Thứ sáu, 18/10/2024
   

TS. Nguyễn Quốc Hùng được bầu làm Phó Chủ tịch Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam

Ngày 12/5/2023, TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký đã được bầu làm Phó Chủ tịch Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) kiêm giữ chức Tổng Thư ký nhiệm kỳ VII (2020 - 2025) với tỷ lệ tán thành 100%.

Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam Nguyễn Quốc Hùng

Ông Phạm Quang Tùng, Phó Chủ tịch thay mặt Hội đồng Hiệp hội tặng hoa chúc mừng Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng.

Sáng 12/5/2023, Hội đồng Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) đã tổ chức phiên họp, kỳ họp thứ tư, nhiệm kỳ VII (2020 - 2025) đồng thời triển khai thủ tục bầu bổ sung Phó Chủ tịch Hiệp hội theo quy định của Điều lệ Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (sửa đổi, bổ sung) được Bộ Nội vụ phê duyệt cuối năm 2022.

Tham dự Hội nghị gồm có 11/13 ủy viên Hội đồng Hiệp hội, đồng thời là đại diện lãnh đạo các tổ chức tín dụng là hội viên Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, cùng lãnh đạo các Ban, đơn vị Cơ quan Thường trực.

Tại cuộc họp, sau khi lắng nghe các báo cáo công tác của cơ quan thường trực, hội nghị đã tiến hành triển khai thủ tục bầu bổ sung Phó Chủ tịch Hiệp hội. Theo đó, TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký được bầu làm Phó Chủ tịch Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) nhiệm kỳ VII (2020 - 2025) với tỷ lệ phiếu tán thành 100%.

Như vậy, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam hiện có Chủ tịch, 3 Phó Chủ tịch và 1 Tổng Thư ký, trong đó 1 Phó Chủ tịch kiêm nhiệm Tổng Thư ký là TS Nguyễn Quốc Hùng.

Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam hiện có 75 tổ chức hội viên (TCHV), hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, tự chủ, tự chịu trách nhiệm, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các TCHV, tập hợp, động viên hội viên hợp tác, hỗ trợ nhau trong hoạt động kinh doanh. Thực hiện vai trò cầu nối giữa các hội viên với cơ quan quản lý Nhà nước, hỗ trợ hoạt động của các TCHV hoạt động an toàn hiệu quả, phát triển bền vững, qua đó gópphần thực thi chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội. Thực hiện công tác truyền thông về các hoạt động ngân hàng tới các tổ chức, cá nhân trong xã hội nhằm tạo sự đồng thuận trong quá trình thực hiện các hoạt động của ngành Ngân hàng, các TCHV.

Thực hiện theo các tôn chỉ, mục đích đề ra, Hiệp hội Ngân hàng đã ngày càng thể hiện rõ vai trò của mình thông qua thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại Điều lệ dưới sự chỉ đạo sát sao của Hội đồng hiệp hội và tổ chức điều hành mọi hoạt động của Cơ quan Thường trực, đứng đầu là Tổng Thư ký; sự phối hợp chặt chẽ của các đơn vị trực thuộc, các tổ chức hội viên.

hoi nghi 12.5

Toàn cảnh phiên họp Hội đồng Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam sáng 12/5/2023

Các kết quả đạt được rất đáng khích lệ, có thể kể đến như: góp ý những văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến hoạt động ngân hàng và nhiều ý kiến được các bộ, ngành chấp thuận sửa đổi, bổ sung tạo khuôn khổ pháp lý an toàn cho các tổ chức tín dụng (TCTD) góp phần ổn định kinh tế xã hội; thể hiện vai trò đại diện các TCHV trong việc kiến nghị các cơ quan tư pháp, cơ quan bảo vệ pháp luật, giải quyết tranh chấp, khiếu nại trên nguyên tắc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của TCHV. Bên cạnh đó, Hiệp hội đã tổ chức nhiều hội thảo, tọa đàm, tham gia ý kiến tại các cuộc họp với các cơ quan quản lý nhà nước, với các cơ quan soạn thảo văn bản pháp luật/chính sách.

Năm 2022, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam hoàn thành việc bổ sung, sửa đổi Điều lệ và đã được Bộ Nội vụ phê duyệt. Đây là văn bản pháp lý cốt lõi, quan trọng nhất của Hiệp hội, là cơ sở để triển khai các hoạt động của Hiệp hội hiệu quả hơn, đồng thời qua đó xem xét, rà soát bổ sung, sửa đổi, ban hành mới các văn bản thuộc thẩm quyền Hội đồng Hiệp hội và Tổng Thư ký. Như vậy hệ thống các văn bản của Hiệp hội sẽ có tính đồng bộ, thống nhất hơn.

