia Giao dịch bảo đảm, Bộ Tư pháp đã truyền đạt các kiến thức nội dung cơ bản của khung pháp lý chung về hợp đồng tín dụng, hợp đồng bảo đảm tiền vay theo quy định của Bộ Luật dân sự 2015, như: Nhận diện bản chất pháp lý; Các yếu tố cơ bản cấu thành hợp đồng tín dụng, hợp đồng bảo đảm tiền vay; Quy trình xác lập, thực hiện, chuyển giao, chấm dứt hợp đồng tín dụng hoặc chấm dứt hợp đồng bảo đảm tiền vay;…

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Hồng Hải cũng chia sẻ những kiến thức chuyên sâu về hợp đồng tín dụng và hợp đồng bảo đảm tiền vay, như: Cơ chế pháp lý xác định bên vay, bên cho vay; thay đổi bên vay, bên cho vay; Cơ chế pháp lý xác định bên bảo đảm, bên nhận bảo đảm, người có nghĩa vụ được bảo đảm; thay đổi bên bảo đảm, bên nhận bảo đảm; Chủ thể có quyền, lợi ích liên quan; Xác lập, thay đổi, chấm dứt đại diện; Nhận diện rủi ro pháp lý liên quan trong thực tế.

Khóa học trực tuyến “Khung Hợp đồng tín dụng, Hợp đồng bảo đảm tiền vay theo quy định của Bộ Luật dân sự"

Ngoài việc chia sẻ kiến thức về những kiến thức quy định của pháp luật và lựa chọn cơ chế pháp lý trong quy định vào hợp đồng tín dụng hoặc hợp đồng bảo đảm. Đồng thời, chia sẻ kiến thức xác định, thực hiện, chuyển giao quyền, nghĩa vụ của các bên và khuyến nghị thực hiện trong các bài thực hành thực tế.

Tại lớp học, ông Nguyễn Hồng Hải đã trả lời nhiều câu hỏi của các học viên liên quan đến phương cách nhận diện, quy trình xác định tài sản vay, lãi suất trong hợp đồng tín dụng và xác định nghĩa vụ được bảo đảm cùng tài sản bảo đảm.

Ngoài ra, cũng trả lời nhiều câu hỏi về cách xác định, thực hiện, chuyển giao quyền, nghĩa vụ của bên cho vay, bên vay, cùng với bên bảo đảm, bên nhận bảo đảm, người có nghĩa vụ được bảo đảm. Đặc biệt là trách nhiệm dân sự và cơ chế giải quyết khi có việc vi phạm nghĩa vụ theo hợp đồng.

Kết thúc khóa học, các học viên đã được trang bị đầy đủ các kiến thức, kỹ năng cần thiết, từ đó hạn chế được các rủi ro liên quan đến hợp đồng tín dụng và hợp đồng bảo đảm tiền vay cho các tổ chức hội viên.

Đ.T

Tính lãi tiền gửi
VNĐ
%/year
month
Tính lãi tiền gửi

Tính toán khoản vay
VNĐ
%/year
month
Tính toán khoản vay