Thứ năm, 31/10/2024
   

Vietbank đồng hành hiệu quả, hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế

Mặc dù khó khăn đã thể hiện rõ ngay từ đầu năm 2023, song Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (Vietbank) vẫn đặt kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận trước thuế cho cả năm 2023 ở mức 46%, tương ứng đạt 960 tỷ đồng. Phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hữu Trung, Quyền Tổng Giám đốc Vietbank để tìm

Mặc dù khó khăn đã thể hiện rõ ngay từ đầu năm 2023, song Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (Vietbank) vẫn đặt kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận trước thuế cho cả năm 2023 ở mức 46%, tương ứng đạt 960 tỷ đồng. Phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hữu Trung, Quyền Tổng Giám đốc Vietbank để tìm hiểu rõ hơn về kế hoạch hoạt động của nhà băng này nhằm cán đích mục tiêu đặt ra cho năm 2023.

Vietbank dong hanh hieu qua ho tro tich cuc cho tang truong kinh te 1

Ông Nguyễn Hữu Trung, Quyền Tổng Giám đốc Vietbank

Thưa ông, trong năm 2023, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng ở mức 6,5% thấp hơn so với con số thực hiện của năm 2022 là 8,02%. Nhiều tổ chức quốc tế cũng đánh giá nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục ứng phó với các “cơn gió ngược” và hành trình cũng gập ghềnh ngay từ đầu năm. Trong điều kiện kinh tế vĩ mô có vẻ không mấy tươi sáng, tại sao Vietbank vẫn đặt kế hoạch kinh doanh với các chỉ số tăng trưởng tích cực như vậy?

Trước hết phải nói rằng nền kinh tế năm 2023 mở đầu với nhiều dự cảm khó khăn và bối cảnh khác biệt rất lớn so với đầu năm 2022. Nếu như năm 2022 chúng ta khởi động với nhiều triển vọng tích cực theo đà phục hồi của kinh tế thế giới, thì năm 2023 vừa mở màn, chúng ta lại chứng kiến những khó khăn của giai đoạn cuối năm 2022 chuyển tiếp sang. Đối với năm 2022, sau giai đoạn phục hồi mạnh mẽ trong nửa đầu năm, nền kinh tế Việt Nam đã bắt đầu giảm tốc do ảnh hưởng tiêu cực từ cả yếu tố bên ngoài và bên trong. Diễn biến của kinh tế năm 2022 chứa đựng nhiều yếu tố bất định và liên tục xoay chiều, nằm ngoài mọi dự báo của các tổ chức quốc tế cũng như trong nước.

Đối với năm 2023 thì tình hình rất khác. Do đã nhận diện được các vấn đề khó khăn ngay từ đầu năm, chúng tôi nhận thấy rằng công tác chỉ đạo điều hành của Chính phủ nói chung và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nói riêng rất sát sao, quyết liệt, phù hợp với bối cảnh thị trường trong nước chứ không chỉ nương theo các tín hiệu từ thị trường thế giới. Đối với kết quả tăng trưởng quý I dù không cao như các năm, song vừa qua Chính phủ cũng đã khẳng định sẽ kiên định với mục tiêu tăng trưởng 6,5% đặt ra cho cả năm 2023. Các động thái đó khiến Vietbank tin rằng khó khăn hiện nay của nền kinh tế đã chạm đáy và tăng trưởng sẽ sớm tăng tốc trở lại. Nhìn trên cả quãng đường của năm 2023, chúng tôi tin rằng kế hoạch đặt ra là khả thi.

Xin ông chia sẻ thêm về việc công tác điều hành của NHNN đã tác động như thế nào tới việc hoạch định kế hoạch kinh doanh trong năm 2023 của Vietbank?

