Ngày 25/5/2023 tại Hà Nội, Viện Chiến lược Ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp cùng nhóm nghiên cứu tổ chức Hội thảo phổ biến kết quả nghiên cứu Dự án khoa học và công nghệ cấp Bộ “Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam - Thực trạng và giải pháp giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030”. Dự án do Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng làm chủ nhiệm.
Quang cảnh Hội thảo phổ biến kết quả nghiên cứu Dự án “Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam - Thực trạng và giải pháp giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030”
Theo kết quả nghiên cứu, sau 5 năm triển khai hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam đã có nhiều chuyển biến mạnh mẽ, về cơ bản đã đạt được các mục tiêu tổng quát đề ra. Tuy nhiên, hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán ở Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn khởi đầu, cơ chế thanh tra, kiểm tra, giám sát vẫn cần được tiếp tục hoàn thiện nhằm đáp ứng tình hình thực tế.
Theo số liệu tính đến hiện nay, có 11,9 triệu tài khoản được mở bằng phương thức e-KYC, trong đó có 10,8 triệu tài khoản đang hoạt động; thanh toán bằng phương thức QR Code tăng trưởng trong suốt giai đoạn 2020 - 2023; 90% giao dịch khách hàng của một số ngân hàng được thực hiện qua kênh số, nhiều dịch vụ của ngân hàng đã 100% số hoá hoàn toàn. Hiện nay, 3 nhà mạng được thí điểm triển khai Mobile Money và đã có 2,835 triệu tài khoản được mở, 71% số tài khoản và hơn 62% điểm giao dịch được mở ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.
Đặc biệt, trong bối cảnh phát triển của các phương tiện, dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, tội phạm trong lĩnh vực công nghệ cao, thanh toán điện tử gần đây có những diễn biến phức tạp với những hành vi, thủ đoạn mới, tinh vi hơn, do đó các biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn cho các dịch vụ thanh toán dựa trên công nghệ cao cần tiếp tục được tăng cường.
Cụ thể, khuôn khổ pháp lý, cơ chế chính sách liên quan đến hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt đã cơ bản được bổ sung, hoàn thiện. Công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến kiến thức về thanh toán không dùng tiền mặt được tăng cường với nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Tỷ lệ tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán tuy chưa được như kỳ vọng, nhưng có xu hướng giảm dần qua các năm.
Cùng với đó, công tác đảm bảo an ninh, an toàn và hiệu quả hoạt động của các hệ thống thanh quyết toán, các dịch vụ, phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt được coi trọng và tăng cường. Cơ sở hạ tầng và công nghệ phục vụ thanh toán không dùng tiền mặt (nhất là thanh toán điện tử) tiếp tục được chú trọng đầu tư, nâng cao chất lượng, phát huy hiệu quả, đáp ứng tốt hơn nhu cầu thanh toán ngày càng tăng của xã hội và thích ứng với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế. Vấn đề bảo vệ người tiêu dùng trong hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt cũng ngày được quan tâm, đẩy mạnh.
Ngoài ra, thanh toán điện tử có sự phát triển mạnh mẽ; số lượng và giá trị giao dịch thanh toán qua Internet Banking, Mobile Banking tăng trưởng mạnh; các hệ sinh thái thanh toán số đang dần được hình thành và phát triển, tạo cơ sở và tiền đề cho sự phát triển ngân hàng số. Thanh toán thẻ, thanh toán qua thiết bị chấp nhận thẻ tăng trưởng nhanh; tỷ lệ người dân có tài khoản tại ngân hàng ở mức khá cao. Các dịch vụ, phương tiện thanh toán được phát triển mạnh và đa dạng. Hoạt động quản lý, thanh tra, kiểm tra, giám sát trong lĩnh vực thanh toán, trung gian thanh toán được quan tâm và tăng cường, góp phần bảo đảm sự hoạt động ổn định, an toàn và hiệu quả của hoạt động thanh toán trong nền kinh tế, góp phần vào công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và tội phạm kinh tế.
Đồng thời, cũng chỉ ra một số vướng mắc, hạn chế trong việc phát triển thanh toán không dùng tiền mặt liên quan đến hành lang pháp lý; về cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ hoạt động thanh toán; thanh toán trực tuyến trong thương mại điện tử còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng phát triển; việc triển khai thanh toán không dùng tiền mặt trong lĩnh vực y tế, giáo dục, chi trả an sinh xã hội còn khá khiêm tốn.
Vì vậy, để phát triển hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt trong giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030, nhóm nghiên cứu Dự án xác định tập trung vào xây dựng 07 nhóm giải pháp quan trọng và toàn diện bao gồm: (1) Hoàn thiện hành lang pháp lý và cơ chế, chính sách về thanh toán không dùng tiền mặt; (2) Nâng cấp, phát triển hạ tầng thanh toán hiện đại, hoạt động an toàn, hiệu quả và có khả năng kết nối, tích hợp với các hệ thống khác; (3) Phát triển các dịch vụ thanh toán hiện đại, ứng dụng thành tựu của CMCN 4.0; (4) Đẩy mạnh thanh toán điện tử trong khu vực chính phủ, dịch vụ hành chính công; (5) Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, đảm bảo an ninh, an toàn và áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế trong hoạt động thanh toán; (6) Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, đào tạo, hướng dẫn và bảo vệ người tiêu dùng trong thanh toán không dùng tiền mặt; (7) Tăng cường cơ chế phối hợp thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt.
Theo SBV