Công nghệ Blockchain có thể giúp ngành ngân hàng hóa giải các thách thức hiện tại nhờ giảm chi phí và tăng tính minh bạch trong hoạt động.
Một số ngân hàng tại Mỹ và châu Âu gồm Silvergate, Signature, SVB, Credit Suisse sụp đổ trong thời gian gần đây đã làm nóng lại cuộc tranh luận về việc cần cải tổ hệ thống tài chính và ngân hàng truyền thống. Từ lâu, hệ thống tài chính - ngân hàng truyền thống đã bộc lộ một số vấn đề tồn tại như thiếu minh bạch, tính tập trung cao khiến sai lầm của một vài cá nhân hay tổ chức có thể gây ra hậu quả to lớn cho cả nền kinh tế; tốc độ xử lý chậm, chi phí cao cho nhiều khâu trung gian, dễ xảy ra sai sót.
Trong bối cảnh đó, đề xuất ứng dụng công nghệ Blockchain để giải quyết các vấn đề nói trên được nêu ra và tranh luận sôi nổi. Tại Việt Nam, đã có nhiều chuyên gia lên tiếng kêu gọi việc khẩn trương ứng dụng công nghệ Blockchain vào các hoạt động tài chính và ngân hàng.
Ths. Hà Xuân Sơn (trái) và TS. Thái Trung Hiếu (phải), Giảng viên kinh doanh trên ứng dụng Blockchain, Khoa Kinh doanh, Đại học RMIT Việt Nam.
Một số ứng dụng tiềm năng của Blockchain trong hoạt động ngân hàng có thể kể đến như sau:
Định danh số
Non-Fungible Tokens (NFTs) là những tài sản số được tạo ra trên Blockchain. Mỗi NFT đại diện cho một tài sản kỹ thuật số độc nhất, được xác minh bởi định danh duy nhất và được lưu trữ trên Blockchain. Ngân hàng có thể dùng NFT để định danh số, qua đó giúp quản lý thông tin, hồ sơ khách hàng, hồ sơ nhân viên. Dữ liệu được định danh nhờ NFT đảm bảo được tính độc nhất và không thể tùy ý thay đổi, chỉnh sửa.
Để tạo một NFT, người tạo sẽ tải thông tin cá nhân của họ lên một nền tảng hỗ trợ NFT. Sau đó, họ sẽ “đúc” (mint) dữ liệu của mình thành một NFT, gắn một mã định danh duy nhất (token ID) và lưu trữ thông tin trên Blockchain.
Tài chính phi tập trung (Defi)
DeFi (Decentralized Finance) là hệ thống tài chính phi tập trung hoạt động trên Blockchain. Nhờ tính phi tập trung (mà Blockchain mang lại), người dùng có quyền kiểm soát tài sản số của mình (không lưu ký), thay vì phải ủy thác cho một tổ chức trung gian như ngân hàng.
DeFi có đầy đủ các hoạt động như trong tài chính và ngân hàng truyền thống như gửi tiết kiệm, cho vay, vay, chuyển khoản, trả nợ, thanh toán hóa đơn... Điểm khác biệt của DeFi so với tài chính truyền thống là thay vì để một bên thứ ba xử lý giao dịch thì các hoạt động nói trên được diễn ra một cách tự động (nhờ máy tính và thuật toán) trên Blockchain giữa bên gửi và bên nhận, mà không cần bất cứ một thành phần trung gian nào.
Tokenization và Stablecoin
Tokenization (mã hóa kỹ thuật số, hay còn gọi là token hóa) là quá trình chuyển đổi tài sản vật lý thành tài sản kỹ thuật số trên Blockchain. Ở đó, giá trị của token sẽ được bảo đảm bởi tài sản mà nó đại diện. Ngân hàng có thể token hóa tiền pháp định (USD, Euro) hoặc vàng để tạo ra một phiên bản số của nó, thường được gọi là Stablecoin.