Theo Điều lệ Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (sửa đổi, bổ sung) được Bộ Nội vụ phê duyệt kèm theo Quyết định số 1057/QĐ-BNV ngày 11 tháng 12 năm 2022, Cơ cấu tổ chức của Hiệp hội gồm: Đại hội Hiệp hội; Hội đồng Hiệp hội; Thường trực Hội đồng Hiệp hội; Ủy ban chuyên môn; Cơ quan Thường trực và một số pháp nhân thuộc Hiệp hội; Các tổ chức cơ sở (chi hội, liên chi hội,...) và đơn vị trực thuộc Hiệp hội (câu lạc bộ chuyên môn,...). Một trong những điểm mới của Điều lệ Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (sửa đổi, bổ sung) là trong cơ cấu tổ chức Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam bổ sung Thường trực Hội đồng Hiệp hội.

====

Điều 17. Thường trực Hội đồng Hiệp hội

1. Thường trực Hội đồng Hiệp hội bao gồm: Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và Tổng Thư ký. Nhiệm kỳ của Thường trực Hội đồng Hiệp hội cùng với nhiệm kỳ Hội đồng Hiệp hội.

2. Quyền hạn, nhiệm vụ của Thường trực Hội đồng Hiệp hội:

a) Giúp Hội đồng Hiệp hội triển khai thực hiện nghị quyết Đại hội, Điều lệ Hiệp hội, tổ chức thực hiện nghị quyết, quyết định của Hội đồng Hiệp hội; lãnh đạo hoạt động của Hiệp hội giữa hai kỳ họp Hội đồng Hiệp hội;

b) Chuẩn bị nội dung và quyết định triệu tập họp Hội đồng Hiệp hội;

c) Quyết định thành lập các tổ chức, đơn vị thuộc Hiệp hội theo nghị quyết của Hội đồng Hiệp hội; quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức; quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm Phó Tổng Thư ký, cấp Trưởng, Phó ban, đơn vị của Cơ quan Thường trực Hiệp hội theo đề nghị bằng văn bản của Tổng Thư ký;

d) Quyết định số lượng cán bộ và tổ chức bộ máy, lao động và chế độ tiền lương của Cơ quan Thường trực Hiệp hội;

đ) Ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Cơ quan Thường trực Hiệp hội; Quy chế bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, thôi giữ chức vụ, miễn nhiệm, điều động cán bộ lãnh đạo, quản lý thuộc Cơ quan Thường trực; Quy chế chi trả tiền lương trong Cơ quan Thường trực; các quy định khác theo thẩm quyền phù hợp với quy định của Điều lệ Hiệp hội và quy định của pháp luật;

e) Xem xét miễn, giảm hội phí, cơ chế về hội phí thường niên đối với hội viên hoạt động có tính chất đặc thù; chỉ đạo việc đóng hội phí và xem xét đối với hội viên vi phạm quy định về đóng hội phí;

g) Xem xét xử lý những vấn đề lớn, quan trọng khác theo đề nghị của Tổng Thư ký.

3. Nguyên tắc hoạt động của Thường trực Hội đồng Hiệp hội

a) Thường trực Hội đồng Hiệp hội hoạt động theo Quy chế do Hội đồng Hiệp hội ban hành, tuân thủ quy định của pháp luật và Điều lệ Hiệp hội;

b) Thường trực Hội đồng Hiệp hội họp thường kỳ 01 (một) quý 01 (một) lần, hoặc bất thường khi có yêu cầu của Chủ tịch Hiệp hội hoặc ít nhất 2/3 (hai phần ba) tổng số thành viên Thường trực Hội đồng Hiệp hội yêu cầu theo hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến hoặc kết hợp giữa trực tiếp và trực tuyến;

c) Các cuộc họp của Thường trực Hội đồng Hiệp hội là hợp lệ khi có ít nhất 2/3 (hai phần ba) ủy viên Thường trực Hội đồng Hiệp hội tham gia dự họp. Thường trực Hội đồng Hiệp hội có thể biểu quyết bằng hình thức giơ tay hoặc bỏ phiếu kín (bỏ phiếu trực tiếp hoặc bỏ phiếu điện tử). Việc quy định hình thức biểu quyết do Thường trực Hội đồng Hiệp hội quyết định;

d) Trưởng Ban Kiểm tra tham gia các cuộc họp của Thường trực Hội đồng Hiệp hội, được tham gia ý kiến về các nội dung của cuộc họp nhưng không được quyền biểu quyết;

đ) Các nghị quyết, quyết định của Thường trực Hội đồng Hiệp hội được thông qua khi có từ 2/3 (hai phần ba) tổng số thành viên Thường trực Hội đồng Hiệp hội dự họp biểu quyết tán thành. Trong trường hợp số ý kiến tán thành và không tán thành ngang nhau, quyền quyết định thuộc về Chủ tịch Hiệp hội.

(Trích Điều lệ Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (sửa đổi, bổ sung) được Bộ Nội vụ phê duyệt kèm theo Quyết định số 1057/QĐ-BNV ngày 11 tháng 12 năm 2022)

VNBA News
Tính lãi tiền gửi
VNĐ
%/year
month
Tính lãi tiền gửi

Tính toán khoản vay
VNĐ
%/year
month
Tính toán khoản vay