Tính đến 31/12/2024, tổng tài sản Vietcombank lần đầu vượt mốc 2 triệu tỷ đồng, tăng 13% so với mức thực hiện cuối năm 2023. Tổng tài sản tăng trưởng tập trung vào hoạt động cấp tín dụng cho nền kinh tế và hoạt động điều tiết nguồn vốn hiệu quả trên thị trường liên ngân hàng. Huy động vốn từ thị trường I đạt 1,53 triệu tỷ đồng, tăng hơn 8% so với năm 2023, hoàn thành 100% kế hoạch.
Tổng dư nợ cấp tín dụng đạt trên 1,44 triệu tỷ đồng, tăng gần 14%. Tín dụng bán buôn và bán lẻ đều tăng trưởng tốt, lần lượt hơn 15% và 12% so với năm 2023. Tăng trưởng tín dụng luôn đi đôi với công tác kiểm soát chất lượng tín dụng đảm bảo thực hiện theo đúng phương châm tăng trưởng an toàn, bền vững và hiệu quả. Tỷ lệ nợ xấu ở mức 0,97%, tốt hơn mặt bằng chung và trong mức trần kiểm soát của Ngân hàng Nhà nước và Đại hội đồng cổ đông. Thu nợ ngoại bảng tăng 79% so với năm 2023.
Nhờ thực hiện các giải pháp căn cơ tăng thu nhập và tiết giảm chi phí, Vietcombank tiếp tục là ngân hàng số 1 về quy mô lợi nhuận với cơ cấu nguồn thu đa dạng. Lợi nhuận trước thuế tiếp tục cao nhất ngành ngân hàng và hoàn thành kế hoạch do Ngân hàng Nhà nước, Đại hội đồng cổ đông giao.
Các chỉ số sinh lời NIM, ROA, ROE đạt ở mức cao, lần lượt là 3,04%; 1,7%; 18,5%. Doanh số thanh toán quốc tế, tài trợ thương mại tăng 20% so với năm 2023, hoàn thành 108% kế hoạch; thị phần đạt 19,82%, cao nhất toàn ngành. Doanh số thanh toán và sử dụng thẻ tăng trưởng mạnh 58% so với năm 2023, hoàn thành 140% kế hoạch.
Công tác phát triển khách hàng mới đạt kết quả đáng ghi nhận, số lượng khách hàng mới tăng trưởng 2 con số so với năm 2023. Phát triển khách hàng VCB Digibiz mới tăng 50%; khách hàng Priority mới tăng 48%....
Vào ngày 17/10/2024, Vietcombank chính thức nhận chuyển giao bắt buộc Ngân hàng thương mại TNHH một thành viên Xây dựng Việt Nam (CB) theo phương án được Chính phủ phê duyệt, khẳng định vai trò đối với việc thực hiện chủ trương của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước trong việc tái cơ cấu các tổ chức tín dụng.
Đến ngày 30/11/2024, Vietcombank đã được tăng vốn điều lệ lên mức 83.600 tỷ đồng, cao nhất trong hệ thống tổ chức tín dụng. Tổng số nộp ngân sách nhà nước năm 2024 đạt gần 12.000 tỷ đồng, với tích lũy 5 năm, trên 48.000 tỷ đồng và là một trong những doanh nghiệp đóng góp lớn nhất cho ngân sách nhà nước.
Về phát triển bền vững, Vietcombank đã tổ chức triển khai các giải pháp tại Đề án Ngân hàng xanh - một cấu phần trọng yếu của chiến lược phát triển đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, năm 2024, Vietcombank phát hành thành công 2.000 tỷ đồng trái phiếu xanh để tài trợ các dự án thuộc lĩnh vực bảo vệ môi trường và mang lại lợi ích về môi trường. Sự kiện được đánh giá cao với xếp hạng Medium Green (mức thứ 2/6 bậc theo Khung đánh giá Shade of Green của S&P Global).
Ngoài ra, ngân hàng cũng là đầu mối thu xếp vốn cho hàng loạt các dự án trọng điểm quốc gia như Chuỗi dự án khí Lô B giữa PVN và EVN, Dự án thành phần 3 - Các công trình thiết yếu trong cảng hàng không thuộc “Dự án đầu tư xây dựng Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành - Giai đoạn 1”; Dự án Mở rộng đoạn TP Hồ Chí Minh - Long Thành thuộc Dự án đường bộ cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây…
Tổng dư nợ tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên tăng 10% so với cuối năm 2023, chiếm 40% tổng quy mô tín dụng. Trong đó, tín dụng xanh đạt gần 48.000 tỷ đồng, tăng 3,6% so với cuối năm 2023.
