Thứ tư, 22/01/2025
   

Vấn đề xử lý nợ xấu trong Luật các TCTD (sửa đổi)

Sáng 17/5, Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức Hội thảo "Vấn đề xử lý nợ xấu trong Luật Các TCTD (sửa đổi)", nhằm góp ý, nâng cao chất lượng của Dự thảo Luật Các TCTD (sửa đổi), đồng thời, tạo hành lang pháp lý hiệu quả trong vấn đề xử lý nợ xấu. TS. Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội

Sáng 17/5, Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức Hội thảo "Vấn đề xử lý nợ xấu trong Luật Các TCTD (sửa đổi)", nhằm góp ý, nâng cao chất lượng của Dự thảo Luật Các TCTD (sửa đổi), đồng thời, tạo hành lang pháp lý hiệu quả trong vấn đề xử lý nợ xấu. TS. Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tham dự và có tham luận quan trọng.

>Video Hội thảo "Vấn đề xử lý nợ xấu trong Luật các Tổ chức tín dụng (sửa đổi)"

Sep 170523

TS. Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam trình bày tham luận tại hội thảo.

Tham dự Hội thảo còn có ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, GS, TS khoa học Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài, TS. Nguyễn Anh Tuấn, Tổng biên tập tạp chí Nhà đầu tư, cùng đại diện một số đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Toà án Nhân dân tối cao, Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia, Bộ Tư pháp, các chuyên gia tài chính, chuyên gia pháp lý, các ngân hàng thương mại và các doanh nghiệp.

Ong Tuan Anh

TS. Nguyễn Anh Tuấn, Tổng biên tập tạp chí Nhà đầu tư phát biểu tại hội thảo

Phát biểu khai mạc hội thảo, TS. Nguyễn Anh Tuấn, Tổng biên tập tạp chí Nhà đầu tư cho biết, Nghị quyết 42 của Quốc hội hết hiệu lực vào ngày 31/12/2023, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD) sửa đổi để trình Quốc hội cho ý kiến. Theo đó, đã bổ sung thêm 1 chương quy định về xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm.

Cụ thể, Chương XI trong dự thảo Luật sửa đổi gồm 9 điều liên quan đến các nội dung: khái niệm nợ xấu; bán nợ xấu và tài sản bảo đảm; mua, bán nợ xấu của tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu; thủ tục thu giữ tài sản bảo đảm; mua, bán khoản nợ xấu có tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai; kê biên tài sản bảo đảm của bên phải thi hành án; thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm; hoàn trả tài sản bảo đảm là vật chứng trong vụ án hình sự, vụ việc vi phạm hành chính; và chuyển nhượng tài sản bảo đảm.

Việc bổ sung các quy định này nhận được sự ủng hộ của các ngân hàng và cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước. Tuy nhiên, đối với nội dung của các quy định cụ thể, vẫn còn những ý kiến khác nhau.

Ngoài ra, nhiều ngân hàng và doanh nghiệp tỏ ra băn khoăn về việc một số nội dung của Nghị quyết 42 đã không được đưa vào dự thảo Luật TCTD như: xử lý tài sản bảo đảm là dự án bất động sản, bán nợ xấu có tài sản bảo đảm đang bị kê biên, phân bổ lãi dự thu, quy định về áp dụng thủ tục xét xử rút gọn… Đồng thời, tin tưởng với kiến thức, hiểu biết và ý thức trách nhiệm của mình, các chuyên gia sẽ thảo luận, đề xuất được các giải pháp thiết thực, hữu ích nhằm góp ý cho Dự thảo Luật Các TCTD sửa đổi, đặc biệt là vấn đề xử lý nợ xấu.

Phát biểu tại hội thảo, TS. Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho rằng, từ khi Nghị quyết 42 có hiệu lực (ngày 15/8/2017) đến cuối tháng 1/2023, toàn hệ thống đã xử lý được 416 nghìn tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42. Trong đó, xử lý nợ xấu nội bảng xác định theo Nghị quyết 42 đạt 211,9 nghìn tỷ đồng (chiếm 50,9% tổng nợ xấu đã xử lý).

Ngoài ra, xử lý các khoản nợ đang hạch toán ngoài bảng cân đối kế toán là 122,1 nghìn tỷ đồng (chiếm 29,3% tổng nợ xấu đã xử lý). Xử lý các khoản nợ xấu đã bán cho VAMC được thanh toán bằng trái phiếu đặc biệt là 82,1 nghìn tỷ đồng (chiếm 19,7%).

