Theo TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, việc Tổng cục Thuế đã ban hành Công văn số 1606/TCT-DNL đề nghị Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát, hướng dẫn các TCTD trên địa bàn quản lý có phát sinh hoạt động cung cấp dịch vụ L/C thì thực hiện kê khai, nộp thuế GTGT, mà không xem xét đến thông lệ quốc tế cũng như các quy định hướng dẫn tại thông tư của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) là chưa phù hợp với thực tế.
Phóng viên: Theo phản ánh của các TCTD, kể từ khi Công văn số 1606/TCT-DNL về thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với nghiệp vụ Thư tín dụng (L/C) được Tổng Cục thuế ban hành (ngày 22/4/2020) đã và đang gây ra nhiều vướng mắc cho hoạt động của các TCTD. Việc cơ quan thuế dự định truy thu thuế GTGT đối với nghiệp vụ L/C liệu có phù hợp với quy định pháp luật không, thưa ông?
TS. Nguyễn Quốc Hùng: L/C là một phương thức bảo lãnh thanh toán quốc tế, thực chất là một cam kết thanh toán của ngân hàng phát hành, bảo đảm là người mua sẽ thanh toán tiền mua hàng hóa cho người bán khi các điều kiện quy định trong L/C được thực hiện đúng và đầy đủ. Nếu người mua không thanh toán đúng hạn, ngân hàng phát hành thực hiện cho vay bắt buộc đối với người mua để thanh toán cho người bán. Vì vậy, các khoản thu về phát hành, xác nhận, thông báo L/C là khoản thu bảo lãnh thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT. Việc này vẫn được thực hiện trong rất nhiều năm.
Tuy nhiên, căn cứ vào Khoản 15 Điều 4 Luật các TCTD quy định về “Cung ứng dịch vụ thanh toán qua tài khoản”, Tổng Cục thuế đã ban hành Công văn số 1606/TCT-DNL đề nghị Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát, hướng dẫn các TCTD trên địa bàn quản lý có phát sinh hoạt động cung cấp dịch vụ L/C thì thực hiện kê khai, nộp thuế GTGT, mà không xem xét đến thông lệ quốc tế cũng như các quy định hướng dẫn tại các quyết định, thông tư của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, mặt khác, cho đến nay Bộ Tài chính vẫn chưa có văn bản nào thay thế Công văn 11754/BTC-CST ngày 6/9/2010 về thuế GTGT đối với các khoản thu dịch vụ cấp tín dụng, bảo lãnh, là chưa phù hợp với thực tế.
Phóng viên: Vậy điều này sẽ gây những khó khăn như thế nào cho các TCTD, thưa ông?
TS. Nguyễn Quốc Hùng: Về bản chất, thuế GTGT là thuế gián thu, vì vậy yêu cầu các TCTD rà soát đối với nghiệp vụ L/C trong 10 năm qua là chưa hợp lý.
Hơn nữa, với khoảng thời gian 10 năm (từ năm 2011 đến nay) đã có rất nhiều thay đổi, có thể có nhiều khách hàng không còn quan hệ giao dịch với TCTD hoặc đã giải thể/phá sản/không còn tồn tại nên TCTD không thể thu thuế bổ sung từ khách hàng được và các TCTD cũng không thể ứng tiền ra để nộp thay cho doanh nghiệp. Chưa kể, trong bối cảnh dịch COVID - 19, các TCTD đã phải tiết giảm chi phí để giảm lãi suất cho vay, giảm phí… cho doanh nghiệp.
Việc thực hiện rà soát, kê khai, nộp thuế GTGT bổ sung theo Công văn 1660/TCT-DNL sẽ mất rất nhiều thời gian, công sức cũng như nguồn lực cho việc rà soát, sao kê, bóc tách, tính toán và tổng hợp số liệu với nguồn dữ liệu rất lớn từ năm 2011 - 2020. Trong khi hiệu quả thu được cho ngân sách nhà nước lại không lớn. Bởi lẽ, một nguyên tắc cơ bản của thuế GTGT là khi các TCTD kê khai và nộp thuế GTGT đầu ra, các khách hàng doanh nghiệp (chủ yếu là doanh nghiệp nhập khẩu) sẽ được kê khai và khấu trừ thuế GTGT đầu vào tương ứng và không ít trong số các doanh nghiệp này được hoàn thuế GTGT.
Như vậy, triển khai thu thuế GTGT đối với các nghiệp vụ L/C từ năm 2011 đến nay sẽ làm tăng gánh nặng về hành chính cho cả các doanh nghiệp, TCTD và cơ quan thuế, hệ thống Kho bạc trên toàn quốc nhưng thu ngân sách nhà nước không tăng được bao nhiêu (một bên phải nộp và bên kia thì khấu trừ một phần hoặc toàn bộ).