Về chuyển đổi số, Vietcombank cũng cung cấp đầy đủ phương thức xác thực sinh trắc học qua CCCD gắn chip và ứng dụng VneID, ngay từ ngày 01/07/2024. Đến nay, đã có hơn 10 triệu khách hàng Vietcombank thực hiện xác thực sinh trắc học, đáp ứng các yêu cầu theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về giao dịch ngân hàng điện tử.
Bên cạnh đó, ngân hàng cũng đã ra mắt phiên bản VCB Digibank thế hệ mới dành cho khách hàng cá nhân, ghi nhận hơn 11 triệu khách hàng chuyển đổi thành công. Trong đó có phiên bản Digibank “An Vui” dành cho người cao tuổi với gần 78 nghìn khách hàng người cao tuổi đã tải ứng dụng và nhận được nhiều phản hồi tích cực.
Đến tháng 11/2024, Vietcombank golive thành công Hệ thống máy chủ và hệ thống lưu trữ mới phục vụ ngân hàng lõi - Core Banking giai đoạn 2024-2028. Đây là dự án có tính chất đặc biệt quan trọng; tăng hiệu năng và khả năng đáp ứng của hệ thống Core Banking, đồng thời đảm bảo dịch vụ hoạt động an toàn, ổn định và liên tục 24/7. Từ đó, đáp ứng mục tiêu chuyển đổi số cũng như việc phát triển các sản phẩm, dịch vụ mới của Vietcombank trong giai đoạn từ 2024-2028.
Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp quản trị chi phí tối ưu, Vietcombank có nguồn lực bền vững để thực hiện nhiều chương trình, chính sách giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp theo chủ trương và chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, giúp các doanh nghiệp, đơn vị, tổ chức tiếp cận nguồn vốn với chi phí hợp lý.
Cũng trong năm 2024, Vietcombank đã thực hiện 26 chương trình ưu đãi lãi suất cho vay với mức giảm từ 2%/năm đến 5%/năm tùy kỳ hạn. Hết năm 2024, ước tính có hơn 110.000 khách hàng được giảm lãi suất với quy mô dư nợ khoảng 900.000 tỷ đồng, chiếm 63% tổng dư nợ, tổng tiền lãi giảm ước khoảng hơn 6.000 tỷ đồng. Ngân hàng đã cam kết 861 tỷ đồng và thực hiện được 571 tỷ đồng cho các chương trình an sinh xã hội tại nhiều địa phương.
Với những thành tựu nổi bật trong năm 2024, Vietcombank được ghi nhận tích cực bởi các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế và trong nước. Ngân hàng nhận 4/4 hạng mục trao giải của ban tổ chức giải thưởng danh giá HRAA; trở thành Ngân hàng có môi trường làm việc tốt nhất Việt Nam lần thứ 9 liên tiếp do Anphabe công bố; Ngân hàng có giá trị thương hiệu lớn nhất Việt Nam hai năm liên tiếp theo Brand Finance; Ngân hàng mạnh nhất Việt Nam lần thứ 7 liên tiếp theo The Asian Banker; 12 năm liên tiếp đứng trong danh sách 50 công ty niêm yết tốt nhất Việt Nam theo Forbes...
Ngoài ra, Vietcombank liên tục là nhóm ngân hàng dẫn đầu về thực hành ESG tại Việt Nam và nằm trong Top 20 doanh nghiệp niêm yết có chỉ số Phát triển bền vững tốt nhất thị trường (VNSI) năm 2024.
Sang năm 2025, Vietcombank dự kiến phát triển theo phương châm "Đổi mới, Hiệu quả, Bền vững" và quan điểm "Trách nhiệm - Kỷ cương - Kết nối - Sáng tạo". Đồng thời, phấn đấu đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra trong chiến lược chiến lược phát triển Vietcombank đến năm 2025 và Phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025.
Bên cạnh việc chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu hoạt động theo hướng chất lượng, bền vững, Vietcombank sẽ xây dựng và phát triển hệ sinh thái, đẩy mạnh kết nối; tăng cường củng cố các năng lực nền tảng về dữ liệu và công nghệ, chuyển đổi số, tối ưu hóa vận hành và quản trị theo thông lệ tốt nhất; … tạo tiền đề vững chắc cho việc hiện thực hóa các mục tiêu 2030 đã được xác định.