Ngân hàng TMCP Quốc Tế (VIB) và Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) vừa hoàn tất ký kết thỏa thuận khoản vay trung và dài hạn nhằm tăng cường nguồn lực tài chính cho hoạt động cấp tín dụng cho các khách hàng cá nhân vay mua nhà, sửa chữa nhà ở, đặc biệt thúc đẩy hoạt động cấp tín dụng cho các khoản vay mua nhà có giá trị thấp.
Đại diện VIB và IFC thực hiện nghi thức ký kết hợp đồng vay mới, nâng tổng hạn mức tín dụng lên 450 triệu đô la Mỹ
IFC - đối tác lâu dài và uy tín hàng đầu
Thiết lập quan hệ với IFC thông qua Chương trình Tài trợ Thương mại Toàn cầu (GTFP) từ năm 2011, VIB là một trong 8 ngân hàng Việt Nam hiện đang tham gia chương trình này với tư cách là ngân hàng phát hành. Trong hơn 10 năm hợp tác và phát triển, VIB hiện là ngân hàng có hạn mức GTFP lớn nhất trong số các ngân hàng tại Việt Nam, đồng thời VIB cũng là một trong những ngân hàng hoạt động tích cực nhất với 6 giải thưởng đạt được từ IFC. Gần nhất vào tháng 02.2022, VIB nhận giải thưởng Ngân hàng Tăng trưởng Nhanh nhất trong hoạt động tài trợ thương mại khu vực Đông Á và Thái Bình Dương của chương trình. Vừa qua vào tháng 5.2023, IFC cũng chính thức nâng hạn mức tài trợ thương mại, đưa VIB trở thành ngân hàng có hạn mức lớn nhất tại Việt Nam là 200 triệu USD.
Bổ sung nguồn vốn thúc đẩy các hoạt động kinh doanh cốt lõi
Khoản vay mới trị giá 100 triệu USD từ IFC có thời hạn 5 năm vừa được ký kết đã nâng tổng hạn mức tín dụng IFC cấp cho VIB lên 450 triệu USD, bao gồm hai khoản vay tổng trị giá 250 triệu USD cùng hạn mức tài trợ thương mại 200 triệu USD. Với thỏa thuận này, VIB sẽ có thêm nguồn lực tài chính để tăng cường và đẩy mạnh hoạt động cấp tín dụng cho các khách hàng cá nhân vay mua nhà, sửa chữa nhà ở. Cũng trong phạm vi thỏa thuận, VIB cam kết dành tối thiểu 30 triệu USD (tương đương 700 tỷ đồng) để tài trợ cho các khoản mua nhà có giá trị dưới 55.600 USD (tương đương 1,3 tỷ đồng). Cam kết này cũng thể hiện sự đồng hành của VIB với các mục tiêu của Chính phủ trong việc gỡ khó cho lĩnh vực bất động sản, thúc đẩy giải ngân các gói hỗ trợ theo Nghị quyết 33/NQ-CP. Trước đó vào tháng 10.2022, VIB cũng đã hoàn tất rút vốn khoản vay 150 triệu USD từ IFC với các điều khoản tương tự để hỗ trợ cho cá nhân có thể tiếp cận được các khoản vay mua nhà.
Theo đại diện VIB chia sẻ: “Trong bối cảnh thị trường vốn đang chịu nhiều ảnh hưởng từ các biến động kinh tế, chính trị trên toàn cầu, việc VIB tiếp tục đạt được các thỏa thuận ký kết với IFC khẳng định và củng cố mối quan hệ hợp tác lâu dài và bền vững giữa hai bên. Bên cạnh đó, việc huy động vốn thành công trong bối cảnh kinh tế hiện nay cũng giúp VIB tăng cường nguồn lực tài chính cho hoạt động cấp tín dụng cho các khách hàng cá nhân vay mua nhà, sửa chữa nhà, thúc đẩy nhu cầu tín dụng đang chững lại trên thị trường bất động sản từ đầu năm đến nay”.
Ngân hàng bán lẻ hàng đầu về quy mô và chất lượng
Là một trong những ngân hàng bán lẻ hàng đầu Việt Nam về quy mô và chất lượng, hiện VIB đang là ngân hàng duy nhất đạt tỷ lệ bán lẻ lên tới 90% tổng danh mục cấp tín dụng, cao gấp đôi trung bình ngành. Trong đó, khoảng một nửa danh mục dùng để cho vay mua nhà ở, xây dựng và sửa chữa nhà. Bên cạnh rủi ro tập trung ở mức thấp nhất thị trường, danh mục bán lẻ của VIB cũng duy trì mức độ an toàn và thận trọng cao với trên 90% khoản vay có tài sản bảo đảm và 100% các tài sản bảo đảm là bất động sản đều có đầy đủ giấy tờ pháp lý, có chất lượng và tính thanh khoản cao. Bên cạnh đó, nhờ nền tảng vận hành tinh gọn, số hóa và quản trị rủi ro vững chắc, hiệu quả VIB cũng là một trong những ngân hàng có tỷ lệ sinh lời tốt nhất ngành với ROE đạt tới 30% và duy trì ổn định trong suốt 3 năm liên tục từ 2020 đến 2022.
Tiên phong áp dụng chuẩn mực quốc tế, khẳng định uy tín và năng lực trên thị trường vốn
Luôn tiên phong trong việc áp dụng các chuẩn mực quốc tế, VIB là ngân hàng đầu tiên hoàn thành 3 trụ cột Basel II vào cuối năm 2019, áp dụng và tuân thủ chuẩn mực Basel III về quản trị rủi ro thanh khoản năm 2021. VIB cũng đồng thời là một trong số ít ngân hàng phát hành báo cáo tài chính đã được kiểm toán năm 2020, 2021 theo chuẩn mực IFRS và dự kiến sẽ sớm công bố báo cáo cho năm 2022.
Với việc tiên phong tuân thủ và áp dụng các chuẩn mực quản trị quốc tế, VIB không những duy trì hiệu quả sinh lời cao và bền vững, đồng thời nâng cao mức độ uy tín, thương hiệu và tính minh bạch khi tham gia thị trường tài chính quốc tế. Hiện nay, tổng hạn mức tín dụng của VIB tại IFC, ADB và các tổ chức tài chính quốc tế hàng đầu đã lên tới gần 2 tỷ đô la Mỹ là minh chứng cho sự tín nhiệm của các đối tác dành cho ngân hàng.
Việc huy động thành công các khoản vay hợp vốn trên thị trường quốc tế với giá trị lớn, lãi suất và kỳ hạn hấp dẫn là minh chứng cho điều đó. Với nguồn vốn huy động thành công, VIB sẽ có thêm nguồn lực để tiếp tục mở rộng tín dụng phục vụ nhu cầu khách hàng bán lẻ, đồng thời tối ưu hóa biên lợi nhuận trong giai đoạn tăng trưởng đầy tiềm năng và tiếp tục duy trì tỷ suất sinh lời trong nhóm đầu ngành.
(Nguồn: VIB)