Phóng viên: Theo ông, nghiệp vụ L/C cần được hiểu như thế nào?
TS. Nguyễn Quốc Hùng: Theo thông lệ quốc tế (UCP 600) thì nghiệp vụ L/C là cam kết thanh toán/bảo lãnh của ngân hàng, nếu người mua không thanh toán đúng hạn thì ngân hàng phải cho vay bắt buộc, như vậy về bản chất, L/C là hoạt động bảo lãnh ngân hàng.
Thực tế ở Việt Nam, khi các ngân hàng phát hành L/C đều phải thẩm định hồ sơ của khách hàng theo đúng quy trình, trình tự thủ tục của hoạt động bảo lãnh/cấp tín dụng, khi đến hạn thanh toán nếu khách hàng không thanh toán được thì phải nhận nợ bắt buộc (thực tế đã xảy ra nhiều trường hợp). Như vậy L/C là nghiệp vụ lưỡng tính, vừa là hình thức bảo lãnh/cấp tín dụng (trường hợp ngân hàng đóng vai trò là ngân hàng phát hành/xác nhận thư tín dụng...), vừa là hoạt động thanh toán khi ngân hàng chỉ đóng vai trò là người cung cấp các dịch vụ thanh toán như thông báo L/C, chuyển nhượng L/C và một số hoạt động dịch vụ khác (không cam kết thanh toán).
Phóng viên: Việt Nam đang hội nhập sâu rộng với thế giới. Vậy, thu thuế GTGT đối với nghiệp vụ L/C có ảnh hưởng đến quá trình hội nhập của Việt Nam không, thưa ông?
TS. Nguyễn Quốc Hùng: Đúng vậy, từ khi Việt Nam chính thức gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), nền kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng với khu vực và thế giới, với hàng loạt Hiệp định thương mại tự do được ký kết. Việc mở cửa nền kinh tế đã trở thành động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, góp phần không nhỏ để duy trì tốc độ tăng trưởng cao hàng năm của nền kinh tế Việt Nam. Trong bối cảnh đó, các đơn vị xuất nhập khẩu đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo ra nguồn ngoại tệ trong nước. Để tăng cường sức cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt, theo tôi, các chính sách được xây dựng nên hướng tiết giảm chi phí, nhất là các chi phí đầu vào của doanh nghiệp.
Tham khảo nhiều nước về chính sách thuế GTGT đối với nghiệp vụ L/C cho thấy, phần lớn các nước trong khu vực và trên thế giới không áp dụng thu thuế GTGT đối với nghiệp vụ L/C, vì L/C là cam kết bảo lãnh thanh toán (Malaysia, Indonesia, Hàn Quốc, Úc, Anh, EU)…. Riêng Singapore quy định các nghiệp vụ liên quan đến L/C thuộc dịch vụ tài chính nên không áp thuế GTGT, thuế GTGT chỉ áp đối với phí điện báo/phí bưu điện. Một số nước áp thuế trực tiếp (thuế thu nhập doanh nghiệp) đối với nghiệp vụ L/C (không phải là thuế gián thu như GTGT) như: Thái Lan, Philippines, Trung Quốc… và thuế này được tính vào chi phí.
Trong quá trình hội nhập quốc tế, các quốc gia đang nỗ lực cắt giảm và xóa bỏ hàng rào thuế quan. Việc áp thuế GTGT đối với nghiệp vụ L/C nhập khẩu sẽ ảnh hưởng đến các cam kết của Việt Nam tại các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã tham gia. Do vậy, cần phải rà soát lại các văn bản quy định tại luật, nghị định, thông tư liên quan đến lĩnh vực này để thống nhất cách giải quyết và tránh tình trạng không phù hợp với thông lệ quốc tế.
Phóng viên: Với vai trò bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các TCTD hội viên, Hiệp hội đã có những đề xuất kiến nghị gì tới Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, thưa ông?
TS. Nguyễn Quốc Hùng: Theo tôi được biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 755/VPCP-KTTH ngày 29/1/2021, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có văn bản số 2032/NHNN-TD ngày 29/3/2021 gửi Bộ Tài chính về việc thuế GTGT đối với khoản thu từ nghiệp vụ L/C. Nội dung văn bản phù hợp các văn bản quy định tại Luật TCTD 2010, quyết định, thông tư của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về L/C, với thông lệ quốc tế và kiến nghị của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam. Vì vậy, đề nghị Bộ Tài chính tiếp thu và giải quyết sớm vấn đề này để tháo gỡ khó khăn vướng mắc của các TCTD trong hoạt động nghiệp vụ L/C.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Theo thitruongtaichinhtiente.vn