Công an quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội đang phối hợp với các cơ quan chức năng xác minh, điều tra vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền là gần 400 triệu đồng.
Trên website congan.hanoi.gov.vn, Công an thành phố Hà Nội đã cho biết, vào ngày 18/9, Công an phường Yên Sở, quận Hoàng Mai đã tiếp nhận tin trình báo của ông T, sinh năm 1958, trú tại quận Hoàng Mai về việc bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo nội dung ông T trình báo, ông nhận được tin nhắn của một số điện thoại lạ với nội dung: “Tài khoản của bạn sẽ bị ngừng dịch vụ vào ngày 18/9/2021 lúc 22:00. Vui lòng vào www:mxsccb.com để kiểm tra”. Khi ông T đăng nhập vào đường link trên tin nhắn điện thoại thì phát hiện tài khoản của mình đã bị rút mất 399 triệu đồng. Lúc này ông T mới biết mình bị lừa và đến cơ quan công an trình báo.
Công an thành phố Hà Nội khuyến cáo người dân không cung cấp thông tin cá nhân qua tin nhắn SMS, email, phần mềm chat Zalo, Facebook … và không truy cập vào đường link với nội dung giả mạo ngân hàng như trên.
Khi nhận các tin nhắn nghi vấn, không rõ ràng, người dân có thể gọi điện trực tiếp lên tổng đài chăm sóc khách hàng của ngân hàng để kiểm tra lại thông tin và phản ánh tin nhắn giả mạo tới ngân hàng và các cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý kịp thời.
Ngoài ra, người dân cần thường xuyên thay đổi mật khẩu đăng nhập tài khoản Internet Banking, Smartbanking và có biện pháp để quản lý, bảo mật các thông tin này. Tuyệt đối không cung cấp, không nhập mã OTP cho người lạ để tránh mắc bẫy của các đối tượng lừa đảo.
Chia sẻ tại tọa đàm cấp cao Lãnh đạo CNTT và an toàn thông tin chủ đề “Nâng cao năng lực ứng phó thách thức an toàn, an ninh mạng trong tình hình mới” diễn ra ngày 9/9, ông Trần Quang Hưng, Giám đốc Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC) cho biết, trong 4 tháng gần đây, khi làn sóng dịch Covid-19 thứ tư bùng phát tại Việt Nam, các hoạt động lừa đảo trực tuyến đã tăng rất mạnh.
"Có tháng Trung tâm NCSC đã phải xử lý hàng nghìn website liên quan đến lừa đảo, giả mạo các dịch vụ trực tuyến của ngân hàng, sàn thương mại điện tử.... Đây là nguy cơ rất lớn với người dùng”, ông Trần Quang Hưng nhấn mạnh.
Cũng tại tọa đàm, chuyên gia Viettel Cyber Security cho hay, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, tấn công lừa đảo ngày càng gia tăng , đe dọa người dùng trên thế giới cũng như tại Việt Nam. Dẫn nguồn số liệu thống kê Statista, vị chuyên gia này thông tin: Trên thế giới số lượng email lừa đảo bùng phát mạnh, tăng tới 600% so với trước thời điểm dịch Covid-19. Các vụ lừa đào trực tuyến đã tới 51% so với trước thời điểm dịch Covid-19.
Còn tại Việt Nam, ghi nhận từ hệ thống của Viettel Cyber Security, chỉ trong nửa đầu năm nay, số lượng tên miền lừa đảo đã lên tới 3.000, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Cùng với đó, trong nửa đầu năm 2021, đã có khoảng 97.000 tài khoản tại Việt Nam bị lộ, trong đó có 2.000 tài khoản lĩnh vực ngân hàng.
Theo số liệu của Bộ TT&TT, trong 8 tháng đầu năm nay, trong tổng số 5.082 cuộc tấn công mạng gây ra sự cố vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam đã được Cục An toàn thông tin ghi nhận, có 1.212 cuộc tấn công lừa đảo Phishing, chiếm gần 24%.
Đáng chú ý, chỉ trong 3 tuần từ ngày 23/8 đến ngày 12/9, đã có tới 369 phản ánh trường hợp lừa đảo do người dùng Internet Việt Nam thông báo về Trung tâm NCSC thông qua hệ thống canhbao.ncsc.gov.vn. Qua kiểm tra, phân tích, có nhiều trường hợp như lừa đảo giả mạo website của các ngân hàng, giả mạo ví điện tử Momo để lừa tiền, giả mạo sàn thương mại điện tử Shopee và một số công ty lớn tại Việt Nam...
Các chuyên gia Trung tâm NCSC khuyến nghị người dùng cảnh giác, đề phòng cao độ để bảo vệ mình và người thân. Bên cạnh đó, người dùng cần chủ động báo cáo trang web không an toàn và có dấu hiệu lừa đảo tại website canhbao.ncsc.gov.vn.
Theo ICTnews