Liên minh Bưu chính thế giới UPU đã trao đổi với ông Phạm Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam về vai trò then chốt của Bưu điện Việt Nam trong Chương trình Chuyển đổi số quốc gia và kế hoạch để phát huy hết tiềm năng này.
Để chuyển đổi số, Chính phủ Việt Nam gần đây đã ban hành một số chính sách và quyết định quan trọng, làm cơ sở cho việc thực hiện chuyển đổi số quốc gia, bao gồm Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030, Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2030 và Chiến lược quốc gia phát triển nền kinh tế số và xã hội số đến năm 2025 tầm nhìn đến năm 2030. Các chiến lược quốc gia này nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển dựa trên tám trụ cột: nhận thức số, thể chế số, hạ tầng số, nguồn nhân lực số, an ninh mạng, chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.
Chuyển đổi số dựa trên ba trụ cột chính gồm chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số có tác động bao trùm đến mọi tổ chức, cơ quan, các tỉnh, thành phố trên toàn quốc. Nó có tác động sâu rộng đến mọi lĩnh vực kinh tế xã hội, góp phần tăng năng suất, đổi mới mô hình sản xuất và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Tại Việt Nam, chuyển đổi số được coi là cuộc cách mạng với sự tham gia của tất cả mọi người. Tuy nhiên, nó chỉ có thể phát huy tác dụng khi mỗi người tích cực tham gia và tận hưởng những lợi ích mà nó mang lại. Do đó, sứ mệnh quan trọng trong việt chuyển đổi số là phổ cập và cá nhân hóa các dịch vụ để phục vụ công dân tốt hơn, chẳng hạn như lĩnh vực giáo dục và chăm sóc sức khỏe. Ngoài ra, chuyển đổi số tạo cơ hội cho người dân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo tiếp cận các dịch vụ trực tuyến một cách công bằng, bình đẳng và nhân văn theo phương châm không ai bị bỏ lại phía sau.
Vai trò của Bưu điện Việt Nam trong chiến lược chuyển đổi số là gì?
Dịch vụ bưu chính đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo dòng chảy vật chất và dòng chảy dữ liệu được thông suốt, hỗ trợ thương mại điện tử, đáp ứng nhu cầu kinh tế xã hội và ứng phó kịp thời với thiên tai, thảm họa và dịch bệnh. Trong Chương trình chuyển đổi số quốc gia, Bưu điện Việt Nam được xác định là cơ sở hạ tầng thiết yếu của quốc gia, hỗ trợ nền kinh tế số, chủ yếu là thương mại điện tử và đóng góp vào sự phát triển của chính phủ số và xã hội số.
Về chính phủ số, Bưu điện Việt Nam là đối tác hàng đầu được Chính phủ tin tưởng giao nhiệm vụ phát triển một số nền tảng số và cung cấp dịch vụ số cho người dân, thông qua dự án “Phát triển nền tảng địa chỉ số cho hộ gia đình Việt Nam”.
Về kinh tế số, với lợi thế mạng lưới rộng khắp cả nước và gần 28.000 điểm phục vụ, 100% điểm phục vụ của bưu điện có người phục vụ tại xã, Bưu điện Việt Nam hỗ trợ thúc đẩy phát triển thương mại điện tử và cung cấp cơ sở hạ tầng cho nền kinh tế số. Doanh nghiệp này đang hỗ trợ các hộ kinh doanh và hợp tác xã địa phương quảng bà và tiêu thụ sản phẩm đến mọi miền đất nước, từ đó thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế số nông nghiệp và nông thôn.