Một trong những Stablecoin phổ biến nhất là USDC - được tạo ra bởi Coinbase và Circle, chạy trên nền tảng Blockchain Ethereum. USDC được cố định với đồng USD, tỷ lệ giá trị 1:1 với USD (1 USDC = 1 USD). Việc giao dịch bằng Stablecoin giúp loại bỏ bớt nhiều thành phần trung gian, tăng tốc độ giao dịch và thông tin giao dịch luôn được cập nhật tức thời cho các bên tham gia.
Digital wallet
Một ví dụ phổ biến về digital wallet (ví điện tử) được triển khai trên Blockchain là MetaMask. MetaMask đóng vai trò như “ví”, giúp người dùng quản lý tài sản tiền mã hoá (crypto, NFTs). MetaMask cũng cho phép người dùng thực hiện các dịch vụ tài chính phi tập trung như vay, gửi tiền, thanh toán được xây dựng trên Blockchain Ethereum.
Kinh nghiệm triển khai trên thế giới và tại Việt Nam
Thách thức thực sự là rào cản pháp lý. Việt Nam hiện thiếu hành lang pháp lý cho Blockchain phát triển.
Ngân hàng JPMorgan đã thành lập riêng một doanh nghiệp để nghiên cứu và ứng dụng công nghệ Blockchain. JPMorgan đã và đang thử nghiệm nhiều ứng dụng cho các hoạt động tài chính và ngân hàng. Tháng 11/2022, JPMorgan đã giao dịch dạng token của đồng đô la Singapore để lấy dạng token của đồng yên Nhật (trên Blockchain). Đây là một phần của dự án Guardian của Singapore, với sự trợ giúp từ Ngân hàng DBS và SBI Digital Asset. Các ngân hàng đã sử dụng một giao thức hợp đồng thông minh chạy trên nền tảng Blockchain của Polygon.
Cuối năm 2021, HSBC và Wells Fargo bắt đầu sử dụng Blockchain để giao dịch ngoại tệ (FX). Giải pháp mới giúp tránh được việc phải giao dịch thông qua một ngân hàng bên thứ ba vốn được sử dụng rộng rãi để giải quyết các giao dịch ngoại hối. Nhờ đó, việc thanh toán diễn ra nhanh chóng và trực tiếp giữa hai ngân hàng, cắt giảm rủi ro và chi phí.
Năm 2020, Circle tham gia chương trình phát hành thẻ Visa doanh nghiệp cho phép các doanh nghiệp thực hiện giao dịch bằng USDC (một phiên bản của USD nhưng chạy trên Blockchain). Bằng cách này, nền tảng Circle sẽ cung cấp hỗ trợ thanh toán USDC cho mạng ví điện tử của Visa.
Mastercard cũng phát triển một chương trình kết nối các công ty khởi nghiệp tiền điện tử với hệ sinh thái toàn cầu của Mastercard. Cụ thể hơn, Mastercard muốn đưa Stablecoin vào mạng lưới của mình. Vào tháng 7/2021, Mastercard đã công bố một số thỏa thuận hợp tác để tăng cường chương trình thẻ của mình cho các ví và sàn giao dịch tiền điện tử. Mastercard cũng đã mua CipherTrace, một công ty tiền điện tử, để tăng cường khả năng tiền điện tử của mình.
Tại Việt Nam, trong năm 2020 và 2021, Vietcombank, HSBC Việt Nam, VietinBank, BIDV, HD Bank và MB đã triển khai thành công dịch vụ thư tín dụng ứng dụng công nghệ Blockchain, một sản phẩm hướng đến tệp khách hàng doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu, do Công ty Contour phát triển. Dịch vụ mới này cho phép thực hiện trọn vẹn toàn bộ quy trình nghiệp vụ thư tín dụng chứng từ, từ khâu phát hành đến khâu xuất trình chứng từ theo “Letter of Credit” (L/C) trên cùng một mạng lưới Contour. Việc số hóa thư tín dụng lên Blockchain giúp giảm thời gian xử lý và giảm chi phí cho toàn bộ chu trình. Chỉ mất khoảng gần 30 phút để hoàn thành toàn bộ chu trình, nhanh hơn rất nhiều so với cách làm truyền thống thường mất 3-5 ngày làm việc. Các bên tham gia cũng có thể cập nhật trạng thái giao dịch một cách tức thời.