Có thể thấy rằng chỉ trong 2 tuần cuối tháng 3 vừa qua, NHNN đã có tới 2 lần giảm một số lãi suất điều hành. Quyết định giảm lãi suất của NHNN được tiến hành trước cả khi cuộc họp quyết định mức tăng lãi suất của FED được tổ chức, trong bối cảnh nền nhiệt lãi suất toàn cầu vẫn đang khá nóng, cho thấy NHNN đã nhận thấy rằng việc chuyển hướng chính sách sang hỗ trợ tăng trưởng là rất cần thiết vào lúc này. Ngay sau đó, dữ liệu thống kê cho thấy tăng trưởng GDP quý I đã chậm lại đáng kể và các động lực tăng trưởng kinh tế đều suy giảm. Thực tế đó cho thấy việc chuyển hướng chính sách sang hỗ trợ tăng trưởng là phù hợp trong bối cảnh nội tại của Việt Nam.

Động thái của NHNN sẽ tạo tiền đề, định hướng để các NHTM trong đó có Vietbank giảm mặt bằng lãi suất thị trường, góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và nền kinh tế. Chúng tôi cũng nhận thấy rằng doanh nghiệp hiện đang rất khó khăn và nếu không cùng đồng hành, hỗ trợ họ thì khó khăn đó sẽ lan sang cả hệ thống ngân hàng. Điều vướng mắc nhất hiện nay là phải làm sao kích cầu tín dụng đi đôi với an toàn và hiệu quả, vì quá trình phục hồi kinh tế vẫn đi kèm với các yếu tố rủi ro mà ngân hàng phải thận trọng và lường trước được.

Vậy Vietbank định hướng hoạt động như thế nào trong năm 2023 để đảm bảo được các yếu tố vừa hỗ trợ nền kinh tế phục hồi tăng trưởng, vừa đảm bảo an toàn và hiệu quả?

Tùy vào lĩnh vực, ngành nghề, quan hệ tín dụng, khẩu vị rủi ro… Vietbank sẽ liên tục rà soát và điều chỉnh lãi suất ở mức phù hợp để hỗ trợ doanh nghiệp. Riêng với các lĩnh vực ưu tiên thì lãi suất chắc chắn đã giảm. Bên cạnh đó, trong năm nay Vietbank sẽ chú trọng phát triển hệ khách hàng truyền thống theo định hướng bán lẻ, đồng thời ưu tiên cung ứng vốn cho các lĩnh vực sản xuất, dịch vụ mà Chính phủ ưu tiên và sẵn sàng đón đầu sự phục hồi của nền kinh tế. Để mang lại các giá trị gia tăng cho khách hàng đã gắn bó lâu năm với ngân hàng, chúng tôi sẽ đưa ra những gói sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của họ; đồng thời cũng bằng các giải pháp cụ thể để gia tăng số lượng khách hàng mới bằng các sản phẩm mới, dịch vụ mới. Vietbank cũng tiếp tục kết nối và mở rộng với các đối tác, hệ sinh thái đã và đang kết nối để khai thác hiệu quả hơn. Chúng tôi xác định đây là năm phải tập trung bảo toàn danh mục khách hàng hiện hữu và gia tăng tiện ích, khai thác tối đa hiệu quả khách hàng mang lại.

Cùng với duy trì tốc độ tăng trưởng bền vững, Vietbank cũng nâng cao chất lượng tài sản, tiếp tục tái cấu trúc cơ cấu tài sản nợ, tài sản có theo hướng giảm tỷ trọng tài sản có rủi ro, cải thiện khả năng sinh lời. Tập trung công tác tăng trưởng huy động, đặc biệt là nguồn vốn từ tổ chức kinh tế và dân cư, vốn huy động không kỳ hạn, tăng huy động bằng đồng USD. Thực hiện đồng bộ và quyết liệt các giải pháp để tiếp tục cải thiện giá vốn, nâng cao các chỉ số hiệu quả hoạt động.

Được biết ĐHĐCĐ 2022 Vietbank đã thông qua phương án phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu nhằm tăng vốn điều lệ từ 4.777 tỷ đồng lên 5.780 tỷ đồng, nhưng trong năm qua kế hoạch này vẫn chưa thực hiện được. Xin ông chia sẻ thêm về việc thực hiện kế hoạch tăng vốn trong năm nay của Vietbank?

