Xử lý tổ chức tín dụng yếu kém là một trong những nghiệp vụ quan trọng của các tổ chức bảo hiểm tiền gửi (BHTG) tiên tiến. Theo nguyên tắc 14, Bộ nguyên tắc cơ bản phát triển hệ thống BHTG hiệu quả của Hiệp hội BHTG quốc tế (IADI): “Cơ chế xử lý đổ vỡ hiệu quả cho phép tổ chức BHTG thực hiện chức năng bảo vệ người gửi tiền và đóng góp vào sự ổn định tài chính. Khuôn khổ luật pháp cần quy định cơ chế xử lý đặc biệt”.
Kinh nghiệm xử lý tổ chức tín dụng yếu kém
BHTG Hàn Quốc
Tại Hàn Quốc, việc xử lý tổ chức tín dụng (TCTD) yếu kém hiện đang áp dụng các biện pháp: Mua lại và tiếp nhận (P&A); Ngân hàng bắc cầu; Mua bán, sáp nhập; Hỗ trợ tài chính và chi trả tiền gửi để xử lý, cơ cấu lại các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi (TCTGBHTG) yếu kém. Việc xử lý TCTGBHTG yếu kém tại Hàn Quốc được chia ra 2 trường hợp tùy thuộc vào tầm ảnh hưởng của TCTGBHTG đó đến hệ thống tài chính quốc gia.
Đối với TCTGBHTG không mang tầm quan trọng hệ thống, Tổng công ty bảo hiểm tiền gửi Hàn Quốc (KDIC) hỗ trợ các TCTD gặp khó khăn thông qua các biện pháp như P&A, ngân hàng bắc cầu và chi trả tiền gửi. Sau khi so sánh chi phí của các biện pháp xử lý có thể áp dụng, KDIC sẽ lựa chọn hình thức có mức chi phí tối thiểu.
Đối với TCTGBHTG có tầm ảnh hưởng hệ thống, KDIC thực hiện hỗ trợ thông qua biện pháp mua bán, sáp nhập và hỗ trợ tài chính để TCTGBHTG tự phục hồi. Trường hợp ngân hàng phá sản có thể tác động nghiêm trọng đến ổn định của hệ thống tài chính, KDIC có thể sử dụng các biện pháp xử lý không theo nguyên tắc “chi phí tối thiểu” với điều kiện 2/3 thành viên Ủy ban BHTG tán thành. Khi việc khôi phục hoạt động đối với tổ chức đổ vỡ được xác định là cần thiết và hiệu quả, KDIC sẽ nhận được chỉ định của tòa án ủy thác việc quản lý và giải quyết phá sản với những quyền lực đặc biệt bất kể pháp luật có thể có những quy định khác.
Nhiệm vụ và quyền hạn trong giám sát lĩnh vực tài chính ở Hàn Quốc được phân bổ rõ ràng cho 5 cơ quan, gồm: Ủy ban dịch vụ tài chính Hàn Quốc, Uỷ ban giám sát tài chính Hàn Quốc, Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc, KDIC và Bộ Kinh tế và Tài chính Hàn Quốc. Đồng thời với hệ thống pháp lý đầy đủ và ổn định, tương ứng với luật điều chỉnh các lĩnh vực khác trong hoạt động tài chính đã giúp cho KDIC có vị thế độc lập tương đối và chủ động trong phối hợp với các cơ quan khác trong mạng an toàn tài chính để xử lý đổ vỡ ngân hàng và khủng hoảng tài chính tại Hàn Quốc một cách hiệu quả, góp phần khôi phục ổn định hệ thống tài chính ngân hàng và ổn định kinh tế vĩ mô tại Hàn Quốc.
BHTG Indonesia
Hiện Indonesia đang áp dụng các biện pháp xử lý các TCTD như: P&A; Ngân hàng bắc cầu; Cấp vốn tạm thời; Thanh lý để xử lý, cơ cấu lại TCTD yếu kém. Quy trình thực hiện cơ cấu lại TCTD yếu kém của Tổng công ty Bảo hiểm tiền gửi Indonesia (IDIC) bao gồm các bước: tiếp cận sớm; xử lý và thanh lý.
Ở giai đoạn tiếp cận sớm, ngân hàng trải qua 3 giai đoạn là giám sát bình thường, giám sát tăng cường và giám sát đặc biệt. Khi các ngân hàng trong tình trạng bình thường, IDIC chỉ thực hiện giám sát nhằm mục đích tự chuẩn bị để đề phòng tình trạng ngân hàng có thể xấu đi trong ngắn hạn. Khi ngân hàng bị đặt dưới tình trạng giám sát tăng cường và Cơ quan dịch vụ tài chính (FSA) cho rằng sẽ sớm chuyển sang giám sát đặc biệt, IDIC sẽ thực hiện kiểm tra tại chỗ để chuẩn bị cho quá trình xử lý ngân hàng. Trong giai đoạn giám sát đặc biệt, IDIC yêu cầu ngân hàng duy trì hoạt động, đồng thời, IDIC tiến hành thẩm định, chuẩn bị cho việc bảo toàn dữ liệu và kiểm tra chi phí tối thiểu. Ở cuối giai đoạn giám sát đặc biệt, ngân hàng sẽ được tuyên bố đổ vỡ, IDIC sẽ tiếp nhận ngân hàng đổ vỡ để chuyển sang giai đoạn xử lý.