Năm 2018, Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS) và ba ngân hàng VietinBank, VIB và TPBank đã thử nghiệm mô hình chuyển tiền trên Blockchain. Giải pháp mới này giúp tăng cường tính minh bạch khi giao dịch giữa người mua và người bán được lưu trên một Sổ cái mở (Blockchain) và có thể được kiểm tra, truy vết bất cứ lúc nào. Bằng chứng của các giao dịch điện tử này có thể được sử dụng để thay thế các chứng từ nộp tiền đang được sử dụng trong các dịch vụ công, giúp tiết kiệm chi phí.
Từ tháng 11/2019, TPBank ứng dụng thành công công nghệ Blockchain thông qua RippleNet, một giải pháp cho phép chuyển tiền quốc tế chỉ trong vài phút. Thông tin, trạng thái giao dịch được cập nhật ngay lập tức cho các bên, đảm bảo tính toàn vẹn, minh bạch và có chi phí thấp...
Nhìn chung, việc ứng dụng Blockchain vào các hoạt động ngân hàng và tài chính tại Việt Nam ở mức rất khiêm tốn. Tất cả các ứng dụng nêu trên chủ yếu mới chỉ ở mức dùng Blockchain như một cơ sở dữ liệu để quản lý và chia sẻ thông tin. Vẫn còn rất nhiều ứng dụng quan trọng khác mà Blockchain có thể mang lại như tiền số của ngân hàng trung ương (CBDC), huy động vốn (ICO), tài chính phi tập trung (DeFi), định danh số (NFT), hợp đồng thông minh (Smart Contract) và token được thế chấp bằng tài sản (tokenization).
Đâu là nguyên nhân của tình trạng này? Thực tế, có không ít thách thức khi áp dụng Blockchain vào ngành tài chính và ngân hàng tại Việt Nam. Một số khó khăn có thể kể đến như chi phí đầu tư hạ tầng và công nghệ rất cao, thiếu nhân sự chất lượng, thời gian đồng bộ dữ liệu lâu, nhiều ngân hàng chưa sẵn sàng chia sẻ dữ liệu của mình. Đây chủ yếu là khó khăn kỹ thuật, tuy không dễ vượt qua nhưng hoàn toàn có thể làm được nếu tất cả các bên đều nhìn thấy tiềm năng to lớn của Blockchain.
Theo chúng tôi, thách thức thực sự là rào cản pháp lý. Việt Nam hiện thiếu hành lang pháp lý cho Blockchain phát triển.
Triển vọng của Blockchain và DeFi trong thời gian tới
Tại Mỹ, nhiều công ty Blockchain thành công như Coinbase, a16z. Tuy nhiên, có nhiều chính trị gia Mỹ vẫn giữ quan điểm thận trọng đối với Blockchain. Trong bối cảnh như vậy, hoàn toàn có khả năng là Chính phủ Mỹ sẽ tìm cách thắt chặt và hạn chế sự phát triển của Blockchain.
Trong khi đó, nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ tại châu Á đang có những chính sách thân thiện và cởi mở đối với Blockchain như Nhật Bản, Hồng Kông (Trung Quốc), Singapore. Đây là một bối cảnh thuận lợi để Việt Nam đẩy mạnh việc ứng dụng rộng rãi Blockchain trong 1-2 năm tới. Nếu không thể hoặc chậm trễ trong việc tranh thủ thời cơ này, rất có thể Việt Nam sẽ bị tụt lại trong một cuộc chơi mà chúng ta có nhiều tiềm năng và những công ty xuất sắc như Axie Infinity, Coin98, KardiaChain, Kyber Network.
Nguồn: tinnhanhchungkhoan.vn