Đối với kế hoạch tăng vốn điều lệ, Vietbank dự kiến tăng vốn thêm hơn 1.000 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 21%. Đây là phương án đã được ĐHĐCĐ 2022 thông qua nhưng năm 2022 do tình hình thị trường tài chính trong nước giai đoạn cuối năm và kéo dài đến các tháng đầu năm 2023 có nhiều biến động lớn, lãi suất có xu hướng tăng cao, thanh khoản toàn thị trường có những thời điểm căng thẳng nhất định… đã ảnh hưởng đến nhà đầu tư và cổ đông khiến kế hoạch phát hành cổ phiếu tăng vốn của Vietbank chậm lại. Vì thế, năm 2023 Vietbank tiếp tục triển khai kế hoạch tăng vốn điều lệ. Sau khi hoàn tất việc tăng vốn, vốn điều lệ của Ngân hàng sẽ tăng từ 4.777 tỷ đồng lên 5.780 tỷ đồng. Toàn bộ số vốn tăng thêm được dự kiến sử dụng toàn bộ cho hoạt động kinh doanh, đầu tư trái phiếu, duy trì bảo đảm tuân thủ các tỷ lệ an toàn trong hoạt động và kinh doanh sinh lợi cho Vietbank.

Bên cạnh đó, HĐQT cũng trình ĐHĐCĐ tiếp tục thực hiện niêm yết cổ phiếu VBB của Vietbank tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM khi thời điểm và điều kiện thị trường thuận lợi. Việc niêm yết trên thị trường chứng khoán đối với cổ phiếu VBB có ý nghĩa quan trọng, minh chứng cho việc Vietbank ngày càng minh bạch trong hoạt động với vai trò là công ty đại chúng, nâng cao năng lực hoạt động và khả năng cạnh tranh của ngân hàng để thực hiện các mục tiêu chiến lược giai đoạn 2023 - 2025.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Vietbank tiếp tục tăng trưởng ổn định trong quý I/2023

Trong quý I/2023, Vietbank tiếp tục tăng trưởng an toàn, ổn định nhờ chú trọng cải thiện năng suất lao động, nâng cao thị phần theo xu hướng tăng trưởng có chọn lọc và gắn với hiệu quả, thể hiện qua một số kết quả nổi bật sau: lợi nhuận trước thuế đạt hơn 197 tỷ đồng, tăng 74,34 % so với cùng kỳ năm 2022; tổng tài sản đạt 106.932 tỷ đồng, tăng 1,92 % so với cùng kỳ năm 2022; cấu trúc danh mục tài sản tiếp tục được cơ cấu theo hướng gia tăng tỷ trọng tài sản có sinh lời.

Tính đến ngày 31/03/2023, tổng huy động của Vietbank đạt 96.813 tỷ đồng; trong đó, huy động vốn từ khách hàng (bao gồm giấy tờ có giá) đạt 79.829 tỷ đồng. Cho vay khách hàng đạt 61.516 tỷ đồng. Tại thời điểm 31/03/2023, tỷ lệ nợ xấu của Vietbank kiểm soát dưới mức 3% theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Thu nhập lãi thuần đạt 479 tỷ đồng, tăng 31,59% so với cùng kỳ năm 2022. Bên cạnh đó, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ đạt gần 22 tỷ đồng; hoạt động kinh doanh ngoại hối đạt 13 tỷ đồng, tăng 72,94% so với cùng kỳ năm 2022. Chi phí dự phòng là 21 tỷ đồng, giảm 71,84% so với cùng kỳ năm 2022 do Ngân hàng kiểm soát tốt chất lượng các khoản nợ.

(Nguồn: Vietbank)

Tính lãi tiền gửi
VNĐ
%/year
month
Tính lãi tiền gửi

Tính toán khoản vay
VNĐ
%/year
month
Tính toán khoản vay