Thực trạng nợ xấu của các TCTD hiện nay rất đáng lo ngại, trong bối cảnh doanh nghiệp rất khó khăn, kinh tế toàn cầu có biểu hiện suy thoái. Cụ thể, những tháng đầu năm 2023, kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn do tác động của kinh tế toàn cầu.

Trước bối cảnh đó, các ngân hàng cũng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong quá trình hoạt động, như mặt bằng lãi suất ngân hàng đã hạ nhiệt đáng kể sau quyết định hạ lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước, tuy nhiên mức lãi suất huy động và cho vay hiện nay vẫn ở mức cao do thực tế tốc độ huy động vốn vẫn tăng trưởng thấp hơn tín dụng.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn nên khả năng hấp thụ vốn thấp, dẫn đến tín dụng tăng trưởng chậm lại. Đến ngày 20/4/2023, tăng trưởng tín dụng đạt trên 12,23 triệu tỷ đồng, tăng 2,57% so với cuối năm 2022, nhưng thấp hơn nhiều so với năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 6,46%).

Chất lượng tài sản suy giảm, vấn đề kiểm soát nợ xấu của ngân hàng thương mại (NHTM) gặp nhiều khó khăn. Việc bán tài sản bảo đảm, đặc biệt là các khoản nợ lớn cần tổ chức bán nợ theo giá thị trường khó thực hiện trong điều kiện thị trường bất động sản đóng băng; Các DNVVN đã từng bước phục hồi sản xuất, kinh doanh, nhưng đến nay, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa đủ khả năng trả nợ các khoản nợ đã được cơ cấu lại và khoản nợ đến hạn gây ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng, trong khi việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng Covid-19 đã hết hiệu lực…

Ngoài ra, việc xử lý tài sản bảo đảm, thu hồi nợ trên thực tế gặp nhiều vướng mắc; Hành lang pháp lý cho hoạt động xử lý nợ còn chưa đồng bộ, thống nhất; Khó khăn, vướng mắc trong việc áp dụng các quy định pháp luật khác.

“Một số doanh nghiệp cho biết họ đã hết nguồn lực, điều này dẫn đến ngân hàng gặp khó khi thu hồi các khoản nợ. Tỷ lệ nợ xấu thời gian tới có thể sẽ tiếp tục tăng”, TS. Nguyễn Quốc Hùng nói. Do vậy, TS. Nguyễn Quốc Hùng cũng đề nghị Quốc hội trước khi thông qua các dự thảo Luật cần lắng nghe ý kiến từ các cử tri bộ ngành các tổ chức chính trị xã hội ngành nghề và chính các doanh nghiệp, rà soát các luật liên quan để ban hành luật sửa đổi phù hợp với thực tiễn.

Bên cạnh đó, Tòa án Nhân dân Tối cao cần có văn bản hướng dẫn các Tòa án cấp dưới trong việc xử lý các vướng mắc tranh chấp liên quan đến việc chủ tài sản đảm bảo tạo ra các tranh chấp giả tạo nhằm kéo dài việc xử lý tài sản đảm bảo của tổ chức tín dụng. Đối với các trường hợp cố tình chây ì, lẩn trốn, không xuất hiện, không hợp tác với cơ quan chức năng nhằm mục đích để kéo dài thời gian xử lý nợ, trốn tránh nghĩa vụ, coi thường sự nghiêm minh của luật pháp, cần tạo thành án lệ về việc xét xử vắng mặt các đối tượng này, hoặc áp dụng các biện pháp rút gọn tại tòa để rút ngắn thời gian khởi kiện, nhanh chóng xử lý có kết quả thu hồi của khoản nợ.

Đồng thời, Tòa án Nhân dân tối cao phối hợp với Viện kiểm sát Nhân dân tối cao và Bộ Công an sớm ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết về việc hoàn trả tài sản đảm bảo là vật chứng trong vụ án hình sự. “Nếu như xác định nợ xấu là vấn đề riêng của ngành ngân hàng thì xử lý rất khó, còn nếu xác định nợ xấu là vấn đề xã hội, là vấn đề cần quan tâm thì phải cần sự đồng thuận của các cơ quan, tổ chức để xử lý nghiêm và thu hồi các khoản nợ”, TS. Nguyễn Quốc Hùng chia sẻ.