Việc xử lý ngân hàng đổ vỡ được chia thành 2 trường hợp, tùy thuộc vào tầm ảnh hưởng của ngân hàng đó đối với hệ thống tài chính. Đối với ngân hàng có tầm ảnh hưởng hệ thống có 3 lựa chọn xử lý bao gồm: P&A, ngân hàng bắc cầu và cấp vốn tạm thời. Khi ngân hàng ảnh hưởng hệ thống bị đặt dưới tình trạng giám sát đặc biệt và FSA cho rằng tình trạng ngân hàng không thể phục hồi, FSA sẽ đề nghị mở cuộc họp Ủy ban ổn định tài chính, bao gồm đại diện từ các thành viên trong mạng an toàn tài chính. Cuộc họp này sẽ quyết định biện pháp xử lý và IDIC sẽ đóng vai trò thực thi. Đối với ngân hàng không có tầm ảnh hưởng hệ thống, IDIC sẽ thực hiện tính toán chi phí tối thiểu, triển vọng kinh doanh của ngân hàng để quyết định có giải cứu ngân hàng hay không. Trong trường hợp IDIC quyết định không giải cứu ngân hàng, FSA sẽ thu hồi giấy phép của ngân hàng và IDIC tiến hành thanh lý ngân hàng, thực hiện chi trả cho người gửi tiền.
Để có thể phòng ngừa và giải quyết khủng hoảng của hệ thống tài chính, thẩm quyền giám sát và xử lý khủng hoảng được quy định rõ ràng cho các thành viên của Ủy ban ổn định tài chính, bao gồm: Bộ Tài chính - cơ quan điều phối khủng hoảng và đưa ra chính sách tài khóa; Cơ quan dịch vụ tài chính - có trách nhiệm quản lý, giám sát tài chính và quản lý an toàn vĩ mô; Ngân hàng Trung ương Indonesia - có trách nhiệm quản lý an toàn vĩ mô và là cơ quan cho vay cuối; IDIC - có trách nhiệm BHTG và xử lý ngân hàng. Với hệ thống cơ sở pháp lý đồng bộ và tương đối rõ ràng, cùng với cơ chế phối hợp và trao đổi thông tin giữa các thành viên trong Ủy ban ổn định tài chính, IDIC có thể chủ động thu thập thông tin, xây dựng phương án xử lý và triển khai biện pháp xử lý phù hợp, tiết kiệm chi phí nhất từ đó góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống tài chính ngân hàng.
Khuyến nghị đối với Việt Nam
Từ kinh nghiệm xử lý tổ chức tín dụng yếu kém, đổ vỡ của các tổ chức BHTG trên thế giới, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm đối với hoạt động BHTG ở Việt Nam, cụ thể:
Cần xây dựng một hệ thống pháp lý đầy đủ và ổn định, tương ứng với luật điều chỉnh các lĩnh vực khác trong hoạt động tài chính để Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) có thể chủ động trong phối hợp với các cơ quan khác trong mạng an toàn tài chính để xử lý khi có đổ vỡ xảy ra.
Xây dựng quy định về hệ thống tiêu chí để chia các tổ chức tham gia BHTG yếu kém thành 2 nhóm: (i) có tầm ảnh hưởng hệ thống và (ii) không có tầm ảnh hưởng hệ thống trong quá trình cơ cấu lại. Từ đó làm căn cứ để lựa chọn biện pháp xử lý phù hợp với từng nhóm, đảm bảo mục tiêu xử lý dứt điểm được các TCTGBHTG yếu kém nhưng hạn chế các tác động xấu đến an toàn và sự ổn định của hệ thống tài chính ngân hàng.
Áp dụng tính toán chi phí tối thiểu làm cơ sở để lựa chọn, xem xét, phê duyệt chủ trương phương án cơ cấu lại đối với các TCTGBHTG yếu kém cũng như cơ sở để đánh giá tính khả thi các phương án cơ cấu lại. Đây là nội dung quan trọng để cơ quan xử lý, đơn vị tham gia phối hợp có cơ sở xem xét, quyết định việc xử lý TCTGBHTG yếu kém.
Cần có cơ chế chia sẻ thông tin một cách chặt chẽ giữa BHTGVN với các cơ quan trong mạng lưới an toàn tài chính để BHTGVN có thể thu thập, tiếp cận thông tin về tổ chức tham gia BHTG từ giai đoạn hoạt động bình thường đến giai đoạn có dấu hiệu can thiệp sớm hay đang trong giai đoạn kiểm soát đặc biệt một cách tổng hợp, xuyên suốt.
Xây dựng nguồn lực tài chính đủ mạnh để BHTGVN tham gia sâu hơn vào quá trình cơ cấu lại TCTGBHTG, tham gia vào quá trình kiểm soát đặc biệt, tham gia quản trị, điều hành quỹ tín dụng nhân dân được kiểm soát đặc biệt.
Tiếp tục nâng cao trình độ cán bộ trong toàn hệ thống, phối hợp với các cơ quan, đơn vị tổ chức các khóa đào tạo về xử lý tổ chức tín dụng yếu kém để đảm bảo cán bộ BHTGVN có kiến thức kinh tế, am hiểu pháp luật, có kinh nghiệm thực tế về lĩnh vực tài chính ngân hàng. Việc đào tạo này không chỉ giới hạn trong các cán bộ nghiệp vụ mà cần được đào tạo cho tất cả các cán bộ tại các bộ phận của BHTGVN để khi cần thiết có thể điều động nhân sự từ các bộ phận có liên quan cùng phối hợp tham gia thực hiện xử lý tổ chức tín dụng yếu kém, để có thêm nguồn nhân lực phục vụ quá trình xử lý, giảm tải công việc và nhờ đó tăng hiệu quả công việc cho cán bộ.
Theo DIV