Trong năm 2021 và quý 1 năm 2022, các doanh nghiệp bưu chính đã tham gia vào Chương trình thúc đẩy kinh tế số nông nghiệp và nông thôn như một phần của Chương trình chuyển đổi số quốc gia Việt Nam. Gần 6 triệu hộ sản xuất nông nghiệp đã được tập huấn kỹ năng số để vận hành trên nền tảng thương mại điện tử và khoảng 100.000 sản phẩm nông nghiệp đã được niêm yết trên nền tảng thương mại điện tử do các doanh nghiệp bưu chính Việt Nam thiết lập. Những kết quả đó thu hẹp khoảng cách thương mại điện tử giữa các cộng đồng thành thị và nông thôn.
Về xã hội số, Bưu điện Việt Nam đã trở thành một ngành dịch vụ tham gia vào việc nâng cao chất lượng cuộc sống, đảm bảo phúc lợi xã hội và củng cố lòng tin xã hội. Ngoài ra, Bưu điện còn góp phần vào công tác phòng chống, ứng phó với thiên tai, dịch bệnh và các trường hợp khẩn cấp theo chỉ đạo của Chính phủ.
Ví dụ, trong đại dịch COVID-19, tại các tỉnh thành phố áp dụng giãn cách xã hội, các doanh nghiệp bưu chính đã tích cực tham gia cung cấp các mặt hàng thiết yếu cho người dân bằng cách thành lập 4.346 điểm phân phối các mặt hàng thiết yếu và phân phối 102.974 tấn hàng hóa với tổng giá trị là 994 tỷ đồng.
Bưu điện Việt Nam đã giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các nhóm thiểu số thúc đẩy số hóa toàn diện như thế nào?
Bưu điện Việt Nam là đơn vị đi đầu trong lĩnh vực chuyển đổi số. Với vai trò là nhà khai thác bưu chính quốc gia vận hành mạng bưu chính công cộng, Bưu điện Việt Nam tích cực triển khai các chương trình phổ cập kỹ năng số và các tiện ích số mới tại các vùng sâu, vùng xa, là khu vực có hạn chế về khả năng tiếp cận các lợi ích của chuyển đổi số. Ngoài ra, Bưu điện Việt Nam còn là trung gian thanh toán được cấp phép, cung cấp các ứng dụng di động cho phép chuyển tiền và thanh toán trực tuyến các dịch vụ thiết yếu qua điện thoại thông minh và hoạt động như một kênh kỹ thuật số cho các dịch vụ tài chính và ngân hàng khác. Bưu điện Việt Nam hợp tác với nhiều ngân hàng và các tổ chức tài chính khác để cung cấp dịch vụ thu hộ, chi hộ cho khách hàng một cách an toàn và thuận tiện.
Để hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong hành trình chuyển đổi số, Bưu điện Việt Nam cung cấp các giải pháp quản trị kinh doanh số và các công cụ giám sát hoạt động chuyển phát theo phương thức Giao tiếp lập trình ứng dụng mở Open API tương thích với các hệ thống Công nghệ thông tin hiện có của khách hàng. Cuối cùng, thông qua nền tảng địa chỉ số được liên kết với bản đồ số quốc gia, Bưu điện Việt Nam thúc đẩy hơn nữa sự phát triển của thương mại điện tử và nền kinh tế số.
Bộ Thông tin và Truyền thông của Việt Nam đã hỗ trợ và tạo điều kiện như thế nào để Bưu điện Việt Nam thúc đẩy quá trình chuyển đổi số?
Với tư cách là cơ quan Chính phủ chủ trì thực hiện Chương trình quốc gia về chuyển đổi số của Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) đã thực hiện nhiều giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số của ngành thông tin và truyền thông, trong đó có Bưu điện Việt Nam. Một số giải pháp trọng tâm bao gồm:
- Năm 2021, Bộ TTTT đã triển khai chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ chuyển đổi số, mang lại lợi ích cho 16.000 doanh nghiệp. Vào năm 2022, chương trình này đã được mở rộng với mục tiêu hỗ trợ thêm 30.000 công ty, bao gồm cả các doanh nghiệp bưu chính. Người tham gia chương trình được giảm 50% chi phí khi thuê hoặc mua các nền tảng và giải pháp kỹ thuật số từ danh sách được Bộ phê duyệt.