Ngoài ra, Chính phủ xem xét cho phép các ngân hàng thương mại (NHTM) Nhà nước được tăng vốn điều lệ nhằm gia tăng năng lực tài chính, dự phòng rủi ro trong bối cảnh nợ xấu tăng cao thời gian tới. Ngân hàng Nhà nước cũng cần nghiên cứu, tham khảo các văn bản luật về ngân hàng của các nước trên thế giới để bổ sung các nội dung vào dự thảo Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi) nhằm phù hợp với đặc thù Việt Nam nhưng cũng tiệm cận và phù hợp thông lệ quốc tế.

Đồng thời rà soát một số dự thảo Luật liên quan đến hoạt động ngân hàng đang sửa đổi hiện nay để tránh sự chồng chéo, không phù hợp với Luật các TCTD (sửa đổi).

TS Nguyễn Quốc Hùng cũng đề xuất đưa một số nội dung dự thảo Luật giao dịch điện tử vào dự thảo Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi) nhằm thực hiện tốt chuyển đổi số, cho vay trên nền tảng công nghệ, thẩm định và quyết định cho vay trên dữ liệu lớn, đồng thời trên cơ sở thực tiễn vướng mắc Nghị quyết 42 bổ sung một số qui định về xử lý nợ xấu vào Luật tổ chức tín dụng (sửa đổi).

Ông Darryl Dong 2

Ông Darryl Dong, Cán bộ Quốc gia Cao cấp, IFC Việt Nam

Từ góc nhìn và kinh nghiệm quốc tế, ông Darryl Dong, Cán bộ Quốc gia Cao cấp, IFC Việt Nam cho rằng, Việt Nam cần và phải có giải pháp cho một thị trường mua bán nợ mở để xử lý nợ xấu theo cơ chế thị trường.

Bởi bản chất nợ xấu luôn đồng hành cùng hoạt động ngân hàng nhưng việc xử lý nợ xấu cần một khung pháp lý và xử lý một cách công khai ở một thị trường mở cùng những giao dịch thương mại đúng nghĩa.

Đến nay, thị trường mua bán nợ của Việt Nam vẫn chưa thực sự mở cửa cho các nhà đầu tư tham gia thị trường và đang nằm ở vạch xuất phát trong việc mở cửa thị trường. Vì vậy, Việt Nam phải cho thế giới thấy đang thực sự nghiêm túc trong vấn đề xử lý nợ xấu, muốn hoạt động kinh doanh nợ xấu thực sự diễn ra.

Hiện hành lang pháp lý của Việt Nam và các đề xuất đều chưa thu hút được các bên tham gia thị trường. Việc mở cửa thị trường xử lý nợ xấu, sẽ giúp Việt Nam trở thành một phần của thị trường tài chính toàn cầu, với bảng cân đối tài sản sạch và mang tới nguồn tín dụng mạnh mẽ từ bên ngoài cho doanh nghiệp nội địa. Theo ông Darryl Dong, Việt Nam nên có luật riêng dành cho nợ xấu để chỉ chuyên xử lý nợ xấu và tập trung, phản hồi nhanh chóng với thị trường. Khung pháp lý xử lý nợ xấu và Luật Các tổ chức tín dụng là 2 văn bản có bản chất hoàn toàn khác nhau. Luật Các tổ chức tín dụng là quy định về hoạt động, quản trị của tổ chức tín dụng, trong khi quy định giải quyết nợ xấu liên quan nhiều tới xử lý tài sản bảo đảm, tố tụng...

Toàn cảnh 170523

Quang cảnh hội thảo

Về thứ tự thanh toán khi xử lý tài sản đảm bảo, nhiều chuyên gia và ngân hàng thương mại ủng hộ phương án ưu tiên thanh toán cho nghĩa vụ nợ của tổ chức tín dụng trước khi thực hiện nghĩa vụ thuế với nhà nước. Tuy nhiên theo ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rẳng, việc quy định ưu tiên này tại dự thảo Luật vẫn chưa phù hợp với pháp luật về thuế và pháp luật có liên quan.

Ngoài ra, các đại biểu cũng đề cập đến việc ban hành một thông tư liên tịch để quy định cụ thể về thời gian xử lý, xác minh, trả lời các văn bản của các cơ quan chức năng và hướng dẫn các cơ quan chức năng phối hợp để đẩy nhanh quá trình xử lý, giải quyết hồ sơ của các tổ chức tín dụng.

T.Đ - VNBA News

Tính lãi tiền gửi
VNĐ
%/year
month
Tính lãi tiền gửi

Tính toán khoản vay
VNĐ
%/year
month
Tính toán khoản vay