- Đầu năm 2022, Bộ TTTT đã xây dựng “Chiến lược phát triển Bưu chính đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030” trình Thủ tướng Chính phủ thông qua. Chiến lược đưa ra mục tiêu Bưu điện Việt Nam trở thành cơ sở hạ tầng thiết yếu cho nền kinh tế số và thương mại điện tử, chính phủ số và xã hội số quốc gia, từ đó giúp thực hiện mục tiêu quốc gia số vào năm 2030. Chiến lược cũng xác định chuyển đổi số là công cụ chính để tiếp tục phát triển Bưu điện Việt Nam, đặc biệt nhấn mạnh vào:
- Xây dựng các trung tâm khu vực và các trung tâm vùng phù hợp với quy hoạch của hệ thống logistics quốc gia.
- Xây dựng nền tảng địa chỉ số Việt Nam gắn với bản đồ số quốc gia để hỗ trợ tăng trưởng thương mại điện tử và nền kinh tế số.
- Mở rộng hệ sinh thái dịch vụ bưu chính trên cơ sở ứng dụng công nghệ số.
Những thách thức chính của chuyển đổi số trong lĩnh vực bưu chính là gì và UPU có thể giúp các nước thành viên giải quyết chúng như thế nào?
Theo bản báo cáo của UPU về “Kinh tế số và Bưu chính số - Toàn cảnh thế giới”, các nghiên cứu hoặc báo cáo toàn cầu hoặc khu vực về chuyển đổi số dường như không đề cập cụ thể đến bưu chính. Mặc dù chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ tại hầu hết các ngành của nền kinh tế, nhưng mờ nhạt đối với lĩnh vực bưu chính. Do đó, việc thúc đẩy các chương trình số hóa bưu chính và triển khai các công nghệ tiên tiến để nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành và sản xuất kinh doanh bưu chính là hết sức cần thiết.
Tại Việt Nam, trong khi thực hiện chuyển đổi số bưu chính, chúng tôi đã gặp phải một số thách thức, đó là:
- Do đặc thù của ngành bưu chính, nhiều công đoạn vẫn thực hiện thủ công và do đó đòi hỏi lực lượng lao động lớn với thời gian xử lý dài, khiến cho quá trình chuyển đổi số không được tiến hành nhanh chóng và toàn diện.
- Các doanh nghiệp bưu chính chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, nguồn lực và vốn đầu tư vào công nghệ còn hạn chế nên chưa phát triển được các giải pháp công nghệ, nền tảng số hỗ trợ sản xuất kinh doanh.
- Nhân viên bưu điện gặp khó khăn trong việc sử dụng, ứng dụng công nghệ mới trong quản lý và điều hành doanh nghiệp do thiếu kỹ năng số.
Để giúp các thành viên của Liên minh vượt qua những thách thức này, theo quan điểm của chúng tôi, UPU có thể xem xét một số hành động sau:
1. Tiến hành nghiên cứu, đánh giá lợi ích và thách thức của chuyển đổi số trong lĩnh vực bưu chính, từ đó các nước thành viên có thể tham khảo và làm căn cứ xây dựng chính sách của mình;
2. Phát triển một số nền tảng kỹ thuật số chính cung cấp cho các nhà khai thác bưu chính được chỉ định dùng chung nhằm giúp họ tiết kiệm nguồn lực;
3. Nghiên cứu khả năng hình thành quỹ hỗ trợ chuyển đổi số cho các quốc gia đang và kém phát triển (tương tự như Quỹ Chất lượng Dịch vụ của UPU - QSF).
Cuối cùng, UPU cần thúc đẩy các dự án hỗ trợ kỹ thuật của mình, vốn rất cần thiết để hỗ trợ các nước thành viên trong việc nghiên cứu và phát triển các nền tảng kỹ thuật số đáp ứng nhu cầu của họ.